Một phần bài viết trên nuocnga.net. Chúng ta cùng xem triết lý của người Nga về máy bay thế hệ 5. Có nhiều điểm rất thú vị khi lựa chọn giữa tàng hình hay không tàng hình?
Nhiều báo mới đây đăng Nga đã bắt đầu thử T-50, tuy nhiên chưa có thông tin thừa nhận chính thức.
http://diendan.nuocnga.net/showthread.php?t=666
3. Những tiêu chí cho máy bay thế hệ 5
Những tranh luận về các chi tiết như trên đã kéo dài tới gần chục năm trong khi đề án JSF của Bộ Quốc phòng Mỹ được ráo riết triển khai. Như vậy, có thể nhận định rằng trong khi Mỹ đang tăng hết tốc lực để chế tạo ra cả “một họ” máy bay chiến đấu thế hệ 5 (JSF) thì người Nga dường như vẫn chưa xác định được cho mình những tiêu chí cho việc phát triển rồi chế tạo loại máy bay như vậy. Dường như các nhà chế tạo Nga chưa thống nhất được định nghĩa thế nào là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Những tranh luận dưới đây đã thể hiện khá rõ điều đó.
Các chuyên gia Nga cho rằng về cơ bản, máy bay chiến đấu thế hệ 5 về cơ bản phải có các tinh năng như:
khả năng tàng hình ở một mức độ nhất định, bay với tốc độ siêu âm không cần chế độ tăng tốc, siêu cơ động. Vẫn là Viện sỹ Viện trưởng Fedosov - Viện nghiên cứu quốc gia về các hệ thống hàng không (ГосНИИАС) - với nhận định hoàn toàn ngược lại:
“Kỷ nguyên của định nghĩa về thế hệ máy bay theo những đặc tính bay - kỹ thuật đã chấm dứt. Sự khác biệt chính giữa máy bay thế hệ 4 với thế hệ thứ năm là nằm ở hệ thống khí tài trên buồng lái”. Ông cho rằng ba đặc tính mà các chuyên gia đưa ra để đặc trưng cho máy bay chiến đấu thế hệ 5 là không có tính nguyên tắc và không bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế máy bay thế hệ mới.
Theo đánh giá của Fedosov,
tiêu chí siêu cơ động đã thành hiện thực ở chiếc Su30. Trên chiếc máy bay này, động cơ đã được trang bị hệ thống tạo lực đẩy có khả năng chuyển hướng
(thrust vectoring) tạo khả năng cất hạ cánh với đường băng ngắn và nâng cao sức cơ động của máy bay trong không chiến. Ông cũng cho rằng siêu cơ động trong không chiến chỉ tăng một cách không đáng kể phạm vi sử dụng vũ khí trên cự li gần. Và cũng theo ý kiến của ông, để có được một vài lợi thế trong cận chiến kiểu cổ điển với sử dụng súng máy và tên lửa tầm gần các nhà thiết kế sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Đó là việc cần thiết phải đảm bảo chế độ làm việc ổn định cho động cơ máy bay ở tại những trạng thái cực kỳ phức tạp của siêu cơ động.
Dựa trên những thành quả to lớn đạt được về công nghệ chế tạo động cơ, Fedosov đề xuất không phát triển máy bay thế hệ mới theo tiêu chí này nữa.
Về
tiêu chí vận tốc siêu âm ở chế độ bay hành trình, theo ý kiến của Fedosov, nó chỉ quan trọng khi cần phải giải quyết nhiệm vụ phòng không trên một lãnh thổ rộng lớn, khi mà các máy bay cần phải có một tốc độ bay đủ lớn để di chuyển và đánh chặn ở những vùng biên giới xa xôi của lãnh thổ. Đối với nước Nga, rõ ràng tiêu chí này là quan trọng, nhưng hiện tại, lực lượng không quân Nga đã được trang bị hai loại tiêm kích đánh chặn hạng nặng với tầm bay lớn là Su30 và Mig31. Nếu tính đến nhiệm vụ của lực lượng phòng không sẽ được giải quyết trong sự phối hợp chặt chẽ giữa không quân, tên lửa phòng không và chiến tranh điện tử thì dường như không cần thiết phải cấp tốc triển khai chế tạo một thế hệ máy bay mới. Đơn giản hơn là nâng cao hơn khả năng chiến đấu của những loại máy bay hiện có (chẳng hạn như chương trình cải tiến Mig31M).
Fedosov cho rằng đối với những máy bay có trọng lượng nhỏ hơn 20 tấn không nhất thiết phải cố gắng thiết kế để đạt vận tốc siêu thanh. Và tất cả những luận điểm của Viện sỹ Fedosov đều là đúng đắn nếu xuất phát từ sự cần thiết ưu tiên chế tạo máy bay tiêm kích hạng nhẹ thế hệ thứ năm. Quyết định triển khai chế tạo máy bay tiêm kích hạng nhẹ LFI như trên được dựa trên ba yếu tố sau:
- F22 Raptor của Mỹ sẽ chỉ dùng trong nội địa nước Mỹ, không phổ biến rộng rãi. Đối thủ chủ yếu của máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Nga sẽ là dòng JSF (đại diện là mẫu cơ sở F35).
- Giá thành của máy bay tỷ lệ thuận với trọng lượng của nó, mà nước Nga thì hiện tại chưa có nhiều tiền
- Thị trường chính của thế hệ máy bay này trước tiên là các nước thuộc khối SNG.
Thế nhưng ở đây, Tổng công trình sư của Tổ hợp Su-khôi ông M. Simonov lại có quan điểm ngược lại với Viện sỹ Fedosov. Ông cho rằng máy bay chiến đấu thế hệ 5 JSF một nửa là phục vụ cho thương mại, còn chính F22 mới thực sự là một chiếc tiêm kích để dành ưu thế trên không. Và nước Nga không được phép đánh giá thấp nó, ngược lại, nước Nga phải có nghĩa vụ triển khai những mẫu máy bay tương tự để đáp trả lại. Ông không phủ nhận sự cạnh tranh nguy hiểm trên thương trường của dòng JSF F35 và đề xuất chế tạo những máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ mới một động cơ tương tự (mà tổ hợp Su-khôi đang nghiên cứu chế tạo như S55, S56).
Tiêu chí "tàng hình" sẽ được đề cập ở phần dưới đây.
4. Cuộc rượt đuổi “bóng ma” tàng hình
Về vấn đề này, cũng hơi thấy kỳ lạ là Viện sỹ Fedosov có quan điểm khá bảo thủ về kỹ thuật tàng hình – một trong những yêu cầu chính của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Theo lời ông, kinh nghiệm trong các cuộc chiến tranh vùng Vịnh và Nam tư cho thấy với chiến thuật sử dụng thời nay để chọc thủng hàng phòng ngự đối phương, không phải máy bay chiến đấu mà chính là các tên lửa
“không đối đất” sẽ trở thành mục tiêu chính cho các hệ thống phòng không phía phòng ngự. Viện sỹ Fedosov nói:
”Nếu như hệ thống phòng không để lọt tên lửa, hệ thống phòng ngự sẽ bị thủng và theo “chỗ thủng” đó, bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào cũng thể thoát qua. Do vậy, đối với hệ thống phòng không hiện đại, tiêu chí đặt ra là phải tiêu diệt cho được mục tiêu điển hình là bất kỳ vật thể bay nào có bề mặt phản xạ hiệu dụng - эффективная поверхность рассеивания (ЭПР) từ 0.1m2 và nhỏ hơn”.
Xuất phát từ quan điểm này, ông cho rằng về lý thuyết máy bay với bề mặt phản xạ hiệu dụng nhỏ như vậy có thể chế tạo được, nhưng công năng của máy bay sẽ bị hạn chế thậm chí tụt lùi đi rất nhiều. Ví dụ như chiếc máy bay tàng hình F117 Night Hawk của Mỹ, để có được tính năng tàng hình mạnh mẽ, nó đã phải hy sinh tốc độ, trọng lượng vũ khí mang theo, tính cơ động, khả năng điều khiển bay…Viện sỹ đã đưa ra giới hạn của tính năng tàng hình mà khả năng hiện tại về công nghệ có thể cho phép, đó là
giá trị bề mặt phản xạ hiệu dụng - эффективная поверхность рассеивания (ЭПР) bằng 0.3m2. Nhưng đối với máy bay chiến đấu, giá trị này là giới hạn không thể với tới được bởi vì bản thân máy bay còn phải mang ăng-ten liên lạc, các loại thiết bị báo dẫn đường, cảnh báo, trinh sát.v.v…để rồi cuối cùng tổng giá trị bề mặt phản xạ hiệu dụng của tòan thể máy bay sẽ bằng khỏang 1m2.
Theo Fedosov, “tàng hình” là một cái “mốt” hiện nay trong thiết kế máy bay chiến đấu thế hệ mới! Tất nhiên, cũng cần phải đạt được tính năng tàng hình thông qua thiết kế tạo dáng khí động học, qua việc ứng dụng các vật liệu hấp thụ sóng ra-đa ở những vị trí cần thiết và có thể lắp đặt được. Nhưng không thể vì chạy theo tính năng tàng hình mà phải hy sinh những tính năng quan trọng khác của một chiếc máy bay chiến đấu.
Về tất cả những vấn đề trên, Tổng công trình sư tổ hợp Su-khôi M. Simonov
không hòan toàn đồng ý với Viện sỹ Fedosov. Ông cho rằng, tất cả các máy bay chiến đấu thế hệ mới của các đối thủ tiềm năng đều áp dụng triệt để công nghệ tàng hình. Những máy bay với khả năng tàng hình thấp đương nhiên là sẽ bị bắn phá, tìm diệt ngay từ những cự li rất xa; phi công lái sẽ không thể hiểu được ai bắn họ và bắn từ đâu. Như vậy, tiêu chí về độ tàng hình cao là cần thiết với tất cả những máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ năm.