RE: Năm ngàn hai trăm ba mươi ba cây số
(tiếp theo...)
Buổi sáng cuối cùng tại Saint John trời trong xanh và nắng ấm báo hiệu một điềm lành cho chặng khởi hành. Sau khi những món đồ cuối cùng được chất lên xe, chúng tôi gọi người quản lý khu apartment để làm thủ tục trả nhà và thanh lý hợp đồng thuê. Thủ tục rất nhanh gọn và số tiền đặt cọc (security deposit) sẽ được gởi trả lại cho chúng tôi bằng check qua đường bưu điện. Vậy mà loay hoay đi đến tạm biệt gia đình anh chị Ngàn, những người đã coi chúng tôi như những đứa em ruột trong thời gian vừa qua, phải đến 1 giờ trưa chúng tôi mới dứt áo ra đi…
Phố nhỏ nơi xứ lạnh cũng có thời tiết đỏng đảnh khác thường, mới lúc sáng nắng ấm thì đến trưa lại kéo sương mù dày đặc. Bốn tỉnh bên bờ Đông của Canada gọi là vùng Maritime được coi là có số ngày sương mù trong năm cao nhất nước. Có lẽ vì vậy mà các xe 4 bánh muốn lưu hành trong nước đều phải có thêm một bóng đèn gọi là “day light” và khi máy nổ là đèn này bắt buộc phải sáng.
Muốn đi nhanh ra khỏi thành phố và rút ngắn được khoảng chục cây số thì qua trạm thu phí này, ngừng lại quăng vô cái rổ 50 cent (2 x 25 cent) thì thanh chắn tự động bật lên. Cũng có làn thu tự động dành cho những xe có gắn “chip”.
Tạm biệt Saint John! Chúng tôi theo đường đi Fredericton để ngược lên mạn Bắc rồi sau đó mới rẽ sang Tây để tiến về Quebec.
Đường liên tỉnh có tên gọi Trans Canada thường có 2 chiều riêng biệt, mỗi chiều 2 làn xe với giới hạn tốc độ 110 km/h. Các xe đều di chuyển ở làn trong còn làn ngoài thì chỉ dành để vượt.
Chạy được một tiếng đồng hồ thì trời bắt đầu trong xanh trở lại. Chúng tôi biết mình đã thoát khỏi thành phố sương mù thân quen, Saint John ơi… biết có khi nào gặp lại…
Đến Fredericton rồi nhưng phải cặp bên trái để tiếp tục ngược lên Bắc theo hướng Edmundston, một thành phố nhỏ nằm gần biên giới với tỉnh Quebec.
Tiếp nhiên liệu lần thứ nhất và cũng đồng thời xả bớt nhớt cặn trong người ra
“Em hỏi anh đêm nay đi đâu? Anh nói rằng anh đi giăng câu…” Cứ đến hè là các cần thủ lại kéo ca nô ra sông để buông cần. Canada cũng có một hệ thống sông hồ tuyệt vời với khá nhiều loài cá nước lạnh đủ cho các dân ghiền câu thỏa mãn thú chơi.
Và mùa hè cũng là mùa đi chơi nhộn nhịp nhất trong năm, cứ hễ ra đường là sẽ thấy loại nhà lưu động như vầy được móc phía sau đủ các kiểu xe, từ car cho đến truck, van,…
3 giờ chiều, chúng tôi lại tiếp tục bon bon trên con đường thênh thang thẳng tắp. Những cung đường như vầy chỉ gây nên 2 nỗi lo lớn nhất trong tôi, thứ nhất là chỉ sợ hết xăng vì đạp ga quá trớn, và thứ hai là sợ buồn ngủ. Nguyên chuyến đi hơn năm ngàn cây số mà tôi không hề thấy một tai nạn nào xảy ra trước mắt, dù là một chút va quẹt cũng không có.
Lại phải ghé cây xăng nhưng lần này không tiếp thêm nhiên liệu mà chỉ đề xả nhớt
Nếu quẹo phải là sẽ vô Edmundston nhưng chúng tôi đành phải tiếp tục cặp bên trái để đi về hướng biên giới Quebec.
Kia rồi! Cột mốc biên giới Quebec, chúng tôi chính thức ra khỏi tỉnh New Brunswick và tiến vào vùng nói tiếng Pháp.
Lời chào Bonjour! như muốn nhắc nhở cho khách đường xa biết rằng từ đây cho đến khi ra khỏi tỉnh Quebec thì đừng có mà xổ một câu tiếng Anh nào nhé!
(còn tiếp… kỳ tới: Quebec City – muôn đời là thủ đô!)