anhbocau nói:
Trường Th kiểu mẫu Thủ Đức , là trường gì vậy mấy bác ?
Lịch sử trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức
Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức là một trong ba trường trung học đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục tổng hợp tại Việt Nam.
Chương trình giáo dục tổng hợp cũng được ứng dụng tại trường Trung Học Kiểu Mẫu Huế và trường Trung Học Kiểu Mẫu Cần Thơ.
Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức được khởi công xây cất ngày 26/5/1963 và hoàn tất ngày 30/3/1964. Người vẽ kiểu trường là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Khôi Nguyên La Mã và cũng là người vẽ kiểu Dinh Độc Lập.
Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ nằm trên một ngọn đồi cạnh xa lộ Sàigòn Biên Hòa, thuộc xã Linh Xuân Thôn, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Trường gồm một đại giảng đường với 1200 chỗ ngồi, một khu văn phòng và hai dãy lầu với 30 phòng học, 6 phòng thí nghiệm (vật lý, hóa học và sinh vật), một thư viện và văn phòng phẩm, một xưởng công kỹ nghệ đầy đủ dụng cụ cơ xưởng, đồ in và bàn kỹ nghệ họa, 3 phòng doanh thương với hơn 40 máy đánh chữ, 8 phòng dành cho kinh tế gia đình, trang bị đầy đủ dụng cụ như máy may, bếp nấu, v.v. Đến cuối năm 1971 trường lại xây thêm một câu lạc bộ có thể chứa 500 học sinh.
Hoạt Động
Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức bắt đầu khai giảng ngày 11/10/1965. Trong năm đầu trường lấy 140 học sinh lớp Đệ Thất và 140 học sinh lớp Đệ Lục. Trong những năm sau trường chỉ nhận 140 học sinh lớp Đệ Thất chia thành 4 lớp, mỗi lớp 35 học sinh.
Những vị hiệu trưởng của trường gồm có Giáo sư Dương Thiệu Tống (1965-1966), Nguyễn Thị Nguyệt (1966-1969), Phạm Văn Quảng (1969-1972), Dương Văn Hóa (1972-1973) và Huỳnh Văn Nhì (1974-1975).
Một tháng sau biến cố 1975, trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức bị đổi tên thành trường Trung Học Thực Dụng, bị dọn về một góc nhỏ của trường Đại học Sư Phạm, rồi sau đó là trường Đại học Vạn Hạnh.
Ngày nay khuôn viên trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đổi thành Trung Tâm Thể Dục Thể Thao II, trung tâm I ở ngoài Hà Nội.
Chương Trình Giáo Dục
Triết lý giáo dục của trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức dựa trên ba nguyên tắc: <span style=""color: #ff0000;"">nhân bản, dân tộc và khai phóng</span>, với bốn phương thức: <span style=""color: #ff0000;"">toàn diện, thích nghi, thực dụng và tân tiến.</span>
Vài đặc điểm của chương trình giáo dục tổng hợp là:
- học sinh ở trường hai buổi để học hỏi các môn mới lạ và sinh hoạt hiệu đoàn;
- giới thiệu các môn học thực dụng như canh nông, công kỹ nghệ, kinh tế gia đình, doanh thương và kinh tế;
- quan điểm tiên tiến và rộng rãi trong các môn kiến thức xã hội và văn chương;
- nhấn mạnh vai trò thí nghiệm trong các môn khoa học cơ bản;
- giới thiệu các khám phá mới trong chương trình toán;
- lối dạy toàn diện trong các môn ngoại ngữ;
- dùng du khảo để bổ túc và nhấn nmạnh kiến thức thu lượm trong lớp;
- lối thi trắc nghiệm và
- các trại Huấn Luyện, Hướng Dẫn Đức Dục, Thân Hữu, Công Tác và Về Nguồn giúp học sinh phát triển tinh thần thân hữu, lối giao thiệp và sinh hoạt cụ thể trong đời sống, tinh thần lãnh đạo và sự quan tâm đến các vấn đề xã hội.
Thi Tuyển và Thi Tốt Nghiệp
Học sinh được chọn vào trường trên căn bản thi tuyển tự do và cạnh tranh. Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đi tiên phong trong việc dùng đề thi trắc nghiệm trong việc khảo thí.
Muốn lên lớp 12, học sinh phải đậu bằng Hoàn Tất Mỹ Mãn Lớp 11.
Muốn tốt nghiệp lớp 12, học sinh phải đậu kỳ thi Thành Chung Trung Học Tổng Hợp Lớp 12.
Vì lý do thử nghiệm của chương trình giáo dục tổng hợp, hai kỳ thi trên được tổ chức trong trường theo đúng tinh thần các nghị định của Bộ Giáo Dục.
Cách chấm điểm của các kỳ thi này có phần khó hơn lối chấm điểm trong các kỳ thi Tú Tài phổ thông bên ngoài.
Hai bằng này được coi là tương đương và hưởng cùng quyền lợi như văn bằng Tú Tài I và Tú Tài II.
Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đào tạo tất cả là 11 khóa trong đó chỉ có 5 khóa là học đến lớp 12 trong trường.
Học sinh của trường đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong các kỳ thi tuyển vào những phân khoa của Đại Học Sàigòn cũng như lấy được nhiều học bổng du học ngoại quốc.