Tiếp tụcQuá bậy!
Mấy tay VK có thói quen nghĩ bậy rằng VN giờ vẫn đang còn ở thời kỳ đồ đá.
---
Tiếp tục câu chuyện sạc xe điện.
Qua nay thì các bạn đã bớt chửi tôi ngu vụ sạc điện xe VF e34, vì tôi có nhắc muốn sạc 8-9 giờ đầy bình điện 42kWh thì phải dùng dòng điện 24A cho điện AC 230V tại nhà (tức 5,5 kW), trong khi tại Đức điện gia dụng 1 pha 230V chỉ cho phép đến 20A (4,6kW). Sau đây là các ý kiến thu nhận được:
1. Các bạn nói đa phần dân mua xe điện VF ở nhà Vinhome nên không lo vụ sạc, vì dưới hầm đậu xe Vinhome đã có gắn trạm sạc. Tôi đồng ý và chỉ xin lưu ý: bạn nào đặt mua xe thì cũng thêm tìm hiểu họ lắp bao nhiêu ổ sạc dưới đó, kẻo bà con Vinhome ủng hộ hệ sinh thái nhà mình đông quá, thì lại giống thời đánh Mỹ, thay vì phải xếp hàng ra trụ phông tên đợi hứng nước, nhà mình phải tranh nhau để cục gạch chiếm chỗ sạc pin mỗi khi chiều về!
2. Các bạn nói lưới điện Việt Nam cho phép đến 40A lận, vì còn máy lạnh, tủ lạnh, bếp điện, máy nước nóng các kiểu. Vậy các bạn nên xem điện có chập chờn hay nhảy cầu chì không, mỗi khi bạn cắm sạc pin xe điện ngốn đi mất 24A. Khi đó các bạn có phải dặn chị bếp khoan nấu nướng, vợ khoan tắm và con tắt máy lạnh, tối tối ra hàng hiên ngủ cho mát hay không?
3. Các bạn nói ai mua xe điện Vin sẽ được kéo thêm đường dây điện tiết diện lớn hơn, nâng cường độ lên 50A! Vậy thì các bạn hỏi Vin chi phí này cần thêm bao nhiêu, tiến độ triển khai và so ra điện có rẻ hơn xăng khi cộng thêm các chi phí lắp đặt này không?
Tôi không nói dự án của Vin là không khả thi. Tôi vẫn hoan nghênh dự án trên các phỏng vấn của Zing và VOA. Chỉ nêu những điểm mù, để ai muốn sáng mắt thêm thì sáng. Còn bạn nghĩ bạn đã có người cho bạn “sáng mắt sáng lòng” rồi, thì hãy xem những gì tôi viết chỉ cho những ai muốn đọc cần đọc mà thôi. Còn tít báo là do báo, họ có quyền, tôi không thể bắt họ đặt tựa theo ý tôi được, vì tôi không phải là Biên Tập!
Sạc 16A (3,6 kW) tốn 15 giờ!
Hôm trước tôi trả lời phỏng vấn VOA nói bên Đức hộp sạc tại nhà chỉ 16A cho điện 230V (bởi qui định cho phép tối đa 20A cho điện gia dụng 1 pha AC 230V), vì vậy phải cần đến 15 giờ mới đầy một bình 42kWh, quá lâu. Thay vì hỏi vậy làm sao dân Đức đi xe điện được, thì có người chửi tôi ngu, làm gì sạc lâu thế, VF bảo chỉ cần 8-9 giờ thôi (sạc 24A 5,5 kW)! Bây giờ im rồi, tôi xin giải trình:
Dân Đức có tỷ lệ xe hơi trên 1000 người là gần 600 chiếc. 1000 người là dân số, bất kể lớn bé. Nên đa số gia đình họ có hai chiếc xe, xe điện chỉ là chiếc xe thứ hai để đi chợ hay đi làm mà thôi. Người đi làm thường chỉ mua xe điện, khi họ khả năng sạc tại hãng, hay ở bãi đổ xe gần hãng. Họ đến sạc ở đó 8 giờ là bình đầy, vì bình của họ không bao giờ cạn quá nửa, do đi cự ly ngắn. Tối đi làm xong chạy về nhà lại sạc qua đêm nên cũng sẽ đầy lại luôn. Như vậy tính cả ngày và đêm họ có khả năng sạc trên 15 giờ! Cuối tuần không đi làm, đi chợ thì sạc ở siêu thị lớn, còn không để xe ở nhà suốt ngày đêm sạc nên vẫn đầy.
Còn ở Việt Nam nếu muốn được như vậy, người mua xe cần có khả năng sạc ban ngày ở chỗ làm hay bãi xe nữa thì mới đủ. Khả năng này giúp đỡ quá tải dòng điện hơn là sạc đến 24A để rút ngắn thời gian sạc. Còn khả năng sạc nhanh thì đó là chỉ tính cho khi khẩn cấp và đột xuất thôi, vì không ai dám chắc lúc đó trạm trống ổ cắm cho bạn sạc cả. Chưa kể tuổi thọ bình điện sẽ mau giảm vì sạc nhanh bình mau nóng, đặc biệt ở xứ nóng như Việt Nam.
Sạc nhanh 50A 11 kW (điện 3 pha 230V, mỗi dòng 16A, như thường xài trong bếp Đức)
Hôm trước có bạn nhắn tôi nói đây là khả năng VF sẽ gắn hộp sạc pin xe điện tại nhà để sạc nhanh qua đêm. Tôi xin cung cấp một so sánh về chi phí lắp hộp này tại Đức:
1. Phải ký hợp đồng mua điện của một nhà cung cấp. Họ sẽ kiểm tra lưới điện khu vực người có nhu cầu đang sinh sống có phù hợp hay không?
2. Trả tiền lắp một lần từ 400 đến 1200€ tuỳ loại. Loại thông minh có apps để tự tính giờ nào điện rẻ bật lên sạc tự động sẽ mắc hơn
3. Trả tiền thuê bao hộp sạc này hằng tháng. Giá cả tuỳ nhà cung cấp điện.
Vậy nhe. Vụ thuê hộp sạc này và giá lắp hộp ở nhà chưa nghe đề cập. Còn nếu không lắp sạc điện 10A bình thường ở nhà sẽ mất đến 25 giờ, chỉ có thể giúp sạc phụ thêm hoặc chỉ chạy xe vòng vòng giựt le hàng xóm thôi, nếu không có thêm điều kiện sạc nhanh ở các bãi xe khác.
Chú thích của một bạn chuyên môn về điện tại Việt Nam cho hay: “Ở VN, dòng tối đa của sinh hoạt là 40A, với đồng hồ dân dụng là 60A, NHƯNG với điều kiện là dây dẫn vào nhà phải là cáp điện lực.”
„Một trong những cách nhanh nhất khiến pin giảm dung lượng chính là việc sạc pin. Nếu bạn xả pin liên tục và sạc chúng đầy trở lại 100%, hiệu năng pin sẽ yếu đi mau chóng. Trớ trêu thay, điều tương tự cũng xảy ra nếu bạn thường xuyên để pin trong trạng thái bị xả hoàn toàn nhưng không được cấp năng lượng trở lại. Để giải quyết việc này, hầu hết các nhà sản xuất chỉ thiết kế để bộ pin để chúng không bao giờ bị nạp tới 100% dung lượng, phổ biến nhất dừng lại ở mức 85% để kìm hãm quá trình giảm dung lượng của pin lâu nhất có thể.“
Đây cũng là một trong lý do quãng đường đi được trên thực tế thấp hơn nhiều so với con số công bố, kể cả Tesla
Đôi khi mình khiêm tốn quá người ta khinh. Nên cũng cần khoe một tí để đánh bóng cá nhân, kẻo ngay cả đến đàn em LHP của mình, nó đồn mình hưu ở BMW lâu rồi, chớ còn đâu và tự xưng với báo giới Hôm trước mình có nói khi phỏng vấn Zing, không cần nêu tên mình cũng được. Nhưng em phóng viên nói dạ không được, phải nói “chiên da” người ta mới nghe. Rốt cuộc mình bị đem ra “da chiên giòn” luôn! Hèn gì thấy bên vnexpress người ta không phỏng vấn, mà chỉ chuyên dịch các bài báo nước ngoài về đề tài này, xem ra thuyết phục hơn
Trước khi rời Việt Nam mình cũng đã có 5 năm BK Cơ Khí và 2 năm đi làm để lấy bằng KS thời bao cấp, nên mình cũng hiểu nhiều về lối tư duy của người Việt. Sang đến đây ban đầu mình cũng mang dòng máu tự ái Lạc Hồng ngất trời không thua các bạn fan Vin đâu nhé, hễ có ý chê Việt Nam tụt hậu là tự ái đùng đùng. Người Việt luôn dễ tự ái cho rằng mình thua kém, nên rất thích và dễ dàng tiếp thu những cái mới, chấp nhận nó khá thoải mái, và ít khi suy nghĩ thấu đáo và kiểm chứng những điều kiện cần và đủ, những ràng buộc để áp dụng những kỹ thuật mới này.
Sau khoảng 10 năm bầm dập nơi xứ người và nhận ra rằng, muốn chen vô được một chỗ mà người Đức chỉ cần 8 là được tuyển chọn, thì thằng ngoại quốc da vàng mũi tẹt đầu đen lùn xịt phải cần đến 10. Bỏ tự ái nhận dốt đi mà học hỏi, nghe người ta chửi thì may ra mới ngóc đầu lên được.
Năm 2009 mình là một trong những người đầu tiên của đội phát triển BMW i3. Nghĩ lại mà thương, chiếc i3 lúc đó pin chỉ bằng 1/2 bây giờ, chỉ 60Ah với bình điện khi đó có khoảng 22 kWh, tính lý thuyết là chạy 120 km, nhưng thực tế chỉ 100 km cho bình đầy pin. Mười năm trước pin còn mắc và mật độ năng lượng điện không cao, nên tuy chỉ ngần ấy dung lượng mà pin đã quá nặng. Điều nghịch lý của xe điện là muốn đi xa thì phải tăng dung lượng pin, như vậy không chỉ làm giá pin trong xe vốn mắc còn mắc thêm, mà còn làm xe nặng thêm, khiến bớt lại quãng đường đi xa. Một vòng lẩn quẩn. Muốn xe nhẹ đi phải bỏ bớt các tiện nghi trong xe, và làm khung gầm nhẹ đi. Đó là lý do vì sao thời đó BMW i3 làm khung xe carbon cho nhẹ, mặc dù giá nguyên liệu một kg carbon mắc hơn gấp đôi một kg nhôm. Có những người kỹ sư ở bộ phận động cơ/truyền động phải ngồi tính từng viên pin để tăng dung lượng, rồi những kỹ sư thiết kế khác phải tìm chỗ nhét viên pin đó vô khung xe, rồi kỹ sư khác tính trọng lượng xe, tiêu thụ năng lượng thay đổi ra sao, rồi giá thành thế nào chi li từng chút, thì làm sao mình không hiểu hay tính ngu hơn một học sinh cấp 2 của Việt Nam được Từ 2009 đến nay mình chuyên làm xe điện và bây giờ vẫn vậy, cho đến năm 2030 chính thức nghỉ hưu. Vì vậy mình hiểu khá nhiều về con đường phát triển và những thành bại của dự án xe điện này.
Nếu 10 năm trước cho dù BMW cũng như các hãng khác, có làm được bình điện 42 kWh như lắp trên chiếc BMW i3 thế hệ sau bây giờ đi chăng nữa, thì người Đức lúc đó cũng chẳng có điều kiện để mà sạc. Vì trạm sạc chưa có, trừ vài trạm cho nhân viên BMW, chủ yếu là sạc ở nhà với điện gia dụng 10A chưa có hộp sạc gì cả, chỉ với cái cục sạc mình đăng trong status này, nhìn như cục sạc laptop. Công suất của nó chỉ có 2,3 kW nên để sạc 22 kWh thôi nó đã cần 15 giờ rồi, tức sạc 8 giờ ở sở nửa bình, tối về sạc 8 giờ ở nhà mới đầy. Nếu mà có bình 42 kWh như bây giờ, thì sạc 30 giờ bó tay luôn!
Hiện tại chiếc BMW i3 đã có pin 42 kWh, như chiếc VF e42 công bố. Nhưng bây giờ người ta đã có điều kiện lắp box sạc riêng có thể sạc nhanh với 50A hoặc chậm 16A. Tuy nhiên đây là vài con số thực tế của BMW i3 thế hệ mới 42 kWh: Xe nặng chỉ hơn 1300 kg, động cơ 125kW, câu lạc bộ xe hơi Đức ADAC đo thực tế xe chỉ chạy được 270 km cho một lần sạc, mặc dù xe nhẹ hơn, có tiết diện cản gió ít hơn với hình dạng khí động học giọt nước (thân xe hẹp dần về phía sau), bánh xe tiết diện nhỏ và cao su ít ma sát. Lý do là con số 42,2 kWh BMW đưa ra chỉ là brutto chưa trừ bì. Thực tế để bảo vệ pin sạc không bị nhanh chai, trong xe bộ phận tiếp nhận sạc chỉ cho phép sạc đến 85% là ngưng, dù có cắm sạc tiếp cũng không vô, nên thực sự bình có chỉ số thực tế trừ bì netto chỉ là 37,9kWh. Các hãng khác cũng vậy thôi. Và VF cho thuê pin cũng sẽ không liều cho sạc lút cán 100% đâu, dù người tiêu dùng vẫn cắm điện sạc.
Còn tiếp