Hình như trong bất động sản có nguyên tắc 3Ls: Location, Location, Location. Chúng tôi sau khi đi tới đi lui, nhờ tới 3-4 bạn môi giới ở Thạnh Mỹ Lợi đưa đi coi quanh khu thì vợ chồng tôi cũng mang máng được về giá rổ khu này. Bây giờ tổng kết lại, có những lựa chọn sau:
- APAK giá vừa đắt vừa ít lựa chọn. Có lô trông vuông vức nhất, đỡ lởm nhất trong các nhà mà bạn môi giới Hiếu đưa chúng tôi đi là số nhà 46, đường 12, không rõ khu A, B, C, D EF gì - tôi ở đây cũng 5-6 năm nhưng tôi không quan tâm nên cóc nhớ đựơc bản đồ khu. Lô này 5x20, diện tích 100sqm, giá 150 tức là 15 tỷ. Tiền này thì chúng tôi cố cũng được, hơi rướn tí nhưng cũng tạm ổn. Tuy nhiên để gọi là ngôi nhà mơ ước, để chúng tôi ở vài chục năm nữa không phải lăn tăn tìm chỗ tốt hơn? No, not really. Nó thiếu một cái gì đấy, một cái gì đấy that clicks.
- Hưng Thịnh SMV: lô 5x20 giá không còn ở 130, có lẽ đã trôi lên độ 140-150 nhưng chả có ma nào bán. Bạn môi giới thấy người bán chảnh quá nên cũng không theo sát họ nữa, cho họ đỡ làm màu.
- Thủ Thiêm Villa: Lô ít tiền nhất ở khu K, kích thước 8x20, giá 105 tức 16.8 tỷ. Theo lời Bình nói thì sổ sách thế quái nào đấy, tai tôi lùng bùng vì chưa quen các khái niệm pháp lý nên lúc đấy chả rõ. Tóm lại là không vay ngân hàng được. Sau này tôi mới ngẫm ra, nếu vay được ngân hàng, chắc giá lô rẻ nhất ở Thủ Thiêm Villa không còn ở 105, mà tối thiểu cũng phải tầm 130-140, vì giá ở Phú Nhuận đã ở 120-130, mà Thủ Thiêm Villa hạ tầng tốt hơn Phú Nhuận cả mét.
- Lô rẻ nhất ở Phú Nhuận 1 có kích thước 7x18.5 giá 104, tương đương 13.4 tỷ, hướng Tây Nam và bị đâm đường. Trong khi chúng tôi không sợ đâm đường lắm, hướng Tây Nam là không thể chịu đựng được. Lô Phú Nhuận 4 kích thước 5x18, giá 145, tương đương 13 tỷ (theo môi giới T), hay 12.6 tỷ (môi giới Hải), nhưng vợ tôi lại không thích. Lô này vướng hố ga nữa, nên càng không được.
Chưa có lô nào hợp với sở thích và túi tiền chúng tôi cả. Có vẻ như lựa chọn của chúng tôi đã gần hết. APAK không được (và về sau này khi đã biết đến TML, tôi không còn quan tâm đến APAK nữa), Thạnh Mỹ Lợi trông to lớn rộng rãi thế hóa ra lại chả có gì cho chúng tôi. Chán chường, tôi đưa vợ đi về. Trên đường từ Trương Văn Bang chạy về phía cầu Thời Đại, tôi bỗng quay xe lại bảo vợ "thôi, đằng nào mình cũng xuống đây, thử xuống dưới khu 1 xem thế nào em ạ." Vợ tôi đồng ý. Khu 1, hay còn gọi là khu Tái định cư, xa hơn các khu Phú Nhuận, Thủ Thiêm Villa, chưa nói đến các khu Huy Hoàng, SMV hay thế kỉ 21 phía trên.
Những gì chúng tôi thấy ở khu 1 sẽ được kể trong một bài sau. Ở đây tôi muốn nói về thứ gọi là Location.
Chúng tôi rất thích khu Thạnh Mỹ Lợi này. Giá mà mẹ tôi bảo tôi đi tìm đất cách đây 1 năm, có thể đó sẽ là động lực để tôi đi tìm hiểu đường xá phương hướng và biết đến nơi này sớm hơn.
Vợ chồng tôi thích TML hơn nhiều so với APAK, và càng thích hơn Thảo Điền. APAK không gần sông, Thảo Điền gần sông, nhưng chỉ với một số lô đặc biệt, nơi mà không gian gần sông là một thứ exclusive. Những đường chính ở Thảo Điền như Nguyễn Văn Hưởng, hay Thảo Điền chả đường nào gần sông. Tôi hiểu cảm giác sở hữu một thứ riêng biệt, nhưng tôi tin rằng public goods có thể đem lại greater good. Một căn nhà ven sông cho chủ nhân của nó cảm giác tận hưởng một không gian thoáng đãng hoàn toàn riêng tư. Dù vợ chồng tôi có những trải nghiệm này ở mức độ nào đó, ví dụ chúng tôi đã tổ chức đám cưới tại Thảo Điền Village, và một private event như vậy ngay bên sông là một trải nghiệm quý giá, tôi vẫn cho rằng giá trị của tổng số các căn nhà có exclusivity này thấp hơn so với giá trị của cả khu vực chia sẻ chung không gian rộng gần sông. Cách đây mấy năm, khi tôi tới NYC chơi, một trong những điều tôi thích nhất là đi dạo quanh đường dọc bờ biển trong Battery Park ở khu Manhattan. Đó là một không gian chung rộng rãi. Bạn đi được bao nhiêu bước trong sân vườn của ngôi nhà ven sông của mình? Bạn có thể đi đựơc bao nhiêu nếu có một con đường dọc ven sông, dài hàng miles? Tôi thích điều thứ hai hơn. Nhưng có thể đó chỉ là những sở thích riêng tư. (Tất nhiên, Thảo Điền còn đựơc thiên nhiên ban tặng cho những trận lụt nữa, thật đáng sợ.)
Khi tìm hiểu về bất động sản, mặc dù là gà vịt non nớt, chúng tôi biết những điều sau:
- Xu hướng và cấu trúc thị trường đang thay đổi rất nhanh. Những gì là đúng với thị trừờng bất động sản từ trước đến nay, có thể sẽ không còn đúng trong một tương lai gần nữa. Tôi lấy một ví dụ, cách đây độ 20-30 năm trước, dân tình chỉ có cái xe máy là sang, đường nhỏ bé gồ ghề, thì khoảng cách bất động sản hợp lý là khoảng 5km đổ lại từ trung tâm. Tiến sau 30 năm, rất nhiều nhà có điều kiện để mua xe hơi, khoảng cách này có thể tăng lên đến 20-30km. Những năm 90, ai mà nghĩ được có thằng điên nào đi mua nhà ở Sài Đồng, một nơi mù căng chải xa xôi với Hà Nội? Vài chục năm sau, điều đó thành có thể. Vinhomes Sài Đồng lại oách ra phết ấy chứ.
- Demographics của thị trường thay đổi rất nhanh. Trước đây những ai có tiền mua bất động sản hẳn là những ông già trung niên, làm những công việc như kinh doanh buôn bán, sau một thời gian tích cóp tìm chỗ làm ăn tốt hơn, quy mô lớn hơn. Vì vậy, nhu cầu có một chỗ gần đường lớn, thuận tiện kinh doanh là một điều thiết yếu, dẫn đến bất động sản ở những khu vực này quý hiếm, và do đó luôn tăng giá. Điều này chưa chắc đã đúng, hoặc chí ít là tầm quan trọng của nó sẽ giảm sút đi trong tương lai dài hạn. Nền kinh tế có những ngành nghề mới, như tài chính, ngân hàng. Tôi có nhìn vào ngành retail, và tôi không cho rằng tương lai ủng hộ rất nhiều trong số những người làm nghề buôn bán, dịch vụ nhỏ lẻ lặt vặt. Nhiều khoản đầu tư trong lĩnh vực này có lẽ chỉ đơn giản có tác dụng là destroy owners' value. Ngày càng có nhiều hơn những bạn trẻ tầm 35-40 tuổi, tương đối thành đạt trong các ngành nghề mới, nhiều chất xám hơn, kiếm đựơc một đôi chục tỉ một năm, hoặc thậm chí hơn. Họ có những sở thích và nhu cầu mới. Những người này chả thèm quan tâm đến một ngôi nhà mở được cửa hàng bán lẻ cà phê. Bán cafe để làm gì? Ngớ ngẩn. Tôi mua một căn nhà, ở lầu trên và cho thuê lầu dưới để làm gì? Ngớ ngẩn. Bây giờ có thể điều này vẫn quan trọng với nhiều người, nhưng tôi cho rằng sự quan trọng của nó sẽ giảm sút trong tương lai, khi nhu cầu về nhà ở đa dạng hơn.
Xin lỗi, tôi không thích ở Quận 1, Quận 3, Quận 5, hay Phú Nhuận. Những nơi này quá đông đúc và ồn ào. Nhìn từ trên bản đồ, ngoại trừ Quận 1, các quận còn lại chỉ nhung nhúc những màu trắng của nhà, trông thật kinh.
Khi tôi mới sang Mỹ học, tôi bị sốc văn hóa khi đường xá vắng lặng, nhà nào nhà nấy đều to đẹp, nhưng yên tĩnh chả có ma nào cả. Khi ở Mỹ quen rồi, lúc về Việt Nam, tôi bị sốc văn hóa lần hai. Mọi thứ quá ồn ào. Bây giờ tôi chỉ thích một chỗ nào đấy rất yên tĩnh.
Tất cả những gì tôi cần ở hàng xóm là đừng có những thằng điên hát karaoke ông ổng. Ở Việt Nam tôi chỉ có cách bán nhà đi chỗ khác. Ở khu APAK tôi ở, có một thằng điên nào đấy rất thường xuyên tra tấn người khác như thế. Nếu có hàng xóm, tôi hi vọng câu chuyện có thể là "ồ, con chó nhà chị trông yêu thế nhỉ, một ngày nó đi ị mấy bãi?" hay, "bụi hoa trước cửa nhà anh đẹp đấy, nó là hoa gì mà nhiều sâu róm thế?"
******
Mặc dù văn phòng vợ tôi ở Q1 ngồi bên này sông nhìn sang đối diện với khu Thủ Thiêm tài chính bên kia sông, chúng tôi thật ra chưa bao giờ tới khu Thủ Thiêm ven sông đấy. Tôi còn chả biết đường ra đó, mặc dù chúng tôi cũng hay đi đường Công Viên Trung Tâm quẹo phải xuống hầm Thủ Thiêm. Nhưng nhìn bản đồ, tôi biết đường đi tới đó.
Thay vì mọi lần quẹo phải xuống hầm, lần này tôi đi thẳng cái đường Công Viên Trung tâm. Đi một đoạn tối mù tối mịt, nhưng càng lúc càng đông dần. Rồi chúng tôi nhìn thấy bên kia sông là đèn từ các cao ốc lấp lánh bên Quận 1. Có một điều phiền muộn là khu này được phát triển từ một "giải tỏa trắng", hoàn toàn có điều kiện để phát triển thành một khu ra hồn, nhưng đường lại làm quá bé. Cũng thông cảm thôi, người Việt Nam không biết cách phát triển đô thị.
Chúng tôi để xe bên đường, đi bộ tới đường ven sông. Chỗ này chỉ toàn là những người bán rong những đồ ăn uống rẻ tiền. Nhưng từ đây nhìn sang Quận 1 bên kia thật gần. Đèn sáng lung linh bên kia sông. Đất nước này cũng sẽ đi theo con đường của các đô thị khác trên thế giới thôi. Sẽ chẳng bao giờ Sài Gòn là trung tâm tài chính quốc tế, nhưng việc phát triển skyline trên hai bờ sông cũng giống như ở mọi thành phố phát triển hơn khác.
Vợ chồng tôi đi bộ tay nắm tay mà tràn ngập niềm hưng phấn về một điều chắc chắn sẽ tới.
******
Shit, thế mà Thạnh Mỹ Lợi chỉ cách khu skyline tương lai này có 10 phút đi xe. Location, location, location.
Ước gì chúng tôi biết đến nơi này sớm hơn.