Dải phân cách “tử thần”
Đúng tâm sự bác chủ topic nhá !
(CATP) Là cách người dân ngụ hai bên Quốc lộ 51 gọi dải phân cách được làm bằng tôn sóng nằm dọc hai bên đường suốt từ ngã ba Vũng Tàu, Đồng Nai đến TP. Vũng Tàu. Trung bình một năm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) xảy ra khoảng 200 vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản, trong số đó có hàng chục vụ liên quan đến dải phân cách tôn sóng có chiều dài gần 40km trên QL51.
Xe container đụng vào xe gắn máy và xe đạp văng vào dải phân cách tôn sóng
Những vụ tai nạn kinh hoàng 2 giờ chiều 27-4-2007 tại Km 55 trên QL51 thuộc địa bàn huyện Tân Thành, BR-VT, một thanh niên tên Cường chạy chiếc môtô biển số 72K-8387 từ hướng Long Thành, Đồng Nai về Bà Rịa. Do tránh ôtô cùng chiều đã tự đâm vào dải phân cách tôn sóng, chấn thương sọ não chết ngay sau đó, xe máy hư hỏng nặng.
19 giờ ngày 24-5-2007 tại Km 38 trên QL51 thuộc huyện Tân Thành, môtô biển số 52Z6-9307 do Dương Đức Chí điều khiển chở bạn là Đỗ Tiến Hoàng chạy từ hướng Long Thành về Phú Mỹ. Cũng do đường quá chật nên khi tránh ôtô cùng chiều đã tự đâm vào dải phân cách tôn sóng khiến Chí chết tại chỗ, Hoàng bị thương nặng, xe máy hỏng.
8 giờ sáng 21-7-2007 trên QL51 thuộc địa bàn xã Láng Cát, huyện Tân Hải môtô biển số 60S7-6906 do Nguyễn Thị Kim Tiên điều khiển chở cha ruột từ Đồng Nai đi Bà Rịa. Cũng do đường chật tránh xe ôtô cùng chiều tự đâm vào dải phân cách khiến Tiên chết tại chỗ, người cha bị thương nặng.
Tối 17-12-2007 cũng trên QL51 thuộc xã Tân Phước - Tân Thành, ôtô biển số 77K-7757 do tài xế Bùi Văn Chính điều khiển, do tránh xe ôtô cùng chiều đã lao vào dải phân cách tôn sóng khiến xe lật xuống đường, tài xế Chính chết ngay sau đó.
Gần nhất là vào cuối tháng 4-2008, anh Phan Huy Công chạy môtô biển số 72L1-6364 trên đường đi Phú Mỹ - Bà Rịa, do tránh xe ô tô cùng chiều cũng tự đâm vào dải phân cách tôn sóng chết tại chỗ.
Người dân hai bên QL51 còn nhắc đến một số tai nạn khủng khiếp mà họ được chứng kiến. Như trường hợp một thanh niên bị cây sắt dọc của dải tôn sóng đâm xuyên từ đầu tới chân như người ta xuyên cá để nướng; hoặc một nạn nhân bị dải tôn sóng cắt luôn nửa phần đầu như bổ dưa hấu; hoặc bị tiện đứt luôn một chân, sau đó tử vong trong bệnh viện như trường hợp của chị Nguyễn Thị Lan; hoặc trường hợp một thanh niên chạy xe môtô do cán phải đinh, xe nổ lốp khiến anh này té đập đầu vào chân dải phân cách bằng sắt chết tại chỗ; hoặc một chiếc ôtô Camry chạy buổi tối do tài xế chói mắt đâm vào dải phân cách, một thanh sắt dài của dải phân cách đã xuyên dọc chiếc xe từ đầu đến đuôi khiến tài xế chết ngay tại chỗ...
Xe gắn máy tông vào dải tôn sóng
Tuy nhiên, vẫn có những người đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần trong gang tấc nhờ may mắn. Trường hợp Trần Lê Anh Uyên, ngụ phường Phước Nguyên, TX Bà Rịa - người trực tiếp điều khiển xe gắn máy chở bạn là Nguyễn Thị Thanh Lan (SN 1987) đi từ TPHCM về Bà Rịa là một ví dụ. Do tránh ôtô, xe của chị đâm vào dải tôn sóng tại Km 55 khiến chị Lan ngồi sau té xuống chết ngay tại chỗ, còn Uyên văng ra ngoài bị thương. Trong trạng thái vẫn còn hoảng sợ, Uyên cho biết nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do dải phân cách tôn sóng vướng phía bên phải nên xe không thể lách để thoát ra ngoài được.
SỰ BẤT HỢP LÝ CỦA DẢI PHÂN CÁCH TÔN SÓNG
Với mục đích phân luồng giao thông, hạn chế phương tiện thô sơ như xe đạp, xe bò kéo... đi vào phần đường dành cho xe cơ giới, cơ quan chức năng đã cho lập dải phân cách tôn sóng hai bên lề đường, ở giữa là dải phân cách cứng bằng bê tông. Thế nhưng mục đích này đã không còn phát huy tác dụng vì số xe thô sơ tham gia giao thông quá ít, còn xe cơ giới lại quá nhiều, khoảng 50.000 lượt mỗi ngày. Trong khi đó, phần đường dành cho loại xe này chỉ còn từ 7-9m, quá chật để hai xe ôtô cùng chiều vượt nhau nếu có cả xe gắn máy cùng lưu thông. Do đó, các vụ tai nạn xảy ra đều do đường chật, người đi xe máy bị ôtô ép sát không có đường thoát nên đã lạc tay lái đâm vào dải phân cách và hậu quả đau lòng đã xảy ra. Biết là vậy nhưng rồi các loại xe máy hai bánh vẫn phải nhắm mắt chen vai thích cánh cùng với ôtô, bởi phần đường phía trong chỉ dành cho xe thô sơ, hơn nữa nó lại quá chật hẹp - chỉ có 3m cho tới mép đường. Một số người đi xe gắn máy sợ xe ôtô nên chạy vào phía trong phần đường này đã bị xử phạt vì sai qui định, hơn nữa phần đường này ít khi thông thoáng vì đã bị các quán xá, chợ búa hai bên đường chiếm dụng để hoạt động.
Xe máy bị xe 4 bánh kẹp vào giữa rất nguy hiểm
Người dân dọc hai bên Quốc lộ 51 còn bức xúc vì dải phân cách tôn sóng quá dài, ít khi ngắt quãng cho họ vào được nhà mà buộc phải đi đường vòng hoặc ngược chiều, dễ bị xử phạt. Đã vậy, chỉ những quán xá, nhà hàng, điểm kinh doanh mới không bị dải phân cách ngăn trở. Còn ngay những nơi người dân cần ra vào hàng ngày như trụ sở ủy ban xã, trường học... thì có xin mở ra cũng khó. Do vậy, một số người đã lén tháo dỡ dải phân cách cho thuận tiện việc đi lại nhưng không tuân thủ theo sự an toàn, không gắn biển báo dẫn đến việc những đoạn còn lại dễ gây tai nạn cho người đi đường.
Theo cơ quan chức năng, dải phân cách tôn sóng được gọi là dải phân cách mềm. Thực tế đây là dải phân cách hoàn toàn cố định, cứng không thua gì dải phân cách bê tông, nhưng nó lại rất dễ gây nguy hiểm vì các chân cột được làm bằng sắt dày hình chữ V, những thanh dọc cũng đều làm bằng sắt cứng, bén nhọn. Bởi vậy các nạn nhân hầu hết đều bị tử vong khi đâm xe hoặc ngã vào dải phân cách này.
Anh Lâm Tấn Dũng, tài xế xe khách tuyến TPHCM - Vũng Tàu, cho rằng dải phân cách tôn sóng không có lợi mà chỉ làm cho đường thêm chật hẹp, vì khi muốn dừng xe cho khách xuống phải né vào bên trong dải phân cách, dễ gây nguy hiểm cho xe phía sau. Từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn, anh Dũng cho rằng nếu không có dải phân cách, khi có đèn pha ngược chiều, người điều khiển giao thông bị chói mắt có thể né vào trong lề sẽ không có gì xảy ra. Còn ở đây, khi né vào trong thì “ăn” ngay các trụ sắt và thanh chắn của dải phân cách do nó không được sơn phản quang cũng như không có gì để báo hiệu.
Không chỉ người dân mà ngay cả lực lượng CSGT của hai tỉnh Đồng Nai và BR-VT thường xuyên tuần tra kiểm soát trên QL51 cũng tỏ ý bức xúc trước sự tồn tại bất hợp lý của dải phân cách tôn sóng bởi phần đường dành cho giao thông quá hẹp, chỉ khoảng từ 10-12m tới mép đường, mà còn bị chặn lại mất 3m. Trong khi đó, số phương tiện xe cơ giới là ôtô, xe gắn máy tham gia giao thông quá đông đúc. Đã vậy, tuyến đường này thường có rất nhiều xe hạng nặng như xe container, xe ben, xe đầu kéo... lưu thông. Khi người đi xe máy chen chúc trong dòng xe ôtô đông đúc đó, họ rất dễ bị ép sát lề. Và khi không có đường thoát buộc phải đâm vào dải phân cách tôn sóng, tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi! Bởi thế, mong muốn lớn nhất của người dân ở dọc hai bên QL51 là tháo dỡ ngay dải phân cách “tử thần” này.
CƠ QUAN CHỨC NĂNG NÓI GÌ?
Theo ông Trần Minh Sanh -Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, Trưởng ban an toàn giao thông tỉnh, thì tai nạn giao thông trên QL51 xảy ra khá nhiều và thường gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân do phân luồng, tổ chức giao thông không hợp lý, và ông cũng kiến nghị nên mở rộng thêm lề để tạo khoảng trống cho xe gắn máy đi ra ngoài thì tai nạn sẽ giảm.
Còn ông Nguyễn Văn Điệp-Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, Phó ban ATGT - cho biết: QL51 đoạn qua tỉnh Đồng Nai khoảng 30km nhưng việc tổ chức giao thông chưa đảm bảo. Dải phân cách tôn sóng có mục đích phân luồng dành cho xe thô sơ, nhưng nó quá chật hẹp nên nhiều lúc xe thô sơ phải đi luôn qua luồng dành cho xe cơ giới nên rất dễ xảy ra tai nạn.
Ôâng Đào Đình Bình - nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT - lại cho rằng dải phân cách tôn sóng là phân chia tách luồng giao thông hạn chế thiệt hại nếu xảy ra các vụ TNGT. Ôâng cho rằng, trên thế giới dải phân cách này được rất nhiều nước sử dụng và thực hiện có hiệu quả.
Theo ông Hồ Nghĩa Dũng - Bộ trưởng Bộ GTVT, bản thân dải phân cách tôn sóng muốn giải quyết vấn đề phân luồng giữa xe cơ giới bốn bánh với xe gắn máy, tuy nhiên luồng xe gắn máy quá nhỏ nên hầu như không phát huy tác dụng mà lại làm cho luồng xe cơ giới hẹp lại. Do vậy, dải phân cách tôn sóng, một trong những nguyên nhân gây TNGT, khi có va chạm tai nạn càng nghiêm trọng hơn.
Chính vì TNGT ngày càng nghiêm trọng nên tháng 5-2003 Bộ GTVT đã lập đoàn khảo sát thực tế tìm giải pháp khắc phục những bất cập trên QL51 theo kiến nghị của địa phương. Thế nhưng, đến nay Bộ GTVT chưa có động thái nào làm cho tình hình TNGT liên quan đến dải phân cách tôn sóng giảm. Ông Đinh Công Tiến - Đội trưởng xử lý tai nạn, Phòng CSGT BR-VT - cho biết: Trên Quốc lộ 51 trước đây chỉ xảy ra mỗi năm vài chục vụ TNGT, nhưng gần đây số vụ tai nạn gia tăng nhiều hơn, đặc biệt liên quan đến dải phân cách tôn sóng, có tuần ngày nào cũng xảy ra vụ việc, không lớn thì nhỏ.
Thế nhưng theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, nếu tháo dỡ dải phân cách tôn sóng thì xe cơ giới sẽ phá nát làn đường bên trong dẫn đến nhiều bất cập (?). Về lâu dài, ông Dũng cho rằng vẫn giữ nguyên dải phân cách cho xe gắn máy đi vào làn đường này. Đồng thời, lập dự án nâng cấp QL51 lên 6 làn xe, kiên cố làn đường xe gắn máy, sau đó dùng kết cấu kỹ thuật phân luồng hiệu quả sau khi được mở rộng. Nhưng để thực hiện được việc này phải lập báo cáo đầu tư, rồi tìm nguồn vốn mới quyết định được (?!).
Như vậy có nghĩa là dải phân cách tôn sóng vẫn sẽ tồn tại, sẽ tiếp tục là nguyên nhân của nhiều vụ TNGT có hậu quả thảm khốc. Và mong muốn của người dân là tháo dỡ ngay dải phân cách “tử thần” này không biết đến bao giờ mới được đáp ứng?