14. Xe đi bình thường, nghỉ, đề lại thì không nổ máy
Chiếc xe Daewoo Matiz của anh D chạy ngon lành về Bà Rịa- Vũng Tàu trong một chuyến đi chơi, nhưng lúc chuẩn bị xuất phát ra về thì chiếc xe im lìm không thể khởi động được. Ngay trong những ngày đầu xuân, việc tìm kiếm thợ để khắc phục không hề đơn giản.
Mỗi người lái xe cần biết hộp cầu chí trên xe mình có những gì và kiểm tra ngay khi gặp sự cố có liên quan
Khi dừng xe uống cà phê hay ăn sáng ở đâu đó, bạn trở lại xe khởi động thì xe im như cục đá, trong khi mới trước đó ít phút xe hoạt động rất tốt. Được một người bạn có kinh nghiệm tư vấn, anh hiểu rằng thường thì với tình huống này, nguyên nhân có thể khá đơn giản là do cọc ắc-quy vì lý do nào đó đã không tiếp xúc điện, hoặc cầu chì có vấn đề.
Anh D lay hai cọc bình ắc-quy, cả hai vẫn chắc chắn. Tuy nhiên, khi kiểm tra hộp cầu chì thì anh phát hiện ra cục rơ-le tổng trong hộp cầu chì bị tung ra. Một tình huống có thể khiến nhiều lái xe lo lắng hóa ra lại có nguyên nhân thật đơn giản.
15. Xe đột ngột chết máy khi đang chạy
Tình huống xảy ra với anh K khi đang trên đường đi du lịch cùng gia đình tại Nha Trang trong chiếc Mazda 323 đời 2000. Khi xe đang chạy trên đường từ khu du lịch dốc Lết trở lại trung tâm Nha Trang với vận tốc 80km/h thì xe đột ngột chết máy, kim đồng hồ tua quay về số 0. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra nhưng chủ xe đã kịp thời cắt côn trả ngay về số 0 và cho xe chạy trớn tấp vào lề đường kiểm tra, đề máy lại nhưng xe tắc tịt, không thể nổ được?
Rất ít kinh nghiệm về xe nên anh K buộc lòng phải gọi bạn bè tới hỗ trợ đưa xe về gara. Qua kiểm tra thì phát hiện đứt dây cu-roa cam và tình huống xấu là cong xu-páp. Lúc này xe buộc phải nằm tại chỗ và đợi tìm mua dây cu-roa thay thế rồi tính tiếp, cũng may khi thay xong, thử đề máy lại thì máy nổ bình thường.
Đây là một trường hợp may mắn vì đã không bị cong xu-páp, nhưng dĩ nhiên sự may mắn này cũng xuất phát từ việc xử lý rất nhanh trí của người lái ngay khi xe chết máy.
Ngoại trừ trường hợp bơm xăng bị hỏng bất ngờ hoặc hệ thống điện điều khiển bị lỗi, như đã trình bày những tình huống trên, thì việc đứt gây cu-roa cam phần lớn khiến cho xu-páp cong vênh không thể hoạt động. Chính vì vậy, hầu hết các dòng xe đời mới đã khắc phục nhược điểm này bằng cách sử dụng xích để dẫn động trục cam. Các chủ sở hữu xe sử dụng đai dẫn động cam cần chú ý thay thế dây dẫn động định kỳ (thường được khuyến cáo là sau khoảng 80.000km) để tránh những sự cố đáng tiếc.
16. Xe có hiện tượng chạy yếu, đề không nổ
Anh Dũng ở Biên Hòa – thành viên hội otoxomnhala.com – trong một lần chạy xe trên đoạn Trảng Bom, Đồng Nai thì chiếc Asia 7 chỗ bị cà giật trong tích tắc rồi chết máy giữa đường không thể nổ máy lại được. Khu này toàn là rừng cao su nên chẳng kiếm đâu ra dịch vụ sửa chữa. Qua kiểm tra, anh phát hiện ra rằng bơm xăng đã bị hỏng nên không thể cung cấp nhiên liệu cho chế hòa khí.
Hãy dùng kẹp cầu chì để rút các cầu chì khi muốn kiểm tra
Anh nhanh chóng khắc phục theo cách như bạn bè trong hội của anh thường làm là dùng một can nhỏ mà lúc nào anh cũng để sẵn trên xe mua khoảng 5 lít xăng gần đó và dùng ống mềm nhỏ mua tại tiệm vật liệu xây dựng để làm ống dẫn xăng cắm đúng vào vị trí cấp xăng hiện tại cho chế hòa khí. Can xăng trong xe thì được buộc cẩn thận trên ghế phụ, cao hơn chế hòa khí để tạo độ chênh lệch cho xăng chảy xuống. Ống dây mềm dẫn xăng thì được luồn qua cửa bên lái và cố định bằng băng keo, vậy là anh có thể tiếp tục đi về đến gara để thay bơm xăng.
Trên đây chỉ là kinh nghiệm trong một tình huống cụ thể, với xe sử dụng chế hòa khí. Còn với những xe sử dụng hệ thống phun xăng thì khá phức tạp, buộc phải kiểm tra bơm xăng bằng cách lật ghế sau hoặc cốp sau tùy loại xe để kiểm tra bơm xăng. Công việc này đòi hỏi người phải có kinh nghiệm, và cũng không thể áp dụng phương pháp dùng can xăng như xe trang bị chế hòa khí.
Xe có hiện tượng yếu, chạy cà giật bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân phức tạp như: một trong các bu-gi bị chết không hoạt động (tình huống số 9), bu-gi bị bám muội đen hoặc nhớt do hệ thống bạc và các-pốt ôm xu-páp không khít, hoặc chân xu-páp bị mòn khuyết, hay một trong các xéc-măng bị gãy.
Ở khía cạnh khác, có thể hệ thống lửa không đều, bơm xăng bị yếu hoặc lọc xăng quá bẩn, nghẹt đầu béc phun. Trường hợp nghiêm trọng là bơm xăng trong bình chứa bị hỏng hoặc mất nguồn cung cấp điện để hoạt động cũng làm cho xe lịm dần và không thể hoạt động. Hãy kiểm tra cầu chì xem cầu chì của bơm xăng (thường có ký hiệu là F/PUMP) có bị cháy hay không.
Trường hợp xe chạy trời mưa hay qua vũng nước bị chết máy đột ngột có thể hiểu do hệ thống hút nạp khí bị nhiễm nước, dây pin hở, bôbin sườn bị nước vào làm chạm, hư bộ chia điện delco đối với xe chế hòa khí, cá biệt do xui xẻo có thể chết cả ECU đối với xe chạy phun xăng nhưng rất hiếm.
17. Thoát khỏi vũng lầy hoặc cát
Một lần cùng các bạn vào khu du lịch Bàu Trắng, Phan Thiết trên chiếc Honda Odessey, anh Thắng đậu xe dưới chân đồi cát, thuê những chiếc mô tô địa hình 4 bánh rồi hứng khởi leo dọc ngang đồi cát dễ như không. Nhưng đến khi lấy xe của mình ra về, đánh lái vài cái để chuẩn bị quay đầu thì bánh trước đã lún dưới cát không thể thoát ra, mặc cho động cơ V6 3.5L gầm rú, thậm chí ngay cả khi được nhóm bạn hỗ trợ đẩy từ phía sau.
Khi bị sa lầy trong cát hay bùn nhão bạn không nên ngồi ì trên xe nạp ga cao, và cầu mong làm sao cho chiếc xe may mắn thoát ra khỏi cái bẫy, điều này chỉ làm cho bánh xe đào sâu thêm cái bẫy mà thôi, trường hợp xui xẻo có thể cháy bố ambraya.
Khi lâm vào hoàn cảnh này bạn nên xuống xe quan sát mức độ lún để có hướng giải quyết. Với những vũng bùn thì bạn có thể gia cố lại bề mặt bằng đá sỏi không sắc cạnh, cài số 2 và đạp ga từ từ đánh lái một chút qua phải hoặc trái tùy địa thế.
Trường hợp lún trong cát thì cũng để số 2 và đạp ga từ từ, tuy nhiên trước đó bạn có thể phải giảm áp suất lốp để tăng độ bám và phải đổ nhiều nước xung quanh những bánh xe bị lún cát cho bề mặt cát chặt lại. Trong cả hai trường hợp nếu một mình bạn không giải quyết được thì có lẽ phải nhờ thêm người đi đường hỗ trợ đẩy phụ từ phía sau hoặc xe kéo phía trước với dây cáp đủ chắc.
Anh Thắng hôm đó đã gặp may, khi người giữ xe gần đó đã có quá nhiều kinh nghiệm. Người giữ xe ấy điềm nhiên tiến lại và ra hiệu cho tài xế ngừng nạp ga. Anh lần lượt múc vài xô nước đổ xuống bánh xe bị lún cho tới khi mặt cát ướt nhẹp một vùng nén lại, và chiếc xe đã thoát được bẫy cát mà không cần sự hỗ trợ nào khác.
Kinh nghiệm quý báu là người lái xe cần biết cách xử lý để xe không bị sa lầy trong bùn hay cát. Duy trì đà khi đi qua những địa hình này là điều quan trọng, chính vì vậy người lái cần khảo sát kỹ trước khi tiếp cận một vũng bùn hay vùng cát, xác định vị trí đặt bánh chính xác rồi di chuyển ở tốc độ phù hợp thật đều ga để kịp xử lý nhưng không được đi quá chậm. Nếu xe mất đà và có dấu hiệu đứng lại thì dừng đạp ga ngay lập tức để tìm cách xử lý, nếu không bánh xe sẽ ngoáy cho hố sâu thêm.
Lời kết
Trong khuôn khổ của một bài báo, Autocar Vietnam biết chắc rằng sẽ không thể liệt kê hết được tất cả những gì có thể xảy ra trên hành trình của một chiếc xe hơi, mà chỉ là những tình huống điển hình. Hơn nữa, cùng một sự cố, nhưng mỗi lái xe lại có thể có cách xử lý thể khác nhau do hoàn cảnh xảy ra khác nhau.
Mỗi người lái xe để có thể được coi là một “tài già” đúng nghĩa cần hội tụ nhiều yếu tố: sự hiểu biết về chiếc xe mà mình điều khiển, tính ham học hỏi kinh nghiệm, sự bình tĩnh khi sự cố xảy ra, khả năng xử lý tình huống linh hoạt,…
Chúc các bạn luôn lái xe an toàn!
(Nguồn : autocarvietnam.vn)