Xe máy đi vào đường cao tốc có thể bị tịch thu Ủy ban an toàn giao thông quốc gia đang soạn thảo đề xuất áp dụng biện pháp tịch thu xe máy cố tình đi vào đường cao tốc và bán đấu giá phương tiện vi phạm để ủng hộ người nghèo. Chiều 26/2, trao đổi với VnExpress, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho biết, Bộ trưởng Giao thông vừa có chỉ đạo nghiên cứu đề xuất với Chính phủ tăng nặng chế tài xử phạt hành vi điều khiển môtô, xe máy tham gia giao thông trên đường cao tốc, "trong đó xem xét phương án tịch thu xe máy, bán đấu giá để lấy tiền ủng hộ người nghèo". "Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia đang trong quá trình soạn thảo văn bản để đề xuất với Chính phủ vấn đề này", ông Hùng nhấn mạnh và cho biết thêm, đây chỉ là một trong số những giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm giao thông và kéo giảm tỷ lệ tai nạn giao thông. vipham.jpg Dù có biển cấm, nhưng nhiều xe máy cố tình đi vào đường vành đai 3 trên cao Hà Nội. Ảnh: Bá Đô Theo quy định hiện hành, người điều khiển mô tô, xe gắn máy và xe thô sơ bị cấm đi vào đường cao tốc vì không đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo ghi nhận của VnExpress, trên nhiều tuyến cao tốc như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 1A, Pháp Vân - Cầu Giẽ, thậm chí cao tốc Nội Bài - Lào Cai dù có biển cấm nhưng nhiều người đi xe máy cố tình vi phạm, thậm chí chống đối cảnh sát giao thông, hoặc bất ngờ quay đầu tháo chạy khi thấy lực lượng chức năng. Chỉ tính riêng trong 9 ngày nghỉ Tết vừa qua đã có hơn 7.000 chiếc xe máy bị tạm giữ vì vi phạm an toàn, "xe máy là phương tiện chiếm phần lớn ở nước ta và cũng là phương tiện gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng", ông Hùng nói. Theo Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc có biển báo cấm sẽ bị xử phạt 200.000 - 400.000 đồng. Trường hợp người điều khiển mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc mà gây tai nạn còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng.