Hạng B1
13/5/18
85
425
53
39
Em sinh năm 86, nữ, quê Nghệ An, từng ở SG bảy năm, giờ đang ở HN. Đôi lời về bản thân để tiện xưng hô và cũng để cacc hiểu thêm câu chuyện em sắp kể.​
Em đúng thể loại bánh bèo sợ ma, sợ sâu, sợ độ cao, sợ đủ thứ mà mấy đứa yếu tim hay sợ. Đến mức hồi bé 12h trưa đố đứa nào lôi được em ra khỏi nhà. Bù lại lý trí em rất mạnh mẽ, rạch ròi. Em không dễ bị mụ mị lôi kéo, không vào hùa, không nhẹ dạ. Và như mọi con dân cộng sản khác, từ bé em đã được thấm nhuần tư tưởng vô thần nên cái gì cũng cố lý giải bằng khoa học.​
Tuy vậy, càng lớn em càng tin (và càng mong) có cõi siêu hình. Nơi đó có những thế lực vượt lên trên con người, và cũng là nơi con người có thể đến sau khi vĩnh biệt trần gian. Em đọc và nghe rất nhiều chuyện ma, cũng có mạo muội tìm hiểu đôi chút về Phật giáo Nam Tông và Đạo Tin Lành. Em biết nhiều người chặc lưỡi “ối giời ma với quỷ, toàn chuyện vớ vẩn”, lý lẽ họ đưa ra thì vô số, em cũng xin có đôi lời phản biện:​
(1) Ngồi ngoài nghĩa địa cả đêm, còn chửi cả ma nữa mà chẳng con nào hiện lên vặt cổ: hãy nghĩ đơn giản như này đi, đủ thứ sóng bay lượn trên đầu chúng ta (wifi, radio, viễn thông...) nhưng máy nào bắt sóng đó, thiết bị đầu cuối không ăn khớp thì hình không hiện, vậy thôi
(2) Người chết mà hiện về được thì sao chết oan không đi báo oán; Bụt mà có thật sao kẻ ác được làm quan giàu ba họ: trần có luật trần, âm có luật âm, nếu âm dương song tồn chắc lẽ vận hành phải vi diệu hơn (trùng trùng nhân quả), chứ đâu can thiệp nhau thô thiển vậy.
(3) Đi xem thầy toàn lừa đảo, thử vài trò thầy đã bị quay như dế: thầy có dăm bảy loại, bạn mới leo lên Fan Sipan đã tưởng mình được đứng trên nóc nhà thế giới sao; người cầu đạo khổ hạnh cả đời còn chưa chắc có cơ may gặp siêu hình, huống gì đi tìm siêu hình ở mấy điện thờ lập loè xanh đỏ.
(4) Chuyện ma toàn ảo ảo, bịa bịa: ừ chuyện bịa đầy, mà chuyện thật cũng khó chứng minh. Người chưa bị ăn bớp bao giờ thì làm sao diễn tả được cho họ cảm giác mặt mày sưng sỉa, tác nhân vật lý đơn giản vậy mà còn khó chứng minh nói gì chứng minh chuyện mờ mờ nhân ảnh.
(5) Thần hồn nát thần tính nên sinh ảo giác: đúng là chuyện ma nhiều chuyện na ná nhau (ma giấu bụi tre, ma quá giang, ma mặt thớt, ma chọi đá, ma khều chân, ma bóp cổ...); và cũng rất nhiều trường hợp có thể đưa ra một lời giải thích bình thường (quáng gà, trò đùa của ai đó, bóng đè do lưu thông máu kém, mộng du...); thật hay giả chính người gặp ma còn chưa chắc biết, huống hồ nhiều người luôn sẵn lòng gán cho đó là ma chính hiệu. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, tại sao nhiều câu chuyện ma (cũng như chuyện cổ tích thần thoại) ở khắp nơi trên thế giới, vốn ra đời từ thời kỳ sơ khai của văn minh con người, lại có nhiều điểm giống nhau đến thế. Phải chăng do con người ở khắp thế giới đều thần hồn nát thần tính một kiểu như nhau, hay họ đều đã từng có trải nghiệm về cùng một thứ siêu hình?
(6) Và ti tỉ những lý do khác nữa mà em chỉ có thể phản biện trong một câu: nếu lấy lý lẽ của người sống để đòi giải thích chuyện người chết, thì sống - chết có còn khác gì nhau mà tìm tòi chi nữa mệt.
Chuyện của em không có gì li kì đặc sắc, trước khi kể em chỉ muốn nói đôi câu để rút ngắn những thắc mắc không cần thiết:​
(1) Em hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu tâm thần, trầm cảm, ảo giác... tóm lại vẫn thuộc kiểu thấy $$$ là mắt vẫn sáng lấp lánh, không nhìn xa xăm kì dị.​
(2) Em không có tôn giáo nào cụ thể, chỉ thích tìm hiểu thôi.​
(3) Trải nghiệm tâm linh thực sự không làm em sợ ma, trái lại can đảm và mạnh mẽ hơn, sống tốt đẹp hơn.​
(3) Vì là truyện người thật việc thật, em xin đổi tên nhân vật để thể hiện sự tôn trọng người được nhắc tới.​
(4) Em từng ở Nam, em thích tiếng người trong đó, chân chất mộc mạc và giàu hình ảnh, nên em sẽ kể theo style ngôn ngữ miền Nam xíu nhé.​
(5) Có những truyện không phải tâm linh, nhưng có dấu ấn với tuổi thơ, em cũng xin kể ra để tái hiện lại bầu không khí của cốt truyện chính.​
(6) Chuyện em biết sao kể vậy, có chuyện của em, có chuyện em nghe lại. Vậy nên em kể khách quan không nêm nếm, không vẽ vời tả cảnh ma mị bùng nhùng nhé. Viết vậy có thể bớt "phê" nhưng em nghĩ ảo ảo chỉ càng khiến chuyện ma vốn đã thực thực hư hư càng thêm khó phân định thật giả.​
I. CHUYỆN NGÀY XƯA
Tuổi thơ em ở Vinh, trong một xóm nhỏ nằm trên con đường tẽ ra từ đường quốc lộ. Con đường này chạy từ Nghệ An sang nước bạn Lào, hồi đó gọi là đường 49 (còn giờ gọi là quốc lộ mấy thì em không biết, em dốt đường kinh niên).​
Xóm nằm trên một nghĩa địa tự phát sau chiến tranh, dân cư đến ở rồi cứ thế sống chồng lên chết, lâu dần ai cũng cố quên đi mình đang đi đứng nằm ngồi trên điều gì.​
Xóm đã nghèo, lại toạ sát cái cột mốc phân địa giới thành phố với huyện lân cận. Ba hôm cán bộ địa chính đến đo đạc rồi dời cột mốc lên lên xuống xuống, nên dân xóm khi thì được coi như dân phố, khi thì là dân huyện.​
Dân xóm đủ ngành nghề: làm ruộng, nhà nốc (từ chỉ người làm nghề sông nước), buôn thúng bán mẹt, trí thức cao cấp cũng có, tạp hoá, giáo viên, thợ hồ, xe thồ.... Đặc biệt có một gia tộc buôn hàng trắng với truyền thống từ những năm 8x.​
Nhà em trước là gạch gỗ tre nứa chắp vá tèm lem, bốn bề bao bọc bởi hàng tre cao vút kẽo kẹt. Một năm hai lần bão là bay tường tốc mái. Năm 89 xây lại, dù vẫn nghèo nhưng bố mẹ quyết tâm vay mượn để đắp nền thật cao, xây trần cũng cao, làm rộng rãi luôn. Hậu quả là dù thiếu ăn nhưng nhà cao cửa rộng, khi lụt nước không bao giờ vào đến mé thềm, nên chả năm nào em được nhà trường cho tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt :)
Để xây nên căn nhà đó, mẹ em đã phải bỏ đi một đứa con vừa tượng hình, còn em từ một đứa sinh ra mập ú đã trở nên gầy đen như que củi, gầy mãn tính đến mãi về sau.​
Sơ đồ nhà em:​
Trước mặt: hợp tác xã nông nghiệp và lò vôi.​
Bên trái: hẻm cặp hông nhà đi ra xóm nhỏ phía sau.​
Sau lưng: cách một con đường đất là nhà bà Thu, nghề nghiệp chính là ôm tráp theo các cụ các thầy lên chùa.​
Bên phải: cách một hàng tre thấp là nhà bà Thi, đông con nhiều cháu, ba đời làm nông nghiệp.​
Em còn nhớ mãi mùa hè đầu tiên sau khi khánh thành nhà, một trận bão lớn ập đến trong đêm. Toàn bộ hàng xóm líu ríu dắt díu người già trẻ con trong gió bão chạy qua nhà em. Nhà xây xong chưa có cửa nẻo gì hết trơn, mưa tạt vào như gàu tát nước ruộng. Người khoẻ mạnh thay nhau khiêng phên nứa cửa nẻo từ nhà khác sang nhà em để bít cửa chính cửa sổ. Riêng bọn trẻ con được trịnh trọng cho nằm xếp hàng dưới gầm giường, phủ nilon lên trên liếp giường để che nước mưa bắn vào. Nửa đêm ngớt mưa cả xóm liên hoan lạc luộc và thóc rang. Nghèo nhưng ấm áp vui vẻ vô cùng.​
1. Chị Mơ
Nhà bà Thi rất đông con, ai cũng cao lớn khoẻ khoắn, nhanh nhẹn bặt bạnh, trừ chị Mơ. Người ta thường nói không nhà nào được tất, nếu cái gì cũng có thì thể nào trong nhà cũng có người phải gánh “nợ” cho cả nhà. Chị Mơ không khôn ngoan, đến tuổi không biết làm duyên làm dáng như các thiếu nữ khác, nhưng chị nấu ăn thì tuyệt cú mèo và chơi với trẻ con thì vui hết nấc.​
Dù bị coi là hơi hâm dở nhưng chị chẳng phải sống nhờ ai. Đêm chị đồ xôi, đổ kẹo lạc, làm bánh gói (bánh giò); sáng quẩy đi bán; chiều tối chăn gà chăn lợn. Thú vui của chị là bày đủ trò cho bọn em chơi, trốn tìm, ti tè nấp bắn, chôn đống rơm, trêu ong chọc chó nhà hàng xóm... Sau giờ ăn tối là tiết mục trải chiếu ra sân kể chuyện ma. Cái giọng chân thật đều đều, lâu lâu nhíu nhịu như mắc nghẹn càng làm cả bọn tin sái cổ; đến cao trào là chồm vào nhau ôm cứng một cục luôn.​
Cũng vì cái tội ham chơi với con nít nên chị toàn bị bà Thi mắng là khuya lơ khuya lắc mới lo làm hàng. Lui cui lụi cụi giờ đó chỉ khiến ma dòm quỷ ngó chứ hay hớm gì. Chị cười hề hề :)
Đêm đó chơi trốn tìm, chị đi trốn tiện thể cắp nách em (khi đó mới tầm 4t) nhét vô nhà xí (em dùng từ này cho chính xác dù nó hơi mất vệ sinh). Nhà xí ở quê thường nằm tách xa nhà chính cho khỏi thúi, lại thêm nhà chị đất rộng nên nó càng biệt lập, tối hù. Không hiểu sao hôm đó vãn trò rất sớm, ai về nhà nấy ngủ, để lại một không gian tĩnh mịch như nghĩa địa. Chị Mơ cũng tung tăng giải tán luôn mà quên giải toả cho em.​
Chỉ còn tiếng tre kẽo kẹt và muỗi kéo từng bầy trong không khí đặc quánh mùi chất thải một đêm hè, sự sợ hãi và chịu đựng khiến em khóc không thành tiếng ngay từ phút đầu tiên. Ở trong thì sợ nhưng một mình bước ra ngoài khi xung quanh không một tiếng người còn rợn tóc gáy hơn.​
Khi bố mẹ em đi kiếm em về vì đến giờ buông mùng thì không đứa nào biết em ở đâu, chị Mơ thì đã đi qua xóm bên xin lá chuối về gói bánh. Bố mẹ soi từng góc và tìm ra em trong tình trạng sắp chết ngất vì sợ. Đúng là chơi với người khùng khùng tuy vui nhưng cũng thật hãi hùng :)
Đêm đó dù mới bốn tuổi nhưng em đã biết mùi mất ngủ. Còn chị Mơ thì ngủ chèo queo đến sáng không thèm dậy quẩy hàng đi bán. Nhưng là ngủ ngoài đường. Nghe kể lại người đánh bò ra đồng sớm thấy chị nằm ngất dưới đống lá chuối, ngay trước lò vôi gần nhà em.​
Đưa về nhà xoa bóp mãi mới tỉnh. Chị kể đã quá 12h đêm, chị đang vừa đi vừa hát nghêu ngao từ xóm bên về thì cứ nghe tiếng đập lá phành phạch sau lưng (lá chuối chị chặt nguyên cành vác trên vai chứ chưa kịp róc). Chị hâm đến mức nghĩ đứa nhóc nào trong xóm ghẹo. Chị quay trái rồi quay phải, vướng đống lá nên không nhìn rõ đằng sau. Chị “hây” một phát nhảy phắt người xoay 180 độ tính tóm đứa cà chớn thì tiếng đập lá vẫn cứ ở sau lưng chị. Lúc này hâm cũng biết sợ rồi, chị quăng đống lá xuống đất thì nghe tiếng con nít cười dù đường làng trống hoác!​
Chị thấy người quay quay rồi xỉu luôn trên đống lá (vậy mà sáng ra người ta lại tìm thấy chị nằm dưới đống lá chuối, họ bảo chắc ma con nít nên tinh nghịch).
Nghe chuyện xong thì cả đám hay đu đeo đi chơi với chị Mơ râm ran bàn tán. Bọn nó khẳng định chắc chắn xóm này có ma con nít rồi, vì chính đêm qua một số đứa đã nghe tiếng ri rỉ trong vườn nhà chị Mơ, đúng phóc tiếng con nít khóc nên cả bọn mới bán xới về nhà sớm. Nếu mấy đồng chí đó không thần hồn nát thần tính thì có phải em được cứu sớm rồi không (oa oa oa)​
Cacc đừng nói em viết nhảm nhí nhé, 4t biết cái gì. Thực ra trí nhớ của em còn ghi nhận những chuyện trước cả năm 4t, từ khi em mới chập chững biết đi cơ. Sau này em mới biết cũng có một số ít người có trí nhớ như vậy chứ không có gì là lạ.​
2. Ai đã chọc chị Mơ
Hâm cũng có cái hay, nhớ nhớ quên quên rồi quên luôn, chị Mơ vẫn đi đêm về hôm và không bị trêu lần nào nữa. Vậy nhưng xóm em thì không quên, vì ở một cái xóm nghèo thời đó, không có nhiều trò giải trí thì đó cũng là một sự kiện kha khá nóng để bàn tán trong tuần.​
Mọi người soát xét lại xem ma con nít (tạm gọi vậy đi) là con cái nhà ai, thì mới nhớ ra hơn một năm về trước, xóm phía trong xảy ra một vụ tai nạn thương tâm.​
Nhà bà Yên ở xóm trong chỉ có bà với cô con dâu cũng lớn tuổi. Anh con trai đi đâu em không rõ. Chỉ biết là cô ấy không thể sinh con nên một hôm đã xin đâu về một cậu nhóc 3t làm con nuôi. Trong cái thời gian ngắn ngủi cậu nhóc đó ở lại xóm em, em chưa một lần gặp, chỉ nghe các cô chú khen là sao mà đẹp thế, đẹp lạ lùng. Khen cũng là quở, vì quan niệm ở quê trẻ con xinh xắn quá dễ bị các “cô bác” để ý bắt về làm hầu đồng (trẻ nhỏ bưng bê tráp theo hầu, không phải lên đồng nhé).​
Xóm trong có nhiều hồ sen đẹp, trước khi vào mùa, trời chưa nhiều mưa thì nước chỉ ngang ngực người lớn, lấp xấp chỗ nông chỗ sâu, riêng bùn thì đặc quánh. Trưa hôm đó lúc bà và mẹ nghỉ trưa, cậu nhóc ra hồ sen chơi, thế nào mà rơi xuống hồ. Lúc đó có người đi qua nhìn thấy. Người này lại từ xa đến, nên không hề biết nước hồ thấp, hoàn toàn có thể nhảy xuống cứu được. Ông hoảng quá nên chạy đi kêu người. Lúc mọi người quay lại thì bé đã đuối nước.​
Không thể tả hết nỗi đau đớn của người nhà, dù không sinh ra bé nhưng đã coi bé như ruột thịt. Bố em kể khi vớt lên khuôn mặt bé như đang cười, không hề lộ vẻ hoảng sợ hay đau đớn. Người lớn đành an ủi gia đình chắc bé đã về Trời, hoặc nếu có là ma thì cũng là hồn ma vui vẻ.​
3. Mả ông Đống
Trước nhà bà Thi, ngay chỗ giáp nhà em có một khóm tre già cao vọt lên so với tất cả các bụi tre trong xóm, dưới chân bụi tre là một mô đất vun lên, tấp đầy đá to đá nhỏ. Dân trong vùng gọi là Mả ông Đống.​
Không ai biết đó có phải mả không và ông Đống là ai. Sau này lớn lên đi nhiều đọc nhiều em mới biết đó là một kiểu rural legends (truyền thuyết ngoại ô: một dạng chuyện ma mị, kì dị phổ biến ở những vùng quê khác nhau; thậm chí trở thành một nét đặc trưng trong đời sống văn hoá như ông Ba Bị, ông Kẹ...).​
Thời khai hoang lập làng lấp ấp, những mô đất cao khiến người dân e sợ, họ cho là nơi đó có long mạch, hay là chỗ linh thiêng, hoặc từng là mồ mả, nên không ai dám san phẳng hay báng bổ. Trái lại cứ mỗi khi đi qua người ta lại nhặt một viên đá đắp vào và xin được phù hộ. Cái tên ông Đống cũng chỉ là từ phiếm chỉ, gọi chung một vị nào đó to to bự bự.​
Từ cái mả đó bao nhiêu chuyện ma được kể ra cho trẻ con để răn đe không được đi chơi về muộn, toàn những chuyện cũng rural legends nốt như ma mặt thớt, chó trắng, lợn vàng, ma hát ru con trên ngọn tre... Nhưng có một chuyện thật xảy ra đã làm người lớn ngưng kể những câu chuyện cũ, đồng thời không bao giờ còn nhắc đến tên khoanh đất đó ngoài cửa miệng. Năm đó em tầm 7t.​
Một chiều hè muộn, trời nhập nhoạng tối, có một bà lão từ đâu đến xóm em. Giờ đó xóm còn vắng hoe vì người lớn chưa về, chỉ còn đám trẻ con ra vào đầu ngõ hóng hớt chờ bố mẹ.​
Thằng Liệng là người đầu tiên phát hiện ra bà cụ. Nó xấu tính, hay chọc ghẹo mà lại còn chọc ác ôn chứ không đùa. Nó rủ cả đám đi sau ê ê bà ăn mày và lấy cành tre chọt chọt vào lưng cụ, nhây nhây một đoàn như vượn. Cụ không phản ứng gì, chỉ một vẻ mệt mỏi, quần áo nhăn nhàu bạc phếch.​
Em đứng đầu ngõ nhìn ra, đoàn vừa đi đến gần nhà em thì đột nhiên bà cụ dừng lại, ngay trước mả ông Đống, làm bọn kia chưng hửng. Thằng Liệng nghĩ ngay trò mới, nó nhặt đá trên mả ném vào người bà, mấy đứa kia can nhưng nó không nghe.​
Bà cụ cũng không hề tỏ ra đau hay bực. Cụ chỉ chăm chú nhìn gì đó, rồi đột nhiên cụ ngẩng phắt lên. Em hỏi cacc ở đây, có ai hồi bé thấy sợ người già không? Cảm giác như các cụ già thuộc về một thế giới khác, khuôn mặt cũng không bình thường, răn reo lốm đốm đồi mồi, dáng đi khòng khòng, tính tình kỳ lạ. Hồi đó em cũng thế (sau lớn thêm tí hiểu biết hơn thì hết sợ). Cụ ngẩng mặt lên và hếch mũi ngửi khìn khịt, động tác kỳ lạ đó cộng thêm khuôn mặt không chút sinh khí của cụ làm em liên tưởng đến yêu tinh trong truyện và chạy tọt ngay vào nhà.​
Một lúc thì người lớn về, nhưng thay vì lo cơm nước tắm rửa sau một ngày mệt mỏi, tất cả đều tập trung quanh mả ông Đống. Đám lau chau đã kịp thời tường thuật ngắn gọn câu chuyện: bà cụ đi, thằng Liệng chọc cành tre, cụ dừng lại, thằng Liệng nhặt đá trên mả ông Đống chọi, giờ cả cụ và thằng Liệng đều ngôi ngay đơ trước mả.​
Người lớn tưởng cụ đói lả, định dìu cụ vào mời cơm, nhưng cụ ngồi vững như bàn thạch, miệng không ngừng lẩm bẩm điều gì đó, lâu lâu lại hếch mũi lên. Thằng Liệng mới là đáng quan ngại nhất, nó bấu chặt lấy chân bà cụ, nửa nằm nửa ngồi đơ đơ, thất thần. Bà Thu (bà ở sau nhà em, hay đi chùa đi đền ấy) mới rẽ đám đông đi vào, cầm mõ bằng đồng gõ boong boong bên tai cụ và khẳng định hai bà cháu này bị ma nhập. Lúc này cụ mới ngẩng lên: “Có yên không thì bảo”. Giọng điềm đạm vững vàng làm cả xóm im lịm luôn.​
Khoảng 10 phút sau cụ dắt thằng Liệng đứng dậy, xin vào nhà gần đó uống nước. Thế là đoàn người lục tục kéo nhau vào nhà chị Mơ. Nhấp miếng nước chè xong cụ bảo:​
"Mai xóm kiếm thầy về làm lễ rồi san phẳng cái gò nớ đi. Nỏ phải mả hay gò chi mô, chỗ con quỷ nấp đó. Tui đang đi từ bên huyện tê lên quê Bác chơi (Bác Hồ đó ạ), qua đây thì nghe mùi lạ. Mùi của mấy con quỷ đó. Nghe một hồi thì thấy mùi ở trong đống nớ phát ra. May tui vặn cho thằng ni dừng lại chứ lặt đá trong đống nớ chơi coi chừng mất hồn".​
Cả xóm mặt xanh nanh vàng luôn. Bởi đúng là ngay khoanh đất đó xưa nay có mùi rất lạ, nó hoi hoi như nước mắm - đất mục - phân bò trộn nước ấm vậy. Thật khó tả. Cứ chập choạng tối là mùi đó càng nồng nặc. Đã có lần xóm nạo vét cống rãnh và phát quang cỏ mục chỗ đó vì cho là do chất thải sinh mùi, nhưng không hết. Cũng không ai ngửi ra mùi khởi phát chính xác từ chỗ nào, cứ quanh quẩn quần tụ vào một khoanh đất đó. Điều đáng sợ là bà cụ “nghe” được mùi đó từ ngoài đường quốc lộ!​
“Ma thì lạnh mà quỷ thì nặng mùi, ngửi là tui biết, nhưng tui không sợ. Dừ tui đi lên quê Bác tiếp đây”.
Nói rồi cụ đứng dậy đòi đi luôn, dù cả xóm năn nỉ giữ lại mời cơm và bảo để chở cụ bằng xe đạp. Cụ trông đã gần 80, lại còn đi chân đất, mà không hề mang theo tay nải hay bị gậy gì. Cụ cười bảo:​
“Chi mà khách sáo ri. Tui có đuổi được quỷ mô mà đưa đón. Mai lo mà đi kiếm thầy tê. Tui đi bộ thích hơn, còn dừ tui chưa đói”.
Thế là xóm tiễn cụ ra đường 49, sau khi ép cụ cầm theo đồ ăn. Thằng Liệng tỉnh hồn thì không nhớ chuyện gì nữa sất, chỉ nói được một câu: “Con ngửi thấy mùi chi hôi quá hôi quá” làm bà Lăng mẹ nó sợ mất vía, cấp tốc khiêng nó về giấu trong nhà.​
Xóm um sùm một buổi rồi đâu lại vào đấy. Bởi còn lo kiếm ăn, bởi không ai dám đứng ra phát động dọn cái mả đó, mà cũng chẳng biết mời thầy bà ở đâu. Chiều chiều cái mùi hoi hoi vẫn nồng lên khiến em một thời gian dài không dám sang nhà chị Mơ chơi buổi tối nữa.​
Chị Mơ có ông em trai tên Hưng, bình thường hiền như đất nhưng nóng lên thì cục tính vô cùng. Anh Hưng làm trưởng đội văn nghệ xóm, tối nào cũng tụ tập các trai xinh gái đẹp của xóm trên hiên hợp tác xã trước nhà em, khêu bấc đốt đèn hát ca ngợi Đảng với bác Hồ hàng tiếng (hồi đó đèn điện còn hiếm, nếu có cũng lập loè vàng vọt ngang đèn dầu).​
Sau vụ ba chấm (em vâng lời người lớn không nói ra miệng nhé, hehe), đội tự động giải tán vì không ai dám đến nhà anh hay ra sân hợp tác nữa, nó nằm đối diện bụi tre mà. Anh Hưng bực lắm, một hôm mạnh miệng không sợ ma không sợ quỷ, vạch quần tè vào chỗ mà ai cũng biết là chỗ gì đó.​
Và anh bình an vô sự. Xóm lại lạc quan lên, cười cười nói nói cố làm như chưa từng có chuyện không hay!​
Một trưa hè sau đó tầm một tháng, chị Mơ đem cái chiếu rách ra ngay dưới khóm tre nọ trải nằm canh mấy con trâu đang gặm cỏ ở sân hợp tác xã. Cacc nào đã từng nằm khểnh hóng gió dưới bụi tre trưa hè thì biết nó thú cỡ nào, thơ lắm và mộng lắm. Em chưa quên vụ kia nhưng nghe chị khều: “Ra đây nằm tau nhổ tóc sâu cho” thì bay ra liền. Em vẫn còn làm giá thêm câu: “12h trưa là em về nha”. Người lớn bảo đó là giờ linh, ma đi lại trên đất không khác gì người.
Hai chị em đang nằm thung thướng thì nghe một tiếng thét hoảng: “Bây ơi tru húc”. Bật choàng dậy thì trời ơi con trâu đực nhà chị ấy đang chúi sừng đằng trước phóng như bay về phía hai chị em. Khoảng cách từ bãi cỏ hợp tác xã đến chỗ cái chiếu chỉ khoảng 20m. Chị Mơ lắp bắp “họ!...họ!” (tiếng gọi để dằn trâu đứng lại) nhưng chị thừa biết mấy chữ đó chỉ lọt tai trâu khi nó đang đi bộ chứ không phải đang bay. Em thì nhũn người ra sắp ngất.​
Tất cả xảy ra trong chớp mắt, hùng hục sầm sập, rồi uỳnh một phát. Em lờ đờ mở mắt ra, chỉ thấy con trâu đã nằm một đống trước mặt hai chị em, đầu ngả lên chiếu sùi bọt mép. Chỉ chút xíu nữa thôi là người lủng rồi. Hai chị em túm lấy nhau líu ríu dìu dắt nhau đứng dậy, ngực căng ra chưa kịp thở thì lại nghe rầm một phát ở sau lưng. Quay lại đã thấy tảng đá lớn nhất ở đỉnh gò lăn xuống chiếu, kéo theo đống đá con lăn lộc cộc.​
Trước trâu chết, sau gò lở, toàn chuyện kinh dị trong chưa đầy năm phút, hai chị em nhũn cả chân, ôm nhau khóc nức nở trên chiếu. Người hét lên báo hiệu cho bọn em cũng đã chạy đến nơi, động viên cho hoàn hồn lại.​
Thế là nhà chị Mơ mất con trâu đực, của nả to bự lúc bấy giờ. Xẻ thịt đem bán cũng không được giá mấy vì thịt nó già dai rồi. Mọi người xì xào nhà chị bị quở vì con trai thì tè vô chỗ đó, con gái thì trải chiếu nằm tơ hơ ngay chỗ đó. Em cũng sợ mất mật, vì em đã cùng chị nằm khểnh ở chỗ đó.​
Tuy nhiên em nghe nhiều người lớn phân tích cũng có lý: con trâu ni bị điên, nó lên cơn rồi chết, nó nặng nên ngã xuống làm rung đất đá trên gò. Mấy lâu sau nhà bà Thi sửa sang mặt tiền mở tiệm may cho con gái lớn, anh Hưng ra san phẳng cả gò lẫn bụi luôn.​
Sau này em đi đến nhiều tỉnh thành, lại bắt gặp đúng cái mùi hoi hoi đó trong những chiều chạng vạng; không lẫn đi đâu được. Hỏi người dân thì họ bảo đúng là cả vùng chỉ một khoảng đất đó có mùi này. Có nơi thì gắn liền với chuyện ma quỷ, có nơi không. Một anh bạn của em làm nông nghiệp khẳng định đó là mùi kali. Em cũng chẳng để tâm xác minh nữa. Hãy cứ coi như đó là một câu chuyện hay ho trong muôn ngàn câu chuyện thì thầm hàng đêm trên khắp các làng quê nhỏ bé.​
4. Lò vôi
Những năm đó ai muốn xây nhà cũng qua lò vôi của hợp tác xã mua vôi về tôi trong một cái hố nho nhỏ. Bao nhiêu vụ tai nạn rất thương tâm vì ngã xuống hố vôi tôi, người bị nạn gần như bị luộc sống, đau đớn vô cùng.​
Cái lò vôi nằm gần đối diện nhà em, cách hợp tác xã một căn nhà. Nhưng bên hợp tác xã đông vui bao nhiêu thì bên lò vôi quạnh quẽ bấy nhiêu. Người lớn thì biết “gì đó” đã đành, kể cả đám trẻ con bọn em không biết gì nhưng cũng không mấy khi bén mảng ra đó. Mặc dù cái lò vôi đó thực sự rất “ra trò”: dùng để chơi ti tè nấp bắn hay trốn tìm, trượt cỏ từ trên đỉnh lò xuống, nghịch vôi thì tuyệt cú.​
Xóm trong có nhà ông Vũ rỗ, mặt ông rỗ hoa chằng chịt đến nỗi nhìn rất sợ. Tính ông lầm lì, hay uống rượu. Ông có anh con trai cao ráo, sáng sủa nhưng lại bị ngọng. Không phải tật nói ngọng như nhầm lẫn “l” “n” đâu ạ, mà là nói không thành tiếng, chỉ ú ớ, nhưng vẫn diễn đạt được chứ không như câm. Người xóm trong kể rằng vì ông Vũ rỗ quá cục súc, hồi anh còn bé ông đánh con như đánh kẻ thù nên mới sinh tật ngọng. Kể vậy thôi chứ ai biết thật giả, vì khi ông chuyển về đây anh đã trưởng thành rồi.​
Hồi đó, người với người tuy nghèo nhưng sống với nhau chan hoà tình nghĩa; nhưng cũng có những việc người đối xử với người còn hủ lậu lắm. Rõ ràng nhất là việc đối xử với người khuyết tật, tâm thần.​
Điên thì dễ bị đánh, bị ném đá; khuyết tật thì bị trêu chọc, coi thường. Đừng nói trẻ con thơ dại, đôi khi chính người lớn cũng hành xử như thế. Chẳng mấy ai nghĩ đến việc lắng nghe tâm tư hay thông cảm cho họ, may ra chỉ có người nhà.​
Anh con trai ông Vũ rỗ (em không nhớ tên) cũng khá khổ sở vì điều này. Anh hiền và hiểu biết, nên mỗi khi bị giễu anh rất buồn. Lại càng không thể tâm sự với ai vì mấy tiếng ú ớ chỉ làm người ta thương hại. May sao đời còn có chị Mơ. Chẳng phải chị đem lòng thương anh như tiểu thuyết hay viết, mà là với bản tính tưng tửng thích chơi với trẻ con, chị cũng thích chơi với anh. Chị nói anh hiền khô mà thật thà hơn con nít bọn bây nhiều.​
Sau một thời gian bầu bạn cùng anh, chị Mơ đã nghe thông hiểu thạo cách anh diễn đạt. Và thành quả là câu chuyện chị kể cho bọn em.​
Anh ấy không phải bị ngọng từ nhỏ, mà mới bị mấy năm trở lại đây. Cha con anh mới về ở xóm trong, ông Vũ lại lầm lì nên chả giao tiếp với ai mấy. Anh ở với cha từ nhỏ, chỉ có đòn roi và gầm gừ nên lớn lên cực kiệm lời, ban đầu người trong xóm tưởng anh bị câm.​
Thấy anh thật thà chăm chỉ, hợp tác xã giao cho anh trông coi lò vôi mỗi đêm. Anh làm rất tốt, ngăn nắp gọn gàng. Anh không biết chữ nhưng công việc cũng chả phức tạp mấy, tối khuya đến sáng sớm về, chả ai để ý đến anh.​
Một đêm như mọi đêm anh đang nằm trước lò vôi để canh, sắp chìm vào giấc ngủ thì nghe thấy bước chân lộp cộp. Anh hé mắt nhìn thì thấy một cô gái cứ đi qua đi lại trên đoạn đường cạnh lò vôi. Thở phào vì không phải trộm anh toan ngủ tiếp, nhưng chợt nghĩ cô này ở đâu đến đây giờ này, hay là nhỡ đường? (hồi đó hay có người đi buôn bán làm ăn xa bị nhỡ độ đường bên ngoài quốc lộ, hàng quán đóng cửa hết nên họ vào xóm em xin nghỉ ké, vì đoạn đường vào xóm em rất tiện, lại có hợp tác xã chong đèn nên từ xa dễ thấy).​
Tốt tính nên nghĩ cái là anh buột miệng gọi luôn: “Ai đó vô đây nghỉ tạm”. Chỉ vài từ ngắn gọn đúng như thói quen ăn nói của anh, nhưng cũng là những lời tròn vành rõ chữ sau cùng anh còn thốt ra được trong đời.​
Lời anh vừa dứt thì cô gái đó dừng chân hẳn rồi... biến mất luôn. Anh há hốc miệng, lưỡi cứng lại. Sáng hôm sau người của hợp tác xã ra giao ca phát hiện anh nằm co quắp dưới đất. Kết luận anh bị trúng gió. Anh nghỉ trông lò vôi, từ đó cũng bị ngọng luôn không nói bình thường được nữa.​
“Chị với anh ấy đều gặp ma ngay chỗ cái lò vôi nớ. Chị tin anh ấy”, chị Mơ kết chuyện.​
Em nghĩ bụng vậy có nghĩa có một vài người bên hợp tác xã đã từng nghe anh nói bình thường. Nếu xác minh được điều này thì câu chuyện đáng tin thêm đôi phần. Nếu không xác minh được thì có hai giả thiết: hoặc anh mặc cảm tật bệnh nên bịa ra câu chuyện ma với chị cho bớt phần tủi hổ; hoặc chính chị Mơ tự bịa ra câu chuyện để doạ bọn em đồng thời để củng cố “không chỉ có mình chị gặp ma ở lò vôi đâu nhá”.​
Nghĩ vậy nhưng con nít mà, xác minh chi, nghe vậy vui hơn, dù càng nghe càng phải cố mà tránh xa cái lò vôi tám thước.​
(continued)​
 
Hạng B1
13/5/18
85
425
53
39
Bóng đen bên phải video chạy từ trên xuống dưới trước khi cầu sập!
Mợ có cách hành văn rất là văn nhé! :rolleyes: Phát huy tiếp đi!
Bác nói em xem lại mới thấy, nếu không chỉnh sửa thì ghê quá trời ơi. Mà không biết là do "người ta" làm sập cầu hay là do biết cầu sắp sập nên "người ta" tụ tập để rước nữa :((
Cảm ơn bác khen em. Em vừa gõ vừa tưởng tượng lại chính xác những gì xảy ra, chỉ cố gắng viết sao cho chi tiết mạch lạc nhất có thể. Cả bầu trời kỷ niệm bác ạ :p
 
Hạng B1
13/5/18
85
425
53
39
I. CHUYỆN NGÀY XƯA (cont)
5. Cây đa cháo lòng
Có bác nào là tài xế lớn tuổi, ngày đó từng đi qua đường 49, đoạn cuối thành phố Vinh, cách quê Bác Hồ khoảng 13km, chắc đều biết đến cây đa này.​
Khi em biết nhận thức thì cây đa đã to lớn sừng sững rồi. Nó nằm ven quốc lộ, ở phía đối diện đường rẽ vào xóm em. Trường cấp 1 thân thương của em nằm phía trong con đường có cây đa đó. Về tên gọi cây đa cháo lòng, là bởi trước đây có một bà cụ hay gánh cháo lòng ra gốc đa ngồi bán. Gánh hàng của bà cụ nức tiếng, các bác tài rất ưa ghé ăn. Rồi cụ mất, để lại cái tên truyền đời cho cây đa.
Cây đa cháo lòng bị sét đánh nhiều lần đến khô khốc. Mọi người kháo nhau có quỷ ngụ ở trên cây nên thiên lôi giáng tầm sét để diệt quỷ. Em không biết con quỷ đã chết chưa nhưng cây thì dần héo hon, lại thêm người dân xung quanh mang rất nhiều nhang ra cắm trong hốc cây dẫn đến một vụ thân cây bùng cháy trong đêm, may mà dập lửa kịp.​
Xóm em có anh Thạnh, hơi ngu ngơ và bị ngọng ú ớ. Sao mà cái thời đó nhiều người bị tật thế. Một quá khứ đói khổ khiến người ta chỉ còn biết nghĩ đến sao cho đủ miếng cơm manh áo chứ đâu dám mơ đến chữa bệnh. Trẻ sinh ra chỉ ốm đau vặt vãnh như đau bụng, sốt, cảm nắng... nhưng không được chữa đến nơi đến chốn cũng có thể tử vong chốc lát hoặc mang di chứng tổn thương thể chất tâm thần đến suốt đời. Xóm em trải dài từ ngoài vào trong có đến chục người bị tật.​
Anh Thạnh ngu ngơ nhưng vẫn biết tự chăm sóc bản thân. Một buổi sáng trời quang gió mát, anh chơi tha thẩn ven quốc lộ. Khoảng đâu gần 11h trưa thì trời nổi dông đột ngột. Người xóm em đang chạy mưa thì nghe một tiếng sét đoàng từ phía lộ vọng vào. Tiếng sét to đến mức em ngồi trong nhà mà giật thột làm rơi cả cái ấm tích đang cầm.​
Một lúc sau có bốn năm người khiêng anh Thạnh máu me bê bết từ ngoài chạy vô xóm. Những người chứng kiến kể là anh dù ngu ngơ nhưng cũng nhớ lời bố dặn là mưa to không được trú dưới cây cổ thụ (ở vùng đất khắc nghiệt như quê em, hàng năm bao nhiêu người oan mạng vì cơn thịnh nộ của đất trời, người lớn lúc nào cũng phải khuyên lơn trẻ con không ngớt). Anh định chạy về nhà nhưng vừa chạy ngang cây đa cháo lòng thì một tia sét giáng xuống cắt đôi tàng cây to nhất. Tàng cây rơi trúng đầu làm anh ngất lịm.​
Khi tỉnh dậy, hình như anh chỉ còn cái xác chứ hồn đã lạc theo sấm sét. Anh ngớ ngẩn thất thần hẳn và thậm chí cũng chẳng còn u ơ được nữa... Người lớn kháo nhau con quỷ này kinh khủng lắm, không những không bị Trời đánh chết mà còn bắt mất hồn anh. Còn em thấy thương mẹ anh còm cõi, gia đình thêm gánh nặng vì anh không còn tự chăm sóc cho bản thân mình được nữa.​
Giờ thì cây đa xưa đã chết, cây con từ hốc mọc lên thay thế nhưng tên gọi vẫn như xưa.​
6. Thuỷ Nông Nam
Trong chuyện em kể, tên người được nói trại đi, nhưng tên địa danh thì không. Bởi nhắc đến những địa danh này thì ai từng sống ở Vinh những năm tháng đó đều từng nghe từng biết. Nó là kí ức, là cả khoảng trời, là niềm vui nỗi buồn, là chỉ dấu, là điểm mốc, là tất cả chứ không chỉ là tên gọi.​
Thuỷ Nông Nam (hay Thuỷ Lợi Nam) cũng là một cái tên như thế. Đó là tên của một cơ quan thuỷ lợi địa phương, kết hợp tên phường em (Cửa Nam). Từ quốc lộ 49 rẽ vào xóm em, chạy kịch đường là toà nhà của cơ quan này. Ai tìm đường đến xóm em cũng chỉ cần ngắn gọn: “Cho tui hỏi Thuỷ Nông Nam ở mô?”.​
Cơ quan rộng rãi, khuôn viên trồng xoài với bàng rợp bóng. Sân trước cơ quan có một đống ống cống thuỷ lợi cũ kỹ xếp chồng lên nhau. Tất cả tạo thành đại bản doanh lý tưởng để bọn em rèn luyện thể chất và các trò chơi mạo hiểm mà không một sân chơi hiện đại nào ngày nay sánh kịp.​
Luồn đuổi nhau trên đống ống cống chán thì trèo cây bẻ xoài, ăn xoài đến sôi bụng thì chơi trốn tìm bên nhà công vụ, trốn mệt thì rủ nhau đuổi bướm hái hoa đóng cô dâu chú rể, lấy lá bàng xếp mũ cánh chuồn đóng vua quan; đến mùa thì trèo lên áp mái xem chim non mới nở...​
Ban ngày lồng lộn bên Thuỷ Nông Nam chưa chán, tối bị cấm không được vào thì cả bọn rủ nhau đi ném kẻng. Trước phòng bảo vệ có một cây bàng lùn, trên cây treo chiếc kẻng sắt rất to, được làm từ vỏ một quả bom bự. Rình rình ông bảo vệ đang bận làm gì đó, cả lũ thi nhau lấy cả mớ đá lụm sẵn trong túi áo ném chia lia lên kẻng. Có hôm ông chạy ra còn ném trúng cả ông. Ông dẫm chân bình bịch, la ó rồi rượt đuổi, nhưng chỉ rượt chơi cho lũ quỷ nhỏ sợ chứ chả tóm đứa nào.​
Một đêm hè trăng rất sáng, bọn em ba bốn đứa lại quen tay đi ném kẻng đêm. Lúc đó độ 8h, ánh trăng tràn ngập trên từng lùm cây bụi cỏ.​
Em vốn có cái tính mà miền ngoài thì gọi là lơ tơ mơ, miền trong gọi là té giếng: dù có đang ở nơi đông đúc ồn ã như cái chợ, dù đang buôn chuyện búa xua nhưng chỉ cần một cảnh thơ mộng lọt vô mắt em là ngay lập tức em thoát xác, không nghe biết gì xung quanh nữa, chìm nghỉm vô thế giới đẹp của riêng mình luôn.​
Đêm đó cả bọn lặng lẽ hành quân đến trước phòng bảo vệ, ém mình vào tường rào như đặc công thứ thiệt. Là bởi ông bảo vệ mới nuôi một con chó dữ to đùng nên cả lũ càng tăng thêm phần trịnh trọng. Có lẽ do bọn nó dọ dẫm quá hoá slow motion nên em có thời gian ngửa mặt lên trời ngắm nghía. Vậy là em bị chị Hằng mê hoặc luôn (mãi cho đến giờ, em vẫn giữ thú vui ngắm nhìn bầu trời, mà phải là bầu trời quang rộng, không bị nhà cao tầng dây nhợ dày xéo, lâu không được ngắm là lại chạy xe ra khỏi phố cho đỡ nhớ).​
Em chẳng còn để ý gì đến xung quanh nữa, chỉ lờ mờ nhận thức có tiếng chân chạy, tiếng người nạt nộ, tiếng choeng choeng, tất cả diễn ra trong một hai phút rồi thoắt cái còn mình em ngồi lại với trăng sao luôn.​
Tiếng gừ gừ của con chó dữ làm em điếng người (em siêu sợ chó), nó đang đứng hổn hển ngay bên cánh cổng khép hờ. Dưới ánh trăng nhìn nó lồng lộng như một vị thần! Em xụi lơ chờ chết.​
Bỗng con chó kêu ư ử rồi quay đầu chạy vào phía phòng bảo vệ, em hé mắt nhìn về phía nó thì thấy một bóng người đang từ trong cơ quan đi ra. Bình thường phòng bảo vệ có cái bóng đèn dây tóc sáng lờ nhờ nhưng hôm đó không hiểu sao không bật (sau này em mới hiểu), ánh trăng sáng nhưng không rọi nổi qua tàng cây bàng, chỉ đủ để in lên nền đêm hình dáng to cao vuông vức của bác bảo vệ, không lẫn đi đâu được. Em không biết nên mừng hay lo, rón rén đứng dậy phủi đít quần thì nghe “ẳng” một tiếng, tích tắc ngước lên bóng người đã biến mất.​
Em cắm cổ chạy về nhà, đường thẳng băng mà em vấp lên té xuống bị đá dăm cào xước cả mặt mũi. Lúc đó chỉ lờ mờ những cảm xúc lo sợ lẫn lộn thôi: sợ chó táp, sợ đứng một mình, sợ bác ấy bắt được báo bố em thì nát đít, sợ bóng đêm...​
Em đâu có biết chạy về được đến nhà mới là sợ nhất. Vừa vào đến cửa đã thấy bác bảo vệ ngồi đó với bố em và hai ba đồng bọn phá làng phá xóm. Nhà em bán tạp hoá nên cửa mở liên tục, bọn nó bị bác rượt “nhanh trí” quặt vô nhà em và bị hốt nguyên ổ. Bình thường bác chả thèm rượt nhưng hôm đó một đứa nghịch ngu chọi bể luôn cái bóng đèn, bác phải ra tay dẹp loạn cho chừa.​
Em chả biết khôn hay dại nữa, lập bập phun một câu: “Cháu vừa mới thấy bác ở trong thuỷ nông với con chó mà...”. Bác nghe xong bật dậy ngay: “Chết cha, ăn trộm, trong nớ bựa ni đi vắng hết!”. Cả bố em và bác chạy thẳng về cơ quan. Không có ai cả, con chó nằm một góc ủ rũ. Bác sợ nó bị đánh bả nhưng lại không phải, có điều sau đó nó bỏ ăn mất ba bốn ngày. Rọi đèn khắp đường nội bộ cũng không một dấu chân (khu đó đất đỏ đỏ, chiều xuống bác thường tưới cây nên nếu có người đi thường để lại dấu chân không nhiều thì ít)​
Án phụ huynh phê là em nhìn gà hoá cuốc và cấm tiệt không được tụ tập đi nghịch kẻng nữa. Chỉ có thâm tâm em biết mình không hề nhìn sai, thậm chí còn nhận ra rõ ràng đó là dáng người của bác, cả cái tướng đi gù gù nữa. Vậy nên không cần cấm thì cho kẹo em cũng chẳng dám đi thêm lần nào nữa.​
Sau này có những lúc ra quán nhà em lai rai vài chén, bác kể với bố em là từ ngày mới về làm bảo vệ đã bị trêu rồi, nửa khuya gần sáng cứ bị chọi kẻng liên tục không ngủ được, vậy nên bác mới kiếm con chó để canh “ai đó” chứ không phải canh bọn em. Mà mọi khi chỉ nhát khuya thôi, không ngờ hôm đó mới đầu buổi tối mà em nhìn thấy. Nếu hôm đó chạy về không kịp có khi “người ta” hại mất con chó rồi. Bố em chỉ bảo chắc mấy đêm trăng sáng “người ta” dễ đi mây về gió…
 
Hạng B1
13/5/18
85
425
53
39
7. Con chó
Hồi đó trộm cắp như rươi, sểnh ra đến cái chổi cùn, cái vung méo cũng mất; nên xóm em có rất nhiều nhà nuôi chó dữ (có những ngày em bị chó cắn đến hai lần, huhu).​
Có một đợt nọ cứ sáng ra là rất nhiều nhà trong xóm phát hiện gà bị cắn chết, toàn cắn ngang cổ, thậm chí có con đứt làm hai ba phần. Ăn trộm thì chẳng thằng nào rảnh thế. Những chuồng cửa nẻo chắc chắn cũng bị tháo bung ra. Nhiều nhà có chó dữ mà đêm mất gà không hề nghe chó ho he một tiếng. Một điểm kỳ lạ nữa là mấy con gà chết đó có mùi rất hôi hám, dù có con được phát hiện khi người còn ấm thì cũng không thể làm thịt cải thiện bữa ăn được. Mọi nghi vấn đổ dồn về con chó béc-giê Đức của một nhà ở phía sau nhà em.​
Con chó đó siêu bự và siêu dữ tợn luôn cacc ạ! Cháu gái nhà bà Thu từng bị nó phập sâu đến lộ cả mỡ đùi; còn em từng bị nó rượt chạy mà khi thoát được, em vẫn không nhớ nổi bằng cách nào mà thoát, cứ như ai bốc em lên mang về nhà chứ trong đầu đã cầm chắc phen này lọi giò rồi. Con bec-giê này lại thường được vợ chủ nhà vét lòng lợn, thịt thừa ở sạp chợ về cho ăn sống nên nó rất hung, không như mấy nhà khác chỉ toàn nuôi chó ta và cho gặm xương thừa thôi. Nghi ngờ là vậy nhưng chẳng ai dám ho he vì nhà đó nổi tiếng thích oánh nhau.​
So với trong xóm, nhà em có tường bao khá cao. Vậy mà gà vẫn bị vặt cổ. Mọi người lại càng khẳng định ngầm với nhau là chỉ có con béc-giê ác ôn kia mới phi được qua cái tường cao như thế. Khi tổng số gà chết lên đến gần 15-20 con thì bầu không khí cả xóm vô cùng bức bối. Vậy nhưng sấp mặt cả ngày kiếm ăn rồi thì đêm sức đâu mà ra chuồng rình bắt quả tang. Hơn nữa ai biết đêm nay "nó" sủng ái con gà nhà nào, chả lẽ cả xóm cùng thức rình!​
Dần dà địa bàn hoạt động của "nó" vào cả xóm trong. Dân xóm trong còn nghèo hơn xóm ngoài bọn em nữa, toàn nhà nông cày bừa lầm lũi quanh năm, nên nhất định một cái lông gà cũng không để mất oan. Ông Khiêm, một nông dân lớn tuổi được xóm trong tín nhiệm dẫn mấy người khác đi sang nhà kia nói chuyện. Nhưng nhà kia không những không tiếp mà còn dọa người nào dám đặt điều con bec-giê cắn chết gà thì sẽ thả chó ra cho cắn chết người đó luôn! Vì thái độ đó mà xảy ra xô xát. Lúc này chủ nhà kia mới xuống nước cãi lý nếu đúng con bec-giê cắn chết gà thì sao nó không ăn thịt, nó vẫn ăn thịt sống quen rồi kia mà. Hơn nữa đêm nào anh ta cũng xích chó lại, sáng ra xích còn nguyên thì làm sao nó chạy đi đâu được.​
Mọi việc chưa ngã ngũ thì tối hôm đó có chuyện. Bà Thu (ở sau nhà em) thường đi ngủ rất trễ. Mỗi tối sau khi xem xong băng phim chưởng Hồng Kông thì bà tụng kinh gõ mõ đến 11h (hồi đó ở quê 8h là nhiều nhà đã buông mùng rồi). Thủ tục sau cùng là ra sân vái bàn thờ thiên rồi mới vô đi ngủ. Hôm đó bà trằn trọc đến nửa khuya vẫn không sao ngủ được. Bà nhớ ra hồi tối quên mất thủ tục vái bàn thiên. Thế là bà lọ mọ bước ra sân. Hướng bàn thiên nhìn sang vườn nhà em, nên khi vừa ngước lên bà thấy một cảnh tượng kinh dị: một con vật bốn chân to đùng, đen trùi trũi, mắt sáng quắc, đang bước đi uyển chuyển trên bờ tường bao nhà em!​
Đến bây giờ em vẫn còn nhớ chính xác lời bà mô tả: bước đi của nó như múa chứ không phải đi bình thường, cứ như đang có nhạc trong không khí vậy. Bà không dám kêu lên tiếng nào, lê lết vào nhà, ốm luôn mấy ngày. Tận mấy năm sau, khi cuộc sống khá hơn, bà xây hẳn một cái điện thờ ngay trước nhà, che khuất tầm nhìn từ nhà bà sang nhà em luôn. Bà bảo: “Cái bàn thiên này không thiêng nữa”.​
Chi tiết con vật bốn chân - đen trùi trũi đủ để cả xóm khẳng định đích thị đó là con béc-giê. Giờ có nhân chứng rồi, bà Thu là người lớn tuổi chứ không phải con nít ranh mà bảo là đặt điều. Cả xóm tự tin bắt nhà kia ra ngồi nói chuyện. Hồi đó con bec-giê là tài sản lớn, bán đi còn đủ tiền mua ruộng đất, nên anh chủ nhà kia mới đưa ra điều kiện: mỗi tối anh ta sẽ cùng hai thanh niên xóm rình con chó; rình một tuần liền luôn cho xong chuyện; để chứng minh con chó không dứt được xích.​
Một tuần trôi qua đúng kế hoạch. Mấy anh kia xác nhận cả đêm con chó bị xích như bình thường, không chạy đi đâu cả. Tuy nhiên vấn đề ở chỗ cả tuần đó cũng không có con gà nào chết. Người trong xóm lại càng cho rằng trước đây con chó tuột xích nên làm bậy mà không ai biết, còn giờ nó bị canh nên mới không đi cắn gà được nữa!
Nói qua nói lại, chủ nhà kia hung hăng nhưng đành chịu nhún trước cả xóm. Anh ấy tạm đưa con chó sang gửi ở nhà người thân cách xa xóm em ít lâu. Con chó mới được đưa đi ngày hôm trước, hôm sau gà lại chết, và chính là gà nhà anh chủ con chó luôn (đây là lần đầu tiên gà nhà anh qua đời nên trước đó cả xóm càng nghi). Hồi đó tuy vẫn còn khá mê tín nhưng dù sao cũng ở gần thành phố, dân xóm hay né những chuyện ma mị dị đoan. Nhưng lần này thì một số cụ bảo chắc con chó này thành tinh rồi. Nó nghe được mọi người bàn bạc rình nó nên nó giả vờ không đi bắt gà. Nó hận chủ nó chuyển nó đi nên nó về cắn chết gà nhà chủ.​
Có mấy con gà con chó mà phức tạp quá phải không mấy bác. Nhưng tại vì nó liên quan đến khúc cuối này, khiến cho đến tận hôm nay vẫn không ai biết sự thật của câu chuyện.​
Con chó thì chuyển đi rồi, gà cứ chết đều đều mà biết kêu đòi ai được nữa… Một số nhà đặt bẫy, kiếm bùa dán tùm lum ở nhà, dán cả chuồng gà luôn mà không ăn thua. Có một nhà ở xóm trong chỉ còn lại đúng một con gà duy nhất nên chị chủ nhà ức quá. Tối đó đang nằm ngủ, chị chợt nghĩ còn có một con thì ôm nó vô nhà luôn cho an toàn. Nghĩ là làm, vừa lọ dọ ra đến nơi thì chị thấy một bóng đen vụt nhảy phóc ra từ chuồng gà nhà chị. Giờ thì có là bẹc-giê hay yêu tinh chị cũng không sợ nữa, bắt tận tay day tận trán rồi nhá. Chị hô hoán lên, lúc đó đã là 2h sáng. Rần rần người thức dậy chạy theo hướng chị chỉ, chính là cơ quan thủy nông (bên hông cơ quan này có một con đường mòn dẫn ra ruộng và đất hoang).​
Hóa ra là một thằng nghiện. Nó khóc lóc van xin rúm ró. Nhưng khi cả xóm tẩn cho một trận bắt nó khai ra điên hay sao mà đi giết gà, nó ngơ ngác bảo giết gà nào cơ, hôm nay nó mới đi ăn trộm lần đầu tiên (thằng này không phải dân xóm em), nhưng vừa thò tay vô chuồng thì đã túm phải con gì lông lá đầy người, bị vuốt nó cào cho một phát sợ quá nên mới chạy vọt ra. Nó còn chìa ra cánh tay với ba vệt dài rách cả ống tay áo. Cả xóm bán tín bán nghi, trói gô nó nhốt trong nhà hợp tác xã, cử người canh rồi ai về nhà nấy ngủ.​
Mới rạng đông hôm sau, dân xóm đang lơ mơ thì phía nhà chủ con chó bẹc-giê đã vang lên tiếng um sùm. Anh chủ nhà đó sáng sớm mở cổng ra thì phát hiện con chó nằm đó, bốn chân rướm máu, toàn thân bị xây xát hết… Mà nó không nằm dưới đất, nó nằm vắt trên hàng rào tre thấp ở cổng. Người họ hàng giữ con chó sau này bảo chắc nó nhớ chủ nên nửa đêm dứt xích chạy về nhà cũ. Hai nhà cách nhau 10km. Anh ấy khóc rống lên vì thương nên không ai dám nói thêm gì nữa.​
Con chó nằm thoi thóp ba bốn ngày. Cứ đến đêm là nó rú rít, tru lên từng hồi. Có một điều lạ là xóm em nhiều chó (mà ngẫm lại toàn chó vô tích sự, không canh được cái chuồng gà nào nên hồn), ngày trước chỉ cần một con nửa đêm vui mồm lĩnh xướng thì cả bọn hợp sức sủa inh tai luôn. Vậy mà trong ba bốn ngày đó, đêm đến chỉ có duy nhất tiếng tru thê thảm của con bec-giê Đức. Khi nó chết, anh chủ nhà chôn nó ngay trong vườn. Anh lạnh nhạt với cả xóm một thời gian luôn vì cho rằng đứa ác ôn nào đã nhân đêm tối lộn xộn đánh chết chó của anh. Từ đó không có thêm nạn nhân gà nào nữa​
Sau ngày con chó chết đúng hai hôm, là ngày nhà bà Thi phát quang mả ông Đống để làm mặt tiền mở tiệm may. Cả xóm chẳng ai dám lạm bàn thêm cái thứ thằng nghiện đụng phải trong đêm đó là cái giống gì nữa. Mấy năm sau, ma túy tấn công xóm em, anh chủ con chó cũng dính vào, vật vờ lắm, không còn hung hăng như trước.​
Có một lần đi cai nghiện lâu ngày về, anh ngồi tâm sự với một người trong xóm rằng đêm nào thức dậy trong trại anh cũng thấy bóng con chó ngồi ở góc phòng. Người đó bảo anh chắc là đang cai thuốc nên dễ bị ảo giác. Anh bảo không phải đâu, anh có lỗi với con chó nên nó trách anh. Anh biết nó bị đổ oan. Vào cái thời gian bị mất gà đó, chính anh cũng đã một lần gặp phải cái thứ bà Thu từng thấy. Nếu anh kể ra mọi người đã có thể có hướng xử lý khác. Nhưng vì cái thói hung hăng, không thèm đếm xỉa đến mấy lời chỉ trích của cả xóm nên anh im luôn. Anh mà không để nó đi thì nó đã không chết tức tưởi vậy.​
Cái người nghe anh kể chính là em. Như em từng viết lúc mở đầu, xóm em có một gia tộc buôn hàng trắng, vậy nên từ hồi đó, cả xóm đầy người nghiện, sống lâu cũng thấy bình thường. Nhưng người ta bảo "đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày", nên mấy lời anh ấy kể em cũng không biết hư thật thế nào, bởi với trí não bị hàng trắng bào mòn từng ngày, có thể ký ức của anh cũng không còn trung thực với anh nữa.​