RE: Năm 2006: giá xe chắc chắn giảm
Nhân QH đang bàn cãi chuyện thuế má, em thì em thấy là nên giảm thuế ô tô, tăng thuế rượu. Giảm cái nọ có cái kia bù vào cho nhà nước có xiền mà tiêu. Và rượu thì không phải là bạn đồng hành của ô tô
.
Có bài này các bác đọc cho vui
http://www.vnexpress.net/Vietnam/Ban-doc-viet/2005/11/3B9E3F4F/
Nên sớm điều chỉnh chính sách về thị trường ôtô
Cần chỉnh sửa lại thuế nhập khẩu linh kiện cũng như xe nguyên chiếc. Thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế đường cần được tính riêng biệt và chỉ thu khi đăng ký lưu hành xe.
Người gửi: Anh Việt Phương
Gửi tới: Ban Kinh doanh
Tiêu đề: Thị trường ôtô vẫn méo mó
Gần đây có nhiều bài viết phỏng đoán về giá ôtô trong 2006, sau khi có các tuyên bố điều chỉnh mức thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt của BTC. Tuy nhiên, những phân tích này đều tạo ra một bức tranh ảo cho thị trường ôtô ở VN. Xin bình luận và phân tích một số khía cạnh như sau:
1. Tại sao giá ôtô ở VN đắt 2-3 lần so với ôtô cùng loại của các thị trường trong khu vực? Đó là do chính sách bảo hộ ngành ôtô, tham vọng khuyến khích nội địa hóa v.v. Giá cao do nhiều thủ thuật hạch toán giá (đội giá) của các hãng ôtô; thuế nhập khẩu linh kiện quá thấp; và sự lỏng lẻo trong quan lý phối hợp giữa các bộ ngành.
Thứ nhất, các nhà xét duyệt đầu tư nếu mở lại hồ sơ của các hãng ôtô nước ngoài tại VN, sẽ thấy giá thành xuất xưởng của các hãng rất đúng chuẩn quốc tế. Nhưng khi hạch toán giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh của hãng, giá nội bộ được nâng lên để tránh thuế thu nhập. Đây cũng chính là nguyên nhân tại sao ở thị trường VN, có những 36 cơ sở lắp ráp ôtô không đủ chuẩn mà Bộ Công nghiệp đã thanh tra và chưa muốn công bố kết quả thanh tra của mình.
Thứ hai, mức thuế nhập khẩu linh kiện so với nhập khẩu xe nguyên chiếc quá ưu đãi và có lợi cho các cơ sở lắp ráp ôtô, nên việc gì phải tự hạ giá xuống để thu lợi ít đi. Hay nói cách khác, tiền ngân sách hay tiền của các đại gia thì càng thu nhiều càng tốt, càng dễ che đậy thực trạng "dưới chuẩn" của xe lắp ráp trong nước. Đây cũng chính là nguyên nhân ở VN chưa có nhiều nhà kinh doanh có tâm với sản phẩm của mình (đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô).
Cuối cùng là sự phối hợp khập khiễng giữa các bộ ngành. Muốn giảm giá ôtô trong nước cần có sự phối hợp của các cơ quan theo một chiến lược an toàn giao thông tiện lợi cho người tiêu dùng, ít thiệt hại cho ngân sách. Ví dụ, để giá xe lắp ráp, sản xuất trong nước có thể ngang bằng với mặt bằng giá của khu vực, hoặc thấp hơn giá xe của Trung Quốc, mức thuế linh kiện nhập khẩu phải tương ứng với khu vực.
Để mức thuế nhập khẩu linh kiện quá thấp như ở VN tạo ra hai tác động phản chính sách. Thứ nhất là không thể nội địa hóa được vì chi phí xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện cao hơn so với mức trả thuế nhập khẩu linh kiện. Tác hại thứ hai là nhà nước thất thu do mức thuế thấp và lợi nhuận của các hãng lắp ráp được điều chỉnh bằng cách nâng giá đầu vào linh kiện lên (như đã phân tích ở trên), cuối cùng dân mua xe chịu thiệt. Kết quả là ngoại tệ lại chảy vào túi của các hãng bán linh kiện ở ngoài VN.
Thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế đường cần được tính riêng biệt và chỉ thu khi đăng ký lưu hành xe. Các mức thuế này cần được hiệu chỉnh hằng năm để tránh tắc nghẽn giao thông và phù hợp với mức phát triển hạ tầng, dịch vụ giao thông công cộng.
Việc truy thu thuế tại điểm bán như hiện nay tạo ra một cơ hội vàng cho các hãng ôtô đục nước béo cò tăng giá lên một cách nhập nhèm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ngân sách nhà nước. Ví dụ, xe xuất xưởng đáng giá 10.000 USD/xe, nhưng sau khi tính phụ phí bán hàng 15% của các đại lý, các phí dịch vụ này nọ, thì mức thuế đặc biệt sẽ tính trên giá 11.500 chứ không phải 10.000 như mức cần phải tính! Tương tự, đối với giá xe nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ nên tính trên giá nhập, chứ không bao gồm cả giá vận chuyển, bảo hiểm vận chuyển...
2. Làm thế nào để đưa mức giá xe xuống ở VN? Các hãng lắp ráp không đủ tiêu chuẩn cần bị truy thu thuế và các ưu đãi đã được hưởng trong thời gian qua. Các liên doanh bán giá sai và sản xuất thấp hơn mức ghi trong luận chứng kỹ thuật cần bị phạt thật nặng vì đã làm không đúng cam kết khi xin đầu tư ở VN.
Áp dụng chuẩn mực cao nhất về các tiêu chuẩn an toàn, môi trường là cách làm tốt để góp phần thực hiện an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Qua đó, cũng bắt buộc các hãng lắp ráp ôtô công bố và có kiểm chứng độc lập (trong nước hoặc quốc tế) về tiêu chuẩn của xe xuất xưởng. Sự khác biệt của xe trong nước và xe nhập nguyên chiếc sẽ tác động lên giá của từng loại xe. Do xe nguyên chiếc được nhập thẳng từ thị trường bên ngoài, thì xe sản xuất trong nước sẽ buộc phải theo chuẩn và điều chỉnh theo xu hướng của thị trường thế giới và khu vực.
Hạ thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc là chiếc gậy thần để bắt các hãng sản xuất, lắp ráp trong nước thực hiện các chiến lược nội địa hóa hay tăng công suất sản xuất như đã cam kết.
Sắc thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí đăng ký, đăng kiểm hàng năm cần được điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với thực tế. An toàn giao thông đòi hỏi xe tiêu dùng phải có đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, môi trường. Chính sách thu thuế lệ phí cao đối với xe cũ, xe không đạt chuẩn sẽ góp phần lành mạnh hóa thị trường xe ôtô trong nước.
Cuối cùng, cũng cần cảnh báo là nếu các chính sách về thị trường ôtô không được điều chỉnh sớm và hợp lý, VN chắc chắn sẽ trở thành nơi tiêu thụ của các xe loại thấp cấp, giá đắt, và các loại xe cũ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với bức tranh tổng thể về giao thông đô thị của cả nước.
Xin cám ơn.