Hiện tại, xe hơi vẫn là một trong những mục tiêu mà mọi gia đình Việt mong muốn sở hữu để phục vụ gia đình, cũng như nhu cầu cá nhân. Tuy nhiên xe hạng A với lợi thế giá rẻ dường như lại không được khách hàng Việt quan tâm như trước.
Thị trường đang "cạn" lựa chọn phân khúc A
Từ Quý II/2022, thị trường ô tô Việt Nam vơi dần các lựa chọn xe hạng A. Lần lượt
Toyota Wigo và Honda Brio ngừng kinh doanh trong tháng 6 và 7/2022, trong khi VinFast cũng ngừng sản xuất Fadil kể từ thông báo ngừng kinh doanh mảng ô tô xăng được công bố rộng rãi trong tháng 7/2022.
Thời điểm đó, Toyota và Honda đều cho biết hai mẫu xe hạng A của họ không đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5 theo quy định mới có hiệu lực từ 1/1/2022. Chính vì vậy, hai hãng xe Nhật Bản chỉ bán hết lượng xe tồn kho trước khi có những kế hoạch mới.
Chính vì vậy, phân khúc xe hạng A giờ đây chỉ còn 2 lựa chọn là Hyundai Grand i10 và Kia Morning. Và mặc dù chỉ đối đầu với nhau, nhưng doanh số của hai mẫu xe này trong năm 2022 vẫn không có dấu hiệu tăng trưởng
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hyundai Grand i10 đạt doanh số 5.670 xe, tương đương bán trung bình 945 xe/tháng. Nếu so với giai đoạn 6 còn lại, khi không còn cạnh tranh với VinFast Fadil, doanh số bán Hyundai Grand i10 thậm chí giảm còn 5.082 xe, tương đương mức trung bình 847 xe/tháng.
Với Kia Morning, tình hình thậm chí còn thê thảm hơn. Trong nửa đầu năm 2022, mẫu xe của Kia đạt doanh số 3.099 xe. Trong khi 6 tháng còn lại, Kia Morning cũng chỉ kịp bán thêm 880 xe để chốt doanh số 3.979 xe. Đáng chú ý là mẫu
New Morning đã bổ sung thêm những phiên bản MT, AT và Premium AT có giá cạnh tranh hơn, nhưng doanh số tăng trưởng tỷ lệ nghịch với hoạt động này.
Vì sao xe hạng A bị người Việt “ghẻ lạnh”?
Khoảng 10 năm về trước, xe hạng A sẽ là lựa chọn lý tưởng với người Việt khi nhu cầu tương đối đơn giản về một mẫu xe đủ che mưa nắng. Tuy nhiên khi cơ sở hạ tầng tốt hơn, hệ thống cao tốc ngày một phát triển, xe hạng A dần bộc lộ những yếu điểm khó khỏa lấp.
1. Không gian hạn chế
Không thể phủ nhận xe hạng A có kích thước nhỏ gọn, thuận tiện di chuyển hằng ngày trong đô thị. Tuy nhiên điều này vô tình khiến không gian khoang hành khách chật hẹp, không thực sự tiện dụng. Với các chủ xe kinh doanh dịch vụ, xe hạng A cũng gặp bất lợi khi chở thêm 4 hành khách nếu so với xe hạng B. Chưa kể khoang hành lý những dòng xe này cũng cực kỳ hạn chế nếu đi du lịch với đủ 5 người lớn.
2. Công nghệ an toàn khiêm tốn
Dù chỉ còn “hai mình một chợ”, nhưng cả Hyundai Grand i10 và Kia Morning vẫn rất khiêm tốn ở khía cạnh an toàn. Điểm chung của cả hai vẫn là những trang bị phanh đĩa trước, phanh tang trống sau, 2 túi khí, phanh ABS... Chỉ một số phiên bản cao cấp được trang bị hệ thống cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc.
Cả hai nhà sản xuất Thaco và Hyundai Thành Công vẫn chưa học tập thành công của VinFast Fadil để nâng cấp các tính năng an toàn hiện đại cho hai mẫu xe của mình.
3. Tiện nghi không thật hấp dẫn
Kia Morning và Hyundai Grand i10 không kém ở khía cạnh tiện nghi. Cả hai vẫn trang bị màn hình giải trí cảm ứng 8 inch tích hợp dẫn đường GPS, hỗ trợ kết nối Apple CarPlay, Android Auto, Bluetooth, USB... Đi kèm âm thanh 4 hoặc 4 loa.
Ngoài ra còn có khởi động bằng nút bấm, ghế ngồi bọc da, điều hòa tự động, đèn pha tự động... Tuy nhiên nếu so với các dòng sedan hạng B- đang có giá bán ngày càng rẻ như Kia Soluto hay Mitsubishi Attrage, các tiện ích trên Kia Morning và Hyundai Grand i10 lại không đủ vượt trội để khỏa lấp hạn chế về mặt không gian.
4. Động cơ vừa cũ, vừa yếu
Địa hình di chuyển tại Việt Nam chủ yếu là chu trình hỗn hợp, vừa di chuyển quãng ngắn trong đô thị, vừa kết hợp với đường cao tốc, đường trên cao với dải tốc độ ở mức trung bình cao.
Chính vì vậy, khối động cơ Kappa 1.2 MPI có tuổi thọ khá lâu đời trên cả Hyundai Grand i10 và Kia Morning đang dần trở nên đuối sức. Chưa kể nếu so tiêu hao nhiên liệu với những động cơ 1.5L kết hợp CVT trên những mẫu sedan hạng B, động cơ dung tích nhỏ của những dòng xe hạng A không tiết kiệm hơn.
Khách hàng dịch chuyển sang lựa chọn khác
Quả thực khách hàng Việt đang có những lựa chọn khác phù hợp hơn với nhu cầu này nay. Trong 2 năm trở lại đây, thị trường ô tô Việt đang dần tiệm cận với thế giới khi đón nhận sự lên ngôi của những dòng xe gầm cao.
Ngay chính phân khúc A-SUV, Toyota Raize và Kia Sonet đang là hai mẫu xe cạnh tranh trực tiếp, chưa kể các mẫu B-SUV đang liên tục ra mắt và trở thành lựa chọn đáng giá như Kia Seltos, Hyundai Creta, MG ZS...
Ngoài ra, khách hàng kinh doanh dịch vụ đang dịch chuyển lên phân khúc MPV 7 chỗ với các mẫu xe tiêu biểu như Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7, Toyota Veloz Cross hay Toyota Avanza Premio...
Các mẫu xe này dù ở một phân khúc giá cao hơn, nhưng thiết kế, trang bị và tính thực dụng đã thuyết phục khách hàng quyết định bỏ thêm tiền để lựa chọn, thay vì tìm đến những mẫu xe hạng A với vô số hạn chế.
Tâm lý người Việt thích xe to và nhìn “sang”
Ngoài các yếu tố bên trên, người Việt còn có góc tiếp cận khá đặc biệt về những chiếc ô tô. Ô tô vẫn được xem là một tài sản tương đối lớn với nhiều gia đình.
Chính vì vậy, một chiếc xe to, thiết kế bắt mắt, không gian rộng rãi, tiện nghi đầy đủ sẽ dễ dàng thuyết phục số đông khách hàng Việt. Thay vì lựa chọn một chiếc xe “con cóc” hạng A, người Việt sẽ chi thêm 1 khoảng kha khá để có 1 chiếc xe to và “oai” trong mắt mọi người.
Và vô tình những chiếc xe như Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7, Toyota Veloz Cross hay Toyota Avanza Premio... được nhiều gia đình cân nhắc. Hay bị thuyết phục bởi những chiếc xe hạng B luôn ra rả thông điệp “sang trọng”, “thể thao”...
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lựa chọn trên đều thuyết phục hơn với thiết kế nổi trội, không gian rộng rãi, khả năng vận hành tốt hơn, đồng thời trang bị an toàn cũng vượt trội hơn.
>>Xem thêm
Các bác nhận định thế nào khi phân khúc A không còn hấp dẫn với khách hàng Việt?
Mời các bác cùng tham gia Bình chọn các mẫu xe được yêu thích và đánh giá cao trong từng phân khúc tại trang Web XECUANAM.VN