Ngày 29/3/1975, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tham gia tiến công và giải phóng Đà Nẵng. Sau khi đánh chiếm được sân bay Đà Nẵng, quân ta thu được rất nhiều xe của quân đội Ngụy để lại.
Sư đoàn 304 đã trang bị cho đại úy Phạm Xuân Thệ, trung đoàn phó Trung đoàn 66 một chiếc xe Jeep để đại úy Thệ cùng đơn vị tiếp tục tiến vào giải phóng thị xã Hàm Tân.
Giải phóng xong Hàm Tân, Trung đoàn 66 tiếp tục hành quân tham gia đánh chiếm các căn cứ của địch trên đường tiến quân vào Sài Gòn.
6 giờ sáng ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 cùng với xe tăng của Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2) tiến sát cầu Sài Gòn. Phát hiện được lực lượng của ta, địch dùng 8 chiếc xe bọc thép M113 và 4 chiếc xe tăng M41 cùng bộ binh chống trả quyết liệt trên cầu Sài Gòn.
Lực lượng xe tăng của Lữ đoàn 203 tập trung binh lực đánh mạnh xe tăng địch.
Khi đó, đại úy Phạm Xuân Thệ xuống xe bò qua dải phân cách để quan sát địch bên kia cầu rồi về báo cáo với Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304.
Bộ Tư lệnh Sư đoàn thấy lực lượng địch như vậy sợ binh đoàn thọc sâu vào Sài Gòn không kịp giờ, nên đã ra lệnh cho đại úy Phạm Xuân Thệ dùng chiếc xe Jeep cùng lực lượng của Trung đoàn 66 nhanh chóng vượt qua cầu Sài Gòn để tiến vào nội đô.
Trên xe Jeep lúc này ngoài đại úy Phạm Xuân Thệ còn có 5 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 66: Trung úy Phùng Bá Đam (trợ lý cán bộ trung đoàn), Trung úy Nguyễn Khắc Nhu (Trợ lý tác chiến trung đoàn), lái xe Đào Ngọc Vân, hai chiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng và Bàng Nguyên Thất.
Lúc này, đi đầu đội hình thọc sâu là lực lượng xe tăng của Lữ đoàn 203, tiếp sau là Trung đoàn 66. Từ cầu Thị Nghè vào Dinh Độc Lập, do không biết đường nên đại úy Phạm Xuân Thệ đã hạ lệnh dừng xe để hỏi đường.
Trong đám đông nhân dân, có một người đàn ông trung niên dáng chắc nịch, mặc áo sơ mi cộc tay, cầm cờ Giải phóng bước đến bên xe Jeep nói: “Tui biết đường”.
Trợ lý Nguyễn Khắc Nhu liền đề nghị Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ mời người dân này lên xe để chỉ đường.
Một lát sau, nhìn thấy toà nhà cao tầng, trên nóc có treo cờ ba sọc, người dẫn đường liền chỉ và nói to: “Đó chính là Dinh Độc Lập”.
Khi xe Jeep của Trung đoàn 66 đến gần Dinh Độc Lập thì xe tăng 390 của Lữ đoàn 203 đã húc đổ cổng chính của Dinh và lao vào trong. Chiếc xe Jeep cũng nhanh chóng vượt qua cổng rồi vòng theo đường viền bên phải tiến vào sảnh Dinh.
Khi đó, các cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn 66 đã vào trong Dinh Độc Lập để bắt toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh. Được yêu cầu phải rời Dinh Độc Lập để ra Đài Phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng, lúc bước xuống bậc thang của Dinh, Dương Văn Minh quay sang nói với Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ: “Mời các ông lên xe”.
Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ nói: “Chúng tôi đã có xe”. Thế là Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu phải tiến lại chiếc xe Jeep. Khi lên xe, ngoài lái xe Đào Ngọc Vân cầm lái, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ và Tổng thống Dương Văn Minh cùng ngồi hàng ghế phía trên; còn ngồi hàng ghế phía dưới là Thủ tướng Vũ Văn Mẫu, trung úy Phùng Bá Đam, trung úy Nguyễn Khắc Nhu; hai chiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng và Bàng Nguyên Thất ngồi hai bên thành xe.
Sau khi đọc xong lời tuyên bố đầu hàng tại Đài Phát thanh Sài Gòn, Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu lại được đưa trở lại xe Jeep để về Dinh Độc Lập.
Quá trình phục dựng chiếc xe Jeep
Lái xe Đào Ngọc Vân cho biết, sau giải phóng miền Nam, anh còn lái chiếc xe Jeep này khi đơn vị làm nhiệm vụ tiêu diệt Phunrô ở Lâm Đồng đến tháng 6/1976. Sau đó anh Đào Ngọc Vân xuất ngũ, còn chiếc xe Jeep bị hỏng phải đem đi sửa chữa và rồi không biết “lưu lạc” ở đâu.
Tuy nhiên, có một tư liệu rất quý là vào tháng 8/1975, anh Đào Ngọc Vân có chụp ảnh kỷ niệm với anh Phùng Bá Đam bên cạnh chiếc xe Jeep tại Sài Gòn.
Căn cứ vào tấm ảnh này, có thể xác định đây là loại xe Jeep “lùn”, kiểu M151A2. Khi phóng to biển số xe trong tấm ảnh thì xác định được trên biển xe có một ngôi sao trắng và một dãy số 1577…
Riêng chữ số cuối cùng nhìn quá mờ, không rõ đó là số 0 hay số 8. Để xác định chính xác chữ số bị mờ này, Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN nhờ Viện Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) giám định và xác định được đó là số 0.
Như vậy, chiếc xe Jeep từng đưa Tổng thống Dương Văn Minh ra Đài phát thanh Sài Gòn để đọc lời tuyên bố đầu hàng có biển số 15770.
Trong một lần tiếp xúc với ông Nguyễn Hữu Hạnh (nguyên chuẩn tướng của chính quyền Sài Gòn cũ) vào cuối năm 2007, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN được ông Hạnh cho biết, chiếc xe Jeep có biển số nói trên là biển số của Sư đoàn dù.
Căn cứ thêm vào các tài liệu về xe Jeep của Mỹ, thì trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, xe Jeep kiểu M151A2 do Mỹ sản xuất vào những năm của thập kỷ 60 của thế kỷ trước và đưa vào sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1970.
Từ những thông tin trên, Thiếu tướng Lê Mã Lương đã trực tiếp khảo sát và làm việc với lãnh đạo kho J1250 (Tổng cục Kỹ thuật) là nơi hiện vẫn lưu giữ một số xe Jeep chiến lợi phẩm mà ta thu được từ năm 1975.
Đáng mừng là trong số xe đó, có chiếc xe Jeep kiểu M151A2, cùng thời với xe Jeep biển số 15770. Chiếc xe Jeep trên nhanh chóng được làm thủ tục bàn giao để trở thành hiện vật bảo tàng.
Sau khi tiếp nhận chiếc xe Jeep trên, ngày 30/1/2008, Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN nghiên cứu thấy tình trạng xe có một số phụ tùng thay thế không đúng nguyên bản gốc nên đã hợp đồng với Xưởng sửa chữa Hòa Jeep tại Hà Nội để tìm phụ tùng thay thế theo nguyên gốc.
Và gần đây sau khi nhận xe, Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN đã mời một số nhân chứng đến để xin ý kiến. Các nhân chứng liên quan đến chiếc xe Jeep của 33 năm trước đều đánh giá xe được sưu tầm, phục dựng đúng chủng loại, hình dáng, màu sắc của chiếc xe Jeep mang biển số 15770 mà Trung đoàn 66 đã sử dụng năm 1975.
Bên chiếc xe Jeep được sưu tầm, Trung tướng Phạm Xuân Thệ đã xúc động kể với cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN vị trí của 8 người (6 người của Trung đoàn 66 cùng Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu) đã ngồi trên chiếc xe đó khi đi từ Dinh Độc Lập đến Đài Phát thanh Sài Gòn trong ngày 30/4/1975 lịch sử.
Việc phục dựng chiếc xe Jeep mang biển số 15770 đã đạt kết quả như ý. Nó góp phần làm phong phú thêm những hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN trước một sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc.
Nguồn: xaluan.com