Dalat nói:
@ Bác Flatinside, bác CGB, hai bác cho em hỏi :
Sơn lại lốc máy, ví dụ như nắp quy lát, hay vò máy phát điện.. thì sơn màu bạc do ban đầu nó màu bạc, sơn này có phải sơn chịu nhiệt không các bác?, và ở TP.HCM thì mình mua ở đâu? Cám ơn các bác trước nhé
Sơn chịu nhiệt có màu sắc gì là do người ta pha vào, chứ không nhất thiết là màu bạc.
Với sơn thường, nếu sơn vào động cơ thì lúc máy nóng là sơn cũng cháy khét lẹt. Sơn chịu nhiệt thì chịu được sức nóng của động cơ nên nếu buộc phải sơn động cơ thì người ta sẽ dùng sơn chịu nhiệt. Những chi tiết phải sơn là chi tiết có thể bị rỉ sét do oxy hóa như đầu culát, ống pô, các tấm tole bao quanh động cơ... còn bản thân bloc(?) máy (engine case) của VW beetle làm bằng hợp kim nhôm khó rỉ sét nên không cần phải sơn.
Bây giờ quay lại câu hỏi của bác:
'Sơn lại lốc máy, ví dụ như nắp quy lát, hay vò máy phát điện.. thì sơn màu bạc do ban đầu nó màu bạc, sơn này có phải sơn chịu nhiệt không các bác?'
Không phải các bộ phận trên '...thì sơn màu bạc
do ban đầu nó màu bạc' như bác nói đâu. Ban đầu thì nắp culat là sơn màu đen, vỏ máy phát điện thì không cần sơn vì nó bằng gang hoặc nhôm nên không sét nhưng thợ thuyền hoặc chủ cũ thấy cũ-đen-bẩn nên lấy sơn bạc xịt đại vào cho mau thấy.
Thợ thuyền của mình họ phần nhiều chỉ học hết cấp 1-2 nên họ không hiểu đâu, chỉ quen tay mà làm, ít có bác nào mày mò học hỏi tiếp. Việc chỗ nào sơn màu gì đối với máy móc không phải là chuyện ngẫu nhiên.
Động cơ VW khác nhiều loại khác ở chỗ nó được làm mát cưỡng bức bằng không khí (gió). Thật ra nhớt máy cũng là nhân tố quan trọng kế tiếp làm mát động cơ, nhưng sau đó nhớt cũng được làm mát bằng gió tại tháp giải nhiệt và qua thành máy, nên người ta ngắn gọn lại như vậy. Việc quá nhiệt tại các bộ phận của động cơ khiến nó làm việc không hiệu quả, dừng hoạt động, hư hỏng hoặc thậm chí bị phá huỷ hoàn toàn. Vậy, làm thế nào để nhanh chóng 'đuổi' sức nóng ra khỏi động cơ, giữ cho nó không bị quá nhiệt? Các kỹ sư đã sử dụng một loạt các ứng dụng và thiết kế rất thông minh, hiệu quả (chi phí thấp, tác dụng lớn):
- Bề mặt engine case (bloc máy) được chế tạo xù xì khiến cho bề mặt tiếp xúc với không khí tăng rất đáng kể - Thế nhưng nhiều bác vì muốn làm cho đẹp đã đem mài bóng và thậm chí xi mạ cho sáng choang.
- Gắn thêm các cánh giải nhiệt ở đầu culát với cùng lý do trên. Các cánh này còn được sơn màu đen để nhanh chóng hấp dẫn nhiệt ra bề mặt kim loại, sau đó lượng nhiệt này sẽ được quạt giải nhiệt thổi mát cưỡng bức. Nhiều thợ không biết đem sơn nhũ bạc mấy cái cánh này, thế là xong phim - hiệu quả giải nhiệt giảm đáng kể.
- Động cơ được trang bị một quạt gió lớn để lùa gió làm mát cưỡng bức tới hầu hết mọi ngóc ngách của động cơ, thậm chí tới tận buồng trao đổi nhiệt xung quanh ống pô. Một loạt các tấm chắn kim loại (Engine tin - như hình em post trang trước) bảo đảm dẫn gió làm mát đến tận những nơi hóc hiểm nhất, trọng yếu nhất. Thế nhưng thợ thuyền lại tưởng mấy tấm này là để chắn bùn - vướng quá - thậm chí tháo ra xong cũng không nhớ gắn lại vào chỗ nào - thế là... vứt!
- Nắp capô sau được thiết kế theo dạng khí động học hài hòa với thân và nóc xe để luồng gió sau khi ra tới sau xe sẽ tạo một lực hút lùa toàn bộ hơi nóng trong buồng máy xuống dưới và ra ngoài. Do đó nắp capô phải kín, khít thậm chí còn có các ron cao su nơi mép capo và hầm máy để tăng độ kín này. Thế nhưng đáng buồn thay, ít người hiểu như vậy, thậm chí giới thợ cũng không hiểu. Thế là thoải con gà mái mổ thêm các song cho thoáng, bất kể vị trí nào, hoặc đục lỗ nơi bảng số để gắn thêm quạt hút với niềm
hy vọng máy sẽ mát hơn - điều này may ra đúng, nếu nổ máy tại chỗ.
- Phía trong quạt gió, ngay phía trên động cơ số 3, là tháp giải nhiệt nhớt. Sau khi đi qua các bộ phận cần bôi trơn và giải nhiệt, nhớt được bơm về đây để trao đổi nhiệt qua một cơ cấu giống như két nước. Tháp này được ưu tiên đặt lọt ngay trong lòng hộp quạt gió để tăng hiệu quả làm mát nhớt, nhưng cũng vì thế mà nó làm cản bớt gió làm mát cho động cơ số 3 khiến máy này dễ bị trục trặc nhất. Cái 'nhà lầu' này cũng cần được sơn màu đen để tăng sức giải nhiệt nhưng nhiều thợ vẫn lôi ra sơn nhũ bạc ... cho nó đẹp.
Còn vì sao mà sơn màu đen hoặc các màu tối lại tốt cho việc giải nhiệt động cơ, là vì màu đen hấp thụ nhiệt rất mạnh. Khi sơn bề mặt động cơ bằng màu đen, lớp sơn này nhanh chóng hấp dẫn nhiệt trong kim loại ở thành động cơ ra bề mặt để rồi được quạt gió thổi vào không khí. Trái lại, các lớp sơn nhũ bạc, sơn trắng, hoặc xi mạ bóng loáng nơi động cơ đều phản xạ (hắt ngược) các tia nhiệt vào lại trong kim loại, khiến nhiệt bị giữ lại (trapped) trong thân máy khó thoát ra ngoài.