Copy bài báo cũ cho các bác 8.
Cuối năm 1997, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công bố gói thầu tìm đối tác chế tạo trực thăng tác chiến triển vọng. Dự kiến đến 2010, nước này sẽ trang bị cho không quân nước mình 145 trực thăng tác chiến hiện đại. Kinh phí chi cho dự án này là 4 tỷ USD.
Phần lớn trong số 145 trực thăng trên, Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng Xí nghiệp chế tạo hàng không địa phương của Công ty TAI (Turkish Aerospace Industries) chế tạo. Số còn lại Thổ Nhĩ Kỳ mời các công ty nước ngoài đấu thầu.
Tham gia gói thầu thuộc vào diện “hàng khủng” lần này có Công ty Boeing với trực thăng AH-64 Apache, Bell Helicopters với AH-1 King Cobra, Tập đoàn Eurocopter với trực thăng Tiger HCP, Công ty Agusta của Italia với trực thăng A129 Mangusta và Công ty cổ phần mở Kamov của Nga với trực thăng Ка-50-2 Erdogan.
Mặc dù Ka-50-2 Erdogan đã đánh bại các máy bay trực thăng Tiger HCP và AH-64 Apache, nhưng lại thất bại trước trực thăng AH-1 King Cobra sắp đến tuổi về hưu của Mỹ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân khiến Thổ Nhĩ Kỳ chọn trực thăng AH-1 King Cobra một mặt là vì giá thành và độ tin cậy, nhưng mặt khác là do yếu tố về chính trị. Bởi Thổ Nhĩ Kỳ không muốn sự có mặt của Israel vào một hợp đồng cung cấp vũ khí cho mình.
Trong khi đó, để chế tạo Ka-50-2 Nga đã hợp tác với Israel. Trực thăng tấn công đa năng Ka-50-2 Erdongan là biến thể cải tiến của trực thăng Ka-50 “Cá mập đen” của Nga, là kết quả của sự hợp tác chế tạo giữa công ty Kamov, công ty quốc gia Rosvoruzeni của Nga và công ty IAI (Israel Aircraft Industries Ltd) của Israel.
Ка-50-2 có thể tiêu diệt các loại xe tăng và các mục tiêu thiết giáp hạng nhẹ. Đối với phương án này trực thăng được trang bị tên lửa chống tăng có điều khiển siêu âm “Cơn lốc” với cự ly tiêu diệt các mục tiêu mặt đất đến 8km.
Bên cạnh đó, Ka-50-2 còn có khả năng tiến hành trinh sát các mục tiêu mặt đất (phương án này trực thăng được lắp đặt bộ cảm biến nhiệt và hồng ngoại cố định cho phép xác định mục tiêu ở cự ly 20km vào ban ngày và 13km vào ban đêm), trực tiếp hỗ trợ hoả lực cho bộ đội, tiêu diệt các mục tiêu trên không bằng tên lửa không đối không.
Các hệ thống bảo vệ của Ka-50-2 gồm: Buồng lái thiết giáp (bảo đảm bảo vệ kíp lái trước đầu đạn tác chiến xuyên thép 12,7mm và các mảnh đạn 23mm), hệ thống bảo vệ động cơ (cho phép giảm cường độ phát xạ hồng ngoại và xác suất tiêu diệt bằng tên lửa được trang bị đầu đạn dẫn đường hồng ngoại) và hệ thống thoát hiểm khi gặp sự cố.
Thân trực thăng được chế tạo từ hợp kim nhôm và các chất compozit polime, có kết cấu mặt cắt chữ nhật đơn khối được chia thành các khoang. Ka-50-2 có cánh không lớn nhưng vẫn bảo đảm lực nâng bổ sung, treo các loại vũ khí khác nhau và thùng nhiên liệu. Càng của trực thăng là càng 3 trụ, trong đó 1 trụ phía trước và 2 trụ phía sau. Khi trực thăng bay, các trụ này được nâng vào trong thân.
Ka-50-2 được trang bị 2 động cơ phản lực tuabin TV3-117 VMA có thể tăng công suất đến 2200 mã lực khi cất cánh. Thiết bị vô tuyến điện tử trên khoang của trực thăng có kết cấu trung tâm bảo đảm tích hợp tối đa các thiết bị với các hệ thống điều khiển. Điều này bảo đảm giản đơn hoá quá trình điều khiển trực thăng.
Ngoài ra, thiết bị này có thể tiến hành các hoạt động tác chiến ngày đêm trong mọi điều kiện thời tiết. Ka-50-2 được trang bị các hệ thống chế áp vô tuyến chủ động và thụ động. Trong thành phần của hệ thống này gồm máy thu cảnh báo về phát xạ của radar, hệ thống cảnh báo phóng tên lửa, máy thu cảnh báo về phát xạ laze, hệ thống xung phản xạ ngẫu cực và bẫy hồng ngoại.
Ka-50-2 có thể mang vũ khí với tổng trọng lượng đến 2,5 tấn. Tổ hợp vũ khí cơ sở gồm tên lửa chống tăng có điều khiển, tên lửa không đối không, pháo…
Cụ thể, trực thăng có thể mang 12 tên lửa chống tăng có điều khiển siêu âm “Cơn lốc” dẫn hướng bằng laze hoặc 16 tên lửa chống tăng có điều khiển dẫn hướng quang học - điện tử, 4 tên lửa không đối không loại Stinger, pháo tự động 30mm 2A42 với vận tốc bay ban đầu của đầu đạn cao.