Tìm Hiểu Âm Thanh Xe Hơi Đèn pha ôtô - Lịch sử và Hiện tại

Hạng B2
24/10/06
423
1
0
www.narva.com.vn
Đèn pha ôtô - Lịch sử và Hiện tại
(Nguồn: Wikipedia)

Lịch sử của đèn pha ô tô

Cơ học

Đèn pha ôtô đầu tiên chạy bằng acetylen hoặc dầu và được các tài xế sử dụng vào cuối những năm 1880. Thời kì đó acetylene rất phổ biến vì ngọn lửa có khả năng chống chịu với mưa và gió. Đèn pha chạy bằng điện đầu tiên được giới thiệu trong chiếc xe điện Columbia của Công ty sản xuất xe điện ở Hartford, Connecticut vào năm 1898, nhưng chỉ là tùy chọn. Vào năm 1904 nhiều nhà sản xuất đã trình làng đèn acetylene "Prest-O-Lite" theo dạng phụ kiện tiêu chuẩn, và 4 năm sau Peerless đã dùng đèn pha chạy bằng điện theo dạng phụ kiện tiêu chuẩn. Năm 1912, hãng Cadillac đã kết hợp hệ thống đánh lửa điện Delco trong các xe ôtô của họ với hệ thống ánh sáng, tạo ra một hệ thống điện hiện đại cho xe ôtô.

Đèn pha chiếu thấp (đèn cốt) được công ty Guide Lamp giới thiệu vào năm 1915 nhưng đến năm 1917 hệ thống Cadillac trở nên hữu dụng hơn vì người tài xế có thể chuyển đèn cốt bằng một cần gạt mà không cần phải dừng xe và chui ra ngoài. Năm 1924, bóng đèn BiLux là loại bóng đèn hiện đại đầu tiên cho phép chiếu được cả luồng sáng thấp (cốt) và cao (pha) từ một bóng đèn đơn lẻ. Thiết kế cùng loại có tên là “ Duplo” được Guide Lamp đưa ra vào năm tiếp theo. Vào năm 1927, thiết bị chỉnh pha cốt điều khiển bằng chân được giới thiệu và là phụ kiện tiêu chuẩn trong nhiều năm tiếp theo. Loại xe cuối cùng sử dụng thiết bị chỉnh pha cốt bằng chân là xe Ford F– Series 1991. Đèn sương mù được Cadillacs đưa vào từ năm 1938 và chính công ty này phát minh ra hệ thống tự chuyển đổi pha cốt “Autronic eye”.

Đèn pha tiêu chuẩn hình tròn hàn kín (sealed beam) với đường kính 7 inch (178mm) được đưa ra vào năm 1940 và có mặt trong tất cả các phương tiện ở Mỹ. Loại đèn hàn kín (sealed beam) này cũng được sử dụng rộng rãi tại Anh, Úc và các nước thuộc địa của Anh cũng như Nhật Bản, nhưng nó lại chưa bao giờ được Châu Âu chấp nhận, dẫn đến sự khác biệt về thiết kế đầu xe giữa hai bờ Đại Tây Dương trong nhiều thập kỉ.

Đèn pha halogen đầu tiên dùng cho các phương tiện được một tập đoàn các nhà sản xuất bóng và đèn pha châu Âu giới thiệu vào năm 1962. Công nghệ halogen được công nhận là một sự tiến bộ của công nghệ vì nó làm cho đèn sợi đốt hiệu quả hơn và có thể tạo ra nhiều ánh sáng hơn đèn sợi đốt không có halogen cùng công suất. Nước Mỹ cấm dùng đèn halogen và chỉ cho phép dùng đèn hàn kín không có halogen đến tận năm 1978.

Hệ thống phát sáng cường độ cao (HID) được đưa ra trên loại xe BMW 7 series đời 1991. Thị trường châu Âu và Nhật Bản đã nhanh chóng ưa chuộng loại đèn pha HID với gần 50% thị phần, nhưng công nghệ này vẫn bị thị trường Bắc Mỹ chấp nhận rất chậm chạp. Lincoln Mark VIII đời 1996 là loại xe Mỹ đầu tiên gắn HID, nó cũng là loại xe đầu tiên và duy nhất với hệ thống HID dùng điện một chiều.

Các kiểu dáng đèn pha

Các bộ đèn pha đầu tiên đều có hình tròn để dễ sản xuất.

- Bộ đèn pha bốn chóa được đưa ra vào năm 1952 trong loại xe buýt Citaden của hãng Prevost. Một số xe Cadillac, Chrysler và Nash dùng một chóa đèn pha/cốt và một chóa đèn pha 5 ¾ inch (146 mm) mỗi bên từ năm 1957 và các nhãn hiệu khác cũng theo sau từ năm 1958. Các loại đèn pha này có một vài ưu điểm về độ sáng, nhưng ưu điểm lớn nhất là kiểu dáng mới cho phép sử dụng hai đèn nhỏ hơn thay vì một cái đèn lớn ở mỗi bên của xe.

- Đèn pha hình chữ nhật được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1961. Được chế tạo bời Cibie cho xe Citroen Ami 6 và Hella cho xe Ford Taunus tại Đức, nhưng chúng đã bị cấm sử dụng ở Mỹ nơi mà đèn tròn là bắt buộc cho đến năm 1975. Cho đến năm 1979 phần lớn những chiếc ô tô đã có đèn pha hình chữ nhật. Một lần nữa, Mỹ chỉ cho phép có hai tiêu chuẩn cho đèn chiếu hình chữ nhật hàn kín. Đó là một hệ thống gồm hai chóa đèn 200 x 142 mm pha/cốt phù hợp với loại đèn tròn 7 inch hoặc một hệ thống gồm bốn chóa đèn 165 x 100 mm (hai chóa đèn pha/cốt và hai chóa đèn pha) phù hợp với loại đèn tròn 5 ¾ inch (146mm) đã có.

Năm 1968 bộ Giao thông Mỹ cấm bất cứ yếu tố trang trí hoặc bảo vệ nào ở phía trước của đèn khi đèn được bật sáng. Lớp kính che đèn pha được sử dụng trong các loại xe như Jaguar E - type, VW Beetle trước năm 1968, Porsche 356, Citroen DS và Ferrari Daytona bị loại bỏ, làm thay đổi thêm hình dáng các loại xe của châu Âu được bán ở Mỹ. Sự thay đổi này làm cho các loại xe được thiết kế có tính khí động học cao sẽ không phát huy được hiệu quả này trên thị trường Mỹ.

Sau 44 năm sử dụng, vào năm 1983 các qui định về đèn pha của Mỹ đã được sửa đổi, cho phép sử dụng các bóng đèn thay thế được và các đèn pha có hình dạng không tiêu chuẩn. Loại xe ô tô đầu tiên của Mỹ từ năm 1939 có đèn pha tổ hợp là Lincoln Mark VII đời 1984. Đèn pha tổ hợp, khi mới xuất hiện ở Mỹ thường gọi là “đèn pha châu Âu”, vì những loại đèn pha khí động học này đã rất phổ biến ở châu Âu. Mặc dù tương tự như đèn pha của Châu Âu với hình dáng không tiêu chuẩn và bóng đèn thay thế được, loại đèn pha tổ hợp này được sản xuất theo tiêu chuẩn thiết kế và an toàn giao thông của Mỹ chứ không theo tiêu chuẩn Châu Âu vốn được sử dụng trên toàn thế giới trừ Bắc Mỹ.

Vào cuối thập niên 90, đèn pha loại tròn lại được ưa chuộng trong các loại xe mới. Đó không phải là loại chóa đèn tròn như của xe đời cũ (trừ xe Jaguar) mà có các chóa đèn hình tròn hoặc hình bầu dục nằm trong một bầu đèn chung.

Đèn pha Pop - up được giới thiệu vào năm 1937 trên loại xe Cord 812. Chúng nằm ngầm trong cản trước của xe, không nhô lên khi chưa bật đèn pha để tăng tính khí động học. Loại đèn này cho phép lắp một chóa đèn tròn 7 inch cho các loại xe có đầu nhọn.

300px-Popuplightsup.jpg

300px-Popuplightsdown.jpg


Nhiều loại ô tô nổi tiếng đã sử dụng loại đèn này, nhưng hiện nay các xe sản xuất đại trà thì không dùng vì chi phí cao. Hệ thống cần một số động cơ dùng chân không và bình dự trữ, với các khớp nối và ống dẫn, hoặc động cơ điện, bánh răng và khớp nối v.v phải đủ chắc chắn để có thể nâng đèn lên vị trí chính xác kể cả trong các điều kiện băng, tuyết và độ lão hóa. Một số loại đèn pop-up đầu tiên sử dụng hệ thống khớp nối cơ khí (Saab Sonett III). Thời trang cũng đã thay đổi và các loại xe hiện tại đòi hỏi tính khí động học cả khi đèn tắt và mở càng làm giảm sức hấp dẫn của đèn pop - up. Thêm vào đó, các qui định của ECE cũng rất chặt chẽ về các phần lồi ra của đầu xe nhằm làm giảm chấn thương cho người đi bộ bị xe ô tô đâm.

Đèn pha ẩn cũng là một loại đèn tương tự, mặt bảo vệ của đèn pha này được thiết kế để hòa vào các chi tiết phía trước của xe (như lưới chắn khoang máy, đầu xe) sẽ bảo vệ đèn pha khi tắt. Khi đèn được bật lên, mặt bảo vệ sẽ xoay lên trên hoặc xuống dưới, vào trong khoảng trống giữa đèn pha và đầu xe. Cơ cấu chuyển động của mặt bảo vệ có thể dùng ống chân không (như của Mercury Cougar 1967 - 1969) hoặc dùng mô tơ điện.

(Còn tiếp)
 
Last edited by a moderator:
Hạng B2
24/10/06
423
1
0
www.narva.com.vn
RE: Đèn pha ôtô - Lịch sử và Hiện tại

Đèn pha ôtô hiện đại

Các loại đèn pha hiện đại phát sáng bằng điện, lắp từng đôi, một hoặc hai cái mỗi bên ở phía trước xe. Hệ thống đèn pha phải có chức năng chiếu gần (đèn cốt) và chiếu xa (đèn pha). Yêu cầu này có thể được đáp ứng nhờ một chiếc đèn riêng biệt cho mỗi chức năng hoặc một chiếc đèn đa chức năng. Đèn pha (ở một số nước còn gọi là luồng sáng chính, luồng sáng cao hoặc luồng sáng chủ đạo), phát ra luồng ánh sáng chiếu thẳng, đem lại khoảng nhìn xa nhưng quá chói, không an toàn cho các phương tiện cơ giới khác đang chạy trên đường. Bởi vì không có sự kiểm soát đặc biệt nào của ánh sáng chiếu lên cao, đèn pha cũng gây ra sự chói mắt do sự phản xạ của các giọt nước mưa, sương mù, tuyết. Đèn cốt (luồng sáng thấp) có sự kiểm sóat chặt chẽ của ánh sáng hướng lên và ánh sáng chủ yếu chiếu xuống dưới, hắt sang phải (đối với các nước có có hệ thống giao thông bên phải) hoặc hắt sang trái (đối với các nước có hệ thống giao thông bên trái) nhằm đảm bảo an toàn cho người điều khiển xe cơ giới khi nhìn về phía trước mà không bị chói mắt hoặc bị phản xạ.

Có hai tiêu chuẩn khác nhau về chùm sáng và cấu trúc đèn pha được sử dụng trên thế giới là tiêu chuẩn của Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc châu Âu (UNECE) và Hiệp hội các kỹ sư ôtô của Mỹ (SAE). Thực tế thì tiêu chuẩn của UNECE được áp dụng và bắt buộc đối với tất cả các nước công nghiệp trừ Mỹ, và tiêu chuẩn SAE chỉ được áp dụng duy nhất ở Mỹ. Sự khác biệt cơ bản giữa hai tiêu chuẩn này là ở lượng ánh sáng của đèn cốt được phép chiếu tới người điều khiển xe cơ giới khác (tiêu chuẩn SAE cho phép độ sáng nhiều hơn) và lượng ánh sáng tối thiểu cần chiếu thẳng xuống đường (SAE yêu cầu nhiều hơn) và một số vị trí đặc thù trong luồng ánh sáng có mức độ sáng tối đa và tối thiểu cũng được qui định. Đèn cốt theo tiêu chuẩn ECE có đặc điểm là có một đường phân chia ánh sáng rõ rệt nằm ở phía trên cùng của luồng sáng. Ở phía dưới của đường này là sáng, còn ở phía trên thì tối. Phía của đường phân chia này đối diện với các phương tiện ngược chiều (phía bên trái với các nước có hệ thống giao thông bên trái và phái với các nước có hệ thống giao thông ở bên phải) sẽ hất lên hoặc giật cấp lên để chiếu sáng vào các biển báo và người đi bộ.

(Còn tiếp)
2001-e39-low-beam-pattern.jpg


Đèn cốt SAE có thể có hoặc không có một đường phân chia rõ rệt và nếu có thì cũng dưới nhiều hình dạng khác nhau. Những người ủng hộ mỗi hệ thống ánh sáng đều cho hệ thống kia là không phù hợp và không an toàn. Những người ủng hộ hệ thống SAE của Mỹ cho rằng đường phân chia luồng sáng thấp của hệ thống ECE làm giảm tầm nhìn và lượng sáng chiếu tới biển báo, còn những người ủng hộ hệ thống ECE lại cho rằng hệ thống SAE phát ra quá nhiều ánh sáng chói. Những nghiên cứu cho cả hai hệ thống SAE và ECE chỉ ra rằng có rất ít hoặc hầu như không có ưu thế an toàn nào đối với cả hai hệ thống luồng sáng này. Sự chấp nhận và bác bỏ hai hệ thống SAE và ECE của các nước đều được dựa trên cơ sở tập quán và triết học.
 
Last edited by a moderator: