Cũng trong tuần vừa qua, cách đây 92 năm (20/03/1920), Hải quân Mỹ nhận bàn giao một chiếc tàu chở hàng cũ đã được tái chế lại như một cái xà lan có mặt trên bằng phẳng (flat top) được làm bằng sàn gỗ trên khung thép. Con tàu này mang tên USS Jupiter (AC-3) mà trước đó thường dùng chuyên chở than đá và nhiên liệu cho hải quân. Ngày 11/04/1920, chiếc tàu này được đặt tên USS Langley (CV-1) và nghiễm nhiên trở thành loại hàng không mẫu hạm đầu tiên của Hoa Kỳ.
Trước đó không lâu, năm 1918 Hải quân Hoàng gia Anh đã cho ra đời chiếc HKMH thực thụ đầu tiên trên thế giới, HMS Argus, và kể từ năm 1910 người Mỹ cũng đã có nhiều cuộc thử nghiệm cho máy bay (loại cánh đôi - biplane) cất cánh và đáp trên các tuần dương hạm. Việc cất cánh này thường làm bằng cần cẩu, trục máy bay từ boong ra... biển và thả... Bằng cách này, Nhật Bản lại là nước đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công trong trực chiến máy bay chiến đấu cất cánh từ tàu Wakamiya (1914).
Mặc dù vậy, mãi đến hai năm sau, ngày 17/10/1922, Hải quân Mỹ mới tiến hành một cuộc thử nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho toán phi công của Hải quân. Đó là bài tập "cất cánh và đáp máy bay trên một đường băng nhỏ và ngắn lại không cố định". Chiếc Vought VE-7 (bi-plane) đầu tiên cất cánh từ "đường băng di động" thành công đã chứng minh cho giới chỉ huy rằng khái niệm triển khai máy bay chiến đấu trên biển là rất khả thi. Kế tiếp là liên tục các cuộc thử nghiệm đáp máy bay bắt bằng dây cáp, v.v.. Từ đó, chuyên ngành hàng không của Hải quân Mỹ từng bước trưởng thành, tạo điều kiện trải nghiệm để gần 20 năm sau sẵn sàng đối phó với kẻ thù tiềm tàng nhất trong lịch sử thời đó là Hải quân Đế quốc Nhật.
USS Langley (CV-1) trong thập niên 1920
USS Jupiter (AC-3) trước khi "đầu thai" thành USS Langley (CV-1/AV-3)
Vought VE-7 là máy bay chiến đấu đầu tiên do Hải quân Mỹ sở hữu và cũng là máy bay đầu tiên cất cánh từ HKMH đầu tiên của Hoa Kỳ (1918-1928)
Ngày 27/02/1942, HKMH Langley bị trúng 5 quả bom từ các máy bay dive-bomber (ném bom bổ nhào) của Nhật trong chuyến chở hàng giao máy bay đến Đông Nam Á. Cố gắng lết vào gần bến cảng Tjilatjap thuộc Java, Indonesia, với 16 thủy thủ bị thiệt mạng, HKMH Langley hết xíu quách, không chìm nhưng cũng không tự di chuyển được nữa. Để tránh cho tàu không bị lọt vào tay địch, chiếc khu trục hạm theo hộ tống đã bắn 2 phát ngư lôi "ân huệ", đưa Langley xuống đáy đại dương.