sgb345 nói:Hay quá, cảm ơn bác Serguei nhiều.
Trên đường, khi muốn ép nhân dân đồng ý với lỗi do xxx đưa ra, xxx hay doạ nếu không đồng ý với họ thì:
1- xxx sẽ cho kéo xe về bãi, hạ hồi phân giải, và
2- xxx chụp mũ nhân dân chống người thi hành công vụ.
Mục 1- xxx doạ kéo xe về, nay không dùng với nhân dân được nữa, vì họ không có đủ thẩm quyền và không có quyết định tạm giữ phương tiện ngay lúc đó.
Vậy theo bác, với Mục 2- trên đây, khi xxx ép mình nhận cái lỗi mà mình không vi phạm, mình nên đấu với họ thế nào để giữ được lẽ phải, không bị khép tội chống người thi hành công vụ?
Cảm ơn bác nhiều nhé.
Em sẽ kể cho bác nghe về những khảo sát của em trong quá trình viết luận án để bác tự chọn ra phương án hợp lý khi “lâm trận” nhé:
Hầu hết các trường hợp bị bắn tốc độ, họ đều cho đương sự nghe qua bộ đàm rằng xe “52H gì gì gì gì” đó chạy với tốc độ bao nhiêu đó. Em là con nhà luật nghe là đã thấy khiếp, còn lái xe thì cứng họng khỏi cãi. Nhưng nếu xét về luật mà nói (luật ở đây là luật nói chung, em không viết hoa để ám chỉ một luật cụ thể nào đó) thì như thế chưa đủ để lập biên bản vi phạm hành chính. Nghĩa vụ chứng minh vi phạm phải thuộc về cơ quan công quyền chứ lái xe thì không có nghĩa vụ chứng minh là mình trong sạch. Như vậy về nguyên tắc, nếu họ muốn lập biên bản phải in ảnh ngay lúc đó, lập biên bản kèm theo ảnh, và bác có quyền yêu cầu được giữ một bản ảnh kèm theo biên bản vi phạm. Thực tiễn cho thấy hầu hết các biên bản vi phạm được XXX lập ngoài đường thường chua thêm một câu rằng “cho xem ảnh bắn tốc độ khi nhận Quyết định xử phạt” và cũng thực tiễn cho thấy 100% trường hợp không có ảnh khi giao Quyết định và 100% lái xe quên điều đó khi nhận Quyết định, kể cả em, nếu rơi vào trường hợp đó (Do tâm lý, ồi, hơn triệu bạc, nộp cho xong, đỡ phiền phức).
Nếu bác không thừa nhận vi phạm, do đó, đương nhiên không ký biên bản thì sao?
Lại xét về luật mà nói, khi mà chúng ta đang cố gắng xây dựng một xã hội dân sự thì cái “Biên bản vi phạm hành chính” (trong lĩnh vực giao thông trật tự) là một vi phạm nghiêm trọng quyền công dân. Nếu anh chưa chứng minh được vi phạm của người ta sao bắt người ta ký biên bản? Em đã chứng kiến nhiều trường hợp có thanh niên tầm 18, 19 tuổi, bị CSGT tạm ngưng việc tham gia giao thông trên đường, ngay lập tức nó nói: “Cháu không làm việc với chú, để cháu gọi về cho luật sư của gia đình cháu ra làm việc với chú!” – CSGT nghe cũng khiếp luôn chứ đùa!
CSGT khi bị đương sự cự cãi rằng không vi phạm hay có trò: cứ lập biên bản, bắt mấy người làm chứng ký vào. Câu chuyện ở đây là: những người làm chứng đó làm chứng cho sự kiện nào? Nếu họ làm chứng cho việc bác không chịu ký biên bản thì tốt quá, còn nếu họ “dám” làm chứng cho sự kiện bác vi phạm luật giao thông thì từ từ nhé – liệu thần hồn. Họ làm chứng đúng thì chưa nói, nếu làm chứng sai, bác có quyền viết đơn đề nghị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội “làm chứng gian”! Về phía người lập biên bản cần thu thập đầy đủ thông tin về nhân thân của những người làm chứng, ví dụ như tên tuổi địa chỉ, số CMTND… thậm chí việc làm chứng đó chỉ được cọi là hợp pháp nếu biên bản đó phải đi kèm bản sao của CMTND của người làm chứng.
Như vậy, bác cứ ký biên bản, nhưng đừng ký đằng trước, mà ký đằng sau, sau khi viết như thế này: “Tôi không thừa nhận vi phạm, thời điểm tôi đi qua giao lộ đèn đã chuyển vàng (theo luật GTĐB bác được đi tiếp qua giao lộ) đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chứng minh. Nếu việc chứng minh đó đúng là tôi vi phạm, thì biên bản này có hiệu lực và tôi xin chịu mọi hình thức phạt theo quy định của Pháp luật. Những người làm chứng trên đây tôi không thừa nhận là những người làm chứng chứng minh tôi vi phạm luật giao thông mà là những người làm chứng cho việc tôi không ký biên bản thừa nhận vi phạm luật GTĐB”. Đi kèm với nó bác cần ghi chép lại đầy đủ thông tin của những người làm chứng, chứ hầu hết trên thực tế người làm chứng toàn ký lăng nhăng xong bỏ đi, 100% các trường hợp sau đó không xác minh được người làm chứng là ai.
Đồng thời, các bác nên chú ý, những người làm chứng đó không thể là mấy ông dân phòng, lại càng không thể là công an phường đâu nhé! (không đảm bảo tính khách quan khi làm chứng).
Về hành vi chống người thi hành công vụ; cái này là một tội danh trong luật hình sự, nhưng đọc lên nghe khá “kêu” nên thích được “lạm dùng” để dọa người đi đường. Để khép hành vi của một ai đó là “hành vi chống người thi hành công vụ” nó phải có những yếu tố cấu thành nên nó, chứ không phải cứ nói lăng nhăng như thế mà được. “Anh bảo tôi chống người thi hành công vụ - vâng tốt thôi, anh chứng minh đi, hành vi của tôi thế nào mà là chống người thi hành công vụ?” Em đảm bảo với bác mấy ông XXX ngoài đường, kể cả X Phường, luật còn mù tịt, đừng có nói đến mấy cái hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao về “thế nào là hành vi chống người thi hành công vụ”! Em không dám đi sâu đến thế vào lĩnh vực luật, chỉ cần bác nhớ rằng khi “lâm trận”; cần cương quyết, khôn khéo, nhưng hòa nhã, tỏ ra nắm vững pháp luật thì không ai dám chụp mũ cho bác cả.
Trên thực tế, cần loại bỏ tư duy “lái xe và CSGT là kẻ thù” khi tham gia giao thông. Tại sao lại như vậy? Vì CSGT họ có nhiều sức ép của họ, ngoài sức ép về cuộc sống, cơm áo gạo tiền, thì họ còn có sức ép từ bộ máy cơ quan Nhà nước; nghĩa là chỉ tiêu phạt được bao nhiêu trường hợp, rồi là đủ các thứ khác… nào có sung sướng gì. Ở đây chúng ta bàn luận, để trên thực tế, chúng ta cùng với CSGT là “đối tác” làm được những việc rất tốt cho xã hội:
(1) Về phía lái xe, hiểu biết pháp luật hơn sẽ ít vi phạm hơn.
(2) Về phía CSGT, lái xe hiểu biết hơn sẽ nhàn hơn, ít phải xử lý (“Xét xử là tốt nhưng không phải xét xử thì càng tốt hơn” – V.I. Lênin); đồng thời nếu xử lý một ông lái xe hiểu biết thì tự họ sẽ phải hoàn thiện kiến thức pháp luật để làm đúng hơn.
(3) Về phía cả hai, pháp luật sẽ được thực thi nghiêm minh hơn trong xã hội.
(4) Về phía xã hội, ngoài việc xã hội trở nên trật tự và văn minh hơn, sẽ có những thay đổi từ phía những cơ quan lập pháp và hành pháp về tư duy: Thuế là nguồn thu chủ yếu của Nhà nước, chứ không phải là phạt hành chính là nguồn thu. Những báo cáo về thu ngân sách từ phạt hành chính không còn được coi là thành tích nữa, mà là yếu kém. Luật đặt ra không phải là để xử phạt, mà là để mọi người tuân theo, xây dựng một xã hội trật tự hơn.
Nhân tiện đây em nhận thấy cần phải mở một topic riêng, tạm gọi là “Thường thức pháp luật cho lái xe”, cần có sự đóng góp của cả các luật gia kiêm lái xe khác. Các bác thấy thế nào ạ?