Hạng F
22/10/09
8.170
32.541
113
hồi chưa có M 16 thì mấy cây garand này là đồ chơi nhà nghèo bác ui, được cái bắn chính xác , sức công phá mạnh, mà thôi lạc đề quá rùi , quay lại máy bay chủ đề thôi
 
Hạng C
8/8/08
665
62
43
Hehe, vụ cải tiến Garant em có đọc ở đâu đó nhưng em dốt về kỹ thuật nên quên mất rồi, đại loại là các bác VNCH mài mòn một chi tiết nào đó trên khóa nòng, bóp cò một phát thành liên thanh mấy viên luôn. Bên BV cũng có khẩu K63 là cải tiến liên thanh của CKC, băng đạn 20 viên.
Tuy vậy phải công nhận việc trang bị súng trường tấn công cho bộ binh của phía Mỹ và VNCH luôn đi sau phía BV một bước. Khi đổ quân vào VN, rất nhiều đơn vị Mỹ vẫn sử dụng carbin và M4. M16 mãi sau mới trang bị đại trà.


Về số lượng UH1 khả dụng hiện nay thì quả thật em không rõ, hóng hớt được thì số lượng sẵn sàng chiến đấu tương đương với một trung đoàn, nghĩa là khoảng 30 chiếc, nhưng chưa rõ số đang niêm cất trong kho vũ khí hệ 2 là bao nhiêu. Dĩ nhiên phụ tùng phải thay khá nhiều, nhưng có nguồn mua đồ mới chứ không phải đồ tân trang. :D
 
Hạng F
22/10/09
8.170
32.541
113
Như vậy kho vũ khi hồi xưa Mỹ để lại chỉ có UH1 là khả dụng, còn chinook chắc thành Fe vụn hết rùi, lúc rút đi Mỹ ko có để lại OH 6 và Cobra, Oh6 máy êm lắm , thả biẹt kích là số 1, cơ động, bay nhanh. Trong trận Mogadishu, cuới cùng Mỹ phải nhờ đến mấy em này thả thêm lính, phiên bản mới là MD 500, bay nhanh hơn OH 6. Tốc độ 282km/h
 
Last edited by a moderator:
Hạng B1
12/12/09
55
0
6
xxmagicxx nói:
@Lâm Lan: lại cái lý sự cùn của Bác (đáng lý ra em tính nói từ nặng hơn thế cơ). Máy bay quân sự không bắn được thì nó nhằm vô máy bay dân sự mà nã. Chưa hết, các tổ chức khủng bố có thể mua lại, và tuồn vào bất cứ quốc gia nào mà chúng muốn gây thảm sát, cứ vác chúng gần sân bay dân dụng thì ôi thôi.....Trực thăng Nga ngố lúc đó rơi nhiều vì không có hệ thống tự vệ như phương Tây.
Hiểu chưa ông kẹ.
Em đi công tác chổ không có mạng nên không lên xem sớm cái bác nói được. Bác nói là trực thăng Nga ngố không có hệ thống tự vệ. Bác có chắc không ? Theo em được biết thì họ cũng có đó. Nếu bác chịu khó đọc những bài viết của các chuyên gia vũ khí thì bác sẽ không phát biểu thế đâu. Mà nói thế này với bác có lẽ cũng như không thôi. Vì bác chỉ thích nói theo cảm tính thôi, không có một cơ sở hay dẫn chứng nguồn thông tin gì cụ thể. Lúc nào rãnh rỗi em sẽ tập hợp một số thông tin về trực thăng Nga với hệ thống tự vệ đưa lên để bác bớt phán lung tung.
Nói chung là em cảm nhận là bác chỉ được cái hay phán bừa, đến khi bị người ta truy đến bằng chứng của những phát biểu lung tung của mình thì lại "đánh trống lảng" sang chuyện khác cho đỡ thẹn. Lý sự cùn là lý sự của những người luôn tự nghĩ là mình đúng và không chứng mình được cho lập luận của mình bằng những dẫn chứng, lập luận khoa học.
 
Last edited by a moderator:
Hạng D
30/8/10
1.254
270
38
DaiThang No.1
rubykoifarm.com
Các bác cứ suốt ngày cãi nhau về thằng nào tốt hơn thằng nào để làm gì.Nói cho cùng vũ khí hay máy bay cho dù hiện đại đến đâu cũng chỉ là cỗ máy do con người tạo ra.Mà đã do con người tạo ra thì con người phải trị được nó.Lịch sử cho thấy B52 bất khả đụng đã rụng như thế nào ở VN bởi SA 2.
Và giờ mình chứng minh thêm cái sự bất khả đụng của cái tàng hình F117A đã bị cái tên lửa tàng tàng SA-3 hạ như thế nào nhé!

Tìm lời giải cho việc máy bay F-117A bị bắn rơi tại Côxôvô.
Năm 1999, việc Nam Tư bắn rơi máy bay tàng hình F-117A của Mỹ bằng tên lửa phòng không SA-3 đã gây được sự chú ý của các nhà phân tích quân sự. Từ đó đến nay đã có khá nhiều bài viết phân tích, đánh giá về mặt chiến-kỹ thuật trong trận chiến giữa vũ khí tàng hình và chống tàng hình đã được các nước trên thế giới phát triển. Bài viết dưới đây cung cấp những thông tin mới xung quanh sự kiện này, đồng thời làm rõ thêm những ưu và nhược điểm của vũ khí tàng hình và chống tàng hình.

Năm 1999, NATO, đứng đầu là Mỹ đã phát động chiến tranh chống Nam Tư. Trong cuộc chiến đó, với ưu thế trên không, liên quân NATO đã tiến hành oanh kích ngày đêm nhằm buộc Nam Tư phải khuất phục, giành thắng lợi với tổn thất ít nhất. Nhưng điều đáng nói nhất là trong cuộc chiến đó nhiều máy bay chiến đấu của liên quân đã bị bắn hạ, trong đó có cả một máy bay chiến đấu tàng hình F-117A, bị tên lửa phòng không SA-3 do Nga sản xuất bắn rơi. Hiện nay, xác chiếc máy bay F-117A và tên lửa SA-3 đang được trưng bày tại bảo tàng phòng không Nam Tư.

Chuyền đề về máy bay.
F-117A Nighthawk do công ty Lockheed Martin chế tạo, sản xuất thử năm 1978, bay thử lần đầu năm 1981 và chỉ sau 31 tháng hoàn thiện (8/1982 đến 7/1990) đã có 59 chiếc được chuyển giao cho Không quân Mỹ. Giá thành mỗi chiếc F-117A năm 1998 là 120 triệu USD.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-117A được thiết kế dùng cho những nhiệm vụ đặc biệt trong giai đoạn đầu chiến tranh như: bắn phá các mục tiêu sở chỉ huy, trung tâm thông tin, trận địa phòng không, kho tàng vũ khí đặc biệt, sân bay và các dinh thự của nguyên thủ quốc gia, các cơ quan đầu não của đối phương.
F-117A lần đầu tiên được sử dụng vào ngày 21/12/1989 với số lượng 2 chiếc trong chiến dịch "Sự nghiệp chính nghĩa" khi Mỹ can thiệp vào Panama. Sau đó liên tục được dùng trong chiến tranh Iraq lần 1 (1991), chiến tranh Nam Tư (1999) và gần đây nhất là chiến tranh Iraq lần 2 (2003).

Tính năng kỹ-chiến thuật:
- Kích thước (m):
Dài: 20,3.
Cao: 3,8.
Sải cánh: 13,3.
- Diện tích mặt cánh: 105,90 m vuông.
- Động cơ: 2 động cơ GE F-404 công suất 71,2 kN.
- Vận tốc lớn nhất: 1040 km/h.
- Khối lượng:
Cất cánh: 3885kg.
Tối đa: 13600kg.
- Tải chiến đấu lớn nhất: 2270kg.
- Dự trữ nhiên liệu tối đa: 5500kg.
- Bán kính hoạt động (không tiếp dầu): 1060km.
- Kíp lái: 1 người.
- Vũ khí:
Bom: 2 bom GBU-12 Paveway II, 2 bom WCMD, 2 bom Mark 61, 2 bom GBU-10 hoặc GBU-27 (bom xuyên), 2 bom hạt nhân cỡ nhỏ B-61 và B-83.
Tên lửa: 2 AGM-88 HARM (chống radar).
- Radar: Đo cao.
- Thiết bị trinh sát, bắt mục tiêu, dẫn đường: Quang điện tử/ hồng ngoại/ GPS.


Theo tạp chí "Hàng không và vũ trụ" của Nga, tháng 12/2006, 1 chiếc máy bay F-117A bị bắn rơi bởi tên lửa Igla ngày 20/1/1991 tại Iraq. 3 giờ ngày 14/9/1997 máy bay F-117A lại bị rơi tại căn cứ quân sự Holloman do trục trặc kỹ thuật. Trong chiến tranh Kosovo, phía Nam Tư tuyên bố bắn rơi 2 chiếc F-117A, 1 do SA-3 bắn, 1 do MiG-29 hạ. Như vậy, có thể đã có tới 4 chiếc trên 59 chiếc F-117A bị rơi do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, giới chức quân sự Mỹ chỉ thừa nhận tổn thất 1 chiếc, đó chính là chiếc F-117A bị tên lửa SA-3 bắn rơi ngày 27/3/1999 cách Bengrad 32km.

Việc máy bay tàng hình F-117A bị tên lửa phòng không SA-3 ra đời trước đó 40 năm bắn rơi khiến cho quân đội Mỹ không khỏi suy nghĩ. Câu hỏi đặt ra là tại sao loại SA-3 lạc hậu hàng thập kỷ lại có thể bắn rơi máy bay chiến đấu có tính năng tàng hình ưu việt như F-117A? Nam Tư đã dùng phương pháp gì để phát hiện và bắn rơi F-117A?
Chuyền đề về máy bay.
Có thông tin cho rằng máy bay F-117A đã bị radar phòng không Nam Tư phát hiện và bắn hạ khi đang mở khoang vũ khí dưới bụng máy bay. Tuy nhiên, thông tin này chưa thuyết phục. Trước hết, máy bay này bị bắn rơi khi chưa tiến hành công kích. Thứ hai, thời gian mở khoang vũ khí của F-117A là rất ngắn, nếu radar có phát hiện ra thì cũng mất mục tiêu ngay lúc đó , không đủ tín hiệu để tiếp tục bám theo mục tiêu, chứ chưa nói tới việc dẫn tên lửa tấn công. Nên thông tin này chưa đủ tin cậy.
Chuyền đề về máy bay.

F-117A hiện nguyên hình trên cánh đồng Nam Tư.
Trên thực tế, theo điều tra của Mỹ, có thể do phi công của chiếc F-117A mở sensor đo cao siêu cao tần để hiệu chỉnh độ cao nên bị radar định vị thụ động Tamara do Cộng hòa Cezch chế tạo phát hiện, định vị và bám theo, sau đó bộ đội tên lửa Nam Tư đã phóng tên lửa SA-3 theo sự dẫn đường của radar này để bắn hạ F-117A. Khi tác chiến cùng với radar thụ động Tamara, tên lửa SA-3 được đánh giá là lạc hậu, sử dụng không hiệu quả trong cuộc chiến ở Trung Đông đã phát huy được uy lực. Vậy, radar Tamara hoạt động theo nguyên lý nào, nó có cấu tạo thế nào để có thể tránh được những tác động do chế áp điện tử?

Radar thụ động Tamara:
Tổ hợp radar thụ động Tamara (KRTP-91) do Công ty kỹ thuật Era - Cộng hòa Cezch nghiên cứu chế tạo, được NATO gọi là Trash Can. Khác với radar truyền thống phải phát sóng để phát hiện và bám mục tiêu, radar thụ động không phát sóng mà dựa vào việc thu bắt tất cả tín hiệu điện từ phát ra từ mục tiêu để phát hiện và bám bắt. Máy bay dù nhỏ đến đâu, dùng biện pháp tàng hình radar nào thì vẫn có thiết bị phát sóng vô tuyến để liên lạc với bên ngoài như: liên lạc vô tuyến với chỉ huy, với quân bạn, thiết bị đo cao vô tuyến, radar, hệ thống đường truyền số liệu và hệ thống đối phó, chế áp tên lửa phòng không...radar định vị thụ động khai thác những yếu điểm này để phát hiện mục tiêu.
Chuyền đề về máy bay.

Một đài radar Tamara cơ động.

Công nghệ radar thụ động có bề dày lịch sử tương đối dài và phát triển khá mạnh trong những năm gần đây. Ngay từ thập kỷ 60-TK20, Cộng hòa Cezch đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo radar định vị thụ động. Hệ radar này được coi là thế hệ đầu của radar Tamara ngày nay. Trên thực tế hệ radar này chưa được sử dụng để dẫn tên lửa, do vậy các nước NATO cũng chưa nắm được tính năng thực tế, đặc biệt là khả năng phát hiện máy bay tàng hình của nó. Các radar định vị thụ động dò tìm mục tiêu theo phương thức phân tán và định vị theo nguyên lý "tam giác đạc". Phương thức triển khai của một đơn vị radar Tamara gồm ba đài triển khai phân tán, mỗi đài bao quát vùng quạt rộng 120 độ (ba đài có thể bao quát toàn bộ phương vị 360 độ). Mỗi đài radar có máy thu tín hiệu điện từ độ nhạy cực cao, mạng antena có kích thước lớn: dài 1,3m, rộng 0,9m, nặng 120kg, có thể thu bắt các tín hiệu điện từ làm việc trên dải tần 1 đến 18Ghz. Khi ba đài radar làm việc ở ba địa điểm khác nhau có thể cùng đồng thời thu bắt được mọi tín hiệu trên không trung. Do vậy, dưới sự giám sát của hệ thống Tamara, dù là máy bay tàng hình, nhưng chỉ cần mở bất cứ một thiết bị nào phát xạ sóng điện từ ra bên ngoài như radar, máy thông tin vô tuyến hoặc thiết bị đo cao vô tuyến..., đều khó thóat khỏi sự phát hiện và theo dõi của hệ radar này.




Tín hiệu thu được từ ba đài radar định vị thụ động ở ba địa điểm khác nhau được đưa về bộ phận xử lý tín hiệu của đài trung tâm. Bằng phương pháp định vị theo nguyên tắc "vi sai thời gian tới của tín hiệu" (TDOA) mục tiêu mà ba đài thu bắt được, người ta có thể tính tóan tọa độ của mục tiêu (phương vị, cự li) bằng tam giác đạc. Nếu tăng số đài radar lên đến bốn đài, có thể xác định được tọa độ mục tiêu theo ba chiều (3D): phương vị, cự li và độ cao. Những tham số mục tiêu xác lập được có thể được chuyển thẳng tới tổ hợp tên lửa phòng không có điều khiển như SA-3 để đánh chặn mục tiêu mà không cần mở radar trinh sát của tổ hợp tên lửa.
Chuyền đề về máy bay.

Hệ thống Vera-E trên đường cơ động.
Radar Tamara có thể trinh sát hiệu quả trong vùng quạt có bán kính 250km, có thể đồng thời bám 70 - 100 mục tiêu trên không. Phiên bản cơ động của hệ radar này có tên Vera-E, vùng trinh sát hiệu quả có thể đạt 450km nếu sử dụng máy tính xử lý tín hiệu tốc độ cao để tính tóan kết hợp với antena thu độ nhạy cao hơn. Vùng trinh sát càng rộng với các tín hiệu nằm trong dải tần từ 0,1 đến 40 GHz.
Vì radar Tamara có thể phát hiện được máy bay F-117A của Mỹ trong thực chiến nên nhiều nước trên thế giới rất quan tâm đến hệ radar này. Thông qua công ty xuất nhập khẩu quân sự Omnipol, năm 2004, Trung Quốc đã đặt mua của Cộng hòa Cezch tất cả 6 hệ thống Vera-E trị giá 55,7 triệu USD song Mỹ đã gây sức ép với Thủ tướng Cezch không được bán hàng quân sự cho Trung Quốc, vì vậy hợp đồng đã không được thực hiện.
Chuyền đề về máy bay.

Khi triển khai.
Hệ radar định vị thụ động Tamara cùng với các loại radar khác của Nam Tư đã góp phần không nhỏ vào chiến công bắn rơi tại chỗ F-117A trong cuộc chiến Kosovo năm 1999. Đặc biệt, theo tổng kết của Nam Tư thì trong thời gian đầu chiến tranh, khi bị chế áp điện tử mãnh liệt, trong khi các loại radar hiện đại sử dụng sóng dm, cm Nam Tư mua của Đức, Mỹ bị tê liệt thì những đài radar cũ kỹ dùng sóng m như P-12/18/35 của Liên Xô sản xuất vẫn hoạt động tốt.
Câu hỏi còn lại ở đây là tổ hợp tên lửa SA-3 cũ kỹ của Nam Tư khi kết hợp với radar Tamara đã phát huy uy lực như thế nào? Chiếc F-117A đã bị bắn rơi do đâu?
Tổ hợp tên lửa phòng không SA-3:
Tổ hợp tên lửa phòng không SA-3 Goa (S-125) là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung và tầm thấp thế hệ 2 của Liên Xô trước đây. Tổ hợp tên lửa này được nghiên cứu và phát triển từ những năm 50 của TK20. Đến năm 1961, nó chính thức được đưa vào biến chế của bộ đội phòng không Liên Xô, chủ yếu được triển khai để bảo vệ yếu địa. Đơn vị tác chiến chủ yếu của SA-3 là cấp tiểu đoàn, một tiểu đoàn hỏa lực gồm 1 đài radar dẫn đường, antena quét cơ điện có thể bám đồng thời 6 mục tiêu, 4 bệ phóng liên hoàn (2 hoặc 4 tên lửa tùy từng loại S-125 hay S-125M). Cứ 3 đến 4 tiểu đoàn hỏa lực sẽ có 1 tiểu đòan bảo đảm kỹ thuật, tất cả hợp thành biên chế cấp trung đoàn.
Chuyền đề về máy bay.

Bệ phóng tên lửa SA-3 (S-125M)
Tổ hợp SA-3 kết hợp với tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung, cao SA-2 hoàn thiện lưới hỏa lực từ thấp đến cao. SA-3 sử dụng tên lửa 5V27, cùng dạng và có thể sử dụng chung với tên lửa phòng không trên hạm SA-N-1. Tên lửa 5V27 dài 6,7m; đường kính 55,2cm; nặng 980kg (kể cả tầng 1-khởi tốc). Tầm bắn hiệu quả của tên lửa 5V27 là 25km, trần bắn hiệu quả là 18km.
Phương thức dẫn đường của SA-3 là dẫn theo lệnh vô tuyến trên toàn hành trình (phương thức này thường được Liên Xô áp dụng cho các loại tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa). Trình tự tác chiến của SA-3 như sau: Radar P-15 làm việc trên băng C (5,45GHz) bắt được mục tiêu, nó chuyển giao các thông số cho radar điều khiển hỏa lực SNR-125 bám bắt mục tiêu. Sau khi tên lửa phóng đi, radar SNR-125 tiếp tục bám đuổi mục tiêu, đồng thời truyền lệnh dẫn vô tuyến tới tên lửa, antena thu tín hiệu ở cánh đuôi tên lửa nhận lệnh dẫn điều khiển tên lửa bay tới mục tiêu. Khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa sẽ kích nổ đầu đạn phá mảnh bằng ngòi vô tuyến để tấn công mục tiêu bằng hàng trăm mảnh kim loại. Khối lượng của đầu đạn tên lửa nổ mảnh là 72kg, bán kính sát thương hiệu quả là 12,5m.
Tổ hợp tên lửa SA-3 còn có một phiên bản sử dụng bệ phóng kép, đặt trên xe Zil-131 cấu hình 6x6 hoặc Zil-151. Loại này nâng cao tính cơ động và có thêm một dải tần quang học để dẫn tên lửa trong trường hợp bị nhiễu điện từ nặng nhưng cũng có hạn chế là thời gian chuyển trạng thái từ hành quân sang sẵn sàng chiến đấu khá dài, tới 90 phút.
Tổ hợp tên lửa SA-3 ngoài trang bị cho bộ đội phòng không Liên Xô còn được xuất khẩu cho nhiều nước Đông Âu và Trung Đông. Trong cuộc chiến ở Trung Đông, tên lửa phòng không SA-3 của Arab đã không phát huy được hiệu quả do sự chế áp, gây nhiễu điện tử của Israel quá mạnh, tỉ lệ bắn trúng mục tiêu rất thấp. Lực lượng phòng không Arab lúc đó chủ yếu dự vào các loại SA-6, SA-8 (thế hệ sau của SA-3) để tác chiến phòng không. Mặc dù vậy hiện tại còn khá nhiều quốc gia đang duy trì loại SA-3 trong biên chế trực chiến. Để nâng cấp, tăng hạn sử dụng cho SA-3, những năm 90 TK20, Nga đã đưa ra phương án nâng cấp cho SA-3, đó là loại Pechora-2T áp dụng công nghệ điện tử, số hóa.
Chuyền đề về máy bay.

Tổ hợp Pechora-2T
Các gói nâng cấp của SA-3 Pechora-2T bao gồm: Radar điều khiển hỏa lực SNR-125-2T, tăng hạn sử dụng cho tên lửa 5V27, hệ thống máy tính số hóa mới và đài radar đa chức năng, máy thu siêu cao tần tạp âm thấp, phương tiện vận chuyển, cơ động mới (có thể dùng các loại xe việt dã cấu hình 8x8), cải tiến hệ thống truyền lệnh và hệ thống phóng. Bảng dưới đây so sánh tính năng SA-3 Pechora-2T với tổ hợp SA-3 cũ:

Tính năng SA-3 SA-3-2T
1, Thời gian chuyển trạng thái SSCĐ 90 phút 20 phút
2, Số mục tiêu tác chiến đồng thời 1 2
3, Vận tốc tên lửa (max) 700m/s 900m/s
4, Tầm phóng hiệu quả 18km 25km
5, Trần phóng hiệu quả 25km 35km
6, Hệ số kháng nhiễu 24w/MHz 2700w/MHz
7, Xác suất tiêu diệt mục tiêu:
- Máy bay cánh cố định 0,45 - 0,87 0,85 - 0,96
- Máy bay lên thẳng 0,17 - 0,67 0,40 - 0,80
- Tên lửa hành trình 0,04 - 0,48 0,30 - 0,85

Sự xuất hiện của công nghệ tàng hình đã có tác động sâu sắc tới xu thế phát triển của vũ khí, trang bị hiện đại, đặc biệt là vũ khí phòng không. Vũ khí thế hệ mới, dù là máy bay chiến đấu, chiến hạm, xe thiết giáp hay ngay cả tên lửa hành trình phóng từ máy bay cũng đều chịu ảnh hưởng từ thiết kế tàng hình của F-117A, mục đích nhằm giảm xác suất bị phát hiện, tăng cường khả năng sống sót trên chiến trường.
Chuyền đề về máy bay.

Tàu chiến áp dụng công nghệ tàng hình lớp Lafayette của Pháp.
Do vậy, các nước có công nghiệp quân sự phát triển đang dành toàn lực phát triển công nghệ tàng hình, điển hình trong số đó là Mỹ với các loại máy bay hiện đại như B-2, F-22 Raptor và F-35 JSF. Đồng thời với việc phát triển công nghệ tàng hình thì công nghệ phát hiện và chống tàng hình cũng được tích cực nghiên cứu và phát triển. Phát triển công nghệ phát hiện và chống tàng hình có vẻ phù hợp với các nước đang phát triển, có tiềm lực công nghệ quân sự ở mức thấp.
Trong chiến tranh Kosovo, máy bay tàng hình F-117A rất hiện đại đã bị tên lửa phòng không SA-3 cũ kỹ kết hợp với radar thụ động Tamara phát hiện và bắn hạ, tuy vậy không thể vì thế mà phủ định ưu thế của công nghệ tàng hình trên chiến trường. Lịch sử chiến tranh của nhân loại, mâu luôn đi đôi với thuẫn, cuộc đối đầu giữa công nghệ tàng hình và chống tàng hình cũng không phải là ngoại lệ.
 
Hạng D
30/8/10
1.254
270
38
DaiThang No.1
rubykoifarm.com
Trước hết, chúng ta hãy cùng xem xét thế nào là công nghệ tàng hình, có biết về nó thì mới có cách phòng chống hiệu quả.

Như mọi người đều biết, để phát hiện máy bay, tàu chiến từ khoảng cách xa ngoài tầm nhìn của mắt thường hay thiết bị quang học thì hiện nay trên thế giới các nước đều sử dụng radar. Radar (RAdio Detection and Ranging) được chế tạo và phát triển dựa trên hiện tượng phản xạ (dội về) khi tín hiệu phát đi gặp mục tiêu, radar sẽ thu bắt, khuyếch đại các tín hiệu phản xạ đó và ta thu được tọa độ, hình ảnh...của mục tiêu. Nói một cách nôm na, giống như trong phòng tối ta ném một quả bóng tenis về phía trước, nó đập vào bức tường và dội lại cho ta biết đằng trước có chướng ngại vật.
Công nghệ radar từ khi ra đời và phát triển đã giúp cho bên phòng thủ rất nhiều trong việc theo dõi, cảnh báo, phát hiện mục tiêu cũng như dẫn bắn cho các loại vũ khí đối không, đối hải. Mâu nào có thuẫn ấy, bên cạnh việc phát triển radar các nước có nền khoa học quân sự phát triển cũng dày công nghiên cứu, chế tạo các loại thiết bị, vũ khí có thể vô hiệu hóa, chế áp radar. Điển hình cho loại công nghệ chống radar này là các thiết bị gây nhiễu tích cực, tiêu cực, các loại máy bay gây nhiễu trong đội hình, ngoài đội hình mà Mỹ đã sử dụng phổ biến trong chiến tranh Việt Nam. Gần đây hơn nữa là loại bom E (Electro-Magnetic Bom) chuyên dùng để phá hỏng, vô hiệu hóa các loại radar, phương tiện truyền thông, truyền hình, máy tính...
Tuy nhiên, đây chỉ là một hướng phát triển của công nghệ chống radar. Sau chiến tranh Việt Nam, nhằm thực hiện học thuyết can thiệp nhanh, đánh phủ đầu bằng ưu thế tuyệt đối của Không quân, Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới nghiên cứu và phát triển các biện pháp khiến máy bay, tàu chiến của họ tàng hình trước radar. Đến thời điểm hiện tại - khi tớ đang ngồi type bài viết này - thì cũng chỉ có duy nhất Mỹ là nước đang sở hữu 3 loại máy bay tàng hình gồm: F-117, B-2, F-22. Mỹ cũng đang sở hữu loại tàu chiến Sea Shadow tàng hình, hiện đang phát triển các loại DDX có khả năng tàng hình cao hơn. Trong lĩnh vực tàu chiến tàng hình, chúng ta cũng không thể không nhắc đến lớp tàu Lafayette của Pháp hay Smyge, Visby của Thụy Điển.
Chuyền đề về máy bay.

Sự suy giảm tiết diện phản xạ với sóng radar của máy bay tàng hình B-2
Ta bắt đầu cùng nhau tìm hiểu về các loại công nghệ tàng hình nhé! Công nghệ tàng hình chủ yếu hiện nay gồm các công nghệ chủ yếu sau:
- Công nghệ giảm bề mặt phản xạ hiệu dụng của phương tiện chiến đấu bằng nhiều cách như: sử dụng vật liệu có khả năng hấp thụ hoặc tản xạ sóng radar, cấu trúc phương tiện chiến đấu có bề mặt nhiều góc cạnh để tản xạ theo nhiều hướng khác nhau như ở F-117 hoặc nhẵn bóng để giảm tối đa phản xạ sóng radar, đưa các thùng treo tên lửa hoặc bom vào bên trong thân máy bay...
- Công nghệ giảm bức xạ nhiệt hồng ngoại do động cơ hoạt động thải ra, nhất là khi bị tên lửa bám, bằng nhiều cách: che chắn các phần bị hun nóng của động cơ, giảm "góc nhìn" của địch, sử dụng turbin cánh quạt để hạ nhiệt, tối ưu hoá việc đốt cháy để không sản sinh bức xạ nhiệt hồng ngoại, hạn chế các yếu tố làm tăng việc thải này...
- Giảm phát xạ điện từ bằng những cách như: che chắn các khí tài điện - điện tử của phương tiện chiến đấu, giảm phát xạ xung để thu hẹp khả năng phát hiện tín hiệu, thay bộ phát xạ điện từ bằng kỹ thuật quang, kỹ thuật la-de...
Ngoài 3 công nghệ chủ yếu trên thì hiện Nga đang phát triển loại công nghệ tàng hình Plasma tiên tiến, tuy nhiên nó còn đang trong quá trình thử nghiệm chưa được đưa vào sử dụng trên thực tế!
Công nghệ tàng hình là tổng hợp của rất nhiều công nghệ tiên tiến khác nhau thuộc các lĩnh vực vật lý kỹ thuật, vật liệu mới, điện tử, công nghệ thông tin, động lực, tự động hoá, năng lượng... Hiện nay, kỹ thuật tàng hình được coi là một kỹ thuật tổng hợp tiên tiến nhất đối chọi lại các thủ đoạn trinh sát, thăm dò của radar, điện tử, hồng ngoại, sóng âm thanh....và thường được gọi là kỹ thuật tàng hình radar, kỹ thuật tàng hình điện tử, kỹ thuật tàng hình các nguồn sáng có thể phát hiện được và kỹ thuật tàng hình sóng âm thanh... Tuy nhiên, thực chất kỹ thuật tàng hình là sự phát triển của kỹ thuật ngụy trang truyền thống theo hướng công nghệ cao. Trong kỹ thuật tàng hình, vật liệu tàng hình được coi là yếu tố then chốt. Hiện nay trên thế giới đã và đang phát triển một số vật liệu tàng hình sau:
- Vật liệu polyme:
Loại vật liệu này mới được phát triển trong những năm gần đây nhờ có kết cấu đa dạng, đặc tính cơ lý-hóa học độc đáo. Phức hợp vật liệu polyme dẫn điện với vật liệu vô cơ tổn hao từ, hoặc các hạt cực nhỏ có thể phát triển thành một loại vật liệu kiểu mới, nhẹ, hấp thụ sóng viba dải tần rộng. Sản phẩm kết hợp polyme dẫn là Contex, một loại sợi do hãng Milliken & Co, sản xuất từ năm 1990. Sợi được phủ lớp vật liệu polyme dẫn được gọi là Polypyrrole và có thể dệt thành thảm chống tĩnh điện, đã được Mỹ sử dụng cùng với những tấm Card trên máy bay để triệt tiêu năng lượng đến của radar.
- Chất hấp thụ sợi thép đa tinh thể:
Công ty Gamma của châu Âu đã phát triển một loại sơn hấp thụ sóng ra-đa kiểu mới, sử dụng sợi xenlulô thép đa tinh thể làm vật liệu hấp thụ. Đây là một loại vật liệu hấp thụ ra-đa từ tính, hiệu quả cao trong băng tần rất rộng trong khi trọng lượng giảm tới 40-60%; khắc phục được khuyết điểm quá nặng của đa số vật liệu hấp thụ từ tính.
- Vật liệu Chiral:
Chiral là một loại hiện tượng mà vật thể và ảnh đối xứng qua gương của nó không tồn tại tính đối xứng về hình học; không thể sử dụng bất cứ phương pháp nào để làm cho vật thể và ảnh đối xứng qua gương của nó tồn tại tính đối xứng về hình học, cũng không thể sử dụng bất cứ phương pháp nào để làm cho vật thể và ảnh đối xứng qua gương trùng hợp được với nhau. Bắt đầu từ những năm 1950, các công trình nghiên cứu cho thấy vật liệu Chiral có thể làm giảm phản xạ của sóng điện từ chiếu vào, đồng thời có thể hấp thụ sóng điện từ. Đến những năm 1980, nghiên cứu đặc tính hấp thụ và phản xạ sóng viba của vật liệu Chiral được thực sự coi trọng. Hiện nay, vật liệu Chiral hấp thụ sóng radar là hỗn hợp vật chất có kết cấu dựa trên vật liệu cơ bản để tạo thành vật liệu phức hợp.
- Vật liệu tàng hình thông minh:
Vật liệu tàng hình thông minh là một trong những ứng dụng của kỹ thuật cao, mới được phát triển từ những năm 1980. Đây là một loại vật liệu và kết cấu có chức năng nhận biết, xử lý thông tin, tự ra quyết định và hòa trộn tín hiệu, tạo ra khả năng tàng hình thông minh. Hiện nay, kỹ thuật tàng hình đang phát triển theo hướng vận dụng tổng hợp, cân bằng tính năng tàng hình và các tính năng khác; mở rộng phạm vi tần số và phạm vi ứng dụng, hạ thấp giá thành.
- Sơn tàng hình:
Sơn tàng hình là loại sơn phức tạp có thể hấp thụ các loại sóng cao tần, vi ba, sóng milimét. Thành phần của nó có “nội bào” chứa lớp bọc kim loại hoặc những hạt hình cầu nhỏ đường kính cỡ 5µm- 75µm. Sau khi tạo lớp sơn bảo vệ, lớp sơn cuối cùng sẽ làm cho vũ khí trang bị dày thêm vài micrômét. Các hạt hình cầu nhỏ li ti rất thích hợp để phủ lên bất kỳ kết cấu nào. Các nhà khoa học đã tạo ra được nhiều loại sơn thẩm thấu hình cầu liti để phối hợp với nhau nhằm tạo nên các công cụ khác nhau, bao gồm cả chống nhiễu điện tử, hấp thụ sóng ra-đa, sóng hồng ngoại và ngụy trang hồng ngoại. Sử dụng chất sơn hạt hình cầu liti còn có ưu điểm giá thành hạ, và thời gian sử dụng kéo dài.
Ngay trên một loại vũ khí trang bị, cũng có thể sử dụng các loại sơn khác nhau ở các bộ phận khác nhau.Trên xe tăng hoặc các loại xe bọc thép có thể sơn lên nóc xe, phía trước và hai bên thành xe một loại sơn phức hợp có thể làm cho radar bám theo và các hệ thống tìm mục tiêu trên các phương tiện tiến công của đối phương bị sai lạc; còn các bộ phận khá nóng của xe, như khoang động cơ và hệ thống thải khí, lại thích hợp hơn với sơn hấp thụ hồng ngoại hoặc sơn ngụy trang phức hợp. So với các loại sợi dệt tàng hình, sử dụng sơn hạt cầu liti không chỉ là một phương pháp giải quyết tàng hình bền hơn, mà giá thành thấp hơn (mỗi xe tăng chỉ cần từ 5.000 đến 8.000 USD).

Trong không quân, các nước còn dùng sơn phản quang, có màu sắc phù hợp với nền trời như xám, bạc, xanh, đen... để máy bay lẫn chìm vào màu sắc bầu trời lúc buổi sáng, buổi trưa hoặc tối. Mỹ đang sử dụng một loại sơn cao su silicon đặc biệt hấp thụ rất mạnh sóng điện từ để sơn lên bề mặt các vũ khí trang bị nhằm chống lại sự phát hiện của radar đối phương, vì loại sơn này hấp thụ sóng điện từ, làm giảm diện tích phản xạ hiệu dụng của radar. Thực nghiệm cho thấy sơn màu ngụy trang có hiệu quả tàng hình khá tốt. Thí dụ, khi dùng thiết bị nhìn đêm mức sáng thấp để quan sát ở cách 1.000m, thì xác suất phát hiện khi không sơn ngụy trang là 77,5%, có sơn ngụy trang chỉ còn 33%. Sơn ngụy trang hiện đại còn có tác dụng hấp thụ bức xạ, không chỉ cho phép giảm xác suất phát hiện phương tiện vũ khí trang bị bằng mắt, mà còn giảm bức xạ hồng ngoại của các phương tiện này.

Chuyền đề về máy bay.
Vật liệu Nanômét
Sự ra đời của của tàng hình Nanômét đã mở ra hướng phát triển vũ khí tàng hình thông minh trong tương lai. Các nước như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Nga... coi kỹ thuật Nanômét là kỹ thuật tàng hình thế hệ mới. Vật liệu Nanômét là loại vật liệu do các hạt siêu nhỏ (1- 15 Nanômét) của kim loại, hợp kim, vật liệu vô cơ hoặc của vật liệu polyme qua ép nén, liên kết hoặc phun tạo thành. Vi hạt Nanômét có kích thước nhỏ hơn nhiều so với bước sóng của tia hồng ngoại và sóng radar nên tính truyền sóng qua và tỷ lệ hấp thụ sóng điện từ lớn hơn nhiều so với các loại vật liệu thông thường, đặc biệt nó có đặc tính tổn hao từ lớn, nên có thể làm vật liệu tàng hình. Vi hạt Nanômét có tính hấp thụ sóng tốt trong phạm vi phổ tần khá rộng, được coi gần như vật "siêu đen" tuyệt đối, nhất là thể rắn Nanômét của các loại chất ô xy có tính hấp thụ tốt đối với sóng hồng ngoại, làm vật liệu tàng hình tổng hợp với kênh phổ rộng dùng cho cả sóng hồng ngoại và radar, làm cho kỹ thuật tàng hình phát triển mạnh theo phương hướng từ kênh sóng đơn nhất sang kênh phổ tần rộng. Một đặc tính của vật liệu nanô mà các vật liệu khác không thể so sánh được, là đặc điểm có tính hấp thụ sóng rất mạnh, hoạt tính cao và dễ phân tán, nên rất dễ tạo thành lớp phủ tàng hình nhẹ, siêu mỏng. Như vậy, lớp phủ tàng hình dày hàng chục micrômét như hiện nay sẽ được thay thế bởi lớp phủ dày chỉ mấy chục Nanômét. Điều này làm cho trọng lượng giảm đi rất nhiều, và nâng cao tính năng tàng hình của vũ khí, trang bị. Các nhà khoa học quân sự đã nghiên cứu chế tạo được ''bột siêu đen'' chất sơn tẩm Nanômét có thể hấp thụ 99% sóng radar, có khả năng nhận biết, tự xử lý các mệnh lệnh chỉ huy và tin tức.

Kỹ thuật tàng hình Plasma
Công nghệ tàng hình Plasma (còn gọi là tàng hình đẳng ion) có tính kinh tế, rẻ tiền hơn tất cả các công nghệ tàng hình đã có, nhưng lại có hiệu quả tàng hình rất cao. Bản chất của công nghệ tàng hình Plasma là cân đối giữa hiệu quả khí động học và tính tàng hình của vật thể. Đó là công nghệ tàng hình khác hoàn toàn với các công nghệ tàng hình truyền thống. Thực chất plasma có nghĩa là nguyên tử của nó chứa nhiều động năng tới mức các điện tử hóa trị được giải phóng do những va đập giữa các nguyên tử. Một tín hiệu vô tuyến gặp phải luồng Plasma sẽ dễ dàng bị phân tán. Sóng điện từ gặp phải Plasma cũng sẽ bị năng lượng hóa cao và đổi hướng làm cho máy thu không thu được tín hiệu phản hồi, vì thế radar không phát hiện được sự hiện diện của vũ khí trang bị. Cũng có khả năng là plasma sẽ đánh lừa và tiêu tán năng lượng sóng vô tuyến bằng cách hút tín hiệu xung quanh nó cho tới khi tín hiệu bị triệt tiêu, do đó không phản hồi lại radar. Khi sử dụng luồng Plasma, sẽ làm tăng tính tàng hình mà không phải trả giá về mặt khí động và thậm chí đạt hiệu quả cao. Trung tâm nghiên cứu khoa học Keldysh của Nga là cơ quan đầu tiên đề xuất ý tưởng plasma, từ tháng 3 năm 1999, họ đã chào hàng xuất khấu một thiết bị tàng hình dạng lắp ghép có khả năng làm cho máy bay thông thường trở nên vô hình đối với radar. Hệ thống này sẽ tạo ra một lớp khí ion hóa hay Plasma bao quanh máy bay. Hiện nay, công trình nghiên cứu một hệ thống giảm khả năng quan sát thế hệ ba đang được tiến hành. Hệ thống này nặng dưới 100kg tiêu thụ vài chục kw điện. Bằng cách lắp hệ thống này cho máy bay, tiết diện phản xạ radar của một máy bay thông thường có thể giảm đi trên trăm lần, bằng tiết diện phản xạ radar của máy bay tàng hình chuyên dụng. Công trình nghiên cứu phát triển sử dụng công nghệ tàng hình Plasma của Nga còn nhằm giảm khoảng 30% sức cản của máy bay. Theo ý kiến của các nhà khoa học Nga, một trong những công nghệ khí động Plasma dân dụng đã làm giảm đáng kể tiết diện phản xạ radar của máy bay. Sự hấp thụ sóng vô tuyến của Plasma đã được biết đến qua hiện tượng mất liên lạc mà tàu vũ trụ luôn gặp phải khi quay về tầng khí quyển. Nguyên nhân là do hiệu ứng che chắn của Plasma. Tất nhiên, điều này luôn xảy ra ở phía trước tàu vũ trụ khi nó lao vào tầng khí quyển của Trái Đất và va đập với không khí làm nhiệt độ tăng cao. Nguyên lý này đã được áp dụng để hấp thụ năng lượng radar. Mặc dù khi dùng các máy phát Plasma xung quanh máy bay, có thể máy bay sẽ bừng sáng lên như sao băng, nhưng trên màn hình radar dường như lại vô hình. Theo ý kiến của các nhà thiết kế thuộc Viện Thiết kế Mikoyan và Sukhoi của Nga, sự tốn kém của công nghệ tàng hình hiện đang áp dụng vượt quá hiệu quả mà nó mang lại. Vì vậy, chọn công nghệ tàng hình Plasma sẽ là giải pháp cân đối giữa hiệu quả khí động và tính tàng hình trong các thiết kế máy bay thế hệ mới nhất trong tương lai gần.
Các máy phát Plasma thế hệ đầu tiên và thế hệ thứ hai đã được thử trên mặt đất và thử bay. Hiện nay đang nghiên cứu một hệ thống thuộc thế hệ thứ ba dựa trên những nguyên tắc vật lý mới, và có thể tham khảo sử dụng năng lượng tĩnh điện bao quanh thân máy bay để giảm tiết diện phản xạ radar. Hệ thống tàng hình Plasma trên những tương tác của Plasma và sóng điện từ, nhưng theo một hướng rất khác lạ. Thiết bị Plasma tàng hình sẽ tạo ra một trường Plasma xung quanh máy bay. Trường này, một mặt tiêu tán năng lượng điện từ của đối phương hoặc làm đổi hướng của chúng, làm giảm tiết diện phản xạ radar xuống hơn 100 lần. Hiệu ứng tiêu tán và làm đổi hướng tín hiệu điện từ trong trường Plasma đã được phát hiện từ nhiều thập kỷ trước. Hệ thống tàng hình mới này không có thay đổi gì mới về mặt lý thuyết, nhưng lại có những điểm mới về kỹ thuật của máy Plasma. Các nhà thiết kế máy bay sử dụng một máy phát Plasma che chắn cho các máy bay có tốc độ trên siêu âm. Trong ứng dụng này, Plasma có thể được phát ra bằng một la de Plasma mạnh và đóng vai trò như một lớp che chắn nhiệt cho máy bay. Một ưu điểm của công nghệ tàng hình Plasma đem lại đó là có thể ứng dụng cho các loại vũ khí, khí tài hiện nay mà không cần phải thay đổi cấu trúc hình dạng, chỉ cần lắp trên vũ khí, khí tài đó một máy phát plasma để tạo ra một trường plasma bao quanh.

Kỹ thuật chỉ thị truyền sóng viba
Kỹ thuật này sử dụng máy tính dự đoán mức độ truyền sóng radar trong khí quyển. Sự thay đổi của khí quyển (như độ ẩm, nhiệt độ...) có thể làm cho cự ly tác dụng của sóng radar biến đổi, ngoài khu vực che phủ, radar sẽ sinh ra các ''khoảng trống" (tức vùng mù của sóng radar). Đồng thời, sóng radar khi truyền đi trong khí quyển phải hình thành đường truyền sóng, bên ngoài đường truyền sóng hầu như không có năng lượng. Nếu vũ khí tàng hình tiến công ở trong "khoảng trống'' hoặc ngoài ''đường truyền sóng'' của khu vực bao phủ radar, thì có thể sẽ thoát ra khỏi sự phát hiện của radar đối phương.
 
Hạng D
30/8/10
1.254
270
38
DaiThang No.1
rubykoifarm.com
I.Kỹ thuật tàng hình đối với các phương tiện bay:

Để hạn chế sự phát hiện bằng âm thanh, mắt thường hoặc khí tài quang học, bằng nhiễu loạn áp suất, bằng nhiệt, và bằng bức xạ điện từ, người ta tìm mọi giải pháp giảm thiểu các đặc điểm do máy bay gây ra. Tổng hợp các giải pháp đó tạo nên công nghệ tàng hình. Máy bay tàng hình thông thường áp dụng ba biện pháp: một là, thay đổi kết cấu ngoại hình để giảm diện tích phản xạ hiệu dụng; hai là, áp dụng vật liệu phi kim loại, bởi vì vật liệu phi kim loại có lượng phản xạ sóng điện rất nhỏ, trên máy bay tàng hình có khoảng 60% vật liệu sử dụng là phi kim loại; ba là, sử dụng vật liệu hấp thụ sóng điện từ giảm thiểu năng lượng sóng điện phản xạ lại.

Bên cạnh các biện pháp thay đổi hình dáng kết cấu bên ngoài máy bay, bố trí lại các chi tiết kỹ thuật nằm ở trên bề mặt hoặc bên ngoài máy bay, để giảm diện tích phản xạ hiệu dụng, các hãng chế tạo và các cơ quan nghiên cứu hàng không thế giới đã ứng dụng các vật liệu mới để tăng thêm đặc tính tàng hình cho các phương tiện bay. Để giảm bức xạ nhiệt (hồng ngoại), sử dụng vật liệu đặc biệt chịu nhiệt độ như vật liệu composit chịu được 4200[SUP]o[/SUP]F; cao su, sơn chịu ma sát để phủ lên thân vỏ máy bay, khi bay tuy cọ xát với không khí nhưng phát xạ nhiệt nhỏ.

Để tăng khả năng hấp thụ tia radar, sử dụng các vật liệu có đặc tính hấp thụ mạnh tia radar như sợi cácbon dệt thành tấm mỏng, cao su chịu nhiệt RTM (tới gần 4000[SUP]o[/SUP]F) có độ nhớt rất cao để bọc mặt ngoài của thân, cánh máy bay, các đường giao tuyến các mặt phẳng. Dùng các loại vật liệu phức hợp được chế tạo dưới dạng lỗ xốp hình lục lăng như tổ ong (có tiết diện ở trên to ở dưới bé) để bọc các mép cánh, các đường nối giữa các khối thân và cánh, đuôi... để hấp thụ tia radar. Các vật liệu hấp thụ sóng radar (RAM) được phát triển từ những năm 1950, hoạt động trên nguyên tắc hấp thụ cộng hưởng bằng sự vô hiệu hóa dải sóng phản xạ: Mục tiêu được bao phủ bằng một lớp màng kìm hãm sóng chậm lại. Bức màng này phản xạ lại bằng một nửa bước sóng, đến mức phản xạ hai “sóng” bị triệt tiêu: một phần sóng “nảy lên” trên vật liệu hấp thụ sóng radar với một nửa bước sóng đến chậm, một phần khác bị phản xạ lại bởi khung kim loại của máy bay. Đồng thời, sử dụng biện pháp trung hoà tần số để "triệt tiêu" tần số của tia radar. Bản chất của biện pháp này là sử dụng các tấm kim loại mỏng, được chế tạo từ hợp kim (nhôm và ti tan) theo một công nghệ đặc biệt ở nhiệt độ -275[SUP]o[/SUP]F, làm cho nó có hằng số điện môi có thể thay đổi khác nhau theo tần số, để bọc thân, cánh máy bay ở phía trong lớp cao su hoặc lớp sơn bên ngoài. Khi bị tia radar chiếu vào nó sẽ tạo ra tần số phát thứ cấp khác với tần số của tia radar, do đó "triệt tiêu" tần số của tia radar.

Bên cạnh đó người ta còn dùng các loại sơn có tính năng hấp thụ sóng radar để sơn lên máy bay. Những giải pháp trên đã mang lại hiệu quả cao. Diện tích phản xạ hiệu dụng của máy bay tàng hình giảm tới hàng trăm lần so với máy bay thông thường cùng loại.

Dưới đây là một số máy bay điển hình được ứng dụng kỹ thuật tàng hình:
Đối với F-117.
F-117 hầu như được bao phủ hoàn toàn bằng vật liệu hấp thụ radar (RAM). Sử dụng vật liệu hấp thụ sóng radar ở mặt cánh và thân. Vật liệu khung chủ yếu là nhôm. Cửa khoang vũ khí và cửa hạ cánh chế tạo bằng vật liệu composite, kết hợp sơn phủ để chống bị phát hiện bằng khí tài quang học. Một trương trình cải tiến đang được tiến hành đối với F-117, theo đó tấm phủ hấp thụ radar được thay thế bằng cách phun chất hấp thụ radar trong quá trình sản xuất máy bay. Hiện nay F-117 có tới 7 cấu hình vật liệu hấp thụ radar khác nhau. Cấu hình đơn (Single configuration) có tới 75% khung máy bay được phủ vật liệu hấp thụ radar bằng máy. Cấu hình mới có cả các tấm vật liệu hấp thụ radar có thể tháo rời ra bằng khóa kéo. Chiếc cải tiến đầu tiên xuất xưởng tháng 4.2000 và toàn bộ dự án đã hoàn thành vào năm 2005.
Chuyền đề về máy bay.
Đối với B-2:
Máy bay ném bom B-2 đã lợi dụng dáng ngoài đặc biệt của nó và vật liệu hấp thụ sóng làm cho sóng radar dò tìm của đối phương bị trượt đi hoặc bị hấp thụ, giảm nhỏ được sóng phản xạ của máy bay, làm cho hình ảnh của nó phản xạ trên màn hình radar rất yếu hoặc gần như không có, khiến cho radar phòng không của đối phương không phát hiện được. Thân và cánh máy bay B-2 phần lớn sử dụng vật liệu phức hợp đá đen và sợi than. Loại vật liệu này không chỉ nhẹ, cường độ chịu lực lớn mà còn có đặc điểm phản xạ sóng radar nhỏ. Trên bề mặt vật liệu có dạng tổ ong nhỏ li ti, có thể hấp thụ sóng radar. Khung chính của kết cấu thân máy bay B-2 và khoang động cơ đều dùng hợp kim ti tan, còn lại đều do vật liệu phức hợp ghép nối nhau, không phải dựa vào đinh tán, mà thực hiện ép ở áp suất cao, do vậy máy bay không dễ phản xạ tín hiệu radar. Ngoài ra, lớp sơn màu đen ở bề mặt cũng là vật liệu hấp thụ sóng radar. Để tàng hình, mép trước của cánh máy bay còn sơn phủ một lớp vật liệu hấp thụ sóng radar. Mép trước cánh máy bay B-2 được thiết kế có các lỗ rỗng kiểu tổ ong không thành quy tắc, sóng radar nếu có cơ hội cùng tiến vào thì cũng chỉ có thể vào mà không ra được.

Đối với F-22:
F-22 dựa vào cấu trúc chống phản xạ radar với các cạnh thẳng của cánh, mặt đuôi và thân; chỉ có các mép cửa và các bề mặt điều khiển (cánh lái) được phủ bằng vật liệu hấp thụ radar. Ngoài ra, phần lớn bề mặt đều có lớp phủ kim loại dẫn (điện tử) có tác dụng không cho năng lượng radar lọt vào bên trong lớp vỏ composit; mặt trên cùng có lớp khử tín hiệu hồng ngoại phát ra từ bản thân máy bay. Máy bay F-22 còn được sử dụng một loại sơn hấp thụ radar “IronBall”. Đây là loại sơn sử dụng vật liệu từ tính ferro-magnetic để hút tín hiệu xung quanh nó cho tới khi tín hiệu bị triệt tiêu hết. Các cuộc thử nghiệm bắt đầu từ năm 2000 cho thấy F-22 phát tín hiệu hồng ngoại thấp ở mọi điểm trong khi bay với tốc độ siêu âm.

Chuyền đề về máy bay.

Máy bay F-22 Raptor với kết cấu chống radar.

Hiện nay công nghệ tàng hình cũng đang được áp dụng cho các loại máy bay thông thường. Trên máy bay F/A-18 E/F đã áp dụng vật liệu hấp thụ sóng có tính chống ăn mòn, tạo ra một bước đột phá trong công nghệ tàng hình. Trên các mẫu máy bay F/A-18 C/D, để tăng cường khả năng tàng hình, các cải tiến đã được thực hiện:
- Mặt ngoài buồng lái được phủ một lớp sơn có thể phản xạ sóng radar để giảm thiểu diện tích phản xạ hiệu dụng.
- Vũ khí treo ngoài sử dụng vật liệu tàng hình Parapin hai lớp xenlulô có cốt sợi thuỷ tinh. Nó có thể phủ lên bề mặt thiết bị, sau đó dùng vật liệu hấp thụ sóng radar xử lý tạo thành vỏ bọc nhẹ.

Đối với Nga, Viện ITAE đã phát triển vật liệu hấp thụ radar sắt từ, tính năng cao để phủ bề mặt máy nén và đường dẫn khí cho máy bay Su-35, nhưng lớp vật liệu phủ phải mỏng để nó không cản trở luồng khí vận tốc lớn và nhiệt độ tới 2000C. Một lớp vật liệu RAM có độ dày khoảng 0,7 mm và 1,4 mm được phủ lên bề mặt của đường ống dẫn khí và lớp phủ dày 0,5 mm được áp dụng cho bề mặt các tầng phía trước của máy nén áp suất thấp. Kết quả là giảm được tính phản xạ 10-15 dB, tức là giảm gần một nửa tiết diện phản xạ radar (RCS) của các cửa khí. Giống như bộ phụ kiện nâng cấp Have Glass dùng cho F-16, máy bay Su-35 cải tiến cũng sử dụng nắp buồng lái có đặc tính phản xạ sóng radar. Viện ITAE phát triển một quy trình kết tủa plasma để phủ các lớp vật liệu kim loại và polyme, tạo thành một lớp phủ bền vững để ngăn cản sóng vô tuyến và nhiệt của tia nắng mặt trời lọt vào trong buồng lái. Quy trình phủ plasma được tiến hành trong buồng chân không bằng công cụ rôbốt.

Viện ITAE và các đối tác của Viện còn sử dụng công nghệ plasma để tạo các lớp phủ cho buồng đốt và ống xả. Các lớp phủ nhiều lớp được hình thành từ các vi hạt của vật liệu tĩnh điện, kim loại hoặc bán dẫn được kết tủa bằng plasma hồ quang trong điều kiện áp suất khí quyển. Những thách thức bao gồm nhu cầu giữ cho lớp gốm (ceramic) được bám chắc vào cấu trúc kim loại trong một dải nhiệt độ khá rộng (từ 600 độ C đến 1200 độ C), cho dù trên thực tế các vật liệu này có các đặc tính giãn nở nhiệt rất khác nhau. Vật liệu phủ cũng cần duy trì các đặc tính không đổi về điện trước các dải nhiệt độ rất khác nhau.

Các phương tiện bay là những vũ khí trang bị đầu tiên được sử dụng các vật liệu tàng hình, ứng dụng các kỹ thuật tàng hình và đã mang lại hiệu suất chiến đấu rất cao. Chắc chắn, các phương tiện bay sẽ còn được nghiên cứu và ứng dụng nhiều vật liệu tàng hình và kỹ thuật tàng hình mới để phát huy hết sức mạnh tiềm tàng của chúng.
II. Kỹ thuật tàng hình đối với xe tăng và xe chiến đấu:

Ý tưởng làm cho xe chiến đấu trở nên khó bị phát hiện hơn đã xuất hiện ngay từ khi xe tăng mới ra đời. Ngày nay, xe chiến đấu đang đứng trước nguy cơ bị phát hiện bởi hàng loạt phương tiện hoạt động trên các dải tần khác nhau, do vậy, sự chú ý không chỉ tập trung ở dải thị tần mà còn hướng vào các phần khác của phổ điện từ, đặc biệt là phổ hồng ngoại và radar. Hiện nay, xe tăng và xe chiến đấu tàng hình phổ biến áp dụng năm kỹ thuật tàng hình sau:

- Giảm thiểu bức xạ hồng ngoại; Kỹ thuật ảnh hồng ngoại là mối đe dọa lớn nhất đối với xe tăng, vì thế muốn tàng hình được, trước hết xe tăng phải giảm bức xạ hồng ngoại.

- Giảm tiếng ồn; chủ yếu là giảm tiếng ồn của động cơ. Ví dụ, xe tăng M1A1 của Mỹ không những có tiếng ồn thấp mà còn có thể hoạt động bình thường ở -18 ÷ -50oC.

- Giảm bức xạ điện từ; dùng vật liệu composit chế tạo xe tăng không những khiến thân xe tăng cứng, chịu lực tốt, mà có có tính cách nhiệt tốt, vừa giảm thiểu bức xạ nhiệt đồng thời còn có thể giảm tiếng ồn ở một mức độ nhất định.

- Sử dụng vật liệu hấp thụ chiều sâu, gia tăng sức hấp thụ sóng điện từ của radar.

- Sử dụng màn tạo khói.

Phát hiện dấu hiệu dải thị tần là thách thức chủ yếu đối với các xe chiến đấu; vì vậy, việc làm giảm tối thiểu dấu hiệu dải thị tần của xe luôn luôn cần thiết. Biện pháp áp dụng là dùng các loại sơn nguỵ trang có đặc tính phản chiếu ánh sáng để hoà đồng với màu nền, do đó làm giảm sự tương phản quang học giữa xe và đất đá cùng cây cỏ xung quanh. Sử dụng phối hợp màu sơn làm biến đổi những màu sơn lẻ và các mảng màu khác nhau đã được áp dụng lần đầu tiên vào năm 1916 trên xe tăng của Anh, sau này các nước đã phối hợp sử dụng các mảng màu nâu lớn, xanh lá cây và màu đen, dùng các loại sơn có độ bóng thấp để tránh tạo ra những tia phản chiếu.

Các mảng màu không đồng nhất về bản chất có tác dụng làm mất đi khuôn hình đặc trưng của xe. Điển hình về phương pháp dùng các mảng màu khác nhau là sơ đồ ngụy trang địa hình đô thị của xe tăng Chieftain (Anh) triển khai năm 1990, gần đây đã được hãng Giat (Pháp) áp dụng cho xe tăng Leclerc. Sự phản chiếu của sơn ngụy trang nói chung được thiết kế tương hợp với sự phản chiếu của các vật thể xung quanh, không chỉ ở dải thị tần (0,39 – 0,77micromet) mà cả ở phần phổ hồng ngoại gần (0,77 – 1,5micromet). Điều này đặc biệt quan trọng khi xe chiến đấu hoạt động trên vùng nền cây cỏ, bởi vì thành phần của chất diệp lục cũng là một chất phản xạ tốt ở phổ hồng ngoại gần (NIR). Nếu sự phản chiếu không được hòa đồng, xe có thể dễ dàng bị phát hiện bằng các dụng cụ khuyếch đại ảnh và các hệ thống kính nhìn đêm hồng ngoại chủ động.

Chuyền đề về máy bay.

Tăng Chieftain của Anh với sơn ngụy trang.

Sơn tàng hình là một trong những hạng mục trọng điểm của kỹ thuật tàng hình xe tăng và xe chiến đấu ở các nước phát triển. Hiện nay, lớp sơn hấp thụ sóng có các loại:

- Sơn hấp thụ sóng radar. Lớp sơn này có thể làn tiêu hao năng lượng sóng radar hoặc làm thay đổi phương hướng bức xạ của sóng radar, từ đó là yếu đi phản xạ sóng radar của xe;

- Sơn tàng hình nhiệt hồng ngoại. Lớp sơn này có thể giảm nhỏ bức xạ hồng ngoại bức xạ của bản thân xe giảm thấp độ tương phản giữa xe và nền, từ đó làm thay đổi đặc tính bức xạ hoặc phản xạ của xe;
Sơn tàng hình la de. Lớp sơn này có thể hấp thụ laser các bước sóng, tạo thành phản xạ laser thấp, hạ thấp tỷ lệ chính xác của máy đo xa laser.

- Sơn tàng hình toàn sóng. Trên chiến trường, các loại xe chiến đấu có thể đồng thời gặp phải mối uy hiếp nhiều dải sóng của các radar, ánh sáng nhìn thấy hồng ngoại và laser, lớp sơn tàng hình chỉ dành riêng cho một dải sóng không thể đáp ứng được yêu cầu, do vậy các nước đang nghiên cứu phát triển lớp sơn tàng hình dải sóng, 3 giai đoạn sóng, thậm chí toàn bộ phổ tần, như loại “vật liệu ngụy trang đa dụng” mà Đức đã nghiên cứu chế tạo. Loại sơn này sử dụng vật liệu bán dẫn, cho vào trong sơn, chất dẻo, nhựa tổng hợp hay các hợp chất kết dính khác. Yêu cầu chất kết dính phải trong suốt trong phạm vi sóng hồng ngoại, vi ba và sóng milimét, màu sắc, độ bóng và độ chói và các đặc tính của ánh sáng nhìn thấy do sự lắng đọng và tình trạng mặt ngoài của vật liệu bán dẫn quyết định. Thông qua lựa chọn các tham số tính năng chất bán dẫn thích hợp, có thể làm cho lớp sơn này có hiệu suất phản xạ thấp, đối với ánh sáng nhìn thấy và sóng hồng ngoại gần, có hiệu suất phát xạ yếu đối với nhiệt hồng ngoại, có hiệu suất hấp thu cao đối với sóng vi ba và sóng milimét. Vì thế có thể đối kháng đồng thời với nhiều loại uy hiếp như ánh sáng nhìn thấy, laser hồng ngoại gần, nhiệt hồng ngoại và radar...

Hiệu quả của sơn ngụy trang chịu ảnh hưởng trước những thay đổi mùa vụ của cây cỏ và cá biệt có thể bị vô hiệu hoá bởi sự thay đổi đột ngột của thời tiết khí hậu. Thực tế, người ta có thể áp dụng các biện pháp ngụy trang thay đổi theo mùa của các vật thể xung quanh, bằng cách sử dụng các tấm polyme ngụy trang được chế tạo đặc biệt, điều khiển bằng điện áp thấp.

Xu hướng sử dụng lưới ngụy trang ngày càng gia tăng. Đặc biệt là lưới trùm ngụy trang, có thể làm giảm được nhiều đặc trưng dấu hiệu radar và dấu hiệu hồng ngoại. Lưới ngụy trang được sử dụng trong ngụy trang xe ở trạng thái tĩnh và trạng thái cơ động. Tiêu biểu là hệ thống ngụy trang cơ động (MCS) do hãng Saab Barracuda (Thuỵ Điển) phát triển. Hệ thống này gồm một lớp màng polyme ngụy trang nổi (incised polymeric film) được gắn vào xe, sẽ tạo thành một kết cấu bề mặt ba chiều có tính tự nhiên hơn, loại bỏ được tất cả những phản chiếu làm lộ xe. Lớp màng được nhuộm màu theo một biểu đồ màu do máy tính thiết kế, phù hợp với vùng khí hậu mà hệ thống ngụy trang này sẽ được sử dụng. Những phát triển xa hơn của hệ thống lưới hoặc thảm ngụy trang kết hợp với lớp màng kim loại (metallic film) có thể giúp giảm thiểu không chỉ dấu hiện dải thị tần mà cả dấu hiệu hồng ngoại của các xe chiến đấu. Biện pháp này ngày càng quan trọng bởi từ thập kỷ 70, các hệ thống ảnh nhiệt đã được sử dụng khá phổ biến và là mối đe dọa chủ yếu của xe. Xe chiến đấu không chỉ bị phát hiện và chỉ điểm, mà còn bị các tên lửa đầu tìm nhiệt đe dọa.

Hệ thống ảnh nhiệt phát hiện bức xạ hồng ngoại ở các dải 3-5 microm và 8-12 microm tương ứng với các cửa sổ truyền dẫn của tầng khí quyển trên. Do bức xạ hồng ngoại là một hàm số của nhiệt độ và tính phát xạ của xe, nên những xe có mức độ chênh lệch phát xạ ít hơn so với vật thể xung quanh, thì xác suất bị phát hiện có thể giảm ở mức tối thiểu.

Cho đến nay, nhiệt độ của xe luôn là một vấn đề được quan tâm, nguồn sinh nhiệt cơ bản vẫn là động cơ, đặc biệt là hệ thống xả. Ngoài luồng khí thải, nhiệt động cơ có thể làm tăng đáng kể nhiệt độ của vỏ xe, nhất là với các xe có động cơ bố trí dưới lớp giáp phía trước. Các lớp phủ có tính phát xạ thấp, ngoài việc hạ thấp nhiệt độ còn làm giảm bức xạ hồng ngoại của bề mặt vỏ xe. Tuy nhiên, chúng vẫn có nguy cơ phản chiếu cao, do đó, cần tạo ra sự dung hoà và tránh những vùng có tính phát xạ đồng nhất, khác với sự tự nhiên.

Có thể giảm bức xạ bằng lưới hoặc thảm ngụy trang trong vai trò của các tấm chăn nhiệt (thermal blankets) cũng như các màn ngụy trang với tính phát xạ thấp, làm cho mức bức xạ nói chung tương đồng với mức bức xạ của vật thể quanh xe.

Chuyền đề về máy bay.

Các tấm “váy” treo, ngoài tác dụng giảm dấu hiệu nhiệt của xe chiến đấu, còn được dùng để giảm dấu hiệu radar của xe. Dấu hiệu radar được duy trì ở mức nhỏ nhất sẽ làm giảm xác suất bị radar giám sát, bám và phát hiện, cũng như tên lửa lắp đầu tìm radar chủ động hay thụ động tiến công. Radar vũ khí chống tăng thường làm việc ở dải tần 8-20GHz hoặc 35GHz và 94GHz (radar thụ động).

Với các radar chủ động, yếu tố cơ bản trong việc giảm dấu hiệu radar là giảm thiểu năng lượng phản hồi từ xe trở về radar. Đại lượng này là một hàm số của tiết diện phản xạ radar (RCS) hay diện tích phản xạ radar hiệu dụng. Tiết diện phản xạ của xe chiến đấu hiện nay vào khoảng 10-15 dbm2, nhưng lý tưởng là dưới 10 dbm2, làm cho các tín hiệu trở về radar khó phân biệt được với tạp nền.
Để giảm RCS, các xe chiến đấu cần được tạo dáng thành những mặt phẳng lớn bố trí sao cho các chùm tia phản hồi lệch hướng so với nguồn phát của nó.

Nói chung, để có thể duy trì diện tích phản xạ hiệu dụng của xe thấp, đặc biệt là khi xe phơi lộ trước radar trinh sát dải sóng xăngtimét, bên ngoài xe chiến đấu càng có ít phụ kiện càng tốt. Ngoài ra, có thể sử dụng các vật liệu hấp thụ radar (RAM) hay dùng hệ thống lưới và thảm nguỵ trang để làm giảm hơn nữa RCS radar, đặc biệt là với radar làm việc ở bước sóng milimét. Dấu hiệu radar của các xe chiến đấu có thể làm giảm tới 90% (10-20dB). Tại mức này, cự ly phát hiện sẽ giảm đáng kể, từ đó khả năng sống sót của xe được nâng cao. Và cuối cùng là đổi mới vật liệu chế tạo thân xe và tháp pháo. Hiện nay các nhà khoa học đang chế tạo vật liệu phức hợp cường độ cao mới dựa trên chất dẻo polyeste đúc ép, tăng cường sợi thủy tinh và gốm sứ cường độ cao để chế tạo thân xe và tháp pháo. Tác dụng tàng hình của nó thể hiện ở chỗ phản xạ ánh sáng và radar đều yếu hơn so với kim loại, có thể hấp thụ một phần sóng radar, dễ đúc khuôn, tính cách nhiệt tốt, cho phép dấu hiệu nhiệt, triệt tiêu âm. Một hướng khác là các chuyên gia đang nghiên cứu chế tạo các chất dẻo làm thân xe kết hợp sơn phủ polyme có màu sắc thay đổi theo môi trường bên ngoài, khiến cho radar, thậm chí ngay cả bằng mắt thường ở cự ly gần cũng không thể phát hiện được.


III. Kỹ thuật tàng hình đối với tàu chiến

Trong tổ hợp các biện pháp nâng cao khả năng sống còn của tàu nổi hiện nay và tương lai thì giảm khả năng bị radar phát hiện có vị trí quan trọng; bởi vì các biện pháp truyền thống tăng khả năng sống còn của tàu chiến (bảo vệ bằng hoả lực và bằng vỏ giáp, chế áp vô tuyến điện tử, ngụy trang, v.v.) đã thực sự mất đi khả năng của mình. Vấn đề giảm khả năng của tàu nổi bị radar phát hiện rất được quan tâm vì trong trang bị của các hạm đội nhiều nước đang có phương tiện chiến đấu trên biển rất hiệu quả là tên lửa hành trình đối hạm có đầu tự dẫn vô tuyến định vị (hơn 20 kiểu khác nhau). Trong điều kiện như vậy, giảm khả năng bị radar phát hiện làm cho tàu chiến đấu vững vàng bằng cách giảm hiệu quả phát hiện, phân loại và chỉ cho tàu các phương tiện sát thương có sử dụng các tín hiệu phản xạ từ mục tiêu. Trong thập kỷ vừa qua, trong chế tạo tàu quân sự nước ngoài việc giảm khả năng bị radar phát hiện được giải quyết bằng cách giảm diện tích phản xạ hiệu dụng, đặc trưng tính chất phản xạ của tàu. Nói chung, độ lớn của diện tích phản xạ hiệu dụng phụ thuộc vào vật liệu và hình dạng (cấu trúc) của mục tiêu cũng như chiều dài bước sóng và tính phân cực của dao động điện từ phát xạ và hướng phát xạ. Sự phụ thuộc của cường độ dao động phản xạ vào sự thay đổi hướng (góc) phát xạ gọi là giản đồ bức xạ thứ cấp. Vì độ lớn cường độ của tín hiệu phản xạ phụ thuộc trực tiếp vào độ lớn diện tích phản xạ hiệu dụng, nên giản đồ bức xạ thứ cấp được dựng theo tỷ lệ tương ứng. Có thể biểu diễn sự thay đổi diện tích phản xạ hiệu dụng của mục tiêu bằng sơ đồ quan sát thu nhỏ. Giảm diện tích phản xạ hiệu dụng của tàu bằng cách sử dụng công nghệ “tàng hình” trong thiết kế và chế tạo tàu, công nghệ này được sử dụng lần đầu tiên ở Mỹ để giảm khả năng bị radar phát hiện của các máy bay chiến đấu.

Sử dụng công nghệ “tàng hình” trong chế tạo tàu quân sự hiện nay được thực hiện bằng cách thay đổi cấu trúc truyền thống của tàu, sử dụng các lớp phủ hấp thụ vô tuyến điện và các vật liệu kết cấu composite có thuộc tính hấp thụ năng lượng điện từ. Bên cạnh thay đổi kết cấu của tàu (vỏ, cấu trúc của tầng trên), vị trí anten, bệ phóng của các loại vũ khí và các thiết bị bổ trợ của tàu là sử dụng các lớp phủ hấp thụ vô tuyến điện và các vật liệu kết cấu composite. Mức độ sử dụng chúng ở các tàu nước ngoài có khác nhau.

Lớp phủ hấp thụ vô tuyến điện được sử dụng nhiều nhất khi chế tạo tàu “Sea Shadow” của Mỹ và tàu “Smyge” của Thụy Điển. Trên thân tàu “Sea Shadow” làm bằng thép tấm được phủ một lớp kim loại đen. Chất phủ hấp thụ vô tuyến điện cũng được phủ lên bề mặt giữa các thành đứng nối nửa thân chìm dưới nước với phần nổi. Lớp phủ hấp thu vô tuyến điện có trọng lượng riêng khoảng 3 kg/cm2. Khi tổng diện tích tẩm phủ là 900 m2 thì khối lượng vật liệu tẩm phủ vào khoảng 3 tấn. Vì khối lượng gia tăng do lớp tẩm phủ hấp thụ vô tuyến điện rơi vào phần trên của thân tàu, nên trọng tâm của tàu sẽ chuyển lên phía trên theo chiều cao và từ đó làm giảm độ ổn định của tàu. Lớp tẩm phủ hấp thụ vô tuyến điện dùng cho tàu “Sea Shadow” có khả năng bảo vệ rất tốt đối với tác động của nước biển.

Trong tàu tên lửa “Smyge” của Thuỵ Điển (trọng tải 140 T) toàn bộ thiết bị tàu và vũ khí trang bị (trừ tháp pháo phía mũi tàu) đều bố trí thấp hơn boong thượng và có thể di chuyển được. Tháp pháo nằm trong chụp bảo vệ có thành nghiêng. Bề mặt thân tàu và tầng trên cũng như các lỗ gió đều có lớp phủ hấp thụ vô tuyến điện. Khác với tàu “Sea Shadow”, tàu “Smyge” sử dụng tương đối nhiều vật liệu kết cấu composite. Ví dụ, lớp vật liệu bọc ngoài làm bằng kepler, còn thành tầng trên làm bằng nhiều lớp chất dẻo sợi carbon, các sợi xếp lộn xộn.

Tàu tuần dương “Visby” không những có tầng trên, mà cả thân tàu cũng làm bằng các lớp dây bện sợi carbon dính vào nhau. Đây là vật liệu composite tăng cường sợi carbon dính vào nhau dày khoảng 1 cm, với 12-25 nghìn sợi trong một dây bện, áp dụng công nghệ gia công chân không. Tàu có khả năng tàng hình đối với sóng radar , ánh sáng nhìn thấy, hồng ngoại, bức xạ điện tử... Tàu Visby được coi là tàu tàng hình hoàn toàn của thế kỷ 21.
Chuyền đề về máy bay.

Tàu chiến tàng hình Visby của Thụy Điển và...
Chuyền đề về máy bay.

...khả năng triệt tiêu sóng phản xạ của radar.

Vấn đề tàng hình cho tàu sân bay trên biển cũng đã trở thành điểm nóng trong thời gian gần đây. Trước tiên, hầu hết các tàu đều áp dụng vật liệu hấp thụ sóng và vật liệu chống radar, giảm thiểu diện tích phản xạ của radar, khiến radar thấy tàu giống như con tàu thông thường cấp độ vài nghìn tấn. Hiện nay, để khắc phục khó khăn trong việc tàng hình đối với đường băng cất/hạ cánh của tàu sân bay, Mỹ đã thiết kế những tấm chắn nguỵ trang kiểu lật ở mép tàu, xây dựng bức tường bao quanh đường băng để đạt được mục đích tàng hình.

Trong phát triển lớp phủ hấp thụ vô tuyến điện và vật liệu sử dụng công nghệ “tàng hình” ở nước ngoài, chủ yếu dùng các hạt dẫn điện tán xạ (muội, than chì, kim loại), các chất độn bằng xơ và có từ tính (các tấm và bột carbon, ferit bọc kim loại, sắt thấm carbon), dùng riêng hoặc kết hợp với nhau. Việc lựa chọn chất liên kết phụ thuộc không những vào yêu cầu kỹ thuật vô tuyến điện, mà còn vào yêu cầu khai thác sử dụng thường mang tính quyết định. Ngoài ra, có thể sử dụng các chất điện môi, polyme và đàn hồi, sơn, gốm, v.v.

Ở các nước NATO, ngoài việc hoàn thiện các lớp phủ và vật liệu hấp thụ vô tuyến điện cấu trúc nói trên, đang thúc đẩy việc chế tạo các lớp phủ vô tuyến điện có điều khiển với dảỉ tần công tác và hệ số phản xạ có thể thay đổi tùy theo độ lớn và cực của điện áp điều khiển đưa vào.

Sử dụng các lớp phủ và vật liệu hấp thụ vô tuyến điện như vậy cùng với các biện pháp bảo vệ về mặt kiến trúc sẽ góp phần làm giảm mức độ tín hiệu phản xạ từ tàu.

 
Hạng F
22/10/09
8.170
32.541
113
Nhìn dàn F 117 giống mấy con nhện quá.. F117 về hưu rùi, chừ chỉ còn B 2 thôi . Nhân tiện nhờ bác Thang Real wánh giá con B 1 vs TU 160 cũa Nga Sô lun
 
Hạng D
30/8/10
1.254
270
38
DaiThang No.1
rubykoifarm.com
TIẾP THEO!!!

Trên đây đã trình bày với các bác về sự phát triển của công nghệ tàng hình và ứng dụng của nó trong việc tàng hình các thiết bị, khí tài quân sự. Công nghệ tàng hình trong hiện tại và tương lai sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong tư duy thiết kế khí tài quân sự. Một cuộc chiến tranh trong tương lai sẽ là cuộc chiến giữa tàng hình và chống tàng hình. Vậy, ta sẽ cùng xét xem vũ khí tàng hình sẽ có ảnh hưởng thế nào đến các hình thái tác chiến trong tương lai gần nhé!

Vũ khí tàng hình bao gồm các phương tiện, khí tài chiến đấu như máy bay, tàu chiến, tàu ngầm, xe tăng... hoạt động của những phương tiện này có tính bí mật và tính bất ngờ cao trong tác chiến, nên có ảnh hưởng khá lớn đến hành động tác chiến. Những ảnh hưởng này gồm:

- "Sương mù" ngày càng dày đặc, tình hình chiến trường khó có thể phán đoán chính xác:

Tôn Tử từng nói: “biết mình biết người, trăm trận không nguy”. Nắm chắc tình hình chiến trường là điều kiện quan trọng để giành thắng lợi trong chiến tranh. Việc sử dụng vũ khí tàng hình đã nâng cao rất nhiều tính bí mật và tính bất ngờ của hành động tác chiến, khiến nhiều dấu hiệu quân sự trước đây thường bị đối phương nhận biết kịp thời, nay trở nên mơ hồ khó có thể nắm bắt được, toàn bộ chiến trường sẽ được bao phủ bởi lớp "sương mù" dày đặc. Các cơ quan chỉ huy và quân đội trên chiến trường rất khó phán đoán chính xác tình hình chiến trường, trước những đòn đánh bất ngờ của vũ khí tàng hình thường chỉ có thể chống đỡ, chứ không thể đánh trả, khó có thể phát huy hiệu quả sức chiến đấu của quân đội.

- Thời gian phản ứng phòng thủ ngắn, khó có thể tổ chức đánh trả có hiệu quả:

Đặc điểm lớn nhất của vũ khí tàng hình là: nâng cao khả năng đột phá phòng ngự, có thể vượt qua các hệ thống cảnh giới, trinh sát của đối phương, thực hành đòn đánh bất ngờ vào mục tiêu đã định trước. Vì bên phòng thủ không thể phát hiện sớm dấu vết hành động của những vũ khí này, một khi phát hiện được thì đã quá muộn, không kịp phản ứng có hiệu quả, dẫn đến mất thời cơ và khả năng đề kháng. Qua tình hình sử dụng vũ khí tàng hình của Mỹ trong mấy cuộc chiến tranh cục bộ gần đây như Kosovo, Iraq...ta thấy, bên phòng thủ đều bị đánh trong tình trạng hầu như không hay biết gì, không những không phát hiện được dấu hiệu hoạt động của vũ khí tàng hình trước khi sự việc xảy ra, mà sau khi bị tiến công cũng không thể ngay lập tức làm rõ ý đồ của Mỹ, điều này đã tăng thêm khó khăn cho việc tổ chức phòng thủ và thực hành đánh trả.

- Khả năng sống còn của mục tiêu quan trọng trên chiến trường bị uy hiếp nghiêm trọng:

Vì vũ khí tàng hình có thể bí mật tiếp cận đối phương, thực hiện đòn đánh nhanh, mạnh, có thể cơ động đến gần mục tiêu mới thực hiện đòn đánh nên đã nâng cao độ chính xác và hiệu quả của vũ khí. Trong chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ chỉ huy động sử dụng 42 máy bay tiêm kích - bom tàng hình F-117 song đã hoàn thành 40% nhiệm vụ ném bom. Trong chiến tranh Kosovo, trong toàn bộ những hệ thống phòng không của Nam Tư bị phá huỷ có tới 90% là do máy bay tàng hình của Mỹ gây ra. Trong chiến tranh cục bộ kỹ thuật cao tương lai, việc sử dụng rộng rãi vũ khí tàng hình, khiến một số mục tiêu quan trọng trên chiến trường như hệ thống thông tin chỉ huy, hệ thống cảnh giới phòng không, khu vực tập kết lực lượng nặng, trận địa phóng tên lửa, trận địa pháo, và những mục tiêu kinh tế quan trọng như cầu cống, đường sá, thành phố, nhà máy... đều có thể bị đánh phá bất kỳ lúc nào, khả năng sống còn của chúng bị uy hiếp nghiêm trọng.

- Các thủ đoạn trinh sát, phát hiện hiện có gặp thách thức mới:

Vì vũ khí tàng hình sử dụng nhiều biện pháp tàng hình như thu nhỏ, thay đổi hình dạng, triệt tiêu từ trường, nhiệt độ, hấp thụ sóng, triệt tiêu tiếng ồn... nên có hiệu quả tàng hình tổng hợp rất cao. Ví dụ, máy bay tàng hình F-117A của Mỹ dài 20,08m, nặng 23,8 tấn, song diện tích phản xạ ra-đa chỉ có 0,015m vuông. Trong khi đó, các thủ đoạn trinh sát hiện có như trinh sát radar, trinh sát hồng ngoại, trinh sát ánh sáng nhìn thấy và khí tài trinh sát sona tuy có hiệu quả phát hiện khá tốt đối với vũ khí thường, song khó có thể phát hiện dấu vết của vũ khí tàng hình. Qua đó có thể thấy, các khí tài trinh sát, thủ đoạn phát hiện hiện có đang đứng trước thách thức mới, và sẽ dẫn đến cuộc thay đổi về hệ thống trinh sát, phát hiện chiến trường.
Với tình hình trên thế giới hiện nay, trong tương lai gần, các cuộc chiến tranh xảy ra sẽ chủ yếu mang tính "phi đối xứng" giữa một bên có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh và một bên với tiềm lực hạn chế hơn rất nhiều. VN chúng ta chắc chắn sẽ nằm ở vế sau của câu trên nếu có xung đột hoặc chiến tranh!

Để bảo vệ Tổ Quốc, việc tăng cường tiềm lực kinh tế, quốc phòng là rất cần thiết nhưng với khả năng của nền kinh tế hiện nay thì trong tương lai gần việc đổi mới toàn bộ trang bị, vũ khí để tiếp cận với mức độ hiện đại của thế giới là bất khả thi. Vậy, với những thứ vũ khí, khí tài "tương đối" hiện đại và cả cũ kỹ, lạc hậu như hiện nay chúng ta có thể đối đầu và đánh thắng vũ khí "thông minh", tàng hình được không? Câu trả lời là: Có thể! Dưới đây, chúng ta sẽ cùng bàn các biện pháp để "bắt chước" Nam Tư, chống và chiến thắng vũ khí tàng hình!

Ngay mệnh đề: Chống lại và chiến thắng vũ khí tàng hình đã gồm 2 mục nhỏ: Chống lại và Chiến thắng!
Vũ khí tàng hình (cả hải, lục, không quân) rất đa dạng và cũng rất...đắt tiền. Vì vậy, mục tiêu chủ yếu của chúng sẽ là những mục tiêu có giá trị như sở chỉ huy, các trận địa phòng không, các cơ sở truyền tin, những nơi tập trung quân, cơ sở vật chất...của ta. Ta sẽ làm gì để chống - tức là làm cho chúng không được sử dụng đúng mục đích hoặc bị sử dụng sai mục tiêu?

Tất nhiên, đầu tiên là phải...bí mật! Qua tình hình mấy cuộc chiến tranh cục bộ kỹ thuật cao gần đây ta thấy, những mục tiêu mà vũ khí tàng hình tiến công đều được lên kế hoạch rất chu đáo, tỉ mỉ từ trước, sau đó mới thực hành tiến công. Nói cách khác, vũ khí tàng hình thường thực hành đòn đánh bất ngờ một cách có kế hoạch vào những mục tiêu dự định trước. Những mục tiêu này trước khi bị tiến công đều đã bị đối phương phát hiện và nắm chắc. Nếu cất giấu kỹ những mục tiêu này, khi đối phương không thể phát hiện và nắm được những mục tiêu đó, chắc chúng sẽ không tùy tiện sử dụng vũ khí tàng hình, và dù có sử dụng thì hiệu quả tác chiến cũng sẽ bị hạn chế nhiều. Vì vậy, dù trong thời bình hay trong thời chiến, cần phải ngụy trang nghiêm mật các mục tiêu quan trọng, đặc biệt là những mục tiêu có giá trị quân sự cao, khiến đối phương không thể phát hiện, từ đó khó có thể lên kế hoạch trước, thực hiện việc đối phó với vũ khí tàng hình bằng biện pháp "cất giấu" quân ta.
Chuyền đề về máy bay.


Để giữ gìn bí mật thì có rất nhiều cách, ở nhiều cấp nhưng ở đây ta chỉ xét đến khía cạnh kỹ thuật của việc giữ bí mật, ok? Khía cạnh kỹ thuật chủ yếu của việc giữ gìn bí mật các mục tiêu của ta gồm: Ngụy trang, nghi trang các địa điểm đóng quân, các vũ khí, khí tài và nghi binh, lừa địch.

- Ngụy trang: nói một cách nôm na thì là dùng đủ mọi cách để địch bị mù mắt, điếc tai trước thực trạng của ta.
Chuyền đề về máy bay.
Trước hết và hiệu quả nhất là: thiết bị công sự trận địa và khu vực, tạo điều kiện giảm diện tích bề mặt phản xạ vô tuyến của mục tiêu. Khi bố trí tại chỗ (tại khu vực tập kết, khu vực xuất phát, những chỗ nghỉ) để bảo vệ các phân đội trước các phương tiện trinh sát đường không, vũ trụ và giảm hiệu quả sát thương của vũ khí chính xác cao cần phải tận dụng tối đa tính chất che chở và nguỵ trang của địa hình, lợi dụng vùng mù của radar do các nếp gấp địa hình, các khu rừng và điểm dân cư tạo ra để bố trí các phân đội.

Khi các phân đội cơ động, để tránh các phương tiện trinh sát, radar địch và giảm thương vong cho quân nhà nên tận dụng tính chất che chở và nguỵ trang của địa hình, chọn đường hành quân có tính đến vùng mù của radar, sử dụng các phương tiện trong biên chế và tại chỗ để che giấu sự di chuyển phương tiện kỹ thuật trên các đoạn trống trải của đường cơ động.

Cần phải lưu ý một điều là các phương tiện trinh sát hiện đại, đặc biệt là trinh sát vũ trụ, không những xác định sự hiện hữu của mục tiêu này hay khác với mức chính xác cao, mà còn xác định được các dấu hiệu hoạt động của nó. Dấu hiệu lộ phổ biến là các phân đội và binh đội có một số lượng lớn mục tiêu bức xạ vô tuyến, cũng như có phương tiện kỹ thuật chiến đấu kích thước lớn. Vì thế, để che giấu chúng cần phải sử dụng các tấm phủ tán xạ vô tuyến, hấp thụ vô tuyến, phản xạ nhiệt, các tấm chắn, các tấm gây nhiễu. Kinh nghiệm diễn tập của Nga cho thấy rằng các tấm nguỵ trang có lớp phủ tán xạ vô tuyến giảm xác suất phát hiện mục tiêu bằng phương tiện trinh sát radar trên địa hình trống trải xuống khoảng 2 lần. Các tấm phủ (tấm chắn) phản xạ nhiệt giảm xác suất phát hiện xe tăng bằng phương tiện trinh sát tầm nhiệt xuống 3 lần. Khi bố trí phương tiện kỹ thuật chiến đấu trong công sự, xác suất phát hiện chúng giảm 2-3 lần.
Chuyền đề về máy bay.

Lưới ngụy trang cho pháo!
Một biện pháp ngụy trang nữa cũng không kém phần quan trọng và đặc biệt dễ thực hiện, đó là khói mù-ngụy trang:

Dùng màn khói ngụy trang là một biện pháp rẻ tiền, nhưng hiệu quả rất lớn trong phòng chống các khí tài trinh sát laser, hồng ngoại và sóng milimét. Theo các nhà quân sự NATO, khói ngụy trang có thể làm giảm tỷ lệ thương vong xuống 25% và làm chậm nhịp độ tiến công của đối phương xuống 2 lần, làm cho đối phương mất thông tin về quân mình, giảm hiệu quả của thiết bị đạo hàng, hệ thống ngắm của vũ khí, giảm khả năng trinh sát trên không....Công nghệ tạo khói ngụy trang hiện nay đang được các nước phát triển với nhiều loại khí tài tạokhói như: lựu đạn khói, đạn khói, mìn khói, máy phun khói, hộp khói, bom rải khói.... Theo yêu cầu khác nhau, màn khói tạo ra có thể đạt đến độ rộng từ hàng chục mét vuông đến hàng chục km vuông. Hiện nay khí tài gây nhiễu màn khói chủ yếu sử dụng các chất tạo khói gồm: phốtpho vàng, hexacloetan, sunfat amôni... Phốtpho vàng là chất tạo khói rất có hiệu quả, năng lực che khuất khoảng 1.000 m2/kg. Từ năm 1970, CHLB Đức đã nghiên cứu một loại chất tạo khói mang tên “NT” gồm: clorat amôni, clorua amôni, clorat kẽm và nhựa cao su clo hoá... tạo nên. Đặc biệt CHLB Đức đã chế tạo chất tạo khói phốtpho đỏ chứa anhydrid nitric (N02) để giảm tính độc của khói phốtpho. Quân đội Anh có đạn khói 66 mm VIRSS, L58 66 mm hoặc 76 mm. Mỹ có đạn khói L83 và M76 66 mm có dải sóng che khuất là từ ánh sáng nhìn thấy đến phạm vi hồng ngoại xa 8-14 µm, thời gian che khuất hiệu quả là 45 giây. Đạn tạo khói chống hồng ngoại của Anh, trong vòng 3 giây sau khi bắn sẽ hình thành một màn khói cao 5 m rộng 40 m cách điểm bắn từ 15-25 m. Năm 1993, tại hội chợ triển lãm quốc phòng quốc tế ở A rập đã trưng bày loại đạn tạo màn khói hồng ngoại nhanh, sử dụng chất gây nhiễu loại bột đồng nổ phân tán, có thể hình thành sự che chắn hiệu quả trong thời gian cực ngắn (1 giây), thời gian duy trì hơn 30 giây.. Công ty FFV của Thuỵ Điển đã phát triển đạn pháo phát khói 105 mm, 155 mm có thể che chắn bức xạ hồng ngoại 2-14µm, trong đó màn khói đạn 155 mm có thời gian duy trì tới 150 giây. Đặc biệt Mỹ rất chú trọng phát triển thiết bị tạo màn khói diện rộng, tạo khói liên tục trong thời gian dài, trong đó có thiết bị tạo khói M 157 đặt trên xe cơ động cao, chứa 310 lít dầu và tạo khói liên tục trong 1 giờ. Từ năm 1990, Mỹ đưa vào trang bị xe tạo khói bánh xích M1059 gồm 2 máy tạo khói M-54 chứa 450 lít dầu có thể phun khói liên tục trong 1,5 giờ; thiết bị tạo khói thế hệ mới XM56 trên xe đa năng M1097 phun khói thường liên tục 1,5 giờ và khói chống hồng ngoại trong 30 phút.

Chuyền đề về máy bay.

Xe tạo khói M1059 và màn khói dày đặc.


Mỹ cũng đã phát triển đạn tạo màn khói chống hồng ngoại dùng để bảo vệ cho máy bay lên thẳng cỡ 70 mm kiểu M 259, loại đạn này dùng rốc két phóng rải màn khói hồng ngoại 3-5µm và 8-14µm cách máy bay lên thẳng 32 m; thời gian duy trì là 5 phút, độ rộng tới vài km. Thụy Điển đã phát triển hệ thống phóng tạo màn khói bảo vệ máy bay lên thẳng lắp ở một bên phía dưới sau thân máy bay, sau khi phóng 2 giây sẽ hình thành màn khói cách phía trước máy bay 100 m, chất phát khói là hỗn hợp thể lỏng.

Các chất tạo khói chống hồng ngoại là tên gọi chung của các hỗn hợp hoặc nguyên liệu tạo khói. Theo nguyên lý tạo khói, có thể phân tán thành hai dạng, tạo khói bằng đốt cháy và tạo khói kiểu phân tán.

- Tạo khói bằng đốt cháy: Chất tạo khói là các hợp chất gốc các bua hyđrô và gốc phốt pho đỏ. Hiện nay, người ta đang sử dụng một số hoạt chất khác như bột than, bột kim loại, các hợp chất của Rb, Cs, các chất hữu cơ cao phân tử và bột lưu huỳnh.

- Tạo khói phân tán: Đặc điểm của của phương pháp tạo màn khói này thường nhanh, không làm thay đổi tính chất hoá học của chất tạo khói. Có hai nhóm chất tạo khói dạng này: nhóm chất tạo khói phân tán bằng thuốc nổ gồm bột kim loại đồng, nhôm, than và một số chất hoạt hóa khác. Nhóm chất tạo khói phân tán theo kiểu phun, ngoài bột than hoạt tính, bột đồng, nhôm còn có các viên nhỏ rỗng hình cầu phủ kim loại và một số hợp chất cao phân tử có tác dụng ngăn tia hồng ngoại khác. Bên cạnh đó, kết hợp với khí tài la de, sóng milimét và máy thu báo động tên lửa, các chất tổng hợp khói dải rộng được phát triển để vô hiệu hoá các mối đe dọa. Hệ Galix do công ty Giat của Pháp phát triển là một trong các nguồn tạo khói tiên tiến. Ngoài ra, còn có các công ty Royal Ordnance của Anh và Swartklip của Nam Phi.

Hiện nay, Nga đã sản xuất xe phát khói GPA, TMS-65. Đối với xe phát khói GPA, mỗi giờ tiêu thụ 300-400 kg dầu sương mù, có thể tạo nên màn khói rộng 100 m, chiều sâu màn khói 100 m. Xe phát khói kiểu TMS-65 dùng bộ phận cơ động phụt khí làm trung tâm, quy mô rải màn khói rộng hơn, có thể che phủ những mục tiêu lớn. Bên cạnh đó, Nga đã sản xuất hàng loạt mẫu vũ khí tạo xon khí đáp ứng yêu cầu bảo vệ vũ khí trang bị trong mọi dải phổ điện từ (phổ nhìn thấy, hồng ngoại, radar). Các thành phần tạo xon khí có tác dụng ngụy trang trong dải phổ đến 25 micromet cũng như có tác dụng gây nhiễu trong dải phổ sóng milimét và centimét. Đây là những phương tiện tạo xon khí trên cơ sở graphít biến tính, vật liệu sợi và các thành phần có hoạt tính hóa học. Các loại bom đạn được nạp các chất lỏng tạo khói được sử dụng để làm mù và vô hiệu hóa các hệ thống quang điện tử của vũ khí chính xác cao, các mô đun cát xét cùng với mìn khói trang bị cho máy bay lên thẳng với công nghệ phát xon khí và màn khói kích nổ mìn khói từ xa và vào thời điểm cần thiết cũng đang được tập trung chế tạo. Loại đạn tạo xon khí cho súng phóng lựu AGS-17 sẽ được sử dụng ngụy trang cho các phân đội, đặc biệt khi tác chiến trong đô thị.







Ngụy trang không chưa đủ bởi lưới phủ, cành cây hoặc khói vẫn khó che mắt đối phương có trong tay những thiết bị trinh sát hiện đại trên không, trên vũ trụ. Với tiềm lực quân sự yếu hơn, NC cần bảo toàn lực lượng của mình tránh khỏi thiệt hại do tập kích hỏa lực của đối phương bằng nhiều cách như phân tán binh khí, bộ đội, tích cực ngụy trang và phát huy tối đa tác dụng của nghi trang. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng bàn về nghi trang, hay nói một cách nôm na hơn là bố trí các trận địa giả, phương tiện giả...

Cái vụ làm giả này thì NC rất nhiều kinh nghiệm, ra-cót hoặc SAM bằng tre, trận địa pháo khai hỏa với bộc phá và bột gạch vốn đã được áp dụng rộng rãi trong KCCM. Tất nhiên, mỗi thời mỗi khác và để nghi trang ta cần phải chú ý:

Bố trí các phương tiện giả và mồi bẫy là một bộ phận của hoạt động ngụy trang. Các loại vũ khí trang bị được làm giả bằng các vật liệu thô sơ nhất, sẵn có mọi nơi cho đến các sản phẩm của các công nghệ tiên tiến đã mang lại hiệu quả tác chiến cao. Nghi trang bằng việc tạo các mô hình giả, trận địa giả làm phân tán các lực lượng tiến công, trinh sát của địch, làm cho việc phân tích, phán đoán lực lượng của đối phương không chuẩn xác, làm tiêu hao lực lượng của bên tiến công và hậu quả là không dám phiêu lưu triển khai các bước tiếp theo. Mồi nhử giữ vai trò quan trọng trong nghi trang, vì nó có thể gây lầm lẫn cho địch.

Tận dụng các khí tài trang bị đã cũ, không còn sử dụng để làm phương tiện giả, những vật giả bằng cao su bơm phồng giống hệt xe tăng và các loại xe thiết giáp khác có thể sử dụng cùng với những mồi nhử khác để đánh lừa các phương tiện trinh sát của đối phương, dù chỉ tạm thời. Một số mục tiêu giả là mô hình đã làm sẵn, thường là dạng lắp ráp, cũng có loại thuộc dạng cao su, vật liệu composite khi cần bơm khí vào là thành một chiếc "xe tăng" hoặc một chiếc "máy bay", loại này khi chưa cần sử dụng có thể cuộn ép lại, thể tích chỉ bằng 1/10 mô hình, thuận tiện cho cất giữ và vận chuyển. Quân đội một số nước đã xây dưng các nhà máy chuyên sản xuất các vũ khí, khí tài giả bằng các vật liệu polyme, có trọng lượng nhẹ, triển khai thuận tiện, thao tác đơn giản. Theo một bức ảnh trên ttvnol thì NC cũng đang chế tạo vũ khí, khí tài giả tại một nhà máy.​
Những mục tiêu giả dùng để đối phó với trinh sát bằng hồng ngoại phải có khả năng bức xạ hồng ngoại, đồng thời phải có khả năng thể hiện những đặc trưng bức xạ nhiệt khác nhau tùy theo nhu cầu khác nhau, nhờ đó đánh lừa được các phương tiện trinh sát bằng hồng ngoại, các vũ khí điều khiển bằng hồng ngoại của đối phương. Hiện nay, ống hồ quang xê-di được sử dụng làm mục tiêu giả, chúng có khả năng sản sinh ra xung hồng ngoại công suất lớn, khiến hệ thống điều khiển hoặc trinh sát hồng ngoại của đối phương lầm tưởng là tín hiệu của động cơ máy bay. Ngoài ra, còn có thiết bị đánh lừa bằng dầu đốt: sử dụng nhiệt năng có được nhờ việc đốt nhiên liệu để tạo ra mục tiêu nhiệt đánh lừa các thiết bị trinh sát hồng ngoại.

Những mục tiêu giả chống trinh sát bằng radar chủ yếu là thiết bị phản xạ góc. Chúng được tạo bởi 3 mặt phẳng kim loại đặt thẳng góc với nhau, khi sóng radar tác dụng vào mặt phẳng sẽ gây phản xạ giống như tia sáng gặp phải mặt gương, nhờ đó radar sẽ thu được sóng phản hồi rất mạnh từ mục tiêu giả. Nếu khéo sử dụng thiết bị phản xạ góc sẽ có thể mô phỏng được các loại mục tiêu. Thiết bị phản xạ góc thả trên không có thể mô phỏng được máy bay; thiết bị phản xạ góc thả trên mặt biển có thể đóng giả được tàu chiến, nếu thả trên sông hồ có thể mô phỏng được cầu cống, đập nước; nếu bố trí hợp lý một cụm thiết bị phản xạ góc có thể mô phỏng thành một thành phố, sân bay hoặc khu công nghiệp, nếu lắp thiết bị này lên xe mô tô có thể mô phỏng thành cụm xe tăng và xe bọc thép đang hành quân. Chúng không những mô phỏng giống về ngoại hình mà còn đồng thời đối phó được trinh sát bằng radar và hồng ngoại.

Các phương tiện vũ khí giả có hình dáng, kích thước giống như vũ khí trang bị thật được dùng để thu hút các đòn tiến công của đối phương, hoặc để lại ở vị trí cũ sau khi các lực lượng cơ động đến địa điểm mới. Lực lượng này kết hợp với mồi bẫy tạo ra các tín hiệu hồng ngoại xa và tín hiệu điện tử bổ sung để đánh lừa các thiết bị trinh sát. Các mồi bẫy như thế có một vai trò quan trọng nếu đối phương có khả năng thu được ảnh trinh sát từ vệ tinh, máy bay trinh sát có người lái hoặc không có người lái. Tại Bagda, quân đội Iraq đã bày các mục tiêu giả, sử dụng các khí tài làm sẵn kiểu lắp ráp hoặc kiểu bơm hơi có khả năng mô phỏng bức xạ hồng ngoại và máy điện từ để xây dựng những kho đạn giả, trận địa hỏa lực giả, công sự giả. Mọi vũ khí trang bị của Iraq đều được sơn loang lổ 2 màu hoặc 3 màu. Các mồi bẫy kiểu này được thiết kế chế tạo bằng các cấu kiện sử dụng một lần, hoặc dưới dạng sử dụng nhiều lần, như các bẫy bơm hơi có hình dạng từ khẩu pháo đến xe tăng do hãng Airborne Industies (Anh) chế tạo. Bên cạnh đó cũng phải kể đến một số hãng chuyên chế tạo bẫy chuyên dụng khác trên thế giới như Blaschke Wehrtechnik; Baraacuda Technologies và Bridport Aerospace.

Quân đội Nam Tư đã sử dụng các khí tài mô phỏng, xe dân dụng, vũ khí trang bị trong diện thải loại kết hợp các thiết bị tạo nhiệt, mô hình phỏng thực để thiết kế các trận địa tên lửa phòng không, khu vực tập kết lực lượng nặng, dùng vật liệu nhẹ để làm khung sườn, sau đó dùng ni lông, giấy làm vỏ áo, cuối cùng quét phủ màu sơn phù hợp, làm cho các loại vũ khí, khí tài giả sinh động như thực khi quan sát từ phía trên. Các hình thức ngụy trang mà Quân đội Iraq và Quân đội Nam Tư đã làm trước đây là kinh nghiệm tốt cho quân đội các nước, đặc biệt là các nước có nền kinh tế chưa phát triển khi thực hành tác chiến chống lại trinh sát và các đòn tập kích của đối phương.
Kết hợp với các biện pháp ngụy trang như màn khói, sơn phủ, nghi trang như khí tài giả, trận địa giả...thì một vấn đề cực kỳ đáng quan tâm nữa là: Cơ động. Nếu không cơ động thì dù ta có ngụy trang, nghi trang tài tình đến thế nào việc bị đối phương phát hiện lực lượng cũng chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Ngụy trang, nghi trang và cơ động là hai mặt của một vấn đề, vấn đề TỒN TẠI. Ngụy trang, nghi trang để tiện việc cơ động và cơ động cũng góp phần nghi trang. Hôm nay chúng ta sẽ cùng bàn về vấn đề cơ động cuả lực lượng phòng không, không quân nói riêng và bộ đội nói chung.

Thực tế hiện nay, khi mà ngay cả một member của quansuvn (ví dụ thế;D ) ngồi tại nhà, với một modem ADSL và một bản Google Earth (bản free) cũng có thể đếm được trên sân bay NB có mấy cái máy bay hoặc căn cứ Tiên sa có mấy cái Tarantul thì trong chiến tranh các vệ tinh quân sự, các biện pháp trinh sát của đối phương còn làm được gấp nhiều lần hơn. Điều đó dẫn đến một mệnh đề (cho Lực lượng PK nói riêng và QĐ nói chung) là: Cơ động hay là chết!

Bắt buộc phải cơ động, cơ động liên tục mới có khả năng sống còn. Cơ động tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố:

- Mục tiêu cần bảo vệ hay khu vực tác chiến được phân công.

- Khả năng cơ động của Lực lượng PK như: tính năng của vũ khí trang bị, khả năng tự hành...

- Điều kiện giao thông, hệ thống đường xá...

- Trình độ huấn luyện của bộ đội trong điều kiện liên tục cơ động và chiến đấu.

Vậy những yêu cầu đặt ra cho Lực lượng PK khi cơ động phải là:

- Xác định rõ mục tiêu cần bảo vệ hoặc khu vực tác chiến được phân công để từ đó xác định phạm vi cơ động. Ta không thể cơ động ra khỏi tầm mà hỏa lực của ta có thể bảo vệ mục tiêu được, cái này không còn là cơ động nữa mà hóa thành... bỏ chạy!
Chuyền đề về máy bay.


- Hiểu sâu về đặc tính trang bị, vũ khí hiện có để phát huy hết khả năng cơ động của chúng. Hầu hết các loại vũ khí, khí tài của lực lượng PK hiện nay đều có khả năng tự hành một phần hoặc toàn phần. Cái cần làm hiện giờ là nghiên cứu, cải tiến để nâng cao khả năng tự hành như đặt các thành phần của một tổ hợp tên lửa lên xe vận tải, rút ngắn thời gian tháo lắp, đồng bộ SSCĐ, dần thay thế hệ thống cáp dẫn bằng truyền sóng vô tuyến hoặc cáp quang...

- Nắm chắc về tình hình giao thông, hệ thống đường xá có tính đến khả năng bị đánh phá, bị hư hỏng. Cái này đặc biệt quan trọng, mạng đường xá thời bình và thời chiến có điều kiện khác nhau rất xa, không lường trước đường cơ động thì xe, pháo sẽ ùn lại một chỗ làm mồi cho bom đạn đối phương.

- Ngay trong thời bình phải tăng cường huấn luyện bộ đội kỹ năng thao tác như: tháo pháo, đưa pháo vào trận địa hay tháo lắp tên lửa...Kể cả huấn luyện đội ngũ lái xe. Huấn luyện phải sát với thực tế chiến đấu như: trong đêm tối, khi bị oanh tạc...

Những biện pháp:

- Xây dựng trận địa: Mỗi đơn vị pháo cao xạ hoặc tên lửa phải có ít nhất 1 trận địa chính và 2,3 hoặc nhiều hơn nữa trận địa dự phòng. Cái này cần kết hợp với các biện pháp nghi binh xây dựng các trận địa giả...Yêu cầu: Các trận địa phải đảm bảo được khả năng tác chiến, bí mật, bất ngờ với địch...Không nhất thiết trận địa giả phải do các lực lượng CB chuyên nghiệp thi công nhưng nhất thiết phải đảm bảo đủ các điều kiện như vị trí, trang bị để có thể đánh lừa được đối phương.

- Xác định rõ các phương án cơ động từ trận địa chính đến các trận địa dự phòng. Mỗi phương án phải tính đến cả khả năng đường cơ động bị hỏng, bắt buộc phải vòng tránh...Hoặc phải tính cả phương án sử dụng lực lượng công binh để mở đường mới, khắc phục đường hỏng...

- Tăng cường khả năng cơ động cho Lực lượng PK, khi cần thiết có thể huy động cả các phương tiện của NN hoặc dân. Nếu có đ/k thì tăng cường trang bị các loại vũ khí có tính năng cơ động cao, tự hành...Cái này còn tùy thuộc vào...xiền ! Nếu có xiền thì việc lựa chọn các hệ thống như Tunguska, BukM1 hay Tor là khá ổn!​