Nói thêm về Lời Hứa, Lời Tuyên Thệ hay còn gọi là Lời Thề Hướng Đạo :
Từ ngữ trong
Lời hứa Hướng đạo (hay Lời tuyên thệ) và Luật Hướng Đạo có thay đổi chút ít theo thời gian và tùy theo từng quốc gia.
Mặc dù đa số tổ chức Hướng đạo nam và tổ chức Hướng đạo nữ dùng thuật từ "lời hứa", có một số ít có chiều hướng dùng thuật từ "lời thề" để thay thế.
Theo Sách 'Hướng Đạo Cho Nam' - 'Scouting for Boys' Robert Baden Powell viết và được phát hành năm 1908 - có giới thiệu lời hứa Hướng đạo như sau :
Trước khi một em bé trở thành một hướng đạo sinh, cậu ta phải làm lễ tuyên thệ hướng đạo như sau:
Tôi xin lấy danh dự hứa rằng---
- Tôi sẽ làm nhiệm vụ đối với Thượng đế và Nhà vua.
- Tôi sẽ cố gắng hết sức mình giúp đỡ người khác bất cứ giá nào.
- Tôi biết luật Hướng đạo và sẽ tuân theo nó.
Trong lúc đọc tuyên thệ, Hướng đạo sinh đứng, đưa tay phải lên ngang tầm vai, lòng bàn tay đưa về phía trước, ngón tay cái đặt lên móng tay của ngón út và ba ngón còn lại duỗi thẳng và đưa thẳng lên:--- Đây là cách chào Hướng đạo và dấu hiệu mật.
Dấu hiệu (ba ngón tay) của Hướng đạo
Với Hướng Đạo Việt Nam :
Trong lúc đọc lời hứa, Hướng đạo sinh đứng nghiêm trong tư thế thẳng người, đưa tay phải lên ngang tầm vai và cánh tay ở khuỷu tay tạo thành một góc 90 độ, lòng bàn tay đưa về phía trước, ngón tay cái đặt lên móng tay của ngón út và ba ngón còn lại duỗi thẳng và đưa thẳng lên cao.
Đó là dấu hiệu (ba ngón tay) của Hướng đạo sinh.
Ba ngón đưa lên tượng trưng cho ba lời hứa Hướng đạo.
Ngón cái trên ngón út là biểu tượng của sự đoàn kết, lớn giúp bé, mạnh đỡ yếu.
Riêng đối với Sói Con và Chim non(Ấu Nam và Ấu Nữ) thì dấu hiệu chỉ gồm có hai ngón tay.
Ngón trỏ và ngón giữa đưa lên cao tượng trưng cho hai tai vểnh lên để nghe lời.
Ngón cái đè lên hai ngón còn lại tượng trưng cho sự bảo bọc, lớn giúp nhỏ, mạnh bảo vệ yếu.
Hình thức lời hứa có thay đổi chút ít từ quốc gia này đến quốc gia khác và theo thời gian, nhưng phải đạt yêu cầu của Tổ Chức Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới để một tổ chức Hướng đạo quốc gia đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên của tổ chức quốc tế này.
Cùng với việc gạn lọc làm dễ hiểu Luật Hướng Đạo của tổ chức, Hiến chương của Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới nói như sau :
Điều khoản II, đoạn 2: "Gắn chặt với Lời hứa và Luật" Tất cả các thành viên của Phong trào Hướng đạo cần phải gắn chặt với một Lời Hứa Hướng đạo và Luật mà nó phản ánh, trong ngôn ngữ thích hợp với văn hóa và văn minh của mỗi tổ chức Hướng đạo quốc gia và được sự chấp thuận của Tổ chức Thế giới, các nguyên lý về bổn phận đối với Thượng đế, với mọi người và với chính mình, và phải dựa vào Lời hứa và Luật mà nhà sáng lập ra Phong trào Hướng đạo đã diễn đạt trong những ngôn từ sau đây:
Lời hứa Hướng đạo
Tôi xin lấy danh dự hứa rằng tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình—
Làm bổn phận đối với Thượng đế và Nhà vua (hoặc dùng "quốc gia" thay cho "Nhà vua")
Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào
Tuân theo Luật Hướng đạo.
Để thích hợp với nhiều tín ngưỡng khác nhau trong Hướng đạo, "Thượng đế" có thể ám chỉ đến một năng lực cao siêu, và không nhất thiết hạn chế để chỉ Thượng đế của các tôn giáo tâm linh.
Hiến chương của Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới giải nghĩa "bổn phận đối với Thượng đế" như là "gắn chặt vào các nguyên lý tâm linh, trung thành với tôn giáo nói đến các nguyên lý đó và chấp nhận các bổn phận đã được đề ra từ các nguyên lý đó."