Tập Lái
11/6/10
28
0
0
37
Cho mấy bác xem bài viết này để mọi người chú ý hơn về tiếng Việt của mình hiện nay.


----


Trong khoảng thời gian gần đây, tôi đặc biệt quan tâm đến tiếng Việt, vì tôi phát hiện ra rằng mình nói tiếng Việt như vậy chớ thiệt ra gần như chẳng hiểu gì về tiếng Việt. Trong quá trình tìm hiểu tiếng Việt thì tôi thấy rằng có một vấn đề thế này: nhiều từ hiện nay được dùng không còn đúng với nghĩa ban đầu của ngày xưa, nếu không muốn nói là dùng sai ngữ nghĩa. Để làm cơ sở, thì tôi chủ yếu dựa vào hai cuốn từ điển: một là cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, đây là cuốn từ điển uy tín nhất về tiếng Việt thời kì trước 1975; hai là cuốn Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh, chuyên về những từ Hán-Việt.


Một số biến đổi về ngữ nghĩa

Hiện nay trong tiếng Việt có một số từ Hán-Việt mà ngữ nghĩa của nó đã biến đổi khá xa với cái nghĩa gốc ban đầu, không rõ vì nguyên do gì, chỉ mới vài chục năm trôi qua mà ngữ nghĩa đã trôi dạt xa đến vậy.

Một từ tiếng Việt điển hình cho sự biến đổi ngữ nghĩa này là từ “khốn nạn”. Theo cả hai từ điển Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức và Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh thì từ “khốn nạn” đều mang cùng một nghĩa là “khó khăn, lúng túng”, có thể nói nó gần như đồng nghĩa với từ “khốn khổ” trong cái tựa “Những người khốn khổ” của Victor Hugo (tôi đọc ở đâu đó nói rằng ngày xưa cái tựa Les Misérables ban đầu được dịch là “Những người khốn nạn”). Nhưng hiện nay tuyệt đại đa số mọi người dùng từ “khốn nạn” này với nghĩa miệt thị và đánh giá về tư cách đạo đức của một người (ví dụ như nói “thằng này thật là khốn nạn” nghĩa là bảo “thằng đó” tư cách đạo đức tồi). Căn nguyên của sự biến đổi này thật không rõ, nhưng theo suy luận logic thì tôi nghĩ có hai nguyên do thế này: người ta lâm vào cảnh khốn khó, nên có thể trong một số ngữ cảnh nào đó đã thốt lên rằng “Tôi thật khốn nạn”, và người nghe có thể đã hiểu sai ý của câu tự thán đó, sinh ra sự biến đổi về nghĩa; hoặc là chính vì cái sự khốn khó mà con người ta bị dồn vào cái thế làm những chuyện mất tư cách đạo đức, dần dần từ “khốn nạn” được chuyển sang cái nghĩa chỉ về tư cách đạo đức của một người.

Một từ khác mà trong quá trình tìm tòi tôi cũng phát hiện ra ngữ nghĩa bị biến đổi đi khá xa, đó là từ “tử tế”. Ví dụ cho một cụm tiếng Anh thế này: “a very kind person”, thì những người biết tiếng Anh đa số sẽ dịch sang là “một người rất tử tế”, nhưng nếu dò theo nghĩa đúng của từ “tử tế” thì sẽ thấy ngay cách dịch đó là không đúng với nghĩa gốc của “tử tế”, vì từ này mang nghĩa là “tinh mật, kĩ càng” (theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh), hoặc nghĩa là “chu đáo, kĩ càng” (theo Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức), chứ không hề mang nghĩa “tốt bụng” như nghĩa của từ tiếng Anh “kind”. Nếu phải dịch sang tiếng Anh cho đúng với nghĩa gốc của từ “tử tế” này thì từ tiếng Anh là “careful” có vẻ đúng nhất. Tuy nhiên, từ “tử tế” hiện nay vẫn còn được dùng đúng nghĩa gốc một phần nào đó, như cụm từ mà người ta hay nói “học hành tử tế” chính là “học hành kĩ càng” vậy.

Thêm một từ nữa để minh hoạ cho sự biến đổi ngữ nghĩa một cách khó hiểu của tiếng Việt: từ “nhất thiết”, hiện nay mọi người đều dùng từ này với nghĩa “tất yếu” hay “cần thiết”, đồng nghĩa với từ “necessary” bên tiếng Anh. Lại mở Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh và Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, thì cả hai đều bảo rằng “nhất thiết” nghĩa là “hết thảy, tất cả”. Từ “hết thảy” sang “tất yếu” thì quả là không tài nào đoán được nguyên do là vì đâu.

Có một từ mà khá nhiều người đã hiểu sai nghĩa của nó, đó là từ “cứu cánh”. Nhiều người không biết nghĩa của từ này thường hay hiểu từ này với nghĩa là “cứu giúp” hoặc “cứu vãn”, nhưng đây là một từ Hán-Việt, và nghĩa đúng của nó là “mục đích cuối cùng”.

Một từ nữa cũng hay bị dùng sai mà tôi để ý được, đó là từ “tự vẫn”. Đa số mọi người dùng từ này thay thế cho từ “tự tử”, cách dùng đó cũng đúng nhưng còn phải tuỳ trường hợp, vì từ “tự vẫn” nghĩa là “tự đâm vào cổ mà chết”, “vẫn” trong “tự vẫn” có nghĩa là “cắt cổ” (nghĩa này có ở cả hai từ điển của Đào Duy Anh và của Hội Khai Trí Tiến Đức). Cho nên từ “tự vẫn” chỉ có thể dùng trong trường hợp người đó dùng dao hay dùng vật nhọn gì đó để tự sát, còn nhảy sông mà “tự vẫn” thì không đúng (nhảy sông là “tự trầm”, chứ vừa nhảy sông vừa đâm vào cổ thì thảm quá).

Trong cách dùng từ sai, có một chuyện nữa là người ta hay có xu hướng đảo từ lại: như từ “nhân chứng” và từ “chứng nhân”, cả hai từ này đều được đa số dùng chung một nghĩa là “người làm chứng”, nhưng thật ra chỉ có từ “chứng nhân” mới mang nghĩa đó. Cấu trúc của một danh từ Hán-Việt là “phụ trước-chính sau”, cho nên khi đảo từ lại thì sẽ sinh ra nghĩa khác ngay. Từ “chứng nhân” nghĩa là “người làm chứng”, còn từ “nhân chứng” nghĩa là “vật chứng mà người làm chứng mang lại” (theo Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh). Tương tự vậy những cặp từ như “yếu điểm” và “điểm yếu”, “nhân công” và “công nhân”, “nhân tình” và “tình nhân”, “nhân văn” và “văn nhân”, v.v. đều có nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Duy Doan.
Sài-gòn,
20110114
 
Hạng D
13/1/11
2.365
26.561
113
thành Phiên An - Gia Định
hổm rày tràn ngập tin tiếng Việt chiến sự Libya, nhiều báo viết thế này :
- hạm đội máy bay của tàu XYZ
- tàu ABC có số phi hành đoàn là .... người

là sao ta ?
 
4P confirmed
Hạng D
19/3/11
1.444
12
38
Sài Gòn
www.bannhavang.com
Em nghĩ càng ngày các nhà nói tiếng việt mình càng tăng thêm tính :
1. Anh ngữ
2 . Hoa ngữ
3. Campu, ... ngữ
4. Tứ phương ngữ. ...
- Nên nghĩ tiếng việt ngày càng hiểu theo nhiều nghỉa khác nhau. Nhiều khi người nói thích đảo câu nói lại để tăng thêm "hoa mỹ", Nhưng ruốt cuộc nói xúm xoài cuối cùng mọi người hiểu trật ý.
- Tình trạng em thấy mình có câu nói: nói ít - hiểu nhiều : nhưng em thấy đây là sự biến động cho sự suy nghĩ sai về tiếng việt ( ít nói hiểu ít )
- Các giới trẻ teen bây giờ là bậc thầy của sự thay đổi ý nghĩa tiếng việt thân yêu của chúng ta
 
Hạng C
1/10/05
848
58
28
54
Rất nhiều thầy cô hiện nay cũng nói như thế này:
"Sĩ số học sinh của lớp là ... em".
Họ không hiểu rằng sĩ số tức là số học sinh.

Còn sai kiểu như "đi đường quốc lộ 1.." thì gần như 100% mắc phải
 
Hạng D
27/9/09
4.015
87
63
trăm điều vui
Đặc điểm của ngôn ngữ là sự phát triển tương ứng với sự phát triển về đời sống XH cũng như trí tuệ con người. Ngôn ngữ được thay đổi theo thời gian, môi trường, hoàn cảnh ở số lượng và cả ngữ nghĩa, không bất biến và không thể bất biến. Vì vậy theo thời gian mà cùng 1 từ lại được hiểu với nghĩa khác trước. Xem Từ điển của Đào Duy Anh và các loại danh tiếng khác đã tạo được định nghĩa ban đầu. Từ đó trong quá trình vận động và phát triển sẽ hoàn thiện dần.
Bác Chủ đặt vấn đề hiểu sai lệch ngữ, nghĩa trong tiếng Việt hiện nay, thật hay và đúng. Tuy nhiên ở 1 góc độ nào đó e thấy ta cần bàn thêm vài vấn đề. Ko thể, ko có khả nằng và cũng ko phủ nhận ...bồ chữ của cụ Đào- tuy nhiên, nếu lấy chuẩn mực hoàn toàn từ Cụ thì theo em (ý kiến cá nhân)- ko hoàn toàn chính xác. Thời của Cụ Đào, khoa học chưa nhiều phát triển, XH vì thế có sự hạn chế, ngôn ngữ cũng trong chừng mực giới hạn. Với 1 từ ngữ, đọc lên ai cũng hiểu giống nhau, thống nhất thì từ ấy đã đạt được đến định nghĩa chung. Thì cái định nghĩa chung ấy có giá trị cho toàn XH. Tất nhiên, đám đông có thể sai, tuy nhiên ko phải lúc nào cũng sai.
Sự phong phú của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng mang đến cho ta sự thích thú khi sử dụng đúng. Nhưng giá trị đúng này lấy đâu làm đáp án, đôi lúc đã làm ta lúng túng.
Các ví dụ của Bác Chủ đã dẫn, diễn giải điều này.
Cụ Đào là bậc đại trí tuệ- điều này ko bàn cãi. E- kẻ tí hon bên Cụ- sao dám phản bác Cụ, Tuy nhiên vẫn xin phát biểu là có nhiều vấn đề trong từ, ngữ, nghĩa ở sách Cụ đến nay ko còn hoàn toàn đúng. Nếu ta cứ lấy chuẩn từ đây để so sánh với hiện tại thì rõ ràng không chính xác.
 
Tập Lái
11/6/10
28
0
0
37
^ Lấy cái lẽ khoa học kĩ thuật phát triển để biện minh cho cái lẽ tiếng Việt được dùng sai tràn lan như hiện nay là một nguỵ biện không hơn không kém. Ở đây tui không nói về sự phát sinh nghĩa do nhu cầu thời đại (là phải cập nhật nghĩa cho hợp với sự vật hiện tượng mới), mà tui nói về sự bẻ cong ngữ nghĩa một cách vô lí, sự thiếu ý thức của đại đa số người Việt trong việc sử dụng ngôn ngữ của chính dân tộc mình.

Tui đồng ý ngôn ngữ là thay đổi, nhưng sự thay đổi đó phải được đặt trên một cái nền nhứt định và có cơ sở nhứt định. Không thể vì khoa học phát triển mà tự dưng từ "cứu cánh" lại mang nghĩa "cứu vãn", hoặc hai từ "nhân chứng" và "chứng nhân" lại đồng nghĩa nhau được.

Cái cuối cùng tui muốn nói, là tui dựa vào hai nguồn lận, của cụ Đào Duy Anh là một, và của các cụ tiền bối khác (trong đó có Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim) của Hội Khai Trí Tiến Đức là hai. Những gì tui nói là dựa trên người xưa, và nhiều người chứ tui không chỉ đơn thuần bám vào cụ thể một ai.
 
Hạng D
13/9/09
3.006
10.479
113
53
Ngôn ngữ là phương tiện biểu đạt tư duy, nếu nó truyền tải được thông tin chính xác là được rồi. Nếu sinh ngữ biến đổi và phát triển thì cũng không có gì là lạ. Tiếng Việt có gốc gác từ hệ Môn-Khơ Me, sau du nhập thêm tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga và cả tiếng quốc tế khác nữa, chữ viết thì thay từ tượng hình sang hệ chữ cái la-tinh, nên có nhiều thay đổi, chuyện đó không lạ.
Các cụ tiền bối ngày xưa cũng chẳng trách con cháu đâu, nếu họ biết rằng Tiếng Việt ngay nay phong phú hơn, chính xác hơn, và ngày càng phát triển khác biệt hơn so với các ngôn ngữ góp phần sinh ra nó...
 
Hạng D
27/9/09
4.015
87
63
trăm điều vui
Em ko biện bạch để lý giải bởi sự phát triển mà biến nghĩa từ, ngữ- làm sai lệch từ ít đến nhiều trong nghĩa thật của từ. Nhưng phải chấp nhận 1 điều rằng sự phát triển XH đã làm thay đổi ý nghĩa của các từ đã được định nghĩa trước đây của các Bậc đại trí. Còm của e trên đây chỉ dẫn Cụ Đào ra vì muốn viết cho ngắn gọn chứ ko phải có ý nói BÁc tập trung chỉ vào Cụ Đào.
Cũng như Bác, e rất lăn tăn về ý này từ lâu lắm rồi và thấy bản thân mình như có lỗi vì sự sai của thiên hạ (tính e bao đồng thế). Nhưng rõ ràng ko phải mọi điều của Tiền bối đều đúng và chúng ta những kẻ hậu sanh cần có cái nhìn đúng và có khả năng thì điều chỉnh để lớp sau có đích để soi chiếu.
Gần đây, đọc 1 bài của 1 bậc to to trên Tuổi Trẻ, ông lý giải việc gọi sai tên đường ở SG của người dân (mặc dù Nhà nước trước viết sai, sau đã đính chính nhưng dân thì vẫn giữ cách gọi sai ấy) là để cho gần gũi hơn. Như Kha Vạn Cân, Sương Nguyệt Ánh, Nơ Trang Long (lẽ ra là Kha Vạng Cân, Sương Nguyệt Anh, Nơ Trang Lơn). E ko thể chấp nhận cách sai này được. Đặt tên danh nhân cho 1 con đường là nhằm tôn vinh người ấy. Gọi sang 1 cái tên khác đã thành khác rồi. Tại sao ta ko sửa quyết liệt để cải tạo thói quan sai ấy mà lại chấp nhận?

fomasudoi nói:
^ Lấy cái lẽ khoa học kĩ thuật phát triển để biện minh cho cái lẽ tiếng Việt được dùng sai tràn lan như hiện nay là một nguỵ biện không hơn không kém. Ở đây tui không nói về sự phát sinh nghĩa do nhu cầu thời đại (là phải cập nhật nghĩa cho hợp với sự vật hiện tượng mới), mà tui nói về sự bẻ cong ngữ nghĩa một cách vô lí, sự thiếu ý thức của đại đa số người Việt trong việc sử dụng ngôn ngữ của chính dân tộc mình.

Tui đồng ý ngôn ngữ là thay đổi, nhưng sự thay đổi đó phải được đặt trên một cái nền nhứt định và có cơ sở nhứt định. Không thể vì khoa học phát triển mà tự dưng từ "cứu cánh" lại mang nghĩa "cứu vãn", hoặc hai từ "nhân chứng" và "chứng nhân" lại đồng nghĩa nhau được.

Cái cuối cùng tui muốn nói, là tui dựa vào hai nguồn lận, của cụ Đào Duy Anh là một, và của các cụ tiền bối khác (trong đó có Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim) của Hội Khai Trí Tiến Đức là hai. Những gì tui nói là dựa trên người xưa, và nhiều người chứ tui không chỉ đơn thuần bám vào cụ thể một ai.