Chế xăng dỏm: Hàng trăm nghìn lít mỗi ngày
10/01/2012 09:28 (GMT +7)
Sau khi “làm bùa” tại các “điểm pha chế”, xe bồn công khai chở xăng dỏm đến giao hàng tại các cây xăng của TP.HCM và các tỉnh lân cận.
TIN LIÊN QUAN
Kinh hoàng “công nghệ” xăng dỏm
Cận cảnh công nghệ pha chế xăng dỏm
Xăng dỏm khắp nơi
Chỉ tính riêng khu vực
Huỳnh Tấn Phát - Hoàng Quốc Việt - Đào Trí (Q.7) với hàng chục chuyến xe bồn (16.000 lít) pha chế mỗi ngày, ước tính cứ một ngày có đến hàng trăm nghìn lít xăng “bẩn” được tung ra thị trường, bán hợp pháp tại các cây xăng.
Xăng dỏm từ xe 57K-8275 giao cho cây xăng Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Phương Thanh - Trần Hơn
Sau nhiều tuần phục kích tại các bãi pha chế xăng dầu dỏm, PV bắt đầu đeo bám các xe bồn đến tận từng cây xăng. Việc bám theo không hề đơn giản, vì vừa ra khỏi “điểm pha chế”, tài xế xe bồn bắt đầu phóng bạt mạng nhằm "bù đắp" thời gian ghé qua các bãi đáp. Nhất là khi ra đến quốc lộ, xa lộ, ngã rẽ, không ít lần chúng tôi đã bị mất dấu. Chúng tôi đặc biệt chú ý và bám theo xe bồn 57K-8275 chở xăng của Công ty CP cơ khí xăng dầu (trực thuộc Petrolimex) đều đặn ngày nào cũng ghé “điểm pha chế” trên
đường Hoàng Quốc Việt để “làm bùa”. Ra khỏi bãi đáp, xe phóng ra đường Huỳnh Tấn Phát, vượt cầu Tân Thuận qua Q.4, Q.1, nhanh chóng rẽ vào đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh rồi vòng ra Điện Biên Phủ, hướng về vòng xoay Hàng Xanh và rẽ vào đường Bạch Đằng. Lúc sau, xe giảm tốc độ, rẽ vào cửa hàng xăng dầu Petrolimex Bạch Đằng (469 Bạch Đằng, P.2, Q.Bình Thạnh) - cũng là cây xăng của Công ty CP cơ khí xăng dầu.
Chúng tôi nhanh chóng tấp vào quán cà phê “cóc” cạnh cây xăng để quan sát quy trình giao hàng và bí mật ghi hình. Việc kiểm tra diễn ra qua loa, nhân viên kiểm hàng của cây xăng chỉ nhìn lướt các hầm xăng, hầu như không để tâm đến việc niêm nhựa đã bị cắt ra và quấn lại tạm bợ. Khi nhận thấy sự quan sát chăm chú của chúng tôi, nhân viên cây xăng cùng tài xế nhanh chóng tiến đến gần để nhìn. Ngay sau đó, một người mặc đồng phục Petrolimex yêu cầu chúng tôi nhích ra phía ngoài với lý do “tránh đường cho xe ra vào”, dù vị trí ngồi của PV hoàn toàn không ảnh hưởng đến hoạt động cây xăng. Sau đó, liên tiếp có 3 nhân viên cây xăng kéo ghế ngồi ngay phía trước nhằm che khuất tầm nhìn của chúng tôi. Các nhân viên cây xăng này “nhạy cảm” một cách bất thường trước sự quan sát của người lạ!
Ngoài cây xăng Bạch Đằng, xe 57K-8275 còn cung cấp xăng dầu cho nhiều cây xăng khác trực thuộc Petrolimex, như c
ây xăng đại học Nông Lâm (QL1A, Q.Thủ Đức), Sông La (114/7A khu phố Chiêu Liêu, P.Tân Đông Hiệp, Dĩ An, Bình Dương), Tân Bình (cụm công nghiệp Tân Bình, P.Tân Bình, Dĩ An, Bình Dương)...
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đeo bám xe 57K-9343 của Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải hàng hóa Hiếu Phương xuất phát
từ kho B của Tổng kho xăng dầu Nhà Bè đến “điểm pha chế” ở Q.7 rồi về giao hàng cho cây xăng Bình Chiểu (818 tỉnh lộ 43, khu phố 3, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức) - đây là cây xăng tư nhân làm đại lý cho PetroVietnam. Điều này cho thấy, xăng dỏm, xăng “bẩn” có thể tồn tại ở bất kỳ cây xăng nào dù lớn hay nhỏ, của nhà nước hay tư nhân.
Xăng dỏm từ xe 57K-9343 giao cho cây xăng Bình Chiểu (Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Bất chấp để thu lợi
Theo tìm hiểu của PV, tài xế xe bồn có vô số mánh lới để che giấu thủ thuật “rút ruột” và pha chế xăng. Theo quy trình chuẩn, trước khi xuất hàng, bao giờ nhân viên tổng kho cũng giữ lại một mẫu xăng, khi xe đến cây xăng giao hàng, nhân viên đại lý tiếp tục giữ một mẫu khác để phòng khi sự cố xảy ra, cơ quan quản lý sẽ kiểm nghiệm và đối chiếu 2 mẫu xăng này. Do đó, tài xế thường “thủ” bằng cách chỉ “rút ruột” và pha chế 2 trong số 4 hầm đựng xăng trên xe, sau đó lấy mẫu xăng ở hầm không pha chế. Với thủ thuật này, khi đổ xăng từ xe “làm bùa” vào bồn chứa của cây xăng, lượng xăng từ 4 hầm sẽ hòa trộn vào nhau, và trộn lẫn với xăng sạch do các xe khác chở đến, lúc này “vàng thau lẫn lộn”, các cơ quan chức năng muốn truy trách nhiệm cũng “bất khả thi”. Tài xế còn “ăn gian” bằng cách thường giao hàng vào buổi trưa khi nhiệt độ tăng cao nhằm lợi dụng độ giãn nở của xăng. Với điều kiện đó, dù “rút ruột” hàng trăm lít xăng nhưng chỉ cần bù vào một lượng nhỏ chất lỏng khác, phần thiếu hụt còn lại sẽ được làm đầy khi xăng giãn nở bởi nhiệt.
Nhân viên cây xăng Sông La (Bình Dương) chỉ kiểm tra qua quýt xe 57K-8275
Thực tế, xăng dầu trữ tại tổng kho vốn sạch, nhưng với quy trình kiểm soát lỏng lẻo, lượng xăng dầu này dễ dàng bị pha chế, “làm bùa” ở bất kỳ công đoạn nào trước khi thực sự đến được với người tiêu dùng, đặc biệt là ở công đoạn vận chuyển. Hiện nay, việc dùng niêm chì, niêm nhựa để quản lý chất lượng xăng dầu đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa. Vì thường có sự “bắt tay” giữa tài xế và doanh nghiệp vận tải (DNVT) với nhân viên kiểm hàng nên các xe đã đứt niêm chì vẫn có thể vô tư giao hàng tại cây xăng. Chưa kể, dân trong nghề vận tải có thể dễ dàng tìm mua đủ “bộ đồ nghề” từ niêm chì, niêm nhựa, đồ bấm niêm tại các chợ dân sinh
trên
đường Nguyễn Công Trứ, Ký Con (Q.1)...
Đi sâu phân tích, sẽ thấy mánh làm ăn gian lận này đã mang lại món lợi khổng lồ cho tài xế và DNVT. Với mức “rút ruột” mỗi xe từ 400 - 500 lít, sau đó bán rẻ lại cho các “điểm pha chế” với giá 16.000 - 17.000 đồng/lít, cứ mỗi chuyến, tài xế có thể ung dung đút túi 7 - 8 triệu đồng. Nếu chạy thường xuyên, số tiền bất chính thu được có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Riêng các DNVT tư nhân được “ăn” đến 2 lần lợi nhuận. Bởi cùng với lợi nhuận từ hợp đồng vận tải xăng dầu cho khách hàng, các DNVT này đồng thời hưởng lợi bất chính từ việc “rút ruột” xăng dầu của những khách hàng đã bỏ tiền thuê mình chở hàng.
Theo Thanh niên
http://tintuconline.com.v...nhat/508854/index.html