Hạng D
8/1/10
4.959
2.063
113
Quận 8
Re:SƯU TẦM CÁC BÀI TÌM HIỂU KỸ THUẬT ÔTÔ

Phanh xe và đổ đèo thế nào cho đúng?!
Luôn nhớ giảm đến vận tốc an toàn từ trước khi vào cua và hạn chế tăng hoặc giảm tốc độ khi đang cua. Góc tư vấn này không thể bằng những diễn đàn chuyên về ôtô, nhưng là tờ báo có uy tín, nên có rất nhiều lượt truy cập mỗi ngày. Mặt bằng hiểu biết chung của mọi người rất khác nhau. Những kiến thức tưởng là cơ bản về cơ khí, về vật lý và nguyên lý hoạt động của ôtô nhiều người chưa biết hoặc được đào tạo sai cơ bản. Không ít người hoang mang vì tư vấn thì mỗi người nói một kiểu. Thế nào mới là đúng? Khi phanh thao tác thế nào? Khi đang lái xe thấy khúc cua thì phải làm thế nào? Khi xuống dốc đổ đèo phải thao tác thế nào cho đúng?
Một số câu hỏi đơn giản nhưng cực kỳ quan trọng mang tính sống còn như vậy chưa chắc khi học lái xe các thầy đã dạy các bạn. Học viên thì chăm chăm đọc tài liệu và đáp án để có thể thi đỗ Lý thuyết và cố gắng đỗ khi thi Sa hình.
Đến bài thi thứ 3 là Lái xe đường trường thì mỗi học viên bỏ 50 "cành" vào cái giỏ ở trên xe cho thầy, thế nào cũng đỗ! Đó là cách đào tạo lái xe ở VN bây giờ. Tôi không đánh đồng tất cả nhưng cách đào tạo lái xe giờ phần lớn như vậy. Thậm chí các tài liệu đào tạo lái xe cũng rất thiếu và không bổ ích.
Có những cái tưởng đơn giản vậy mà nếu không ai bảo cho ta thì đến lúc gặp ai cũng lúng túng. Khi không biết thì phải "thử nghiệm" rồi dần dần quen với cách lái sai cơ bản. Rồi ta đây "lái xe mấy chục năm" tiếp tục tự tin truyền miệng cho thế hệ sau. Tôi xin phép được trả lời 3 câu hỏi tình huống đặt ra ở trên theo trình tự mức độ quan trọng. Nếu bạn nào cảm thấy không đúng, mong nhận được góp ý bổ sung:
1. Khi phanh thao tác thế nào? (xe số sàn). Phanh xe chỉ việc đạp lên chân bàn phanh với lực vừa phải tùy theo tình huống phanh gấp hay chỉ nhấp nhẹ rà phanh để giảm tốc từ từ, chân trái không động gì vào côn cả. Cho đến khi xe đã giảm tốc đến vận tốc mong muốn thì để ý tốc độ xe hiện tại để đạp côn chuyển số hợp lý, về 1 hoặc 2 hoặc 3 cấp tùy vào vận tốc xe sau khi phanh đang là bao nhiêu. Có bạn bảo, khi nhìn thấy đèn đỏ, nên đạp côn thả trôi để tiết kiệm xăng, điều này không cần thiết.
Khi cần phanh thì càng phải để côn bám và tận dụng sức gìm của động cơ. Nếu thả trôi, phanh sẽ không có động cơ giúp đỡ nên mình nó phải chịu áp lực lớn hơn để hãm. Để côn bám, không những động cơ mà máy nén khí của hệ thống điều hòa cũng góp phần gìm xe.
Nhẹ nhàng, phanh bền hơn. Điều làm các bạn ngộ nhận rằng nếu giảm ga mà không âm côn thả trôi thì xăng vẫn tốn vì động cơ rú to như thế cơ mà, chắc nó vẫn ăn xăng lắm. Sai! Khi bạn nhả hết chân ga, hệ thống chế hòa khí cắt giảm tối đa lượng xăng cung cấp về mức như đang chạy không tải - guaranty - hệt như cắt côn. Dù tiếng máy rú to và vòng tua cao thì đó chỉ là nó quay theo quán tính. Điều ngộ nhận này còn dẫn tới thói quen đạp côn hoặc tắt máy khi đổ đèo dốc vì nghĩ rằng tiết kiệm xăng. Tôi sẽ đề cập tiếp.
2. Phanh gấp bắt đầu thao tác thế nào? Đạp phanh và giữ chặt cho đến khi cảm thấy bánh bị bó và trượt (xe không ABS) thì nhả ra rồi lại đạp mạnh, lặp lại liên tục. Cái này giúp xe phanh gấp không bị trượt xoay ngang vì bánh bị bó cứng. Lúc phanh không động gì đến chân côn cả. Có nhiều người thao tác không đúng là cứ phanh là họ đạp côn trước!
Cái này có lẽ là bệnh chung của người mới có bằng lái. Nhưng phải thông cảm là do các thầy dạy không đến nơi đến chốn, nên khi ra đường trường vẫn giữ thói quen lái trong sa hình để không bị "chết máy trừ điểm".
Với xe có ABS thì đơn giản hơn rất nhiều. Đạp phanh thật lực, giữ chặt, chuyện bánh bị bó cứng đã được hệ thống ABS giúp bạn rồi, khi đó để ý chân phanh sẽ thấy nó giật cục vì khi đó ABS đang thực hiện phanh nhấp nhả liên tục để giúp bạn phanh gấp mà không bị trượt. Nếu để ý thì đèn báo ABS cũng sáng lên trên táp-lô.
3. Kết thúc phanh gấp thì làm gì? Khi phanh gấp đến mức xe gần như dừng hẳn, thì lúc đó mới đạp côn để ngắt động cơ và cầu chủ động để xe không bị chết máy. Bây giờ thì động tác lại giống hệt bài thi sa hình với "Tình huống khẩn cấp". Ai đã thi bằng lái đều biết rồi đó, cần phải đạp âm côn để không chết máy, đồng thời ấn đèn tam giác cảnh báo tình huống khẩn cấp để các xe sau được cảnh bảo từ xa mà giảm tốc, không sẽ dễ bị các xe khác đâm từ đằng sau.
Điều thú vị mà các bạn nhận ra ở đây là gì? Đào tạo lái xe ở VN dạy thao tác ở "giai đoạn cuối" chứ không dạy từ đầu nên làm gì. Ngay sau khi phanh gấp tôi thường nhìn gương chiếu hậu ngay tức khắc để chuẩn bị tư thế giảm thiểu chấn thương nếu thấy xe đằng sau đang chuẩn bị lao vào mình.
4. Khi đang lái xe thấy khúc cua thì thao tác thế nào? Nhìn biển báo nếu có. Nếu biển cảnh báo cua gấp, nhất thiết phải rà phanh giảm tốc ngay lập tức trước khi vào cua. Như tôi đã nói lực ly tâm không những phụ thuộc vào góc cua (cua càng gấp lực ly tâm càng lớn), mà còn phụ thuộc vào gia tốc của xe khi đang cua. Nếu ôm cua với tốc độ không đổi thì lực ly tâm là hằng số không đổi, nghĩa là nếu đang cua chưa bị lật thì bạn cứ yên tâm sẽ không bị lật nếu giữ nguyên tốc độ đó.
Nhưng mọi chuyện sẽ khác nếu đạp thêm ga tăng tốc hoặc đạp phanh giảm tốc, khi đó gia tốc bị thay đổi và xe có nguy cơ bị lật rất cao. Hơn nữa, lực ma sát ngang cũng giảm nhiều khi đang cua nên còn có nguy cơ trượt và văng đuôi rất nguy hiểm (các xe hiện đại có hệ thống cân bằng điện tử ESP - Electronic Stability Program để giảm thiểu nguy cơ này).
Vậy nên đừng vào cua tốc độ cao, vào cua tốc độ cao là tự làm khó cho mình, những tài xế nhiều kinh nghiệm họ không dám làm như vậy bao giờ. Có lần trên Youtube cũng đăng cái video xe container bị lật ở Trung Quốc khi cua qua đoạn đèn đỏ đó. Tài xế đang cua bình thường xe không lật nhưng ngay khi tài xế đạp thêm ga tăng tốc trong khi xe vẫn chưa thoát cua lập tức lật. Cái gì cũng có nguyên lý của nó, có những giới hạn vật lý không thể vượt qua.
Luôn nhớ giảm tốc đến vận tốc an toàn từ trước khi vào cua và hạn chế tăng hoặc giảm tốc độ khi đang cua.
5. Đổ đèo thao tác thế nào? (xe số sàn). Kỹ năng đổ đèo là cực kỳ quan trọng nhưng hiếm có trường đào tạo nào nhắc đến. May ra có mỗi bài depart (khởi hành ngang dốc) là có đề cập tới chuyện xe leo dốc làm sao để dừng lại rồi leo tiếp hay rủi ro bị trôi ngược là như thế nào.
Nhưng ngay cả khi tôi hỏi một số bạn học viên là có biết tại sao lại có bài Depart ngang dốc không, nó áp dụng cho tình huống nào, có những người cũng không biết vì sao, chỉ biết là được dạy và phải thi thì tập! Đó là điểm khiếm khuyết của việc đào tạo. Theo tôi kỹ năng đổ đèo cần được đưa vào nội dung chương trình. Có thể bạn không ghép được xe song song hay lùi chuồng móp thân vỏ, nhưng cũng chưa chết người. Trong khi việc đổ đèo mà sai cơ bản thì hậu quả thật khôn lường. Khi đổ đèo tôi thường nhìn biển báo, để còn biết đoạn dốc dài bao nhiêu, độ dốc là bao nhiêu %.
Dùng phanh để giảm tốc độ kết hợp về số.
- Xe bắt đầu thả dốc, giữ khoảng 50km/h với số 4, vòng tua máy khoảng 2200 vòng/phút tùy từng xe.
- Thả hoàn toàn chân ga.
- Không đụng đến côn.
- Tiếng máy to dần và xe trôi nhanh dần, vòng tua lên cao hơn 3500v/phút, nhấp phanh để giảm tốc xuống 50km/h, vòng tua 2200v/phút, lại thả phanh Lặp lại như vậy nếu dốc không quá nghiêng.
Nếu dốc hơn thì phải về số 3, thậm chí số 2, nhưng không được để vòng tua máy lên quá 3500v/phút, sẽ hại đến động cơ, hệ thống làm mát, các chi tiết máy và hộp số. Khi dốc càng gấp thì càng phải đi số thấp và nhấp phanh một cách tiết kiệm. Nghĩ đến phanh như giải pháp cuối cùng.
Tôi đổ đèo dốc kiểu như Tam Đảo hay Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cũng dùng phanh rất hạn chế. Tuyệt đối không thả trôi và không tắt máy khi đổ đèo dốc.
Việc làm đó không hề tiết kiệm xăng như một số bạn nghĩ. Các nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới với lịch sử hàng trăm năm họ đã có những nghiên cứu khoa học cực kỳ nghiêm túc và cẩn thận. Không lẽ các kỹ sư đó không biết và giờ các bạn sáng tạo kiểu như đổ đèo tắt máy hay âm côn về mo N thả trôi để tiết kiệm xăng sao? Trên các tài liệu đặc tả của các loại động cơ, đều đề cập đến chuyện khi chân ga thả hoàn toàn, thì chế hòa khí sẽ cắt giảm tối đa lượng nhiên liệu cung cấp về mức chạy không tải.
Hãy yên tâm là dù có nghe tiếng máy rú ầm lên thì xăng vẫn chẳng tốn hơn tý nào, vì động cơ chỉ quay theo quán tính của xe chứ không ăn thêm xăng. Tắt máy thì khác nào tự sát, hệ thống điện, các hệ thống trợ lực đều bị ảnh hưởng. Còn cái lợi của việc để động cơ gìm giúp xe thì các bạn cũng biết rồi.
Do đó càng đổ đèo thì càng cần phải tận dụng động cơ, máy nén khí điều hòa để gìm xe hỗ trợ cho phanh. Một số bạn lại nói rằng nếu để động cơ gìm xe sẽ làm hại động cơ. Cái này các bạn cũng không phải lo, những chi tiết máy được thiết kế để chịu lực kéo trong phạm vi cho phép, nếu động cơ kéo được bạn lên dốc thì nó cũng đủ bền để gìm bạn xuống cái dốc đó.
6. Đổ đèo thao tác về số thế nào? Kỹ thuật dồn số thấp để "phanh bằng số" yêu cầu phải đồng tốc và làm đúng kỹ thuật. Nếu không làm tốt thì lại cháy côn hoặc vỡ hộp số. Có bạn sẽ hỏi Tại sao lại vỡ hộp số nếu không đồng tốc? Khi không đồng tốc, thì bánh răng nối với cầu chủ động trong hộp số đang quay với tốc độ cao theo đà xe, trong khi động cơ đang chạy ở vòng tua khác. Việc nhả côn sẽ làm cho máy và cầu chủ động khớp vào nhau, động cơ và cầu chủ động xe kết nối, nếu chúng không có cùng vận tốc thì sẽ gây ra lực vặn rất lớn, các bánh răng số có thể bị mẻ gẫy.
Có thể bạn thắc mắc hộp số bền lắm cơ mà? Tôi giải thích nguyên lý của Lực động và Lực tĩnh. Bạn không thể cầm một cái búa to rồi dùng sức ấn cái đinh vào tấm gỗ được. Nhưng với cái búa không to lắm mà giơ lên đập xuống thì đinh thụt vào gỗ rất đơn giản. Lực động là rất lớn, do đó, việc giữ cho côn luôn bám sẽ giảm thiểu hỏng hóc cho hệ thống hộp số và dẫn động của xe. Nếu cần phải tách ly hợp để chuyển số, thì khi tiếp côn phải nhất thiết đồng tốc để tránh sốc. Kỹ thuật đổ đèo là khó và cần được thực hành cẩn thận, tốt nhất là có người có kinh nghiệm kèm cặp là tốt nhất.
Dồn về số mấy? Cái này tùy vào độ dốc, ví dụ bạn thấy con dốc này muốn leo được thì xe phải để số 2, vậy thì khi xuống con dốc này cũng cần đến số 2 mới gìm được xe, còn số cao hơn thì không thể gìm được. Vậy bạn sẽ làm gì tiếp theo. Rà phanh để xe chậm lại đến khoảng 25-30 km/h (dải tốc độ lý tưởng đảm bảo cho việc về số 2 không bị sốc hộp số và ly hợp không bị trượt nhiều). Về số dứt khoát và thả cho côn bám hết trở lại, nhả phanh cho trôi tiếp, vòng tua máy và tốc độ xe tăng dần mà cao quá thì lại nhấp phanh để hãm nó xuống. Nếu thấy dốc lại dốc hơn nữa, vòng tua máy quá cao, xe thì chở nặng, cần phanh về số thấp hơn nữa, nguyên tắc vẫn thế.
Tóm lại bạn chỉ cần nhớ:
- Nhìn độ dốc để ước lượng nên dùng số mấy để gìm xe - Rà phanh giảm tốc về dải tốc độ phù hợp với mức số rồi chuyển số dứt khoát.
- Quan sát đồng hồ vòng tua máy để đảm bảo máy không chạy với vòng tua quá cao, cao quá thì lại rà phanh. Còn nhiều kỹ thuật nữa trong lái xe. Mong các bạn cùng nhau chia sẻ và giúp hạn chế tai nạn GT.
Chúc mọi người thượng lộ bình an.
Hoàng Đức
 
Hạng D
8/1/10
4.959
2.063
113
Quận 8
Re:SƯU TẦM CÁC BÀI TÌM HIỂU KỸ THUẬT ÔTÔ

Những kiểu đãng trí ở người mới lái
Quên tắt đèn pha tới mức hết ắc-quy hay không kéo hết cửa kính khi để xe qua đêm là những tình huống dễ xảy ra nhất. Lần đầu sở hữu ôtô hay mới bắt đầu lái, bạn thường gặp những tình huống hài hước và trớ trêu. Thứ dễ quên nhất với người mới có ôtô là công tắc đèn pha. Điều này có vẻ xa lạ với xe trang bị pha tự động do tắt máy là đèn tắt theo. Nhưng một số loại xe thì đèn pha vẫn bật. Hậu quả là ắc-quy hết điện. Xe số sàn có thể dùng phương pháp đẩy nổ. Số tự động thì không có cách nào ngoài đấu nối sạc ắc-quy để đề.
Quên pha, hết điện không gây hại cho xe. Nhưng bất tiện thì khó kể hết. Bận đến một cuộc họp, hay chuẩn bị về đón con mà xe không nổ? Bạn sẽ tự trách mình lơ đễnh. Nhưng việc đó có thể không dừng lại một lần. Vài người bị lần thứ ba, thứ tư mới "nhớ đời". Một vài hãng trang bị bộ cảnh báo để giúp đỡ tài xế như trên chiếc Ford Fiesta. Nếu chưa tắt pha mà rút khóa, xe sẽ kêu tít tít.
Den-pha-1.jpg
Các loại xe sang như Mercedes E300 trang bị đèn pha tự động và có chức năng sáng sau khi bấm khóa. Hôm nào đó vào xe, bạn bỗng thấy nhiều muỗi, lá cây hay bụi bám đầy ca-bin. Đừng lo. Đó chỉ là do quên không kéo hết cửa kính. Bụi hay lá cây không là vấn đề lớn. Nhưng nếu để ngoài bãi, quên kéo kính vào một đêm mưa, cái giá phải cao hơn nhiều do ca-bin thấm nước.
May mắn nếu nhớ ra khi vừa rời xe. Nhưng nếu để xe ở bãi xa nhà, bạn bị ám ảnh mãi với những câu hỏi như "Không biết đã kéo kính chưa nhỉ? Lỡ bị trộm hay mưa thì sao?". Thậm chí phải lục trí nhớ như mình vào cổng ra sao, nói gì với ông bảo vệ và hành động cuối cùng khi rời khỏi đó để kiểm chứng xem thực sự đã kéo hay chưa.
Chưa thành thói quen thì chỉ cần chi tiết rất nhỏ bạn cũng sẽ quên. Tỉ như đúng lúc đó có điện thoại, quá mừng do hôm nay vào chuồng "đẹp" hay đơn giản là chạy xuống cốp sau lấy đồ.
Giải pháp vẫn là cố nhớ. Nhưng một kinh nghiệm quý báu mà các tài già hay hướng dẫn tài trẻ là "Làm một vòng quanh xe". Mất một phút với chưa đầy chục bước chân, bạn không phải trả giá cho tính hay quên của mình. Vòng quanh xe để kiểm tra bề ngoài như kính kéo chưa, đèn pha sáng hay không, xung quanh có chướng ngại vật gì...Thói quen này còn giúp ích rất nhiều ở các tình huống khác.
Ở bãi xe, thỉnh thoảng có người đứng từ xa, giơ chìa khóa về phía xe rồi bấm đi bấm lại. Đèn vàng lóe lên hai ba cái. Hay có người hấp tấp chạy ra cửa sổ, ngó xuống. Cụ thể hơn là nhờ ai đó chạy xuống kiểm tra. Quên khóa cửa xe phổ biến không kém hai loại đãng trí trên và xảy ra thường xuyên khi đang bận. Tính cách cũng ảnh hưởng tới việc này. Những người vừa đi vừa bấm nút khóa cửa có xác suất phải quay lại kiểm tra cao hơn.
Hãy để ý người lái lâu năm hoặc tài chuyên nghiệp. Bao giờ họ cũng bình tĩnh bấm khóa khi còn ở gần xe và tiện tay mở thử. Một vài ôtô hiện đại như Mercedes có gương chiếu hậu gập vào khi bấm khóa giúp ích rất nhiều cho chủ nhân.
Các sự cố trên xảy ra chủ yếu khi đỗ xe bởi tâm lý kết thúc một hành trình thường gây chủ quan. Cố gắng tập phản xạ kéo dài hành trình đó bằng động tác đi vòng quanh, hoặc ít nhất nán lại quan sát trước khi bước đi.
Trên đây chỉ là những tình huống lãng đãng phổ biến nhất. Tùy từng người mà có thể gặp chuyện khác nhau như đút nhầm mặt đĩa CD, quên hạ phanh tay. Một vài phụ nữ còn quên về P khi đỗ và cứ thế tắt máy (không rút chìa). Rồi sau đó tá hỏa vì xe không nổ.
Trọng Nghiệp
 
Hạng D
8/1/10
4.959
2.063
113
Quận 8
Re:SƯU TẦM CÁC BÀI TÌM HIỂU KỸ THUẬT ÔTÔ

Các loại đèn pha xe hơi
Kể từ khi ra đời, công nghệ đèn pha đã có những bước tiến dài. Từ đèn sợi đốt tuổi thọ ngắn đến công nghệ đèn bán dẫn không chỉ là chiếu sáng, LED đã trở thành một phần trong phong cách thiết kế xe. Đèn sợi đốt truyền thống từng sử dụng trên xe hơi ở đầu thập kỷ 40 và rồi chúng dần bị thay thế bởi đèn ha-lo-gen vào cuối những năm 70. Vẫn đặt trong bầu kín nhưng ánh sáng được cải thiện rõ nét. Đến thập kỷ 80, có thể thay riêng bóng mà không cần thay cả bầu đèn. Nhà sản xuất xe hơi có cơ hội tạo ra nhiều kiểu dáng, phong cách đèn pha khác nhau, phối hợp cùng thiết kế toàn xe.
1_Halogen_philips.jpg
Đèn halogen của Philips. Thập kỷ trước, ngành xe hơi đạt bước tiến dài trong công nghệ đèn pha bằng việc cho ra đời đèn xenon (High Intensity Discharge - phóng điện cường độ cao). Cường độ sáng tăng 60% so với đèn ha-lo-gen thông thường nhưng tiêu thụ năng lượng ít hơn trong cùng thời gian sử dụng.
Cuối cùng, loại đèn pha mới nhất sử dụng công nghệ đi-ốt phát quang với tên quen thuộc LED (Light Emitting Diode). Khá nhiều xe hiện đại sử dụng đèn LED cho việc chiếu sáng ban ngày, Audi R8 là một ví dụ. LED dựa trên cơ sở là chất bán dẫn Si-líc có khả năng chuyển hóa điện năng thành ánh sáng với hiệu suất cao. Nhỏ bé, sản sinh nhiệt ít, bền hơn các loại bóng khác, LED sẽ mở ra một tương lai đầy màu sắc cho công nghệ đèn pha ôtô.
OSRAM_LED_Audi_A8_2.jpg
Đèn pha sử dụng công nghệ LED trên Audi A8 Quay trở lại giai đoạn đầu với những loại đèn pha cổ điển sử dụng bầu kín. Khi bóng cháy, thật lãng phí nếu thay cả chụp đèn, do đó bạn chỉ nên thay bóng mà thôi. Các nhà sản xuất theo những tiêu chuẩn khác nhau, bởi vậy khi chọn hãy chú ý đặc biệt đến giá đỡ, hình dạng, kích thước và nhiệt độ màu. Bóng nguyên gốc trên xe thường làm việc ở dải nhiệt độ 4.100-4.300K, tạo ra ánh sáng gần giống ban ngày. Nếu ánh đèn phát ra có màu hơi xanh hoặc tía thì ở khoảng 5.000-6.000K. Nhiệt độ màu cao không đồng nghĩa sẽ cường độ sáng mạnh, nó chỉ đơn thuần làm thay đổi màu sắc ánh sáng phát ra.
So với bóng sợi đốt truyền thống, đèn ha-lo-gen có tuổi thọ vượt trội. Vì sử dụng thêm khí ha-lo-gen ngăn hiện tượng mòn do kim loại bay hơi ở nhiệt độ cao khiến dây tóc bị đứt. Một lưu ý khác, hãy luôn thận trọng với loại bóng giá rẻ hoặc không rõ nguồn gốc. Chúng có thể nhanh cháy hoặc dây tóc đặt sai vị trí làm giảm khả năng chiếu sáng trong đêm.
1_Original-Xenon-Projector.jpg
Bên trong cụm đèn Xenon Cụm đèn pha thường sử dụng thấu kính hoặc gương cầu lõm để tăng cường độ và lái chùm sáng. Dây tóc sai vị trí trong bóng khiến vị trí tương đối của chúng so với thấu kính hoặc gương cầu không theo đúng tính toán của nhà sản xuất, kết quả là tạo ra chùm sáng bị lệch, bạn không tận dụng được tối đa ánh sáng khi lái xe.
Đèn Xenon có nguyên lý hoạt động khá đơn giản, chênh lệch điện thế tạo ra hiện tượng phóng điện giữa hai bản cực, nhiệt độ của tia lửa điện đưa các electoron trong phân tử khí lên trạng thái kích thích. Ánh sáng được sinh ra khi các electoron này chuyển về trạng thái bình thường.
2_Audi-A6-B-Xenon-Projector.jpg
Cấu trúc đèn Bi xenon trên Audi A6 Bản chất đèn Bi-xenon là đèn Xenon được cải tiến. Một động cơ điện nhỏ làm quay tấm phản xạ. Kết quả làm chùm sáng đổi hướng tạo ra chế độ pha, cốt. Tiêu chuẩn khắt khe và quy trình chế tạo phức tạp khiến chúng không hề rẻ. Bởi lẽ đó, loại đèn thường được trang bị trên xe sang.
Chưa được ứng dụng nhiều cho đèn pha, nhưng đèn LED đã xuất hiện trên xe khá nhiều, với ưu điểm sáng chói, tắt nhanh, tuổi thọ cao chúng đã được sử dụng là đèn phanh trên một số loại xe. LED sẽ là lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất xe hơi trong tương lai.
Thế Hoàng
 
Hạng D
8/1/10
4.959
2.063
113
Quận 8
Re:SƯU TẦM CÁC BÀI TÌM HIỂU KỸ THUẬT ÔTÔ

Điều cần làm khi không sử dụng ôtô lâu ngày
Một thời gian dài không sử dụng, dù để trong gara hay ngoài đường, xế yêu vẫn gặp phải những hư hỏng như ắc-quy chết, lốp xẹp hơi và nứt vỡ, chuột cắn đứt dây Tìm vị trí đỗ Môi trường trong gara có điều kiện nhiệt độ, độ ẩm ổn định sẽ là nơi thích hợp cho ôtô nghỉ ngơi. Nếu phải để ngoài trời trong mùa hè, nên tìm chỗ râm mát và dùng vải bạt phủ ngoài.
Làm sạch Không ít lái xe nghĩ, khi nào sử dụng lại sẽ rửa, đỡ mất công, tiết kiệm tiền. Nhưng nếu trên xe có vết ố vàng, phân chim không được làm sạch ngay, hóa chất trong đó có thể làm hư hại lớp sơn ngoài. Sau thời gian dài, chúng khô lại sẽ khó làm sạch hơn.
Thay dầu Hãy bỏ qua bước này nếu chỉ để xe trong một hai tuần. Nhưng nếu thời gian sử dụng dài hơn 30 ngày, việc thay dầu sẽ là cần thiết. Theo Ford, một số chất trong dầu đã qua sử dụng có thể làm hư hại động cơ.
490_Bien_phap_tranh_hu_hong_cho_xe_khi_khong_su_dung.jpg
Đổ đầy bình xăng Thực tế cho thấy, khi xăng đầy tránh được hiện tượng không khí ẩm xâm nhập lọt vào bình gây ngưng tự hơi nước. Dù xe mới, được làm kín tốt nhưng hơi xăng vẫn có thể lọt ra ngoài, trong một số trường hợp có thể như một ngòi kích nổ và bình chứa đầy nhiên liệu sẽ là một khối thuốc nổ khổng lồ.
Bởi thế, cần vặn chặt nắp bình, kiểm tra đường ống để hạn chế lọt xăng, gara cần có cửa thông gió để hơi xăng thoát ra ngoài. Nếu trong vài tháng không chạy, để tránh xăng bị phân hủy, hãy bổ sung chất ổn định vào bình.
Sạc ắc-quy Không hoạt động lâu, ắc-quy mất dần khi khả năng sạc lại. Nếu có thể sau 2 tuần không sử dụng, hãy khởi động lại xe, để động cơ làm việc trong khoảng 15 phút. Thực hiện công việc này định kỳ sẽ có hai lợi ích gồm bảo quản ắc-quy tốt và tăng độ bền cho động cơ và các phần tử khác.
Có một lựa chọn khác, sử dụng bộ sạc ắc-quy loại nhỏ. Thiết bị cho cung cấp bổ sung điện năng cho một cách định kỳ để tránh bị phóng hết điện.
Không sử dụng phanh tay Thông thường khi dừng, bạn sử dụng phanh tay để cố định xe. Nhưng không nên làm điều đó nếu xe đỗ xe trong nhiều tuần, lực ép từ má phanh lên đĩa phanh liên tục làm cho khu vực này lõm lại. Bề mặt đĩa gồ ghề, phanh không ổn định. Trong tình huống này, hãy sử dụng nêm gỗ chặn bánh.
Tránh xẹp lốp Giống như khi dùng tay bẻ uốn cong một vật nào đó, mặt trong bị ép lại, trong khi mặt ngoài căng ra, tới một giới hạn sẽ hình thành vết nứt. Khi hơi giảm xuống một mức nhất định, trọng lượng xe đè lên lốp làm chúng nứt. Hiện tượng này xảy ra nhanh hơn khi cao su bị thoái hóa.
Để khắc phục hiện tượng này, hãy dùng trụ đỡ trọng lượng xe ở 4 góc hoặc nâng xe lên cao. Vì công việc này khá vất vả nên chỉ thực hiện khi bạn không sử dụng xe trong vài tháng.
Tháo lưỡi cao su khỏi cần gạt lướt Cao su biến chất sẽ chảy và dính lên kính. Do đó hãy tháo lưỡi cao su ra cất nó tại nơi thoáng mát.
Chống chuột Gara sẽ giữ cho xe trong môi trường khô, tương đối ấm. Thật không may đây lại là điều kiện sống ưu thích của các loài gặm nhấm, chuột là một ví dụ. Dưới nắp ca-pô, trong ca-bin hay cốp xe có nhiều thứ để những loài sinh vật này ẩn nấp và gặm nhấm. Dịch bệnh sẽ theo chúng mang vào xe có thể truyền sang người, đặc biệt là trẻ nhỏ, bên cạnh đó chúng cũng sẽ phá hỏng một vài chi tiết trên xe.
Để phòng tránh. Dùng bông thép bịt kín khe hở mà chuột có thể chui qua như ống xả, cửa hút gió và đừng quên đóng kín cửa kính. Dùng bột băng phiến dải quanh xe, mùi của loại hóa chất này sẽ xua đuổi chuột, gián. Mạnh hơn nữa, có thể dùng bẫy hoặc thuốc độc để tiêu diệt chúng, chỉ nên làm điều này khi chắc chắn có ai đó thường xuyên đi kiểm tra. Cũng thật phiền phức khi phải dọn xác của chúng khi đã bị phân hủy.
Thế Hoàng
 
Tập Lái
26/7/11
1
0
0
Re:SƯU TẦM CÁC BÀI TÌM HIỂU KỸ THUẬT ÔTÔ

Cảm ơn bác, một bài sưu tầm hay và bổ ích
 
Hạng D
8/1/10
4.959
2.063
113
Quận 8
Re:SƯU TẦM CÁC BÀI TÌM HIỂU KỸ THUẬT ÔTÔ

Cẩn trọng khi ngắt kết nối hoặc thay bình điện
Ngắt kết nối hoặc thay ắc-quy có thể phát sinh nhiều vấn đề cho xe của bạn. Mô-đun hỏng. Động cơ không khởi động được. Đèn cảnh báo sáng. Mất A/C hay các chức năng khác trên xe. Để cảnh báo người sử dụng về việc ngắt kết nối nhà sản xuất thường đặt một nhãn lớn, màu đỏ, trên hoặc gần khu vực đặt bình điện. Tuy nhiên, họ lại không chỉ rõ những vấn đề có thể xuất hiện. Hầu hết mọi người đều không nhận ra nguy cơ hư hỏng cho đến khi chúng xuất hiện.
Các xe sản xuất sau năm 1981 sử dụng bộ ECU để kiểm soát hoạt động của động cơ. Trong quá trình làm việc hàng ngày, các điều chỉnh thích nghi được lưu trong chip KAM (Keep Alive Memory) nằm trong mô-đun điều khiển hệ thống động lực học PCM (Powertrain Control Module).
Thông tin tổng hợp liên quan đến điều chỉnh: hòa trộn nhiên liệu, điểm chuyển số và các chức năng kiểm soát khác. Keep Alive cũng chứa kết quả tự chẩn đoán của PCM, cảm biến và phần tử kiểm soát khí thải với các mã lỗi (các lỗi trong quá khứ và dữ liệu hệ thống được đóng băng dùng cho quá trình chẩn đoán). Khi PCM mất nguồn nuôi, bộ nhớ thích nghi tạm thời và mã lỗi trong quá khứ sẽ bị xóa sạch.
490_Thay_Ac-Quy.jpg
Đối với xe cũ hơn, việc ngắt mát trong 10 giây sẽ tạm thời sửa chữa một số hư hỏng, làm đèn Check Engine tắt. Mất nguồn, dữ liệu trong bộ nhớ Keep Alive của PCM bị xóa. Thông tin về hư hỏng không còn, đèn Check Engine tắt. Động thời PCM thiết đặt lại trạng thái sơ khai ban đầu về tỷ lệ trộn nhiên liệu/không khí, tốc độ không tải, các chức năng điều khác. Nhưng nếu xe hư hỏng không được sửa chữa, các hiện tượng trước kia lại xuất hiện trở lại và đèn Check Engine sáng sau khi chạy xe một vài ngày.
Lưu ý: Đối với xe sản xuất sau năm 2003, việc thiết lập lại hệ thông (reset) bằng cách tháo nguồn, không chỉ xóa bộ nhớ Keep Alive mà còn làm mất thông tin mà xe đã thu thập phục vụ cho việc hoạt động bình thường của các mô-đun khác.
Các xe sử dụng hệ thống chẩn đoán OBD II sẽ không vượt qua bài kiểm tra khí thải, khi lái xe sử dụng biện pháp ngắt kết nối với bình điện để khởi động lại PCM. Cho dù cách này có thể làm đèn Check Engine không sáng ngay, nhưng nó sẽ không đánh lừa được thiết bị kiểm tra.
Khi máy tính kiểm tra kết nối với PCM qua công chẩn đoán, nó sẽ giám sát tất cả các hoạt động tự chẩn đoán của OBD II. Chỉ cần một hạng mục không được hoàn thành, xe sẽ bị rớt trong bài kiểm tra. Bạn sẽ phải lái xe cho đến khi quá trình tự kiểm tra hoàn thành. Nếu sau một vài ngày, đèn Check Engine không sáng tức là hệ thống đã hoàn thành. Ngược lại nếu đèn sáng trở lại, xe của bạn đã hỏng, chúng cần được sửa chữa trước khi bạn mang xe đi kiểm tra lại.
Một số vấn đề có thể gặp phải sau khi thay ắc-quy hoặc ngắt kết nối Động cơ chạy yếu
Dữ liệu thích nghi bị xóa, tỷ lệ trộn giữa không khí và nhiên liệu không đúng, quá đậm hoặc quá nhạt là động cơ không tạo ra đủ công suất. Sau khi chạy khoảng 80 - 160 km, PCM tự động học lại cách điều chỉnh tỷ lệ trộn, động cơ quay trở lại làm việc bình thường.
Điểm chuyển số thay đổi
Cảm giác về thời điểm chuyển số không giống như ban đầu. PCM hoặc mô-đun kiểm soát hộp số sẽ tự điều chỉnh khi xe chạy được 80 - 120 km.
Mô-đun ABS và túi khí có thể bị lỗi
Điều này không có vấn đề gì. Đôi khi các mô-đun này yêu cầu cài đặt lại nếu muốn hệ thống túi khí hoặc ABS làm việc bình thường.
Chế độ A/C của điều hòa không hoạt động
Trên một số xe, A/C có thể không làm việc trở lại cho đến khi mô đun Climate Control được cài đặt lại.
Đặt lại mô-đun kiểm soát thân xe BCM (Body Control Module)
Tương tự như trên, nếu không được lập trình lại chúng sẽ phá hỏng trạng thái hoạt động bình thường của cửa sổ điện, thông tin vị trí ghế lái, cửa sổ trời điều khiển điện, các thiết lập đối với hệ thống treo. Trên các xe trang bị hệ thống điêu khiển chung CAN (Controler Area Network) không thể liên kết cũng như điều khiển các mô-đun khác, nó cũng không nhận ra mô-đun bổ sung.
Hệ thống chống trộm được thiết đặt lại hoặc không làm việc
Động cơ có thể quay nhưng không khởi động bởi vì hệ thống chống trộm nghĩ rằng có ai đó đang cố gắng ngồi vào trong xe. Một lần nữa để giải quyết vấn đề này hãy dùng máy scan lập trình lại hệ thống.
Mất các chương trình radio và đồng hồ bào thời gian sai. Hãy tự mình cài đặt để sử dụng lại chúng.
Một số vấn đề đặc biệt cho một số hãng xe khi tháo nguồn Toyota, Honda: Nếu tháo ắc-quy khi khóa điện ở trạng thái on, hệ thống túi khí có thể bị lỗi, đèn cản báo sáng. Hãy dùng máy quét để xác định và xóa lỗi này.
Mercedes: Hệ thống cân bằng điện tử, ABS, điều hóa có thể không làm việc bình thường.
BMW, Audi: Sẽ có rất nhiều mô-đun bị ảnh hưởng. Máy quét tốn nhiều giờ để cài đặt lại chúng.
Thế Hoàng
 
Hạng D
8/1/10
4.959
2.063
113
Quận 8
Re:SƯU TẦM CÁC BÀI TÌM HIỂU KỸ THUẬT ÔTÔ

Cấu tạo đồng hồ đo tốc độ trên xe hơi
Là một thiết bị không thể thiếu trên xe, đúng như tên gọi của nó, đồng hồ tốc độ có chức năng hiển thị vận tốc, giúp tài xế nhận ra họ đang đi nhanh hay chậm. Loại đồng hồ tốc độ làm việc theo nghiên lý dòng điện xoáy xuất hiện từ thế kỷ 19, bởi vậy người ta gọi nó là loại đồng hồ công tơ mét cổ điển, hiện thị bằng kim. Nhờ sự phát triển của các thiết bị điện tử, vận tốc xe được xác định qua cảm biến, máy tính xử lý tín hiệu và hiển thị giá trị vận tốc bằng đồng hồ số.
Đồng hồ tốc độ kiểu cổ điển
2_Dong_ho_do_toc_do_tren_xe_hoi.jpg
1-Kim chỉ thị; 2-Lò xo hồi vị; 3-Cốc cảm ứng; 4-nam châm; 5-Bích tựa; 6-Trục dẫn động; 7-Bánh răng dẫn động. Đồng hồ công tơ mét cổ điển khá thủ công, sử dụng dây cáp truyền động từ trục bánh xe tới một nam châm điện. Xe chạy làm nam châm quay tạo ra từ trường biến thiên liên tục, phát sinh dòng điện của trong cốc cảm ứng, chính dòng điện này lại tạo ra một từ trường khác. Nhờ tương tác từ trường, nam châm kéo cốc cảm ứng quay theo. Cốc cảm ứng gắn với kim quay và lò xo hồi vị. Vận tốc xe thay đổi, khiến tốc độ quay của nam châm thay đổi theo, làm mô-men đặt lên cốc cảm ứng biến thiên. Kim lệch đi một góc và duy trì trạng thái cân ổn định khi lực đàn hồi lò xo cần bằng với mô-men xoắn của cốc cảm ứng tương ứng vận tốc xe chạy.
4901_Dong-ho-do-toc-do-tren.jpg
Cáp truyền động Nếu phát hiện thấy kim không làm việc khi xe chạy hoặc phát ra tiếng tích tắc tại khu vực đặt đồng hồ. Vấn đề thường gặp là mòn răng ăn khớp hoặc hỏng cáp. Việc khắc phục chỉ đơn giản là thay mới.
Đồng hồ tốc độ kiểu điện tử Tốc độ xe được xác định thông qua việc đếm số xung điện do cảm biến phát ra trong 1 giây. Một máy tính nhỏ làm nhiệm vụ phân tích các xung này và hiển thị vận tốc xe dưới dạng số.
4902_Dong-ho-do-toc-do-tren.jpg
Cảm biến tốc độ Cảm biến thường dễ hỏng nhất. Vấn đề này thường kèm theo hiện tượng đèn Check Engine sáng hoặc một số trục trặc của hộp số.
Thế Hoàng
 
Hạng D
20/8/10
2.181
0
0
Re:SƯU TẦM CÁC BÀI TÌM HIỂU KỸ THUẬT ÔTÔ

KỸ THUẬT LÁI XE Ô TÔ</h1>
Người lái luôn có lỗi trong mọi tai nạn giao thông! Nguyên nhân duy nhất: không nắm được các nguyên tắc lái xe cơ bản. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng thực tế là như vậy! Nguyên nhân của phần lớn sự cố giao thông là không có sự phối hợp “ôtô- người lái” vì người lái không biết trong các trường hợp đặc biệt, chiếc xe sẽ phản ứng ra sao, và thêm vào đó họ lại còn thao tác sai.
1. Lỗi điển hình thứ nhất - Tư thế ngồi sai
Một số người thích ngồi “thoải mái” trên ghế, còn những người khác lại ngồi rât “nghiêm túc” - tỳ ngực vào vô-lăng, thu hai tay vào nách và dí mũi vào kính trước. Họ cho đó là tư thế thuận tiện nhất, nhưng không biết rằng trong các trường hợp khẩn cấp, chính lỗi này sẽ gây ra tất cả!. Với thế ngồi “thoải mái” thì bạn có thể thò khuỷnh tay trái ra ngoài cửa xe, và chỉ dung hai ngón tay của bàn tay phải để xoay vô-lăng, thế có vẻ là dân chơi “sành điệu”! Nhưng khi gặp tình huống khẩn cấp, trước hết bạn sẽ mất vài phần giây để ngồi thẳng người lên, tóm lấy vô-lăng. Còn nếu bạn ngồi “nghiêm túc” cả người hướng về phía trước, thì hai tay thường nắm rất chắc phía trên vô-lăng. Trong thực tế, cả hai tư thế này đều không cho phép phản ứng nhanh với tình huống xẩy ra. Tư thế ngồi duy nhất đúng: lưng thẳng và dựa vào lưng ghế. Hai đầu gối gần như thẳng để dễ dàng đạp tới chân côn và ga, hai tay vươn tới trước sao cho cổ tay chạm nhẹ vào vô-lăng. Nhẹ nhàng và chắc chắn nắm vô-lăng bằng cả hai tay, đặt bàn tay ở vị trí “10 giờ” và “2 giờ”. Kinh nghiệm cho thấy đây là tư thế ngồi mà bạn có thể thả tay khỏi vô-lăng và nhấc chân khỏi bàn đạp. Nếu cơ thể bạn không thay đổi - bạn đã ngồi đúng, nếu bạn bị nghiêng tới trước hoặc ngả về sau - bạn đã ngồi sai.
2. Lỗi điển hình thứ hai – Vòng xe
Nhiều người vòng xe như sau: trước hết về số 0, tiếp theo vừa phanh xe vừa vào cua, và sau cùng là tăng tốc độ. Chính cách “lái xe” này thực tế đã làm xe mất điều khiển. Dưới đây là “quy tắc vàng” ba bước giúp bạn vòng xe trong bất kỳ điều kiện nào - mưa hay nắng.
Bước 1- giảm tốc độ
Chỉ được phanh xe khi đang đi thẳng, không được đạp phanh khi quay vô-lăng. Nếu cần có thể về số thấp, nhưng chuyển số khi đang vòng cua có thể gây trượt xe đột ngột, nếu đường trơn. Nhiệm vụ của bước này là: giảm tốc độ khi xe đang đi thẳng để chuẩn bị bước tiếp theo.
Bước 2- nhả phanh rồi mới được quay vô-lăng đúng một góc cần thiết, và giữ nguyên không cần chỉnh thêm.
Khi xe đang lượn cần giữ ga đều và đảm bảo tốc độ, không được nhấn hoặc nhả ga vì tăng hoặc giảm ga trên mặt đường trơn có thể làm trượt xe.
Bước 3– đã vượt khúc cua.
Trả vô-lăng về thẳng hướng, sau đó tăng ga. Nhưng thực tế thường phức tạp hơn nhiều: một khách bộ hành băng qua đường, hoặc một chiếc xe đạp đang phóng tới…
Trong trường hợp này tất nhiên bạn sẽ phải phối hợp sử dụng cả hai tay lẫn hai chân
3.Thử phản ứng của xe
Người lái luôn phải biêt chính xác phản ứng của xe trong các trường hợp khẩn cấp, và cảm nhận được mọi giới hạn của nó. Muốn vậy chỉ có mộy cách duy nhất - thử xe trên bãi trống. Trước hết cần phanh gấp ở tốc độ cao, ước lượng độ dài vệt phanh và xem phản ứng của xe. một số địa hình có thể bị lắc khi phanh gấp và do đó cần chỉnh vô-lăng để giữ cân bằng. Ngoài ra, bạn cần nhận biết bằng sống lưng của mình thời điểm bánh xe bị trượt và xe ngừng lăn (nếu không có hệ thống ABS).
Tiếp theo hãy lái xe theo các đường tròn và đường số 8 có bán kính khác nhau để xem phản ứng của xe với vô-lăng khi vòng nhanh. Xe sẽ ra sao nếu lúc ấy bạn lại phanh gấp? Cần thử phản ứng của xe trên bãi trơn trượt với các kiểu dẫn động trước, sau hay 4 bánh. Mỗi kiểu dẫn động có một cách lái riêng. Mọi người thường sai lầm ở đây, ví dụ cho rằng dẫn động 4 bánh cho phép phóng nhanh trên đường trơn. Điều này không hoàn toàn đúng, vì khi xe bị trượt thì điều khiển một chiếc xe dẫn động 4 bánh có khi lại khó hơn một chiếc hatchback dẫn động trước…
 
Hạng D
20/8/10
2.181
0
0
Re:SƯU TẦM CÁC BÀI TÌM HIỂU KỸ THUẬT ÔTÔ

KỸ THUẬT PHANH XE Ô TÔ
Thao tác phanh mới nhìn qua tưởng như không có gì phức tạp: giảm tốc độ, đạp phanh! Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Trước khi đi vào sự tinh tế của thao tác phanh, chúng ta thử trả lời một câu hỏi tưởng như quá dễ: “Cần biết phanh đúng để làm gì?”. Trên thực tế, kiến thức này sẽ đảm bảo mức an toàn tối đa cho bạn cũng như cho chiếc xe của bạn, và hiệu quả phanh trong cả quá trình, từ thời gian phản ứng của tài xế, thời gian xử lý của hệ thống phanh và độ trượt của xe từ khi phanh đến khi dừng hẳn. Trước hết, cần nắm rõ một số đặc điểm về phanh, sau đó thực hành những thao tác phanh phổ biến và hiệu quả nhất. Mặc dù các hệ thống phanh tiên tiến nhất như ABS, EDB, BA… Ngày càng hỗ trợ nhiều hơn cho người lái, giúp họ phanh dễ dàng hơn và hiệu quả hơn, nhưng vẫn có rất nhiều điểm tinh tế, mà bất cứ ai nắm được chúng sẽ giảm được tối đa những sai lầm có thể xẩy ra.
Vị trí chân và tư thế ngồi
Không nên đẩy nghế ngồi quá xa để tránh tình trạng không đủ lực khi đạp phanh gấp lại. Còn ghế quá gần sẽ khó khăn khi di chuyển chân từ bàn đap ga sang bàn đạp phanh và giảm cảm giác lực tác dụng lên bàn chân.
Các biện pháp an toàn
Trước khi phanh nên quan sát gương chiếu hậu. Không nên đạp phanh gấp, gây trượt, khó kiểm soát tay lái. Nếu xe được trạng bị ABS, việc phanh gấp tại khúc cua có thể khiến xe mất ổn định. Nên cố gắng tránh đạp phanh ở những chỗ xóc, giảm ga và phanh trước lúc đến chỗ xóc là tốt nhất, nếu không rất có thể xảy ra hỏng hóc phanh và giảm tốc độ. Vì khi tốc độ đột ngột giảm, các bộ phận sẽ chịu tải lớn hơn do lực quán tính và lực phanh. Đó là lý thuyết, còn trên thực tế có rất nhiều cách phanh. Việc nắm vững và sử dụng thành thạo một số cách phanh đơn giản và an toàn nhất là cực kỳ quan trọng và cần thiết cho người lái.
Phanh cơ bản
Cách này được coi là phổ biến nhất bằng việc đạp mạnh chân phanh và khi vừa cảm thấy bánh xe bắt đầu trượt nhẹ nhảng nhả bớt chân phanh. Khi bánh xe hết trượt , lại đạp mạnh chân phanh cho đến khi xe dừng lại hoàn toàn. Vận tốc xe càng lớn thì lực đạp phanh càng phải mạnh. Kỹ thuật phanh này rất có ích khi cần phanh gấp với tốc độ trên 100km/h, và nếu thành thạo nó , bạn có thể tránh được thời điểm rất nguy hiểm khi phanh như : trượt bánh và mất lái.
Phanh kết hợp
Là một trong những kỹ thuật phanh hiệu quả nhất khi quá trình phanh xẩy ra không chỉ nhờ hệ thống phanh mà còn cả động cơ qua việc cài số thấp. Ưu thế của nó là quãng đường phanh gắn hơn và quán tính quay của động cơ giúp bánh xe khỏi bị trượt. Kỹ thuật cơ bản của phanh tổng hợp là: khi đạp phanh, nhanh chóng chuyển xuống số thấp hơn, chẳng hạn từ số 4 xuống 3 sau đó là 2 và 1 cho đến khi xe dừng hẳn.
Phanh từng bước
Được coi là kỹ thuật phanh dễ thực hiện nhất qua việc đạp phanh nhiều lần với lực phanh thay đổi đều đặn cho đến khi xe dừng hẳn. Kỹ thuật cơ bản là cú đạp phanh đầu tiên phải đủ mạnh để tăng cảm giác chân phanh, còn những lần đạp sau đó chỉ cần đảm bảo cho xe chạt chậm dần đến khi dừng hẳn. Tất nhiên, phanh như vậy , chỉ thích hợp trong trường hợp bình thường, không xẩy ra tình trạng bất ngờ. Và thích hợp cho những người mới biết lái xe.
Đạp - nhả liên tục
Đây là kỹ thuật phanh cần thiết trên đường trơn trượt thông qua việc đạp - nhả chân phanh liên tục giống như hoạt động của hệ thống ABS trên xe, giúp xe không bị trượt, mất lái trên đường xấu. Thời gian thực hành và rèn luyện sẽ cho phép bạn tăng số lần đạp nhả trong thời gian nhất định, đồng nghĩa với việc tăng độ an toàn phanh.
 
Hạng D
20/8/10
2.181
0
0
Re:SƯU TẦM CÁC BÀI TÌM HIỂU KỸ THUẬT ÔTÔ

KỸ THUẬT LÙI XE Ô TÔ
Theo con số thống kê, 98% khoảng cách đã đi của ô tô là chuyển động về phía trước, chỉ có 2% là lùi. Tuy nhiên, lùi xe lại là một trong những kỹ năng không thể thiếu được của mỗi tài xế. Kỹ thuật lùi xe trước hết cần biết xoay trở ở bãi đỗ xe, rồi đến lùi xe vào garage, thao tác trong những đoạn hẹp… Tất nhiên, luôn lách về phía trước thì không phải chuyện khó khăn, nhưng nếu là lùi thì lại hoàn toàn khác.
Kỹ thuật
Kỹ thuật phổ biến nhất là đơn giản nhất là lùi xe trong khi quay đầu nhìn về phía sau. Những người mới biết lái xe nhiều khi phải hạ kính hay mở cả cửa của xe để căn đường. Những người kinh nghiệm hơn thì thường sử dụng gương chiếu hậu. Tất cả các kỹ thuật trên đều có thể sử dụng, nhưng nếu biết được ưu, nhược điểm của chúng thì các bạn có thể tự tin hơn khi ngồi sau tay lái.
+ Khi lùi xe và quay đầu nhìn về phía sau, tài xế sẽ “quên” phần trước và do vậy rất dễ va quệt do không kịp nhận thấy vật cản từ trước hoặc khi vật cản bất ngờ xuất hiện phía trước khi đang lùi xe.
+ Khi lùi và mở cửa xe cùng phía với mình thì người lái không thể quan sát phần phải của xe. Còn vừa lùi vừa thò đầu nhìn qua kính xe cũng có nhược điểm của nó: như thế có nguy cơ đầu người lái va quệt vào đâu đó nhất là nơi chật hẹp hay đông xe quay lại.
+ Kỹ thuật ưu việt nhất là lùi xe cùng với quan sát qua các gương chiếu hậu. Với kỹ thuật này, số “vùng chết” sẽ giảm đi, còn việc luân chuyển liên tục quan sát qua gương và phía trước. Trong kỹ thuật này, việc chỉnh gương hậu có vai trò rất lớn. Khi xe chuyển động về phía trước thì các gương hậu sẽ có hiệu quả nhât khi góc quan sát 2 bên càng rộng. Có nghĩa là nhìn vào gương 2 bên có thể quan sát thấy cạnh ngoài cùng của xe. Nhưng khi lùi thì vùng quan sát quan trọng nhất lại là dưới và phần sau khoảng giữa xe. Tốt nhất là có thể quan sát được vị trí bánh sau, nhưng tiếc là chỉ với các xe đắt tiền mới có góc quan sát như vậy (gương bên sườn sẽ tự động hướng xuống thấp khi cài số lùi). Những người mới biết lái xe thường hay mất phương hướng lùi khi đánh vô-lăng để lùi xe, chỉ cần nhớ rằng khi lùi xe, quay vô-lăng sang bên nào thì xe sẽ lùi về bên đó. Luôn kiểm soát phần đầu xe khi lùi vì mũi xe luôn hướng ra phía ngoài bán kính quay, rất dễ va quệt…
Bài tập
Tốt nhất là nên thành thạo kỹ thuật lùi xe cùng với việc quan sát qua gương. Bước đầu tiên là tập lùi dọc theo đường thẳng với tầm quan sát rộng. Chọn địa điểm rộng rãi, tập lùi xe dọc theo đoạn đường đánh dấu. Sau đó tăng độ phức tạp qua việc căn khoảng cách giữa bánh xe và vạch đánh dấu theo những khoảng cách định sẵn. Bước thứ hai là tập lùi vào gara. Để thực hành, hãy dựng garage (bằng vật dụng tuỳ ý) với khoảng cách cổng hai bên cạnh gương sườn 30- 40cm và tập lùi thẳng, sau đó từ bên trái, bên phải. Bài tập có thể coi là hoàn thành khi bạn dễ dàng lùi xe vào ở bất kỳ góc nào.

Nguồn: Cẩm nang dành cho người điều khiển xe ô tô (NXB Giao thông vận tải)