http://vnexpress.net/tin-tuc/ban-doc-viet/hoc-sinh-my-cuoi-tuan-khong-phai-lam-bai-tap-ve-nha-2280869.html
Học sinh Mỹ cuối tuần không phải làm bài tập về nhà</h1>Con tôi năm nay 10 tuổi, cháu sinh ra ở Mỹ, hiện học lớp 5. Vợ chồng tôi từng làm giáo viên tại Việt Nam.
Tôi không khen hay chê giáo dục bên nào hết, chỉ nói lên những gì khác biệt giữa hai hệ thống giáo dục và quan điểm của tôi.
1. Hệ thống cho điểm:
- Việt Nam: giáo viên thường sắp hạng, xếp học sinh theo loại giỏi khá trong lớp và tuyên bố trong lớp cho các em biết, có khi là nhất, nhì, ba...
- Mỹ: Trong lớp các em không có sắp hạng. Tất cả điểm của các em xếp theo A (90-100 điểm), B (80-90 điểm), C (70-80điểm), D, F...
Bản tường trình hạng của các em được giáo viên bỏ vào một phong bì dán kín đem về cho phụ huynh. Do đó các em không bị mặc cảm nếu học yếu.
Nếu phụ huynh thấy con học yếu, họ phải đăng ký học thêm cho con tại trường, thường là không tốn tiền. Giáo viên dạy thêm thường là các em giáo viên sắp ra trường, muốn thực tập để có thêm kinh nghiệm để sau này tốt nghiệp dễ kiếm việc.
2. Theo dõi việc học của các em:
- Việt Nam: Bài tập hàng ngày của các em ít được phụ huynh theo dõi. Các em bị điểm xấu nhiều khi phụ huynh cũng không biết.
- Mỹ: Đầu năm, mỗi em học sinh được phát cho 1 Annual Planner, dịch là "lịch theo dõi học tập cả năm". Bài tập hàng ngày các em làm ở nhà, cha mẹ phải kí vào cuốn lịch này từng ngày.
Em nào quên cho cha mẹ ký, ngày hôm sau sẽ bị kiểm điểm ngay (con tôi rất sợ tôi quên ký cho cháu, nhiều khi cháu lên giường rồi còn leo xuống kiểm tra xem tôi ký chưa).
Tất cả những bài kiểm tra, bài tập tại lớp hay ở nhà, đều được chấm điểm và trả lại cho học sinh đem về cho cha mẹ xem vào mỗi chiều thứ sáu.
Sau đó, cha mẹ phải ký vào một mẫu giấy (form) xác nhận là đã xem, cháu sẽ mang mẫu giấy đó cho giáo viên vào thứ hai tới. Nếu giáo viên nghi ngờ về chữ kí, họ sẽ gọi phụ huynh để kiểm tra ngay (có một lần tôi đang làm, tay dơ, nên ký nguệch ngoạc cho cháu, hôm sau cô giáo gọi ngay).
3. Bài tập:
- Việt Nam: quan điểm giáo viên là cho các em bài tập càng nhiều càng tốt.
- Mỹ: các em không có bài tập vào chiều thứ sáu hay trước ngày lễ. Vì cuối tuần và ngày lễ là ngày để các em vui chơi thoải mái, không bận tâm, lo lắng vào bài tập. Vào mùa hè, theo quy định của tiểu bang, các trường dạy hè không được dạy hơn 6 tuần.
4. Chữ viết:
-Việt Nam: giáo viên luôn cố gắng dạy cho các em viết chữ đẹp và cho thêm điểm nếu bài kiểm tra sạch sẽ, đẹp đẽ hoặc trừ điểm nếu chữ viết không thẳng lối.
-Mỹ: các em làm đúng, chữ viết đọc được là đạt được điểm tối đa. Còn nếu viết đẹp thì chỉ được khen thôi, chứ không thêm điểm. Còn nếu viết cẩu thả quá, giáo viên đọc không hiểu hay hiểu sai thì bài kiểm tra bị điểm thấp. Còn viết tay trái hay tay phải thì tùy các em.
5. Sách giáo khoa:
-Việt Nam: sách mua khá đắt và thường thiếu thốn.
-Mỹ: tất cả sách giáo khoa không phải trả tiền. Tuy nhiên chỉ là cho mượn. Nếu cuối năm làm rách, hay viết vào sách thì sẽ bị đền.
Ngoài ra trường nào cũng có một thư viện.Học sinh nào cũng có một mã số vào thư viện mượn sách đọc. Khi mã số các em quét vào máy để mượn sách về nhà, máy tính sẽ cho các em mượn những sách theo cấp lớp học của mình. Nếu em nào muốn mượn sách cao hơn, phải về lớp xin giáo viên nâng mã số.
6. Học nhảy lớp:
- Việt Nam: những năm tôi dạy không thấy có qui định này.
- Mỹ: em nào học giỏi sẽ được vào chương trình G.A.T.E (Gifted and Talented Education). Trong chương trình này giáo viên thường cho các em nhảy lớp.
Con tôi cũng nằm trong chương trình này. Cháu đang học lớp 5 nhưng có nhiều bộ môn sách cháu đang học là lớp 6. Nếu em nào học giỏi hơn nữa, giáo viên thấy được thì sẽ chuyển tiếp lên, không cần phải đợi hết năm.
Lý do cho các em nhảy lớp là giáo viên không muốn các em nhàm chán trong việc học. Tôi có đứa cháu gái, cháu học hết lớp 12 khi mới 15 tuổi. Cháu đứng thứ 17 trong 100 em đạt điểm cao nhất ở Cali. Đúng như ông bà mình nói "Tài không đợi tuổi".
Don C