Dù lão Tà có doạ dẫm thì em cũng phải xả hết "tội lỗi "của lão ra để bà con sau này khỏi trách em "biết mà không nói". Cái lão này đi đâu cũng ôm khư khư tiêu với kiếm, "mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây, để tâm hồn treo ngược cành cây" thế này mà đứng ra làm tour thì lũ chúng em nguyên vẹn về được đến nhà cũng còn có phước lắm lắm.
Rồi tụi em cũng được lão đưa đến một cái quán nhỏ ven đường. Nhìn từ phía ngoài quán không có gì đặc biệt, nhưng qua 1 dẫy nhà đi vào đến sân trong là mở ra cả một không gian thoáng đãng, mênh mông của 1 đầm nước. Cũng đã gần trưa, cái nóng bốc lên từ mặt đường càng làm cho bầu không khí thêm oi ả. Nhưng ngồi sát bờ đầm duới tán lá của một cây bàng khá lớn nên những cơn gió từ ngoài đường thổi vào dường như bớt nóng hơn, rồi ngày càng dịu lại theo làn hơi nước dâng lên từ mặt đầm. Cái dạ dạy trống rỗng đã làm cho lũ chúng em chẳng còn hơi sức đâu mà nhìn ngó đến xung quanh. Mọi người nói chuyện, trêu đùa nhau trong lúc đợi bữa sáng muộn màng. Chẳng ai để ý đến lão Tà chốc chốc lại phóng tầm mắt xa xăm và nhìn một cách vô vọng ra mặt nước mênh mang ngoài kia.
Cái tâm hồn ăn uống của lũ chúng em chắc làm tê tái lòng Tà của lão lắm, rồi cuối cùng không kiềm chế được nỗi ấm ức lão phải thốt lên "Đây là cái bến Tầm dương của em đấy". Lũ chúng em lúc ấy như chợt tỉnh, nhất loạt quay lại nhìn ra bờ đầm. Thì ra cái bến Tầm dương của lão đây. Cái bến tốn biết bao thời gian lao động nghệ thuật của lão, tốn biết bao lời bình lay động tâm can của Mạc lão đại tiên sinh. Và cũng nhờ những bức ảnh về cái bến Tầm dương này mà em biết đến một lão có tên gọi là Tà.
Thôi thế là một lần nữa lại làm cho cảm xúc của lão rơi đánh rộp ngay trên cái chốn mà cái tên của nó đã lẫy lừng trong chốn giang hồ.
Thế mới biết cái câu "con đường tình yêu đi qua dạ dày" nghĩa nó cũng rộng quá các bác nhỉ. Cái bụng mà đói thì chẳng yêu nổi dù là con người hay vẻ đẹp của thiên nhiên diễm lệ nhường kia
.