còn cái trích đoạn phỏng vấn thiên tài toán học này (được quốc tế công nhận nhen!) thì không hay vì quá hay! kakaka
hay từ cách trả lời câu hỏi khó, đến câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản (vd: liên quan đến his wife & family) một bài học PR lận lưng làm vốn sau này trả lời báo chí (if any) hi hi ...
lâu lâu stress vào đọc lại & suy ngẫm! TUYỆT
Giáo sư Ngô Bảo Châu:
Cái ta đang cố gắng luôn có giá trị
TTO - Giáo sư Ngô Bảo Châu dù bận rộn với những hoạt động tại Hội nghị Toán học thế giới ở Ấn Độ vẫn sẵn lòng trả lời các câu hỏi của bạn đọc
Tuổi Trẻ. Gần gũi, sâu sắc, thân thiện, cách giáo sư Ngô Bảo Châu chuyện trò cho ta cảm giác như giáo sư đang nói chuyện với một người thân, một người bạn, một đồng nghiệp.
Tôi cố gắng hoàn thành việc mình phải làm
* Ngoài sự nỗ lực của bản thân, xin GS chia sẻ điều cần và đủ trước khi bắt đầu một nghiên cứu là gì? (Trần Minh Điền, 25 tuổi)
- Rất khó bắt đầu nghiên cứu khoa học nếu không có một môi trường nghiên cứu khoa học. Có nhiều thứ chỉ học được ở thầy, nhưng có nhiều thứ học ở bạn bè thì dễ hơn. Không khí nghiên cứu xung quanh là một sự cổ vũ rất lớn. Nó giữ vững niềm tin của ta, khi thành công chưa đến, rằng cái ta đang cố gắng có giá trị, có ý nghĩa.
* Xin hỏi động lực nào thúc đẩy anh đến với thành công ngày hôm nay (Hồ Hải Đăng, 18 tuổi)
- Cá nhân tôi không thấy mình có động lực gì đặc biệt, ngoài ý thức cố gắng hoàn thành tốt việc mình phải làm.
Sự trong sáng là một nỗ lực rèn luyện
* Học sinh A0 giờ khổ lắm anh ạ. Suy nghĩ chả còn được trong trẻo như các anh ngày xưa. Cũng có thời cả lũ mơ thành nhà toán học, nói ngông với nhau rồi sẽ thành Lobachevski, Euler của Việt Nam... Đến bao giờ mới có một nơi để dân toán vẫy vùng hả anh? (a0_k42, 18 tuổi)
- Các anh ngày xưa cũng khổ không kém các em bây giờ đâu. Giữ gìn sự trong sáng trong suy nghĩ là kết quả của một quá trình luyện tập đều đặn. Anh nghĩ, các em bây giờ có nhiều hơn cơ hội đi học nước ngoài. Anh hy vọng việc giảng dạy toán ở các trường đại học lớn ở Việt Nam cũng sẽ tốt dần lên. Còn các ngành khác thì quả thật là anh không được biết rõ lắm.
* Xin chúc mừng GS! Cho em được hỏi: Làm thế nào để có một bộ óc tuy duy thật tốt? Những lúc làm việc căng thẳng thì giáo sư thường làm gì để giảm stress? Những lúc nghiên cứu thất bại GS có chán nản không? Đâu là động lực để giáo sư tiếp tục nghiên cứu? Để sống trong môi trường học tập nước ngoài thì cần những hành trang gì? Xin cảm ơn GS. Chúc GS dồi dào sức khỏe và thành công trong cuộc sống. (Lê Phan Thanh Duy, 20 tuổi)
- Tôi cho rằng cách giảm stress tốt nhất là trò chuyện với những người thân trong gia đình. Nhưng cũng có nhiều lúc, khi làm toán căng thẳng quá, tôi đóng cửa phòng làm việc, không nói chuyện với ai nữa. May mà vợ con tôi còn thông cảm.
Để có thể hòa nhập nhanh với cuộc sống ở nước ngoài, có lẽ bạn nên chịu khó đọc sách. Có đọc sách bạn mới thấm được cách đùa của người có văn hóa khác. Khi mình chưa biết đùa, chưa hiểu khi người ta nói đùa thì khó tạo nên những mối tương giao thân thiết. Có nhiều chuyện tầm thường hơn nhiều, ví dụ như trong bữa ăn, người ăn xong trước vẫn ở lại bàn ăn để trò chuyện chứ không ra xa lông xỉa răng.
* Chắc chắn với giải thưởng danh giá này anh cũng sẽ chịu rất nhiều áp lực. Vậy anh đã có những kế hoạch gì để mang những kiến thức mà anh đã có được để giúp đỡ ngành toán học Việt Nam và đất nước Việt Nam? (Lê Vương Thịnh, 27 tuổi)
- Với sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ thông qua chương trình trọng điểm quốc gia về toán, chúng tôi có một số kế hoạch để trong năm, mười năm nữa, sẽ có nhiều nhà toán học Việt Nam trẻ, sung sức, sẽ có nhiều giảng viên đại học ở mọi miền của đất nước có công trình nghiên cứu khoa học thật sự.
* Xin GS cho biết liệu trong tương lai toán học Việt Nam có thể đạt được nhiều thành công hơn không? (Việt, 18 tuổi)
- Tôi thực sự hy vọng cục diện của toán học Việt Nam sẽ thay đổi với chương trình trọng điểm. Nếu trong hội nghị toán học thế giới năm 2018, tức là trong lần sau nữa, có một, hai nhà toán học Việt Nam làm việc ở Việt Nam được mời làm báo cáo chuyên ngành, thì có thể coi như mảng nghiên cứu của chương trình trọng điểm thành công.
Tất nhiên đây là một chỉ tiêu rất phiến diện, nhưng nếu cần một chỉ tiêu để đánh giá một cách nhanh gọn, thì tôi sẽ chọn chỉ tiêu này. Để đạt được mục tiếu đó, các nhà toán học sẽ phải nỗ lực nhiều. Hàn Quốc đầu tư rất mạnh vào toán và khoa học cơ bản từ đầu năm 90, sau hơn 15 năm, vào hội nghị lần trước (2006), họ đã có hai người Hàn Quốc, làm việc ở Hàn Quốc. Lần này thì họ còn một. Nhưng tôi đánh giá là họ đã khá thành công.
* Nếu có thể thì chú sẽ thay đổi điều gì đầu tiên trong nền giáo dục Việt Nam để nước ta sẽ ngày càng có nhiều "Ngô Bảo Châu" hơn? (Phạm Anh Duy, 17 tuổi)
- Ý thức về sự cần thiết của nghiên cứu khoa học nghiêm túc trong các trường đại học.
* Lời đầu tiên tôi xin chúc mừng Việt Nam chúng ta có một vĩ nhân về toán học, GS Ngô Bảo Châu. GS nghĩ sao về sự phát triển của toán học Việt Nam, hơn thế nữa là sự ứng dụng toán học để phát triển đất nước Việt Nam chúng ta! (Lê Nguyễn Đình Khương, 22 tuổi)
- Bạn có vẻ hơi nghi ngờ về "cái tích sự" của toán học cho cuộc sống xã hội. Ở Mỹ, chỉ có 1/4 số người có bằng PhD về toán, tiếp tục làm việc hàn lâm tức là dạy và nghiên cứu toán. 3/4 còn lại, không những có việc làm, mà thường là việc làm có thu nhập khá cao: trong các nhà băng, quĩ đầu tư, hãng bảo hiểm và cái mà tôi ngạc nhiên nhất là con số khá lớn những người đi làm cho cơ quan an ninh quốc phòng.
Ở Việt Nam hiện nay, kiến thức toán học không cần bằng khả năng giao tiếp xã hội, khả năng "quan hệ". Nhưng ngay cái này có thể cũng sẽ thay đổi, nếu xã hội dần dần được tổ chức tốt hơn.
* GS cho tôi hỏi, tại sao GS sau khi đạt được danh hiệu cao quý đó lại không trở về Việt Nam làm việc hẳn thay vì chỉ dừng lại là "tham vấn" như GS đã từng nêu? Chúc GS có được sức khỏe dồi dào! (Phan Thị Mỹ Bình, 29 tuổi)
- Đối với tôi, việc tìm hiểu, khám phá khoa học cũng quan trọng không kém việc góp sức xây dựng nền khoa học và giáo dục Việt Nam. Để làm tốt cả hai việc này, đối với tôi, về Việt Nam làm việc hẳn vào thời điểm này không phải là lựa chọn tốt nhất. Như tôi đã có lời tâm sự, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hiểu rất rõ việc này.
Tôi rất mong muốn các nhà khoa học đang làm việc ở Việt Nam có nhiều điều kiện, cơ hội hơn để phát huy khả năng của mình. Các nhà khoa học cần những chính sách đúng đắn của chính phủ.
Khi ngã, hãy đứng lên đi tiếp
* Chú Châu thân mến, theo chú thế nào là một người thành công và thế nào là một người thất bại? Chú đã bao giờ vấp ngã trong cuộc sống chưa ạ? (Đặng Quốc Trung, 17 tuổi)
- Ai cũng từng vấp ngã. Có một người bạn đã cho chú một lời khuyên như thế này trong một thời điểm khủng hoảng: "Thất bại của cậu không có gì là đặc sắc, rất nhiều người đã ở trong hoàn cảnh như cậu và họ đều đứng lên đi tiếp, tại sao cậu không làm như thế?".
* Ở một vị trí như GS, có lẽ GS có một cái nhìn toàn cảnh về nền khoa học kỹ thuật nước nhà. GS có thể cho biết khó khăn lớn nhất làm trì trệ nền khoa học nước nhà nói chung và nên toán học nói riêng? Và theo GS thì các nhà lãnh đạo (có chất lượng) và giới trẻ Việt Nam nên làm gì để cải thiện điều đó? (Nguyễn Phúc Kỳ Nam, 22 tuổi)
- Chỉ cần nhìn vào thống kê công bố khoa học là có thể hiểu tình hình chung của nghiên cứu khoa học trong nước. Theo tôi, những người có trách nhiệm ở các trường đại học, từ trưởng khoa đến hiệu trưởng nên có ý thức đi tìm những các bộ khoa học sung sức, có năng lực về làm cho mình, và tìm cách đãi ngộ họ tốt nhất có thể. Trường đại học quốc tế TP.HCM làm rất tốt việc này.
Ở các nơi khác, tôi vẫn chỉ nghe thấy nói "có ai giỏi về bọn mình nhận ngay". Có một đội ngũ nhà khoa học trẻ, sung sức, có năng lực là chuyện sống còn của một trường đại học. Chủ động đi tìm không có nghĩa là tự hạ mình. Các trường "to đầu" như Harvard, Princeton thường tự đi tìm người về làm cho mình, chứ họ không ngồi đợi.
* Tôi từng nghe nhắc đến 7 bài toán của thiên niên kỷ (một bài đã được giáo sư Perelman người Nga giải quyết những năm gần đây). Thưa GS, có bao giờ GS quan tâm đến những bài toán đó chưa? GS có còn đam mê và động lực để theo đuổi một trong các bài toán này không? Kiến thức và chuyên ngành của GS có liên quan đến một trong những bài toán đó không?
Việc GS chuyển tới đại học Chicago, như GS nói, là để cùng các đồng nghiệp giải quyết các lĩnh vực liên quan. Tôi muốn hỏi: môi trường và công việc sắp tới ở ĐH Chicago có quá bận khiến GS không còn thì giờ để nuôi ý tưởng cho một trong những bài toán thiên niên kỷ trên không? (Lê Văn Dũng, 25 tuổi)
- Những bài toán được viện Clay đặt tên là thiên niên kỷ đúng là những vấn đề rất quan trọng. Nhưng những vấn đề tôi chọn để nghiên cứu trong thời gian tới đây không liên quan nhiều đến 7 bài toán của viện Clay.
Giải thưởng Fields mang đến nhiều trách nhiệm và lấy đi nhiều thời gian cho việc nghiên cứu. Nhưng cả ở Chicago và ở Hà Nội, mọi người đều rất cố gắng để tôi có nhiều thời gian nhất cho việc làm toán.
Tôi tiếp tục với những dự định
* Hiện nay, GS đang ở trên đỉnh vinh quang nhất trong sự nghiệp mà các nhà toán học muốn vươn tới. Sau khi nhận được giải thưởng có làm GS mất đi động lực nghiên cứu không? Dự định của GS sắp tới là gì? (Bùi Hữu Nghĩa, 19 tuổi)
- Giải thưởng không làm thay đổi công tác khoa học của tôi. Tôi vẫn tiếp tục những dự định tôi đã có từ trước. Dự định khoa học rất khó giải thích đơn giản cho bạn hiểu. Khi giải thích được mọi thứ đơn giản gãy gọn, thì vấn đề coi như đã giải quyết xong một nửa, không còn là dự định nữa.
* Thưa GS, sau khi đoạt giải, GS có kế hoạch gì để cống hiến cho đất nước không? Và GS có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ không? Xin cảm ơn GS! (dang dinh dong, 28 tuổi)
- Tôi sẽ tham gia công việc của Viện đào tạo nghiên cứu cao cấp về toán. Chúng tôi sẽ cố gắng chắp nối các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, để toán học Viêt Nam tiếp cận với nhiều hướng nghiên cứu mới. Viện có trách nhiệm làm vườn ươm cho nòng cốt của toán học Việt Nam tương lai và ủng hộ công tác nghiên khoa học trong các trường đại học. Chúng tôi cũng sẽ rất chú trọng đến những hướng nghiên cứu liên ngành, phối hợp toán học với khoa học máy tính, vật lý, sinh học, kinh tế...
* Thưa GS, trong thời gian tới, ông có dự định sẽ cho dịch các công trình khoa học của mình ra tiếng Việt và xuất bản rộng rãi không? Xin cám ơn. (Lê Anh Tú, 21 tuổi)
- Các công trình khoa học của tôi phần nhiều có tính chuyên sâu, dịch ra tiếng Việt thực ra không có mấy tác dụng. Nhưng tôi rất ủng hộ việc dịch những sách toán, sách khoa học kinh điển ra tiếng Việt. Bản thân tôi cũng sẽ cố gắng viết một số sách phổ biến khoa học dành cho đối tượng là sinh viên đại học.
* Thưa GS, theo ông, phẩm chất nào ở người nghiên cứu khoa học là cần thiết nhất? Có phải là sự can đảm, dám dấn thân không? Xin cám ơn giáo sư! (Lê Anh Tú, 21 tuổi)
- Trung thực, can đảm, tự do trong tư tưởng và học thuật là những phẩm chất không thể thiếu của một nhà khoa học. Dấn thân theo nghĩa xã hội thì phụ thuộc vào cá tính từng người. Nhà khoa học giỏi không nhất thiết phải là người dấn thân vào các công tác xã hội.
* Xin anh cho biết làm thế nào để khoa học Việt Nam thực sự phát triển đột phá trong những năm tới? Liệu chúng ta có cần phải thành lập những trung tâm xuất sắc (Centers of Exellence) như các nước Nhật, Hàn đang làm không? (Đông A, 40 tuổi)
- Những trung tâm nghiên cứu xuất sắc có vai trò rất lớn trong việc kéo mặt bằng chung của giáo dục đại học đi lên. Tất nhiên, muốn được như thế, nó phải có sự gắn bó hữu cơ với các trường đại học.
* Tôi là một luật sư. Khi biết thông tin GS được giải Fields toán học, tôi cảm thấy vô cùng tự hào về những gì GS đã làm. Tôi xin có một câu hỏi: với thành công này, GS có thể cho ý kiến và đóng góp thực tại của Toán học Việt Nam? Và nếu được mời Viện trưởng của Toán học Việt Nam. GS có suy nghĩ như thế nào? (Ngô Minh Thành, 34 tuổi)
- Bạn có thể đọc những câu trả lời của tôi về dự định của Viện nghiên cứu và đào tạo cao cấp về Toán mà chúng tôi rất hy vọng sẽ được nhà nước ủng hộ.
* Xin GS cho biết công trình của GS (chứng minh bổ đề cơ bản Langlands) hoàn thành trong thời gian bao lâu (kể từ lúc bắt đầu bắt tay vào chứng minh cho đến lúc hoàn thành và công bố công trình) và có những trở ngại nào trong quá trình chứng minh? (Nguyễn Anh Lương, 39 tuổi)
- Tôi mất sáu năm để hoàn thành công trình này. Nếu xem thời gian trước đó như một quá trình chuẩn bị, thì chắc sẽ còn nhiều hơn như thế.
* Anh Bảo Châu ơi nếu như về Việt Nam công tác, trong chương trình làm việc, anh có thể giúp cho các em học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa tiếp cận được nguồn tài liệu toán học quí giá ở các quốc gia trên thế giới không? (Nguyễn Toàn Vẹn, 36 tuổi)
- Chương trình trọng điểm quốc gia của ngành toán có một mảng chú trọng đến giáo dục phổ thông chuyên toán. Bản thân tôi không có vai trò chủ đạo trong mảng này. Tài liệu toán thực ra bây giờ khá sẵn ở trên mạng. Cái khó là hướng dẫn học sinh như thế nào để khỏi lạc trong đại dương kiến thức.
Gần gũi cuộc đời
Người vợ & gia đình
* Đằng sau sự thành công của một nguời đàn ông có bóng dáng của một người phụ nữ. GS có thể cho biết đôi điều về người phụ nữ đó không? (le van trinh, 25 tuổi)
- Vợ tôi không muốn được thông tin đại chúng nhắc đến. Tôi hoàn toàn hiểu và tôn trọng cô ấy.
* Xin chúc mừng thành công vang dội của GS, xin phép được hỏi: GS có định hướng cho ba cô con gái của mình theo con đường của GS không? Nếu có cháu không theo cha, anh sẽ nghĩ sao? Xin trân trọng cảm ơn GS! (Bùi Thị Thúy, 38 tuổi)
- Chúng tôi cố gắng định hướng cho con mình theo khả năng và sở thích của các cháu. Nhưng thực ra chuyện này không dễ chút nào.
* Thưa GS! Theo ông thì một môi trường tốt để học tập và nghiên cứu phải như thế nào? Và làm sao để có thể học trong những môi trường như thế? Một học sinh muốn theo con đường khoa học thì cần phải làm việc gì trước, việc gì sau? (Võ phi long, 17 tuổi)
- Môi trường khoa học là nơi việc tìm hiểu kho tàng tri thức của nhân loại và làm giàu cho nó được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Đó là nơi tập hợp những người hết mình trong công tác truyền đạt tri thức đã biết, và tìm tòi những tri thức mới.
* Thưa GS, hiện GS đã trở thành "sao" trong mắt giới trẻ chúng tôi, GS có cảm thấy bị áp lực không khi đời tư, từng thái độ của GS được báo chí đưa tin? (Ngọc Minh)
- Tôi không thích chuyện riêng tư của mình phơi lên mặt báo. Nhưng tôi tin là cơn sốt này sẽ dịu xuống nhanh. Chưa có ai được huy chương Fields hai lần.
* Thưa GS, tôi có một cháu nhỏ đang học lớp 1, cháu rất thích học một toán, tôi muốn hỏi GS làm thế nào để có thể nuôi dưỡng niềm đam mê toán học từ nhỏ cho cháu? (Nguyễn Thị Hồng Linh, 32 tuổi)
- Theo tôi, nên cho trẻ thử sức với những bài toán khó hơn khă năng một chút. Trẻ con, và thực ra cả người lớn, đều có thích thú vượt lên chính mình. Ngoài ra, chị có thể tìm mua một số sách toán học thưởng thức, tiểu sử các nhà toán học lớn... Lúc nào có thời gian, tôi sẽ xây dựng hộ chị một danh sách.
TTO