Tôi phải nói trước là tôi không hoạt động Thương mại điện tử nên các bác chuyên gia có thể buông ngay một câu "Cha này biết gì mà nói!" rồi bỏ qua phần dưới đây!
Kinh nghiệm của tôi chỉ gói gọn trong những lần mua hàng trên Amazon, E-bay, mua thẻ cào điện thoại trên VTC 365 và vài lần giao dịch trên Alibaba nên chỉ là một phần rất nhỏ mà thôi.
Điều rõ ràng mà ai cũng thấy là Thương mại điện tử về bản chất là thương mại nhưng được hỗ trợ bằng công nghệ thông tin. Tức là, nếu người sử dụng trông đợi gì và nghi ngại gì trong thương mại truyền thống thì cũng sẽ ứng xử như vậy trong thương mại điện tử. Vậy, người mua muốn gì và người bán muốn gì trong thương mại (bao gồm cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử)!?
Người mua thì dĩ nhiên muốn mua được cái mình cần với đúng giá trị của nó (rẻ hơn giá trị thì quá tốt
). Nhưng họ sẽ thực hiện điều đó bằng cách nào? Phương thức đầu tiên đó chính là thẩm định trực tiếp thông qua kinh nghiệm của mình. Các bác trai đi mua đồ (thường là đồ điện tử) sẽ nhìn vào nhãn hiệu hàng hóa, tình trạng sản phẩm v.v... Các bác gái đi chợ thì sẽ đánh giá chất lượng thực phẩm bằng cảm quan như nhìn màu sắc, sờ nắn, ngửi v.v...
Nhưng không phải ai cũng là chuyên gia nên người mua có thể sử dụng phương thức thứ hai, đó là dựa vào độ tin cậy của người bán. Tôi mà được vợ sai đi mua thực phẩm thì tôi sẽ mua ở một cửa hàng quen mà vợ tôi chỉ định để nếu có chuyện gì xảy ra thì tôi không phải chịu trách nhiệm về chất lượng món hàng!
Vợ tôi thì hay ra chợ cóc gần nhà để có thể giao hẹn với người bán phải đền bù trong trường hợp chất lượng không đảm bảo (Nói lan man một tí là gần công ty tôi trước đây có một bà rất bá đạo, mỗi khi muốn ăn trứng vịt lộn thì bà ấy gọi người bán trứng vào nhà để mua, sau đó luộc lên, ăn xong rồi mới trả tiền!
Tuy nhiên đây là thỏa thuận dân sự và người bán đồng ý thì giao dịch đó mới diễn ra).
Đó là về chất lượng còn giá cả thì người mua thường thực hiện phương pháp so sánh (nếu có nhiều người cùng bán sản phẩm đó) hoặc mặc cả trực tiếp (dựa trên kinh nghiệm về mức độ nói thách của người bán).
Về người bán thì họ có lợi thế hơn một chút trong giao dịch vì biết rõ về mặt hàng mình bán ra (thế nên mới có câu "Người mua nhầm chứ người bán có mấy khi nhầm"). Họ chỉ cần quan tâm đến việc không nhận phải tiền giả (trong trường hợp thanh toán trực tiếp) hay không thu hồi được tiền hàng (trong trường hợp mua bán trả chậm) hoặc tránh bị bắt đền mà không phải lỗi do mình gây ra.
Nhưng khi chợ được chuyển lên môi trường mạng thì vấn đề có khác biệt đi. Người mua không tiếp cận trực tiếp món hàng để đánh giá chất lượng (việc xem tin trên mạng rồi đến nơi bán hoặc đề nghị người bán mang hàng đến tận nơi thì chỉ là rao vặt điện tử hoặc thương mại điện tử sơ khai) nên họ chỉ có thể áp dụng phương thức thứ hai là dựa vào độ tin cậy của người bán. Độ tin cậy này có thể là thương hiệu của đơn vị bán hàng, kiểu như trang bán hàng của Thegioididong (tôi lấy ví dụ thôi chứ tôi cóc tin ông này với mấy thứ phụ kiện ông ấy bán), hay qua đánh giá của những người mua trước đó, phương thức này được áp dụng trên E-Bay.
Phương án thứ nhất (trang bán hàng đáng tin cậy) nghe qua thì ổn nhưng lại có hạn chế rất lớn là người bán sẽ phải thẩm định chất lượng hàng hóa mua vào nên sẽ chỉ chọn những thương hiệu tin cậy và nhập những lô hàng lớn. Điều này sẽ rất dễ thấy trong những đại siêu thị như Metro hay BigC. Hàng hóa có thể có rất nhiều nhưng mỗi mặt hàng sẽ chỉ có một (đôi khi có thêm 1, 2 nhãn hiệu nữa). Phương án sẽ làm không để cho những thương hiệu mới, những nhà sản xuất nhỏ có cơ hội chen chân vào thị trường đồng thời cũng hạn chế quy mô phát triển của trang vì vấn đề chi phí.
Phương án thứ hai thì dân chủ hơn, có một cái chợ được lập ra để mọi người mang đồ đến bán, chủ chợ sẽ chịu trách nhiệm các tiện ích cho người bán và người mua gặp nhau cũng như đứng ra phân xử khi có tranh cãi. Phương án này sẽ có lợi điểm là giúp cả những thương hiệu nhỏ hay thậm chí sản phẩm cá nhân cũng có cơ hội đến với khách hàng và nhờ thế quy mô của chợ cũng có thể phát triển đến mức không hạn chế (về mặt lý thuyết). E-bay là kiểu mẫu cho mô hình này, Amazon cũng đang đi theo hướng này khi cho phép những thương nhân bán hàng bên cạnh các sản phẩm mang nhãn hiệu Amazon.Nhưng nó có một vấn đề là nếu cơ chế phân xử tranh chấp không hiệu quả thì chợ sẽ sập trong một nốt nhạc. Vậy cơ chế này ở đâu ra? Nó chính là hệ thống pháp luật để ngăn chặn và trừng phạt các gian lận có thể có trong giao dịch!!! Đây chính là cái Việt Nam còn thiếu và là lý do mà tôi nói rằng chưa thể có Thương mại điện tử đúng nghĩa ở Việt Nam trong ít nhất là vài năm nữa chứ không phải các lý do về vốn, hạ tầng kỹ thuật v.v... Mua hàng trên E-bay, trong vài trường hợp gặp sản phẩm bị lỗi hay thậm chí bị lừa, tôi khiếu nại và đã nhận lại được tiền (dù thằng bán ở HongKong, tôi ở Việt Nam còn E-bay ở Mỹ). Mấy cái Kindle của tôi bị vỡ màn hình (chiếm đại đa số trong số Kindle bị lỗi), tôi liên hệ với bộ phận hỗ trợ của Amazon và kêu ca (tất nhiên phải kêu ca đúng cách) thì đã nhận được máy mới cứng kèm theo lời xin lỗi.
Thế nên việc các trang bán hàng của Việt Nam dù có hoạt động theo cơ chế của Amazon, E-bay với Nganluong, BaoKim... thì vẫn không thể làm tôi yên tâm mà mua hàng được vì chẳng thể ngăn chặn các đối tượng cố ý bán hàng dởm trên đó. Khi mà ở ngoài đời thực, ta vẫn thường xuyên mua phải đồ dởm dù đã xem tận mắt hay mất rất nhiều công sức để khiếu nại một sản phẩm bị lỗi thì đừng bao giờ nghĩ rằng mua hàng trên mạng sẽ đáng tin cậy hơn.
Chính vì thế tôi mới nói rằng dù cho VinGroup có nói rằng sẽ bỏ hàng nghìn tỷ (hay thậm chí nhiều hơn nữa) thì cũng không thể đưa ra mô hình Thương mại điện tử ưu việt hơn những cái đang có ở Việt Nam (trừ phi anh Vượng tuyên bố rằng sẽ đền gấp đôi cho những người mua phải hàng dởm và vác súng bắn chết luôn thằng bán hàng dởm
).
P/S: Tuy nhiên, bài phân tích trên chỉ được rút ra từ kinh nghiệm của riêng tôi, một thằng làm đâu hỏng đấy và chưa có nổi tiền tỷ trong tay, nên có thể VinGroup sẽ có chiến lược khác để thành công (thế thì anh Vượng mới là tỷ phú được chứ
).