Bác Jeany.Huynh vui lòng xem giảng giải của Trần Đình Hoành về bài thiền thi "Cư trần lạc đạo" của phật hoàng Trần Nhân tông bên dưới
Hôm nay chúng ta sẽ nghiên cứu một bài thiền thi ngắn nhưng rất sâu sắc của vua Trần Nhân Tông, là bài
Cư trần lạc đạo, vừa đăng gần
Cư trần lạc đạo
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu báo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền
- Trần Nhân Tông
(Trần Khâm 1258-1308)
http://dotchuoinon.files.wordpress.com/2009/11/truclamyentu.jpg
Sống đời vui đạo
Sống đời vui đạo cứ tùy duyên
Đói thì ăn no mệt ngủ liền
Trong nhà có của, đừng tìm nữa
Nhìn cảnh vô tâm, hỏi chi thiền
•
Sống đời vui đạo cứ tùy duyên. Sống đời vui đạo. Không phải là “trốn đời vui đạo” theo kiểu “Lan và Điệp” như mọi người thường lầm tưởng. Đời và đạo là sống và vui.
“Đời đạo là sống vui. Đạo đời là vui sống.”
Có “sống đời” thì mới “vui đạo” được. Vì đời là đạo và đạo là đời. Ngoài đời không có đạo, ngoài đạo không có đời. Như thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác nói trong
Chứng Đạo Ca :
Vô minh thực tính tức phật tính
Huyễn hóa không thân tức pháp thân
Giải thích:
Bản tính thực của vô minh (si mê) chính là tính phật
“Thân không thực” huyền ảo này chính là thân (thực) của tất cả mọi thứ
Đây cũng chính là “sắc bất dị không, không bất dị sắc” (sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc) của
Bát Nhã Tâm Kinh.
• Muốn “sống đời vui đạo” thì phải
“tùy duyên” Chữ “duyên” là chữ bao gồm toàn bộ tư tưởng Phật học.
“Duyên” là nhân quả. Những gì xảy ra bây giờ là kết quả của tất cả mọi nguyên nhân (mọi nhân duyên) trước đó—một tích tắc trước cũng như vô lượng kiếp trước—và là nguyên nhân của những gì sau đó—một tích tắc sau cũng như vô lượng kiếp sau.
(Chỉ cần hiểu hết được lý lẽ của chữ duyên—thập nhị nhân duyên, mười hai bước nhân duyên của cuộc đời—là đã có thể giác ngộ thành Bích Chi Phật)
“Tùy duyên” là “theo duyên”. Nghĩa là chuyện gì xảy đến cũng có lý do của nó, cứ thuận theo đó mà sống–không cần phải chống lại nó, không cần phải phàn nàn về nó, không cần phải lo âu về nó, không cần phải stress về nó, như là:
•
Đói thì ăn no, mệt ngủ liền.
Chẳng ai phàn nàn tại sao đói. Chẳng ai thắc mắc tại sao mệt. Chẳng ai đau khổ mỗi khi đói bụng hay buồn ngủ.
Vậy thì, bệnh thì tìm thuốc chữa, cần tiền thì đi làm kiếm tiền, cần thi đậu thì học, cần hết stress thì giải stress…
Việc gì phải làm thì làm, chẳng lý do gì phải stress, phải phàn nàn, phải trách móc, phải giận dữ, phải đau khổ, phải than thân trách phận, phải tiêu cực.
•
Trong nhà có của, đừng tìm nữa.
Cái gì là báu vật vậy? USD? Hột xoàn mười mấy cara?
Không. Báu vật đó là cái tất cả mọi người trong thiên hạ đi tìm: Hạnh phúc.
Hạnh phúc: Nhà Phật gọi là Niết Bàn—hoàn toàn tĩnh lặng, hoàn toàn an lạc, thành người tĩnh thức, thành Phật.
Nhưng Niết Bàn không nằm ngoài ta—Niết Bàn đã có sẵn trong tâm ta. Phật cũng không nằm ngoài ta, Phật đã nằm sẵn trong tâm. Mỗi người chúng ta là Phật đang thành, là Niết Bàn sắp hiện.
Đừng tìm Phật bên ngoài, đừng tìm Niết Bàn bên ngoài. Trong nhà có của, đừng tìm nữa.
•
Nhìn cảnh vô tâm, hỏi chi thiền.
http://dotchuoinon.files.wordpress.com/2009/11/vo-tam.jpg
Nhìn cảnh thì thấy cảnh, đừng “chú giải” thêm vào cảnh đó. Như là nhìn“mưa rơi trên mái hiên” thì thấy “mưa rơi trên mái hiên”, chứ đừng chú giải thêm là “mưa rơi trên mái hiên buồn tênh” hay “mưa rơi trên mái hiên như những bước nhảy nhót của người yêu.”
Phụ chú tình cảm chủ quan vào “cảnh” ta thấy, là có tâm ý.
Chỉ nhìn cảnh, thấy cảnh, nhưng không phụ chú, không tam quốc diễn nghĩa thêm vào, gọi là “không tâm ý”, tức là “vô tâm.”
“Nhìn cảnh vô tâm” tức là nhìn người chửi mình mà không nổi giận; nhìn bệnh tật đến với mình mà không sợ hãi; nhìn nguy hiểm trước mắt mà không kinh khiếp; nhìn đống vàng mà không hoa mắt; nhìn danh vị mà không ham hố; nhìn quyền lực mà không say mê; nhìn túi quần không một xu teng mà không mặc cảm; nhìn thân thể tật nguyền mà không tủi thân, nhìn thế lực địa vị trong tay mà không kiêu mạn…
Điều gì đến thì đến, điều gì phải làm thì làm. Đến thì đến, nhìn thì nhìn, làm thì làm, nhưng tâm luôn bình lặng, luôn thoải mái, luôn an lạc.
Đó là vô tâm.
Và đó là Hạnh phúc, là Niết Bàn, là Phật tính.
Đối cảnh vô tâm. Nhìn cuộc đời với con tim hoàn toàn tĩnh lặng.
Như thế thì không còn tham lan, sân hận, si mê, kiêu mạn, sợ hãi, làm cho tâm bị mù lòa nữa.
Lúc đó tự nhiên ta thấy được của báu đã có sẵn trong nhà—cái tâm tĩnh lặng của mình, Phật tính của mình, Niết Bàn của mình.
“Đối cảnh vô tâm” là Phật, là Niết Bàn, là an lạc, là Hạnh phúc.
Thế thì đâu cần phải hỏi chi đến thiền, hay tu, hay pháp?