Vị kỷ và Bác ái trong mỗi cá nhân, trong Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa
Xin chào các bạn!
Mình đã chia sẻ cùng các bạn về tuổi thơ của mình trong giai đoạn Chủ nghĩa xã hội ở bài trước.
Thời đó, gia đình mình thường đi theo cùng các công trình trọng điểm quốc gia, và thời tiểu học mình ở kế khu chuyên gia Liên Xô, học ở nơi có một dãy nhà dùng để dạy cho con em chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam sống – khi họ giúp xây các công trình lớn.
Hiển nhiên là dãy phòng học của mình với dãy phòng của họ như phân đôi 2 thế giới, đồ chơi của tụi mình đâu có gì ngoài những thứ tự chế bằng tờ giấy gấp, bằng ống bơ, bẹ chuối. Nhìn thấy những món đồ chơi chế tác dành cho con em họ mà khát khao thèm muốn, tưởng tượng trong lòng không biết khi nào mới có được - nó thường xuyên len lỏi trong giấc mơ của mình. Những món đồ đó giống như những món đồ gỗ ô tô mô hình mà trẻ con Việt Nam chúng ta bây giờ chơi vứt bỏ lăn lóc quá đỗi bình thường ấy các bạn.
Nơi đó cũng là nơi lần đầu tiên mình nhìn thấy quả địa cầu thế giới và biết vị trí Việt Nam ở đâu trên quả địa cầu. Sự khác biệt, phân biệt giữa hai thế giới chỉ cách ngang 1 bức tường luôn làm mình đặt câu hỏi :
Vì sao Việt Nam nghèo vậy, vì sao người Liên Xô có thứ bánh mỳ, có sữa bột, có hộp kẹo lóng lánh cầu vồng nó ngon đến vậy?. Câu hỏi đó mãi chẳng có lời giải đáp, khi trong sách vở chúng mình được học là chúng ta Rừng vàng biển bạc, vậy mà sao ta mãi vẫn cứ nghèo?
Nhớ lại hai trải nghiệm trên, mình mới thấy rằng, động lực con người một mặt luôn là những khao khát sở hữu những gì chưa có, so sánh với người khác đó là thức cảm của Vị kỷ. Còn một mặt là câu hỏi để đặt ra vấn đề làm thế nào để cái Tập thể lớn hơn kia – lúc ấy vô thức mình cảm thức là nước Việt – có thể giầu có hơn để mình được “thỏa mãn” cái nhu cầu vị kỷ ấy?
Câu trả lời cho câu hỏi đó chính là tình bác ái, chỉ có tình bác ái mới khiến một dân tộc đoàn kết cùng nhau xây dựng đất nước trở nên hùng cường, giầu có, thịnh vượng hơn, và nhu cầu cao hơn của cá nhân được đáp ứng.
Tới đây các bạn có thể thấy rõ, trong nhu cầu của Bác ái có Vị kỷ, và để đáp ứng nhu cầu của Vị kỷ đòi hỏi Bác ái. Đọc các sách triết học Phương Tây thấy rối rắm, và lý luận lòng vòng phức tạp, mình mới thấy hóa ra các học giả Phương Tây bị mắc lỗi chi li quá, thường phức tạp hóa cái đơn giản, từ đó dẫn tới lỗi ngụy biện – nó giống như cách trình bày nguyên lý của một thứ động cơ vĩnh cửu thời khai sáng thế kỷ 18.
Khi đơn giản hóa lại thuật ngữ cốt lõi và gắn lên mô hình tư duy phương Đông lại thấy mọi thứ rất rõ ràng :
- Trong Vị Kỷ có Bác Ái, trong Bác Ái có Vị Kỷ
- Vị kỷ chán thì thèm Bác Ái, Bác Ái chán thì thèm Vị Kỷ - Cái này thỏa mãn sẽ dẫn đến nhu cầu hưởng cái kia, cái kia chán lại quay về thèm cái đầu.
- “Cái này” tồn tại nên mới dẫn đến “cái kia” tồn tại, “cái này” cực đại nó sẽ chuyển cực về “cái kia” nó như âm và dương. Cái này thì Đức Phật hay Lão Tử nói từ lâu rồi các bạn.
Tới đây bạn đã thấy “nó” là cái gì chưa? Chính vì thế khi quan sát tâm, người ta mới thấy sự Vô thường trong suy nghĩ - tức chỉ bản chất là cái Nó, chẳng phải đúng, chẳng phải sai. Vì khi khởi suy nghĩ “gọi là sai”, sau một thời gian Tâm thức lại tự dẫn dắt lý luận lại “thành là đúng” – bởi thế giới bạn đang nhìn nhận và suy nghĩ là Nhị nguyên luận.
Sự dịch chuyển tâm thức – hình thành và sụp đổ một hệ giá trị quan – trong Vũ trụ tâm trí của một người diễn ra trong vài năm hay chục năm, còn sự dịch chuyển tâm thức xã hội – tức cái Tâm lý tiến hóa của một dân tộc nó trong chu kỳ 20 – 40 năm. Nó cũng chuyển động theo chu kỳ như trái đất quay quanh mặt trời, hay hệ mặt trời quay quanh tâm của Ngân hà vậy - diễn ra hết sức từ từ khi chuyển giao mỗi thế hệ mà chúng ta rất khó nhận thấy.
Khi đã hiểu như vậy rồi, chúng ta đừng quá đặt nặng vào vấn đề tranh cãi mô hình là Xã hội chủ nghĩa hay Tư bản chủ nghĩa ưu việt, Vị kỷ quan trọng hay Bác ái quan trọng, sự tồn tại luôn cần cả 2.
Vị kỷ giúp đảm bảo vật chất, sự an toàn thân thể và tồn tại vật lý, còn Bác ái đưa Vị kỷ lên 1 tầng thức mới – tức tiến hóa nhu cầu về tinh thần và vật chất cao hơn. Cá nhân hay xã hội nào đang thiếu cái gì nhiều thì tập trung vào cái đó, thiếu bình đẳng, hay thiếu lý tưởng thì phải tập trung vào giải quyết vấn đề bình đẳng, hay chung khát vọng – tức Bác ái. Thiếu vật chất thì phải ưu tiên tập trung vào Vị kỷ để thúc đẩy cạnh tranh, khẳng định. Nhưng hãy nhớ : luôn cần sự hài hòa cân đối của cả 2.
Để cân bằng Vị kỷ với Bác ái tức Vị kỷ đó không xâm phạm lợi ích, tự do của người khác – của cộng đồng – của tập thể. Ngược lại để cân bằng Bác Ái với Vị kỷ thì Bác Ái cũng không cưỡng buộc, cướp đoạt quyền tự do thể hiện bản sắc, tài năng cá nhân.
Tới đây thì các bạn đã học được một bài học lớn : ở dưới thời Xã hội chủ nghĩa tập trung quan liêu bao cấp thì bạn bị “ép buộc mất tự do”, nhưng ở dưới nguyên tắc của thị trường tự do Tư bản chủ nghĩa thì bạn “tự nguyện bị mất tự do”.
Bởi chỉ cần bước ra đường, thậm chí mới mở mắt bật điện thoại là bạn đã phải chạy theo các nhu cầu tiêu thụ, tiêu dùng không được tiết chế, phải vay nợ, và thu nhập luôn không đủ tiêu – các định chế, tổ chức tài chính – vòi bạch tuộc của Tư bản luôn gợi lên các nhu cầu và xòe tiền ra cho bạn tiêu trước trả sau. Bạn có biết nguyên nhân tại sao không?
Nguồn: FB Khai Sáng