RE: Đâm vào cột điện giữa đường
Bác Thiết nói như vậy liệu có phiến diện quá không ạ?
Cháu chưa bàn đến đúng sai trong trường hợp này. Ra tòa thì chắc người bị nạn cũng chẳng thắng được đâu, vì đi vào "đường cấm" mà.
Cái mà cháu muốn nói ở đây là đạo đức của những người làm nghề. Bên thi công dự án, bên điện lực, giao thông công chính..v.v.. nói chung là tất cả những ai "có trách nhiệm" liên quan đến công trình đó đều là những người vô trách nhiệm và vô lương tâm.
Có bác nào ở đây từng hỏi tại sao miếng thép bán nguyệt bọc lưỡi cưa trong cái cưa máy cầm tay lại được hàn chặt vào thân cưa chứ không phải được vặn ốc? Tại vì nhà sản xuất đã biết trước rằng nếu chỉ vặn ốc vào thì sẽ có người tháo cái miếng thép đó ra để tiện cho việc sử dụng nên họ hàn chặt lại. Có ai bắt người ta phải làm thế không? Có lẽ là không, nhưng nhà sản xuất vẫn làm vì họ nhìn thấy trước được hành vi của người sử dụng và đạo đức nghề nghiệp không cho phép họ để tai nạn xảy ra.
Những người có trách nhiệm trong công trình trên đã từng nhìn thấy cái cột điện đó chắc hẳn không khỏi thấy chướng tai gai mắt, chắc hẳn trong đầu họ cũng từng nghĩ "thằng say rượu nào mà đâm vào đây thì chỉ có chết!" nhưng họ lại không làm gì để cứu một mạng người. Việc cắm cái biển cấm xe cơ giới ở đầu đường không phải là việc làm có trách nhiệm ngăn chặn tai nạn mà chỉ là việc làm nhằm rũ bỏ trách nhiệm khi có chuyện xảy ra. Tại sao chỉ cấm xe cơ giới? chẳng lẽ chỉ có xe cơ giới mới đâm được vào cái cột điện đó sao? Bác Thiết nói nếu đi xe đạp đụng vào chỉ u đầu, sứt trán nên để cái cột ở đấy cũng được, nghe có vẻ như bác đang bảo vệ cái cột điện hơi quá đáng. Người đi xe đạp bị thương tật, bị đau ốm, bị hỏng tài sản chẳng lẽ không đáng được quan tâm??! Cái cột đấy nằm chình ình giữa con đường được phép lưu thông bởi xe gì đi nữa thì ít nhất cũng phải được gắn biển báo, được rào bằng thanh chắn mềm để bảo vệ người đi đường.
Hơn nữa, tại sao cấm xe cơ giới mà xe cơ giới vẫn vào được? Nếu có trách nhiệm những người làm cái biển báo đó đã ngăn con đường lại, điều này quá dễ. Họ đã không làm. Sau khi tai nạn xảy ra, con đường vẫn được lưu thông bởi nhiều loại phương tiện, cái cột điện vẫn nằm đấy, tai nạn vẫn có thể xay ra. Họ có thể ngăn con đường lại. Họ vẫn không làm. Họ chỉ cần được việc của họ mà không quan tâm tới tính mạng, tài sản của người khác. Thật là những kẻ vô trách nhiệm và vô lương tâm. Đáng buồn cho một xã hội mà người không còn quan tâm đến người. Đáng buồn hơn nữa là có những người sẵn sàng bênh vực cho những việc làm thiếu đạo đức như vậy.
Ở bên Mỹ, nếu vỉa hè bị bung lên chỉ vài cm do rễ cây hoặc bê tông lâu ngày nứt gãy, sẽ được mài nhẵn để đảm bảo người đi bộ không bị vấp ngã. Dây thép dùng để neo cột điện (loại ta hay thấy ngoài cánh đồng ở VN) cũng phải được bọc nhựa màu vàng để người nào vô tình đi qua nhìn thấy thì không đâm đầu vào đấy. Khi lau sàn nhà ở những nơi công cộng, người lao công cũng phải để biển báo sàn ướt. Những thứ như vậy thiết nghĩ không quá tốn kém nhưng ở ta thì chưa bao giờ nhìn thấy.
Ví dụ trên cháu viết ra không phải để khen nước Mỹ, chỉ là để thấy được bọn "đế quốc sài lang" nó cũng biết đến an toàn của con người là phải được đặt lên hàng đầu. Bao giờ những người "có trách nhiệm", có thẩm quyền ở nước mình mới hiểu được điều đó?