Bước qua thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, số lượng người Việt sở hữu ô tô ngày càng nhiều hơn. Cùng với đó là sự hình thành các xu hướng mua sắm mới, tạo ra những biến động lớn trong tổng thể bức tranh thị trường ô tô Việt Nam.
Người Việt dần chuộng xe Hàn thay vì xe Nhật
Xu hướng người tiêu dùng Việt Nam thay đổi rõ nét nhất chính là sự lên ngôi của các dòng xe Hàn. Khoảng 2 năm trở lại đây, hai thương hiệu xe Hàn Quốc là Hyundai và Kia liên tục tăng trưởng về thị phần, trong khi các hàng xe Nhật Bản đang bắt đầu chững lại.
Trước thời điểm tháng 6/2018, vị thế của các dòng xe Hàn tại Việt Nam chỉ được giới truyền thông ước chừng khi các số liệu thống kê chưa đầy đủ. Lý do khi đó là sự vắng mặt doanh số bán hàng của Hyundai Thành Công (sau này là TC Motor). Tuy nhiên, đó cũng là lúc người tiêu dùng có cái nhìn tổng thể về thị trường ô tô Việt Nam.
Kia Cerato K3 là minh chứng cho việc xe Hàn lấn át xe Nhật tại Việt Nam
Cũng trong năm 2018, Hyundai chỉ xếp sau duy nhất Toyota khi bán ra 63.526 xe (so với 65.856 xe). Hyundai Grand i10 cũng là mẫu xe bán chạy nhất của Hyundai với 22.068 xe, xếp ngay sau dòng xe Toyota Vios với 27.188 xe.
Trong năm 2019, Hyundai chính thức vươn lên vị trí số một thị trường với tổng doanh số 79.568 xe. Hầu hết các dòng xe của Hyundai cũng trở thành nhưng dòng xe bán chạy bậc nhất thời điểm này như Hyundai Accent, Grand i10, SantaFe, Tucson và Kona.
Nếu Hyundai khá thành công thì ở thời điểm đó, các dòng xe Kia lại không quá nổi bật, ngoại trừ Kia Cerato và Kia Morning. Tuy nhiên bước qua năm 2020, Kia Seltos ra mắt đã chính thức đánh dấu sự lên ngôi của các dòng xe Hàn.
Doanh số bán hàng trong năm 2020 của Kia đạt mức kỷ lục 39.180 xe, tăng 9.077 xe so với năm trước. Thị phần tính riêng trong VAMA của Kia tăng từ 9,8% lên 13,8%. Thành công của Kia tiếp tục nối tiếp trong năm 2021 với doanh số gộp cả năm đạt 45.532 xe, dù thị trường chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Thị phần tăng trưởng lên mức 16,4%, cao nhất từ trước tới nay.
Lý do cho sự lên ngôi của các dòng xe Hàn đến từ nhiều khía cạnh. Thứ nhất giá bán các dòng xe Hàn khá cạnh tranh, trong khi đó thiết kế và trang bị của các dòng xe Hàn cũng luôn được đầu tư khá chỉnh chu. Thứ hai là chất lượng hoàn thiện của các dòng xe Hàn cũng được nâng cao hơn rất nhiều so với trước đây.
Và cuối cùng là thế hệ người tiêu dùng Việt đang ngày càng trẻ hóa, không còn đặt nặng tư tưởng “ăn chắc mặc bền” như trước đây. Thay vào đó là tư duy xem “ô tô là phương tiện” đang ngày một lên ngôi. Chu kỳ thay thế xe cũng được rút ngắn, chính vì vậy xe Hàn đang trở thành lựa chọn đáng cân nhắc bên cạnh các dòng xe Nhật bền bỉ, thiết kế đề cao sự thực dụng.
Phân khúc xe CUV và SUV dần chiếm ưu thế
Tương tự xu hướng xe Hàn, xu hướng ưa chuộng các dòng xe gầm cao cũng đang dần hình thành tại thị trường Việt Nam. Mặc dù các dòng xe bán chạy nhất trên thị trường vẫn là sedan hạng B và các dòng hatchback hạng A, Tuy nhiên, làn sóng CUV và SUV đô thị đang trở thành thế lực thách thức không nhỏ.
Trước năm 2021, Top 4 xe bán chạy nhất cả năm luôn là 3 hoặc 4 mẫu xe thuộc phân khúc sedan hạng B hoặc hatchback hạng A. Tuy nhiên cả năm 2021, Toyota Corolla Cross và Kia Seltos lần lượt xếp vị trí thứ 4 và 5 với doanh số 19.931 và 18.411 xe.
Bước qua năm 2022, hai mẫu xe trên lần lượt xếp vị trí thứ 3 và 4 trong Top 10 xe bán chạy nhất tháng 1. Và trong tháng 2, Toyota Corolla Cross và Kia Seltos chính thức lên ngôi xe bán chạy nhất nhì trong tháng.
Trong khi đó các dòng xe bán chạy một thời như Toyota Vios hay Hyundai Accent có tháng đã rớt xuống nửa sau của TOP 10.
Ngoài 2 đại diện là Toyota Corolla Cross và Kia Seltos, phân khúc xe CUV và SUV cũng liên tục chứng kiến các dòng xe mới ra mắt từ năm 2020 đến nay. Có thể kể ra những dòng xe như Kia Sonet, Toyota Raize, MG ZS, Peugeot 2008, Mazda CX-3 và CX-30…
Chưa kể phân khúc này còn có sự góp mặt của dòng xe VinFast VF e34 hứa hẹn sẽ bùng nổ doanh số trong thời gian tới. Đặc biệt, khi người tiêu dùng Việt nam đang đối mặt với giá nhiên liệu tăng chóng mặt suốt thời gian qua.
Yếu tố thương hiệu không còn quá đặt nặng
Bên cạnh xu hướng lên ngôi của xe Hàn, người tiêu dùng Việt Nam cũng thay đổi rõ rệt về định kiến thương hiệu trong mua sắm ô tô. Minh chứng rõ nét nhất chính là sự lên ngôi của Mitsubishi Xpander, ông vua mới trong phân khúc MPV suốt thời gian qua. Trong khi đó tượng đài một thời Toyota Innova gần như đã mất dấu trong danh sách xe bán chạy nhất.
Ra mắt trong năm 2018, phân khúc MPV 7 chỗ chưa ghi nhận sự thay đổi quá lớn khi Xpander liên tục rơi vào tình trạng khan hàng. Nhưng bước qua năm 2019, mẫu xe này đã bán chạy thứ 2 cả năm với doanh số 20.098 xe.
Ngoài Mitsubishi Xpander, phân khúc MPV 7 chỗ còn chứng kiến sự lên ngôi của Suzuki XL7. Trong năm 2021, mẫu xe này bán ra 5.175 xe, vượt qua cả Toyota Rush (3.663 xe) và Toyota Innova (3.002 xe).
Một minh chứng khác cho sự xem nhẹ yếu tố thương hiệu còn đến từ sức hút của VinFast, thương hiệu ô tô non trẻ của Việt Nam. Có thể yếu tố tự hào dân tộc giúp VinFast có những thành công bước đầu, nhưng chúng ta không thể phủ nhận sức hút của VinFast, khi sự thành công đó được kéo dài qua nhiều năm.
VinFast Fadil đã vượt qua Hyundai Grand i10 để trở thành dòng xe bán chạy nhất phân khúc xe hạng A từ năm 2020. Không những vậy, mẫu xe này còn vươn lên bán chạy nhất thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2021 với 24.128 xe.
Trong khi, VinFast Lux A2.0 Và SA2.0 cũng đạt được nhưng cột mốc doanh số khá ấn tượng. Mẫu sedan hạng sang của VinFast đạt doanh số bán hàng cả năm 2020 và 2021 lần lượt là 6.013 và 6.330 xe. Mẫu Lux SA2.0 cũng bán ra cả hai năm lần lượt là 5.456 và 5.180 xe.