Cuối tháng rồi.
Bác
@DigiVirtual có dự đoán gì về thị trường tài chính tiền tệ ko nhỉ?
1. Tỷ giá
2. Thanh khoản ngân hàng.
Khi mà, FED vẫn tỏ quan điểm "diều hâu" trong cuộc gặp Jackson Hole. Đầu tư công là công cụ bơm tiền hiệu quả nhất nhưng vẫn triển chậm, ...
Vậy, áp lực tỷ giá, áp lực về lãi suất ở thị trường 1, áp lực lạm phát, ..., sẽ như thế nào trong tháng 9 này?
Quan điểm của em thì tháng 9 có vẻ ... đen tối hơn tháng 8. Mọi cái ở những tháng trước đây cố kiềm thì tháng 9 trở đi nó sẽ ... bùng hoặc xì ra
Thật ra thị trường tháng trước hay tháng này cũng không khác biệt gì lắm. Khi một xu hướng cơ bản mang tính macro dịch chuyển thì thị trường có thể chạy vài năm. Khi tôi viết rằng "lãi suất có lẽ ở đáy và sẽ tăng lên" vào tháng 9/2021, cách đây một năm, và lãi suất đã tăng trong vòng khoảng một năm đó. Một vài tuần hoặc một vài tháng chỉ là hạt cát trong biên độ này.
Lãi suất có lẽ còn tiếp tục tăng, cả ở trong nước và nước ngoài, trong một khoảng thời gian khả kiến.
1. Ở Mỹ có lẽ lãi suất sẽ tiếp tục tăng tới cuối năm 2022, nhất là sau khi số CPI tháng 8 vừa ra ở con số 8.3% YoY trong ngày 13/9/2022. Trước đây market nghĩ là Fed sẽ pivot nhanh, nên bị bất ngờ với triển vọng "higher for longer". Khi cái thực tế mới này hiển hiện, có lẽ thị trường sẽ mất một đoạn để điều chỉnh lại. Hiện tại fed funds rate (FFR) đang ở mức 2.25%-2.50%. Chắc là FFR sẽ lên đâu đấy vào khoảng 4% vào cuối năm nay, và thậm chí có thể còn tăng rate sang tận 2023.
Tuy nhiên, điều nói trên có thể không còn đúng nếu châu Âu rơi vào suy thoái nặng vào cuối năm 2022 và khi the shit hits the fan thì correlation của các thị trường sẽ gần như bằng 1. Nếu châu Âu suy thoái làm kinh tế Mỹ nguội lại nhanh hơn thì có thể Fed sẽ dừng việc tăng lãi suất sớm hơn.
2. Ở Việt Nam. Về cơ bản, lãi suất là giá của việc sử dụng tiền. Trong hai năm 2020-2021, dân tình không làm ăn được gì nên tiền rút ra khỏi các tài sản thực (ngoại trừ bất động sản) và đầu tư vào các tài sản tài chính, chủ yếu là cổ phiếu. Khi nhu cầu sử dụng tiền thấp, giá của tiền giảm, tức là lãi suất giảm.
Hiện tại, điều ngược lại đang xảy ra. Do kinh tế đang dần trở lại bình thường, dân tình rút tiền ra khỏi hai lớp tài sản bất động sản (có tính đầu cơ) và cổ phiếu (tài sản tài chính) để đầu tư vào các tài sản thực (1). Các yếu tố mang tính chính sách (thông tư 153, hay siết tín dụng vào nhóm bất động sản, etc) củng cố thêm yếu tố này. Nhu cầu sử dụng tiền tăng lên, nhưng huy động tiền từ dân cư tăng chậm hơn, dẫn đến hệ số cho vay trên số dư huy động (LDR) của các ngân hàng tăng lên, lên mức khoảng 100%. Do đó, các ngân hàng sẽ phải gia tăng mạnh hơn từ huy động tiền gửi để có nguồn cho vay cho cuối năm nay và có lẽ để chuẩn bị cho năm sau. Vì vậy, lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng, và giá của việc sử dụng tiền cũng phải tăng (tức lãi suất cho vay cũng tăng).
Trong năm 2020-2021, do nền kinh tế hầu như là đóng cửa, các doanh nghiệp cố gắng giảm tỷ lệ đòn bẩy (deleveraging). Net debt/equity của các doanh nghiệp phi tài chính ngân hàng trên ba sàn niêm yết giảm từ mức 84% năm 2020, xuống 82% năm 2021, và tới Q2 2022 còn 80%. Khi kinh tế mở lại, các doanh nghiệp tìm cách gia tăng vay vốn (re-leverage) để làm ăn. Khi room tín dụng được mở lại, có lẽ tỷ lệ đòn bẩy sẽ tăng nhanh trong các tháng tới (tức là debt/equity sẽ tăng).
Đen đủi thay, khi nhóm này tăng đòn bẩy thì cũng vừa vặn mùa đông tới. Khi đó, châu Âu đi vào khủng hoảng, và Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền từ châu Âu, nhất là khi Fed đã cố gắng tăng lãi suất để làm chậm lại nền kinh tế. Cầu trong nước Việt Nam thì vẫn đang tăng trở lại, nhưng thật ra thì cầu trong nước có quy mô nhỏ, mà nền kinh tế đất nước này thực ra phụ thuộc vào ngoại thương. Khi kinh tế thế giới khủng hoảng, không còn động lực từ xuất khẩu, có lẽ nền kinh tế Việt Nam sẽ sụp hố lần hai. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nào đòn bẩy tăng nhanh vào đúng khủng hoảng thì có thể lại có thêm cái chết hậu-COVID19. Thử xem điều này có turn out như thế vào cuối 2022, đầu 2023 hay không.
Khi nhìn equity, tôi thỉnh thoảng nhìn một thứ gọi là equity risk premium. Mặc dù giá ở mức 1250 tại ngày 13/9/2022 trông có vẻ thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 1500 vào tháng 4/2022, nhưng thật ra risk premium hầu như tương đương (đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất sẽ còn tăng) vì vậy equity không hấp dẫn hơn.
Tôi sẽ gia tăng short position vào Vietnamese equities trong các tháng tới.
Note:
1. Tôi có ý muốn viết rằng tiền chảy từ các tài sản tài chính sang các tài sản thực. Ở bển, kiểu như nước Mỹ vĩ đại thì bất động sản được coi là loại tài sản thực, trong đó có các loại nhỏ hơn kiểu như bất động sản thương mại (mall, warehouse etc.), khu apartment cho thuê etc. Những loại này tạo ra dòng tiền thực. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì hơi khác, phần nhiều trong bất động sản mà mọi người quan tâm là các loại hình bất động sản không có dòng tiền thực, kiểu như đất nền hay đất nông nghiệp ở cái khu Mù Căng Chải nào đấy có view nhìn ra sông ra núi chắc hai mươi năm nữa cũng chưa có người lai vãng. Bất động sản ở Việt Nam có phần nào giống với "tài sản ảo" hơn là tài sản thực, dù rằng nó sờ nắm được. Bất động sản ở Việt Nam có ít cash flow, yield rất thấp, và hầu như chỉ trông mong vào capital gains, tức là phụ thuộc vào người đến sau trả giá, nên rất bị ảnh hưởng bởi biến động lãi suất. Do tính chất "ảo" này của bất động sản nên tôi không thể viết rằng "tiền chảy từ các tài sản tài chính sang tài sản thực" được, mà phải đổi rằng "tiền chảy từ các tài sản có tính đầu cơ sang các tài sản thực."