RE: Những vụn vặt lượm lặt từ ... ký ức
Sau một hồi, mắt dần quen với bóng đêm, bóng tối không còn tạo cảm giác hoàn toàn phủ vây như lúc đầu, thế nhưng đêm vẫn là đêm nín thở. Các bạn biết đấy, thở là bản năng của con người, thế nhưng trong hoàn cảnh đêm nay, tôi phải nhớ, phải điều khiển và ráng lắm mới giữ cho hệ hô hấp mình làm tròn nhiệm vụ của nó…
Trước mặt, cách tụi tui chừng hơn chục mét là một đám cây rậm, phía bên kia một chút là một cánh đồng hẹp rồi tiếp giáp là rừng (cảnh vật nầy thực ra là sáng hôm sau tôi mới thấy). Còn lúc đó, tất cả chỉ là một bức màn đen bí hiểm. Chỉ có những tiếng động, những tiếng côn trùng ngắt quảng, rồi đôi lúc, bất chợt lại một chú lợn thả rong lại chạy ủn ỉn qua…để ngón tay của tui lại ngọ ngoậy trên cò súng…Bắn chậm (khi lính K bò tới) thì chết, nhưng bắn nhầm (vào heo, gà, hay một bóng cây động gió…do thần hồn nát thần tính, để lộ vị trí trong đêm => địch ném lựu đạn) thì cũng có thể chết…Trong những tiếng động đêm thâu đó, thỉnh thoảng lại có những tiếng lục cục, những tiếng ho…vọng về từ phía bên kia hàng cây trước mặt. Những âm thanh thực ra cũng bình thường trong những đêm hòa bình mất ngủ sau nầy….nhưng khi ở tuyến đầu, thì chúng có hiệu quả khủng bố không thua gì một đoạn phim ngắn (video clip) chiếu cảnh hành quyết con tin của AQ. Trên đài Al. gửi đến các công dân phương tây bây giờ trong cuộc chiến vùng Vịnh.
Chúng tôi (bộ đội VN và họ lính K. đỏ) phải thức suốt đêm nay, trong một đêm toàn bóng tối, cố hô hấp trong cảm xạ nghẹt thở… có lúc mong cho đêm mau qua, có lúc mong cho thời gian chùng lại, một mong muốn bản năng…vì chẳng biết trong cuộc trải thân với tử sinh ngày mai rồi ra sẽ như thế nào.
Nhưng rồi cái cơn buồn ngủ của những cơ thể trai tráng tuổi đôi mươi sau một ngày trời bương chải cuối cùng cũng thắng cái sợ chết. Tôi và thằng Cắt cuối cùng quyết định: Chỉ một thằng thức để canh, thằng còn lại ngủ. Một chập ngủ cho bây giờ và cho ngày mai. Khi nào mắt của thằng thức không chống lên nỗi thì lay thằng kia dậy đổi canh. Muổi cắn, ngứa ngáy, khát nước, tê tay chân….không còn tác dụng gì cả…Chỉ tỉnh thức và ngủ vùi…cho hết một đêm…
Thực tình cho đến giờ, tôi vẫn không biết đêm ấy thực ra là dài thiên thu hay chỉ là phù du khoảnh khắc.
Dù sao thì đêm cũng qua. Khoảng vừa mờ sáng, chưa kịp hít lấy bầu không khí thơm mùi cỏ sương mai dịu thơm thì….những loạt chớp lửa hầu từ mọi phía xẹt về phía tụi tui và ngay sau đó là những tiếng nổ chát chúa và rồi mùi khét lẹt của thuốc súng cũng ập tới bao trùm cả không gian. Trời đất! thì ra suốt đêm qua, tụi tui và bọn K chỉ ở cách nhau chừng 20 mét, đội hình của chúng ở ngay phía sau hàng cây trước mặt chúng tôi, còn hầm của tui và thằng Cắt ngồi thì trống lốc, chỉ an ủi một chút là bên trái hầm có bụi chuối te tua tơi tả. Vừa kịp định thần thì phía cánh trái của tụi tui, mấy ông bạn bên C3 thổ địa cũng bắt đầu đáp lễ điểm tâm bằng những loại AK cắt chéo và rồi nhịp nhàng từng chập B40, M79 tróc nã về phía bọn K đang ăn hiếp tụi. Tui và thằng Cắt vừa thay băng đạn thứ nhất, chưa kịp phang tiếp thì đã nghe phía sau, một ông A trưởng (tiểu đội trưởng) của C3 vừa chạy khom tới và gọi tụi tui:
- Rút, rút…mấy ông trinh sát ơi !
Do hôm qua đã được “quán triệt” (ra lệnh một cách rỏ ràng dứt khoát) là không được bỏ chốt khi chưa có lệnh nên tui hỏi gặng lại:
- Ông kêu rút, hay lệnh của trên kêu rút ?
- Trời đất bộ giỡn sao cha, cánh mình chuyển qua đánh mủi phía bên kia đường, kềm hông, để bên nây cho C1 và tăng ( xe tank) ở dưới quét lên. Lệnh của tiểu đoàn đó!
Tôi và thằng Cắt thăng thiên ra khỏi hầm còn nhanh hơn cả tên lửa Kachiusa rời bệ phóng, lao theo người đồng đội C3. Đến một căn nhà cạnh đường, nhìn lại phía sau, chổ hầm của tụi tui giờ phủ một đống bụi khói trắng sau một tiếng nổ ầm trời. Khi thằng Cắt theo những người tốp cuối băng qua bên kia đường thì tôi cũng rời vị trí đoạn hậu (vị trí làm nhiệm vụ giữ phía sau bảo vệ đồng đội rút, cảnh giới phòng địch đánh theo từ sau lưng) lao nhanh theo họ. Vừa kịp qua đường xong, nhìn lại thì căn nhà chổ tui vừa ém lúc đoạn hậu cũng vừa bùng cháy lên do trúng đạn cối hay B41 gì đó. Theo kế hoạch thì cánh C2 và được C3 cùng tụi tui bổ sung sẽ bố trí đội hình bên cánh phải đường theo hướng từ Snoul lên Katdai, kềm giử, một mặt chờ C1 và tăng lên ngang sẽ cùng tiến, một mặt chờ nếu bọn K bên trái đường nếu dạt ngang thì sẽ đánh hốt trong thế có hầm và đội hình ổn định đánh quân vận động.
Cái hầm mà tụi tui tạm trú lúc nầy cũng là chiến tuyến những ngày hôm trước của C2. Phía trước hầm là một vạt cỏ tranh đã bị đốt cháy chỉ còn lại là một đám tro đen…và…khét lẹt, tanh nồng…còng queo phía trước tụi tui chừng mười mét, trời ạ, là một xác lính K. Tên nầy có lẽ là cái tên chạy hung hăng nhất, chạy nhanh nhất và đến được gần phòng tuyến của C2 nhất và…ăn đạn nhiều nhất. Kết quả là dù cho hàng chục đợt xung phong sau đó thì bọn K vẫn không thể nào lấy được xác tên nầy. Trời nắng, cái xác mau bốc mùi (các bạn cứ tưởng tượng cái mùi chuột chết rồi nhân lên mười lần thì sẽ phần nào “cảm tưởng” được cái mùi xác người chết nó như thế nào), chịu không nỗi thế là một ông mình “sáng kiến” giải quyết bằng cách thử đốt cỏ tranh để làm món “K. đỏ BBQ.” ( BBQ.: món thịt nướng than hồng ngoài trời theo kiểu USA). Thế là bây giờ không chỉ là mùi tanh tưởi của xác chết bình thường nữa mà là một mùi tanh khét lẹt xộc vào tận óc o mổi khi gió thuận chiều về phía tụi tui. Trong tình cảnh đó, trong đời lính, tôi thực tình chưa bao giờ lại mong sao mau mau được lệnh tiến công đến thế. Thế nhưng trớ trêu thay, cánh bên nây lại im re, có chăng chỉ là những tiếng rít của đạn pháo, đạn cối từ phía sau, vút qua đầu chúng tôi mà dập về phía trước xa về phía đội hình của bên K.
Tuy nhiên phía bên kia đường thì tình hình lại khác hẳn. Phần câu chuyện đoạn nầy tôi không tận mắt chứng kiến dù chỉ ở cách chừng vài trăm mét. Tôi chỉ xin ghi lại theo lời kể của những người trong cuộc. Có điều tính trung thực của câu chuyện thì các bạn có thể tin cậy được vì đây là một CHIẾN LỆ ( diễn biến một trận đánh thật với những đặc thù có tính tiêu biểu, được ghi nhận lại từ nhiều người trong cuộc (từ chiến sĩ đến cấp chỉ huy) tường trình, được đánh giá, đúc kết một cách khoa học để làm bài giảng cho các trường quân huấn và thậm chí có thể được ghi vào quân sử nếu hết thời hạn giải mật hoặc xét thấy không cần giữ bí mật).
Như đã kể ở trên sau khi chúng tôi chuyển qua cánh phải thì ở cánh trái, nơi tập trung lực lượng của bên K, C1 với một phân đội xe tăng T54, xe bọc thép M113 đã đánh ép từ dưới Snoul lên dưới những làn pháo 105 mm bắn chụp chận yểm hộ từ phía sau. Trong đội hình tiểu đoàn chúng tôi (D2 – E Gia Định) C1 là đơn vị anh cả, dầy dạn nhất. Dàn cán bộ khung hầu hết là những chiến sĩ, cán bộ đã trải qua cuộc chiến tranh trước 1975 và người đại đội trưởng, thiếu uý NGUYỄN ANH NHIỄN. Anh có một gương mặt hao hao như nghệ sĩ Thế Anh nhưng (thật sự) còn đẹp trai hơn. Vóc dáng tài tử, ăn nói bình thường thì rất nhỏ nhẹ tình cảm…thế nhưng nếu gần gủi và nhìn kỹ thì ta mới thấy ánh lửa dũng cảm trong đôi mắt sáng đôi khi loé lên như ánh thép của anh ấy…
Còn phía bên K, đối phương cũng là một đơn vị đáng tầm, nhất là về chiến thuật và sự gan lì để thực hiện kế chiến thuật đó.
Tưởng chừng như chịu không nổi trước áp lực của pháo, tăng và C1 nên một số lính K đã phải bỏ tuyến hầm dọc trong hàng cây (nơi xuất phát hỏa lực dập tụi tui hồi hừng sáng) mà chạy lui về phía cầu Katđai. Thấy thế, C1 tăng tốc truy kích, thế nhưng khi đội hình C1 vừa băng vào một đoạn trên cánh đồng lúa mùa vừa gặt xong (thân cây lúa mùa khá cao nên gốc rạ còn lại sau khi thu hoạch cũng còn cao hơn đầu gối) thì một đơn vị K đã phục sẵn trong những hầm cá nhân đào lẫn giữa đám ruộng bắt đầu nổ súng, đánh vổ mặt vào đội hình C1 đang vận động giữa đồng!!! Bọn K thật tinh quái, đã tạo thế bất ngờ khi mai phục giữa cánh đồng trống và nằm im suốt thời gian chỉ để chờ với mục đích “hốt gọn” C1. Bên mình hoàn toàn thất thế, địa hình trống trải, cự ly quá gần, địch có hầm, ta không… Một số chiến sĩ đã dính đạn, chuẩn uý L. đại đội phó bị đạn sượt qua đầu, máu tuôn xối xả, một số chiến sĩ đã phải nằm chúi xuống đất…khoảng cách giữa hai bên đã quá gần cho mọi sự thay đổi điều chỉnh đội hình hay tháo lui. Anh Nhiễn lúc nầy đã có một hành động, một hành động mà…thực sự tôi không biết có thể dùng một “khái niệm từ” nào để chỉ cho xác đáng…Anh đứng thẳng người giữa làn đạn, vung khẩu K54 lên trời, nổ liền mấy phát và hét to, ra lệnh cho chuẩn uý L. đại đội phó phải đứng dậy (vì anh thấy vết thương chỉ sượt ngoài da đầu…) và hô mọi người xung phong thẳng vào đội hình của lính K. Khí phách của người tướng chỉ huy trận mạc đã đã vực dậy tinh thần và tập trung sức mạnh của toàn Đại Đội. Mọi người đã đứng dậy xung phong theo lệnh của anh, họ lao lên nhưng anh thì ngã xuống khi phải hứng đến 4 phát đạn súng trường vào giữa ngực…Trung sĩ LÊ HOÀNG SƠN, trung đội trưởng trung đội 1 khi đó đã nhận lãnh vai trò chỉ huy (trong điều lệnh QĐNDVN quy định rằng, trong chiến đấu, nếu đại đội trưởng hy sinh hay mất khả năng chỉ huy thì đại đội phó sẽ đảm trách, kế đó là trung đội trưởng trung đội 1, rồi kế là trung đội trưởng trung đội 2…cho đến người cuối cùng.)
Và tiếp tục dẫn đầu toàn đại đội xông lên…những người chiến sĩ của C1 đã thật nhanh tràn vào đội hình bắn găm vào những tên lính K còn chôn chân trong những cái hầm giữa đám ruộng cuối mùa. Toàn bộ đội hình của lính K đều bị diệt tại chổ…một chiến thắng oanh liệt…nhưng sự hy sinh của người đại đội trưởng là quá lớn.
Xác Anh được các đồng đội đưa vào chiếc thiết vận xa M113 và đưa về tuyến sau vào buổi chiều hôm ấy….buổi chiều cuối năm, bóng chiếc chiến xa in trên nển cánh đồng lúa vừa gặt xong cuối mùa…
HẬU TỪ:
Vì một sự trúc trắc (trúc trắc chứ không phải trục trặc)... Mãi 20 năm sau (năm 1997). Khi vị chỉ huy tiểu đoàn 2 ngày ấy, anh Ba K. cấp trên trực tiếp của anh Nhiễn (cũng là anh hùng LLVT phong năm 1978 do thành tích trong kháng chiến), bấy giờ đảm trách cương vị Tư Lệnh Quân Khu 7, thì Liệt Sĩ – Thiếu Uý NGUYỄN ANH NHIỄN mới được truy tặng danh hiệu ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG. Quê anh ở Rạch Bắp – Huyện Bến Cát – Tỉnh Bình Dương. Anh hy sinh ở tuổi 25 khi còn độc thân. Cha anh cũng là liệt sĩ thời chống Pháp. Lúc đó anh còn một bà mẹ già…
"...mà đời sao bổng vắng, như rừng núi ngủ yên, như đồng lúa gặt xong..." (Ru ta ngậm ngùi - Trịnh Công Sơn)
Vị trung đội trưởng trung đội 1 LÊ HOÀNG SƠN, trong năm 1978 đã được phong danh hiệu Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây-Nam.