Re:Những hình ảnh thới bao cấp
@Tí: nguồn bài viết nì em có không phải từ blog của Vương Trí Nhàn, em cũng chẳng hay đọc các bài viết của ổng, còn sở dĩ em không đưa link ngay từ đầu, có một lý do là Tết nên em rảnh !!
Lý do khác là cái bài viết nì chỉ toàn chữ là chữ, em đọc còn muốn thấy khô queo, nên có có ý post từng đoạn ngắn để đọc cho đỡ ngán chứ chẳng có cứ câu bài!
***********
(Típ theo)
Những sự gậm nhấm thường trực
Tiếu lâm Việt Nam nổi tiếng với các loại truyện có liên quan tới miếng ăn, từ thày đồ ăn vụng mật tới anh chàng sang nhà bố vợ, nhờ con gà vướng dây mà gắp lia lịa.
Với rất nhiều truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, với
Đói của Thạch Lam hoặc
Một bữa no của Nam Cao … người ta đã thấy văn chương tiền chiến có nhiều tác phẩm cảm động đi vào miêu tả những liên hệ của con người với miếng ăn.
Hồi ký
Từ bến sông Thương của Anh Thơ kể hồi kháng chiến chống Pháp, có lần tác giả bắt gặp Xuân Diệu đang trên đường vào Khu Bốn. Hỏi tại sao vào, mới biết ra ở Việt Bắc thiếu cái ăn quá, tác giả
Thơ thơ “du” Thanh Nghệ để tìm cách cải thiện sức khỏe.
Mối quan hệ giữa con người và miếng ăn vốn đặc trưng cho mỗi thời đại.
Tháng mười 1954, khi Hà Nội mới giải phóng, tôi ở vào tuổi 12. Trong số những kỷ niệm liên quan tới sự kiện này, có việc một hôm chính quyền bán theo giá rẻ gần như cho không mỗi hộ một kg đường.
Cả cái xóm nghèo Thụy Khuê chúng tôi háo hức chờ đợi. Và ở tuổi 12, tôi được theo người lớn đi xếp hàng từ bốn giờ sáng. Quý lắm, hể hả lắm, mỗi lần nói tới giải phóng Thủ đô lại nhớ cân đường mua rẻ.
Gần mười năm sau, mùa hè 1963, trong những ngày học Đại học sư phạm Vinh, một lần lớp Văn II B của tôi lên huyện miền núi Nghi Lộc giúp dân thu hoạch lúa.
Để động viên, cấp trên phát chúng tôi mỗi người một lạng đường gói vào tờ giấy báo.
Xin phép gạt nỗi xấu hổ ra một bên để thú thực là ngay trong buổi họp, nhiều sinh viên, trong đó có tôi, đã giở cái gói mỏng teo đó ra, liếm sạch, vừa liếm vừa nhìn nhau cười, vì không ai bảo ai mà ứng xử giống nhau thế!
Đúng như một trong những câu ghi trên tường cuộc triển lãm này đã xác định, trong suốt cái thời gian khó đó, có những lúc cái sự ăn
trở thành tất cả đối với con người.
Từ sáng đến tối chỉ nghĩ chuyện ăn. Ăn là thiêng liêng. Ăn là dấu hiệu chứng tỏ mình đang được sống. Thay cho câu “ tôi tư duy vậy tôi tồn tại “, điều tâm niệm của con người lúc này là “tôi còn được ăn, vậy tôi tồn tại”.
Ngoài sự ăn, trong may mặc, đi lại, và cả trong vui chơi giải trí nữa, con người lúc ấy cũng ở vào tình trạng tương tự.
Những câu nhại
Kiều
“
Bắt ở trần phải ở trần ---
cho may ô mới được phần may ô”
lan ra như cỏ dại, câu này chết đi, câu khác lại được truyền tụng.
Nói rằng thiếu thốn còn quá đơn giản, phải nói sự thiếu thốn lúc ấy đã lên đến mức vượt ra ngoài sự tưởng tượng.
Hơn nữa, sự thiếu thốn triền miên ấy đã in dấu vào tâm lý mọi người và trở nên một cách nghĩ thường trực, nhìn bên ngoài có chút gì kỳ quái, thế mới đáng sợ!
Lại nhớ Ngô Tất Tố có bài tiểu phẩm kể
Làm no hay là cái ăn trong những ngày nước ngập.
Trong số những người phát biểu cảm tưởng sau khi xem trưng bày
Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp, cũng có người có cái ý nghĩ tương tự như nhân vật Ngô Tất Tố, tức là nói đến khả năng vượt lên trên sự đói, với một chút tự hào.
Tuy nhiên, nếu có muốn cười thì thật ra nhiều người chúng ta thường đã phải giấu đi những giọt nước mắt.
Vâng, làm sao khỏi ứa nước mắt, khi nghĩ tới những sáng kiến hồi đó.
Nuôi lợn ngay trong các căn hộ 20 mét của các chung cư.
Lộn cổ áo sơ mi và “ tích kê “ những chỗ ống quần dễ rách.
Nhặt mảnh phim về kết thành làn.
Thu góp từng cái ruột bút bi viết hết để mang về bơm lại.
Lộn trái phong bì để sử dụng thêm lần nữa …
Nhiều chuyện lắm và có những chuyện bây giờ phải diễn giải ngọn ngành mới hiểu nổi.
Bảo rằng đó là tiềm năng sáng tạo được bộc lộ thì cũng đúng. Nhưng tôi cứ thấy tủi cho chữ sáng tạo thế nào.
Sáng tạo liều, sáng tạo quẩn, sáng tạo lấy được …, chắc còn có thể mệnh danh cho sự sáng tạo ấy bằng nhiều chữ nghĩa xót xa khác.
(Còn típ)