Trong bài viết trước em để dành lại một bức ảnh, theo em đây là bức đẹp nhất trong seri:
Cầu Long Biên được khánh thành năm 1902, tên chính thức là cầu Paul Doumer, tên của viên Toàn quyền Đông Dương có vai trò rất lớn trong quyết định xây cầu. Cầu là gạch nối quan trọng trong tuyến đường sắt Đông Dương, khai thông tuyến Hà Nội - Lạng Sơn và Hà Nội - Hải Phòng.
Một chi tiết khá lý thú là rất nhiều tài liệu đều ghi cầu được thiết kế bởi Gustave Eiffel, tác giả tháp Eiffel nổi tiếng. Tuy vậy theo TS. Đào Thị Diến (Trung tâm lưu trữ quốc gia I) trên bản thiết kế cầu hiện lưu tại TTLTQG I thì phương án thiết kế được chọn là của công ty Daydé & Pillé. Đây đối thủ đã thắng công ty Société de Levallois Perret của Gustave Eiffel trong cuộc đấu thầu chọn phương án thiết kế và nhà thầu thi công cây cầu này. Phương án được chọn mặc dù có giá cao hơn nhưng thiết kế trang nhã và chắc chắn hơn. Theo đánh giá từ tiểu ban kỹ thuật của Hội đồng thẩm định, so với phương án của Levallois Perret thì số tiền chênh lệch 3.253 franc là một khoản quá nhỏ để hy sinh so với lợi ích kỹ thuật của dự án Daydé & Pillé mang lại..
Bản lưu thiết kế cầu năm 1897
Mặt sau thiết kế có con dấu của nhà thầu
Để tránh mùa bão lũ, cầu ngưng thi công trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm. Tuy vậy nhờ tổ chức tốt nên sau hơn 3 năm công trình đã hoàn thành, sớm 2 năm so với dự kiến.
Vào 8g30 ngày 28/2/1902, chuyến tầu đầu tiên từ ga Hà Nội đưa vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cùng đoàn tùy tùng tới đầu cầu để làm lễ khánh thành, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân bản xứ.
Cầu chủ yếu dành cho đường sắt ở giữa, đường bộ hai bên một thời gian sau mới hoàn tất.
Chân cầu
Đường dẫn lên cầu cho khách bộ hành
Đường ô tô
Cầu Long Biên nhìn từ trên cao
Cầu dài 1862m với 19 nhịp, 20 trụ đỡ, việc xây dựng cầu sử dụng 300.000 mét khối đá, 6.000 tấn kim loại, tiêu tốn 6.200.000 franc. Cả về thiết kế và quy mô, cầu Doumer là niềm tự hào của Đông Dương thời bấy giờ.
Đến nay cầu Long Biên đã bắc qua 3 thế kỷ nối liền đôi bờ sông Hồng. Cầu như một chứng nhân lịch sử đồng hành cùng thủ đô. Sau bao nhiêu năm chiến tranh, trong đó nặng nề nhất là 2 lần bị bom Mỹ đánh sập năm 1967 và 1972, hình dạng của cầu thay đổi rất nhiều so với ban đầu.
Long Biên trong con mắt của bây giờ chỉ là một cây cầu già nua cũ kỹ. Thật khó để hình dung chiếc cầu này có một thời "vừa dài vừa rộng, bắc trên sông Hồng/người xe đi lại thong dong/bộ hành tấp nập gánh gồng ngược xuôi". Những người đang hãnh diện với cầu Bãi Cháy, Mỹ Thuận... hôm nay cũng nên hiểu thêm về những bậc tiền nhân đổ mồ hôi, sôi nước mắt hàng trăm năm trước để có được cầu Long Biên và niềm tự hào của người xưa. Lịch sử cũng như một cây cầu dài đi tới tương lai, những nhịp trước có chắc chắn thì nhịp sau mới có thể vững vàng vươn tới.