Quân đội Việt Nam từ lâu đã có truyền thống tiến hành chiến tranh phi đối xứng. Đây là hệ quả của việc mở đất dựng nhà sát bên một anh hàng xóm quá đô con từ phương bắc. Đến thời đánh Mỹ, hệ thống phòng không Bắc Việt được đánh giá hiệu quả không thua gì quân Đức trong Đệ nhị thế chiến.
Theo các thông tin công khai một cách ...không chính thức, đến năm 2009 Việt Nam đã được trang bị 4 hệ thống cảnh báo từ xa Kolchuga do Ucraina sản xuất. Với nguyên tắc hoạt động tương tự như Tamara của CH Czech, hệ thống này có tầm hoạt động gấp đôi, trong bán kính từ 600-800km. Tầm hoạt động còn rộng hơn cả hệ thống tương tự của Nga, và gấp rưỡi tầm 600km của hệ thống cảnh báo AWACS- Hoa Kỳ (tuy vậy cần lưu ý là đồ Mỹ đặt trên ...máy bay, tính linh hoạt cao hơn). Kolchuga có thể phát hiện được các mục tiêu trên không, trên biển và trên đất liền. 4 hệ thống cảnh báo Kolchuga có giá thành ngang ngửa... 1 chiếc F22, cũng không quá đắt để kiểm soát toàn bộ không phận và hải phận Việt Nam. Với hệ thống này, Việt Nam có thể hy vọng bắn rơi ...F117 như Nam Tư, cũng bằng tên lửa SA 3 sẵn có?
Thật ra Việt Nam có tham vọng tiến xa hơn Nam Tư. Kolchuga là hệ thống cảnh báo, cần phải kết hợp với radar dẫn bắn và hệ thống phòng không hiện đại mới phát huy hết hiệu quả. Từ nhiều năm nay bộ đội tên lửa VN đã được huấn luyện điều khiển hệ thống tên lửa phòng không S-300, còn gọi là SA-10. Với hệ thống radar có khả năng theo dõi 100 mục tiêu trong bán kính 300km, S 300 cùng lúc có thể bắn hạ 12 mục tiêu trong bán kính 150-200km, cao độ tối đa đến 25.000m. Rõ ràng tầm bắn này vượt xa tầm bắn hiệu quả của các loại tên lửa không đối đất, chỉ khoảng 80km trở lại.
Tuy nhiên cần lưu ý đối thủ tiềm tàng của phòng không VN không phải là Raptor F22, và VN cũng không mong muốn có cơ hội đối đầu với Không lực Huê Kỳ. Đối thủ chính nằm ở phía Bắc, cũng có hệ thống khí tài cảnh báo và dẫn bắn tương tự Việt Nam, nhưng rất may không quân TQ lại kém xa không quân Mỹ, đồng thời ta có lợi thế sân nhà, hay ít ra cũng gần nhà.