Xe hơi số tự động ngày nay đang ngày càng trở nên phổ biến nhờ tính tiện dụng và không đòi hỏi nhiều thao tác lái phức tạp. Tuy nhiên xe vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây nguy hiểm do tài xế chưa hiểu hết kỹ thuật lái. Để giúp các bạn lái xe an toàn hơn cũng như bảo vệ động cơ và hộp số xe tốt hơn, volang.vn xin giới thiệu kỹ thuật giúp các tài xế tự tin hơn khi lái xe số tự động.
Cơ cấu số tự động trên Toyota Camry 2007
1. Các thao tác lái cơ bản:
- Trên một chiếc xe AT, lưu ý rằng chỉ có hai bàn đạp ga và phanh dùng cho chân phải, chân trái luôn được để dưới sàn, một số người có thói quen đạp phanh bằng chân trái, đạp ga bằng chân phải là một thói quen dễ dẫn đến tai nạn khi chuyển sang lái trên nhưng xe có số cơ. Với số tự động, chỉ dùng chân phải để kiểm soát ga và phanh là đủ, để đảm bảo không đạp cả hai cùng một lúc.
- Trước khi khởi động, kiểm tra tay số đã để ở vị trí P chưa, chân phải ấn vào pedal phanh, rồi bật chìa khóa điện, quan sát nhanh bảng đồng hồ xem có bất thường không, bật công tắc khởi động máy.
Các thao tác an toàn khi sự dụng số tự động
- Để xe có thể di chuyển, chuyển tay số về D, OD hoặc R, nhả phanh tay. Nhấc nhẹ chân lên khỏi pedal phanh, chiếc xe sẽ từ từ lăn bánh, điều này sẽ làm những người quen chạy xe số cơ ngạc nhiên tí chút. Nếu xe không chuyển động có thể do địa hình dốc hoặc không bằng phẳng, chuyển chân sang pedal ga, nhấn nhẹ để xe tăng tốc .
- Khi cần giảm tốc bạn nên đạp nhẹ chân phanh (bằng chân phải). Không cần thiết chuyển cần số ra khỏi vị trí D hay R khi dừng xe trong một vài phút . Nên giữ chân phải trên pedal phanh mỗi khi dừng xe. Khi đỗ xe, chuyển số về P, nếu cần thiết, kéo thêm phanh tay khi nền đường dốc, lúc đó bạn mới tắt máy và rời chân phải khỏi pedal phanh.
- Nếu phải chờ đèn đỏ quá lâu, bạn nên chuyển số về N và kéo phanh tay phòng trường hợp xấu bị xe khác đâm từ phía sau. Nếu không chuyển mà giữ nguyên ở số tiến D và phanh, chân bạn không đủ khỏe để hãm. Trong tình huống đó, xe sẽ vọt lên phía trước, rất nguy hiểm.
- Trong mọi trường hợp chuyển sang các chế độ khác nhau (D, N, R, P hay D1(L), D2 (S), D3), tài xế cần đạp phanh để đảm bảo an toàn.
2. Lái xe lên dốc:
- Khi lái xe AT lên dốc các bạn chỉ cần làm mỗi một việc là để cần số ở vị trí D. Tùy tốc độ thực tế của xe mà hộp số tự động sẽ chuyển tới số thích hợp. Không nên chuyển cần số về vị trí 3, 2 hoặc L. Các vị trí số được đánh dấu bằng số chỉ dùng khi cần phanh động cơ hãm bớt quán tính của xe bằng lực cản của động cơ khi xe được cài số thấp.
- Nếu xe đang lên dốc mà bạn cần tạm dừng lại hãy bật xi nhan xin đường, lái xe vào lề đường, nhả ga, đạp phanh chân, kéo phanh tay ( hoặc phanh chân trái tùy loại xe được thiết kế khác nhau cho phanh bổ trợ). Khi cần đi tiếp thì bạn chỉ nhả phanh chân, nhanh chóng chuyển chân phải sang ga, nhớm ga cho xe chuyển bánh rồi lập tức hạ phanh tay. Tuyệt đối không hạ phanh tay trước khi nhớm ga để xe chuyển bánh vì xe có thể bị mất phanh và gây áp lực quá lớn tới hộp số làm giảm tuổi thọ của hộp số.
- Trường hợp bạn muốn đỗ xe lại khi đang lên dốc hãy bật xi nhan xin đường, lái xe về bên vệ đường, nhả ga, chuyển chân phải sang đạp phanh, khi xe dừng hẳn thì kéo phanh tay, chuyển cần số về vị trí P. Nếu dốc cao thì nên chèn bánh xe để giảm bớt áp lực lên hệ thống phanh và hộp số. Khi muốn đi tiếp mà cần phải khởi động lại xe thì đạp phanh chân, khởi động động cơ, bấm xi nhan xin đường, chuyển cần số đến vị trí D, nhả chân phanh, chuyển thật nhanh chân phải sang ga, nhớm ga nhẹ để xe chuyển bánh, hạ phanh tay và tiếp tục chạy.
- Khi đang lên dốc mà gặp tình huống đường trơn, bạn không nên tăng, giảm ga đột ngột, đặc biệt là ở những khúc cua vì xe có thể bị văng đuôi, ngoáy đuôi sang hai bên đường. Tuyệt đối không đánh lái quá lớn, quá nhanh, chỉ nên lựa nhẹ nhàng để hướng xe đi theo ý muốn.
- Khi xe lên gần tới đỉnh dốc cao, ta nên giảm bớt chân ga để lường tình huống chưa biết rõ phía trước, khi đã thấy rõ phía sau của dốc thì ta lại cho xe lướt tiếp.
3. Lái xe xuống dốc:
- Khi xuống dốc xe bị rơi vào tình trạng chạy theo quán tính, do đó người lái nên kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc sử dụng hộp số và phanh chân để tránh làm hỏng hộp số và má phanh.Theo kinh nghiệm từ xe số sàn, thông thường, bạn lên dốc số nào thì xuống với số đó. Hầu hết số tự động đều có chế độ số tay (bán tự động M hoặc dấu + (tăng số) và – (giảm số)). Nếu không có cơ chế bán tự động, hộp số có các ký hiệu như D1 (hoặc L, chỉ số 1), D2 (hoặc S, chỉ số 2) hay D3. Nếu đặt ở D3, số cao nhất sẽ là 3. Giảm tốc, xe về số 1 hoặc 2. Điều kiện địa hình càng khó thì bạn có thể chuyển về D2 hoặc D1.
- Người lái có thể chủ động chọn số cho phù hợp với điều kiện thực tế, như tốc độ, tải trọng, điều kiện đường… Khi ta lái xe số AT xuống dốc mà thấy xe trôi nhanh ngoài ý muốn, thì ngay lập tức phải đệm phanh và gạt cần số xuống một trong những vị trí số thấp hơn. Nếu chuyển cần số đến số quá thấp thì xe chạy bị gằn, vòng tua lên cao. Đi như thế rất hại xe và làm cho người lái điều khiển xe không thể nào lả lướt được, lúc đó bạn nên đẩy cần số lên vị trí cao hơn.
- Không nên để xe chạy bằng quán tính vượt quá tốc độ rồi mới phanh liên tục khi xuống dốc là việc làm sai kỹ thuật, sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng nguy hiểm. Không nên để xe chạy quá nhanh rồi mới phanh xe giảm số vì khi xe đang chạy quá nhanh mà về số có thể làm hỏng hộp số.
- Trước khi vào cua bạn nên giảm tốc độ, bắt đầu vào cua thì quay vô lăng nhẹ nhàng vừa đủ để chuyển hướng ôm cua. Tuỳ theo cảm giác lái và tốc độ vào cua mà quay vô lăng. Nên tránh quay vô lăng quá nhiều vì như thế sẽ làm xe lắc đuôi. Khi ra khỏi cua thì nhẹ nhàng từ từ trả lái và tuyệt đối không được thả để vô lăng tự quay.
- Xe đang xuống dốc mà bị chết máy, người lái nên bình tĩnh phanh chân và kéo thêm phanh tay bổ trợ, cố gắng tìm cách lái xe tạt vào bên đường để dừng lại. Nếu dốc không nguy hiểm, không cao, không quanh co, xe cũng chỉ chạy do quán tính ở tốc độ chậm, an toàn có thể kiểm soát được bằng phanh, thì ta có thể khởi động lại xe ngay khi xe đang trôi xuống dốc mà bị chết máy. Khi đó bạn vẫn phải đạp phanh và gạt cần số về vị trí N rồi cố gắng khởi động lại động cơ.
- Tuyệt đối không áp dụng cho trường hợp xe đang chạy với quán tính lớn khi xuống dốc, vì khi ta chuyển cần số về vị trí N để khởi động lại thì xe không còn được phanh động cơ nữa, như thế xe lại càng lao nhanh hơn. Tìm cách phanh và dừng xe mới là thượng sách, rồi sau đó ung dung khởi động lại động cơ.
- Xe đang xuống dốc bị mất phanh có lẽ là trường hợp nan giải nhất. Bạn nên nhanh chóng quan sát xa phía trước để tìm đường cứu hộ. Ngay lập tức kéo phanh tay tối đa. Vẫn phải đạp chân phanh dù phanh không ăn nữa, việc làm này nhằm vớt vát nỗ lực có thể phanh nhỏ nhất và để kích hoạt hệ thống điện tử hỗ trợ phanh và ổn định cân băng điện tử. Giữ nguyên số xe đang chạy, thậm chí còn phải về số thấp hơn nữa để tận dụng phanh động cơ. Không được tắt động cơ, vì nếu tắt động cơ thì hệ thống điện tử hỗ trợ lái và phanh cũng không làm việc nữa, hệ thống cân bằng điện tử là rất quan trọng và nó chỉ làm việc khi động cơ làm việc. Nếu hết cách thì có lẽ phải hy sinh chiếc xe, cho xe tạt vào đâu đấy để nhờ chướng ngại mà dừng được xe. Trong bất kỳ tình huống nào xảy ra cũng đều cần đến sự bình tĩnh sáng suốt của người lái để nhanh chóng tìm ra lối thoát.
Mặc dù xe số tự động có thao tác lái đơn giản hơn xe số sàn, tuy nhiên vẫn có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu các tài xế không tìm hiểu kỹ các kỹ thuật lái. Để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như vận hành xe đạt hiệu quả cao, các tài xế nên nhuần nhuyễn cả lý thuyết lẫn thực hành đối với dòng xe này.
Theo volang