RE: Có cần nổ máy vài phút trước khi lăn bánh vào buổi sáng?
Tôi thì không phải là người chuyên hút thuốc (mặc dù lâu lâu cũng bắt chước bập bập một điếu chơi) cho nên cách giết thì giờ của tôi mỗi khi chờ máy nóng trước khi khởi hành như sau:Chống xe máy để tạm bên cạnh xe hơi,lật áo che xe phía bên tài lên,mở khóa cửa chui nửa người vào đề máy cho nổ xong chui ra bắt đầu tháo hẳn áo che xe gấp lại cho vào cốp sau.Kiểm tra sơ bộ một vòng quanh xe xem có bị xẹp cái bánh nào không,lắng nghe tiếng máy nổ có nhẹ và êm không.Sau đó dắt xe máy vào bãi xe gửi rồi vào trong xe và đóng cửa xe ,bật máy lạnh lên,bắt đầu chỉnh gương chiếu hậu cho vừa tầm và đệm ga vài phát nghe ngóng tiếng máy xem có bình thường không sau đó khởi hành...Khi đó bao giờ nhiệt độ cũng đã đạt mức trung bình,xe chạy rất êm và...sướng.
Nhân đây xin được copy-past lại bài viết của một mem bên 4r Autoprovn.com.vn (có lẽ bác ấy lấy nick là KAR -đây có thể là bài dịch của bác ấy?4r này hình như đã không còn hoạt động nữa thì phải?) hướng dẫn người dùng xe cho hiệu quả,và đây cũng là cách thể hiện tình yêu thưong đối với con xe_vợ 2 của mình đó các bác.Mình thương nó-nó thương mình các bác ạ:
Lái xe không phải là quá khó đối với tất cả mọi người, nhưng sử dụng xe sao cho đúng thì không phải ai cũng làm được. Trong khuôn khổ bài viết này Autopro muốn chia sẻ đôi chút kinh nghiệm thực tế về cách sử dụng xe, hy vọng độc giả qua đây sẽ chắt lọc được một phần thông tin hữu ích về cách thức sử dụng xe đúng, nâng cao tuổi thọ xe, khai thác triệt để tiện ích của một phương tiện giao thông cá nhân ngày càng trở lên quen thuộc trong cuộc sống của một xã hội phát triển.
Hãy bắt đầu với thao tác khởi động xe. Đa phần người sử dụng xe hơi hiện nay không có những thói quen đáng quý của các bác tài xưa kia- "Yêu xe như con quý xăng như máu"- các "tài già" mỗi khi lên đường thường ít nhất phải có 15- 20 phút chuẩn bị cho chiếc xe yêu. Nhịp sống của xã hội hiện đại khiến những chuẩn tắc xưa trở lên không thực tế, nhưng ít nhất bạn cũng nên chú tâm một số điều sau đây:
- Trước khi khởi động xe vào buổi sáng, hãy kiểm tra mức dầu máy, tùy theo điều kiện sử dụng, xe mới, xe cũ mà tần suất kiểm tra sẽ là 1 tuần, 1 tháng../lần, mặc dù xe hơi luôn có đồng hồ áp lực dầu, nhưng đừng quá phụ thuộc vào đó, vì đến khi áp lực dầu xuống đến mức báo động thì rất có thể bạn sẽ phải trả giá đắt cho 1 phút lười biếng của bạn. Kiểm tra dung dịch bình ắc quy, nếu dung dịch ở dưới mức tối thiểu hãy đem xe đến các gara để bổ sung. Kiểm tra áp suất lốp, nên nhớ nếu bạn để áp suất lớn hơn hoặc nhỏ hơn mức nhà sản xuất đề ra thì đều không có lợi, áp suất thấp sẽ dẫn đến việc xe tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn, áp suất lớn dẫn đến mặt tiếp xúc của lốp không đều, xe xóc hơn, quan trọng hơn cả là độ bám đường kém đi.
- Sau khi kiểm tra sơ bộ bạn có thể khởi động xe, nhưng nếu không phải là xe bạn sử dụng thường xuyên thì nên điều chỉnh ghế lái sao cho có tư thế lái thoải mái nhất, điều chỉnh gương sao cho khi bạn muốn quan sát phía sau thì không ảnh hưởng đến tư thế lái (chỉ cần liếc mắt là quan sát được chứ không phải cúi, nhoài người). Khởi động xe vào buổi sáng hoặc sau một thời gian xe không sử dụng nên để động cơ chạy không tải vài phút để dầu có thể kịp bôi trơn các chi tiết máy. Xin lưu ý là hơn 80 % độ mài mòn của động cơ phát sinh trong thời gian khởi động này.
- Hãy làm quen với việc thắt dây an toàn, điều khiển xe hơi với tốc độ 80 km/h trên xa lộ bạn thấy rất thoải mái và nhàn hạ, nhưng bạn có biết rằng chỉ cần tốc độ 60 km/h mà xảy ra tai nạn đâm xe là bạn sẽ bay qua kính lái
- Nếu bạn muốn gia tăng tuổi thọ động cơ, giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu thì không nên duy trì tốc độ vòng tua máy quá cao cả khi chạy đà tăng số và khi chạy trên xa lộ. Khi bạn khởi hành và tăng tốc thì số vòng tua máy hợp lý để chuyển số là khoảng 1500-1700 vòng/phút. Khi phanh hoặc giảm tốc độ thì bạn nên về số thấp, tối kỵ trường hợp xe mất đà, máy yếu liền tì chân côn một chút để vòng tua máy tăng cao rồi nhả đột ngột, rất hại động cơ và ly hợp.
- Khi vựơt xe trên xa lộ, nên về số thấp để khẳ năng tăng tốc tốt hơn, ngay cả khi không có chướng ngại vật phía trước xe bạn muốn vượt thì cũng lên cẩn trọng, nháy đèn pha, xi-nhan, còi từ xa để người lái xe trước biết rằng bạn xin vượt, giữ khoảng cách an toàn khi 2 xe song song với nhau, động tác tăng tốc vượt phải nhanh, dứt khoát. Phần lớn các vụ tai nạn khi vượt xe trên xa lộ đều do tính toán sai tốc độ của xe ngược chiều, do dự không dứt khoát khi vượt xe.
- Khi xảy ra bất trắc, bản năng mách bảo bạn phải đạp phanh gấp để tránh chướng ngại vật, nhưng sẽ là đại họa nếu bạn nếu bạn vừa đạp phanh chết vừa đánh lái, bạn sẽ mất khả năng kiểm soát, chiếc xe sẽ quay ngang, tồi tệ hơn là lật xe. Trong trường hợp này bạn nên nhấn phanh giảm tốc độ rồi sau đó mới đánh lái, không hoảng hốt giật lái vì chiếc xe sẽ không thể thắng được lực quán tính và theo kịp hướng đi thay đổi đột ngột của xe.
Trên đây là một vài kinh nghiệm nhỏ, hy vọng độc giả sẽ có thể tham khảo thêm.
Kar (Autopro)