[h4]Chợ “nuốt chửng” đường[/h4] [h5](PL&XH)- Chợ Nhà Xanh tồn tại trên phố Phan Văn Trường, vừa ô nhiễm môi trường sống vừa trở thành nút "cổ chai" gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.[/h5]
Phố Phan Văn Trường, quận Cầu Giấy, Hà Nội, dài chưa đến 500m, nối đường Trần Quốc Hoàn và đường Xuân Thủy. Tuy nhiên, phường Dịch Vọng đã “quy hoạch” để chợ Nhà Xanh chiếm gọn bề rộng 10m lòng đường trên chiều dài hơn 200m.
Từ ngày có chợ, đường này trở thành một nút thắt “cổ chai”. Vào giờ cao điểm (từ 10h đến 12h và 14h đến 16h) thì đoạn đường này không còn chỗ chen chân. Các phương tiện tham gia giao thông chỉ còn cách đi vòng đường khác nếu không muốn nhích từng bước trên con đường chật cứng và đầy rác.
Phố Phan Văn Trường bị thắt “cổ chai” ngay đầu chợ Nhà Xanh.
Lòng đường Phan Văn Trường trước cổng doanh trại quân đội cũng được tận dụng cho việc giữ xe, mặc dù đã có biển cấm ngay phía trước. Giá giữ xe ở đây cũng “nhảy” theo hứng của người giữ và “độ quen” của khác đến chợ. Thường là từ 5.000-10.000 đồng[sup] [/sup]/xe máy.
Khi phàn nàn về giá vé giữ xe và bãi giữ xe giữa lòng đường, một thanh niên làu bàu: “Đừng hỏi nhiều, đây là BQL chợ cho phép giữ xe và thu phí. Có gửi thì gửi, không gửi thì đi chỗ khác”.
Lòng đường được biến thành bãi giữ xe mặc cho biển cấm.
Chợ chủ yếu kinh doanh các mặt hàng như quần áo, dày dép, đồ ăn nhanh, hoa quả… các mặt hàng có giá cả cũng rất “trời ơi”. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hàng quần áo được nhập từ Lạng Sơn về, chất lượng cũng tùy thuộc vào may rủi.
Cũng chính vì thế mà người mua hàng (chủ yếu là sinh viên) đã quen với việc bị hét giá, thậm chí chửi mắng thậm tệ của người bán hàng khi xem hàng mà không mua hay đơn giản là việc trả giá quá thấp.
Hơn 200m đường luôn chật cứng người qua lại mua hàng.
Các ki-ốt bán hàng thường xuyên cơi nới dẫn đến 5m chiều rộng còn lại của phần đường và vỉa hè đều bị lấn chiếm. Khi đi qua tuyến phố này, người dân có cảm giác như đi qua một con đường cụt chen chúc không có lối ra.
Nhiều lần chúng tôi nhận thấy sự có mặt của Công an phường để giải tỏa phần đường còn lại và vỉa hè bị lấn chiếm. Nhưng khi vắng bóng các cơ quan chức năng thì người bán hàng lại trở về vị trí cũ. Sự tồn tại của chợ Nhà Xanh còn gây ra ùn tắc cục bộ nghiêm trọng phía ngã ba giao nhau với đường Xuân Thủy vào giờ cao điểm.
Con ngõ hẹp cũng được tận dụng làm nơi bán hàng.
Ngay cả những ngõ nhỏ dọc tuyến phố cũng được tận dụng làm nơi bán hàng và giữ xe khiến cho việc đi lại và sinh hoạt của người dân ở khu phố này gặp nhiều phiền toái.
Chị Huyền, sống ở khu tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội, phàn nàn: “Cả chục năm nay, chúng tôi không dám đi con đường này nữa. Sáng ra, tôi đưa con đi học từ đầu đường đến cuối đường (PV- từ phía Xuân Thủy về phía Trần Quốc Hoàn) nhưng đành phải đi vòng theo đường Phạm Văn Đồng hay theo đường Nguyễn Phong Sắc. Không biết bao giờ thì chính quyền địa phương “trả lại” con đường này cho khu phố chúng tôi”.
Thiết nghĩ việc thành lập chợ để phục vụ người tiêu dùng là điều cần thiết. Song chính quyền địa phương cần cân nhắc đến vấn đề bảo vệ môi trường sống, an ninh trật tự của người dân xung quanh và hơn hết là cần trả lại con đường thông thoáng như đề nghị của cử tri Quận Cầu Giấy.