9. Màu trắng
Xóm em có một gia đình dính líu đến chất cấm từ rất rất lâu rồi. Bi hài ở chỗ gia đình này lại không phải là tác nhân trực tiếp dẫn đến bùng nổ dân số nghiện ở xóm em, vì nhà này chỉ bán sỉ không bán lẻ, phạm vi bán không chỉ ở Việt Nam mà tầm cỡ khu vực Đông Nam Á luôn. Tuy nhiên, sau khi gia đình này tản mát tứ phương thì những tay buôn lẻ lại chọn xóm em làm đại bản doanh, cứ như muốn tiếp nối truyền thống huy hoàng vậy.
Nhà đó có đôi vợ chồng và bầy con đủ trai đủ gái. Con trai mũi cao da trắng rất Tây, con gái xinh đẹp mặn mà. Đến cả dâu rể sau này cũng nhan sắc hơn người.
Trong nhà trừ ông chồng ra, ai cũng lanh lẹ rấp rẻng, khéo léo khôn ngoan. Ông sống lặng lẽ, giản dị, cứ như đứng ngoài thời cuộc vậy.
Bà vợ thì em nghe kể, từ đầu những năm 8x đã buôn chất cấm, lúc đó chưa phải là ma tuý tinh chế thành heroin mà còn ở dạng thô, từng bì từng bì như buôn khoai lang vậy. Có một lần bà lọt lưới phải vào trại. Một đêm khuya bên điều tra cho xe đến mang bà ra khỏi trại, bịt mắt ba bốn lớp. Bà chắc mẩm hôm nay dựa cột, sợ rung người. Bà thầm khấn nếu được cho cơ hội sống thề sẽ không bao giờ chạm đến hàng cấm nữa, nếu sai lời thì sẽ tự chặt tay. Nhưng hoá ra đêm đó bà được thả về, xe bịt mắt đưa bà đến tận cổng nhà.
Giải nghệ ít lâu, cả nhà đi nấu cám chăn heo đâu được khoảng hai năm. Nhưng đã quen ăn trắng mặc trơn thì khó mà làm thứ dân. Bà trở lại và lợi hại hơn xưa, làm ăn có tổ chức và buôn hàng tinh chế luôn. Bác nào còn nhớ hồi 9x có vụ án đường dây buôn ma tuý của Vũ Xuân Trường, gia đình này là một chân rết lớn trong hệ thống đó.
Nhà bà nằm ngay phía trước bên phải cơ quan thuỷ nông. Trước nhà không xây hàng rào mà trồng hai rặng hoa nhài (hoa lài) cực lớn. Cây lài lâu năm, bông to thơm ngát, trẻ con bọn em coi chỗ đó như thiên đường. Cho đến giờ ký ức của em không bao giờ phai mờ được hình ảnh mỗi sáng sớm mai cùng các chị và mấy đứa bạn chạy thể dục trên đường làng, rồi tập trung trước nhà bà tranh nhau hái hoa cho vào túi, không khí trong lành tinh khiết mà tâm hồn cũng không vẩn chút lo lắng nghĩ suy gì.
Từ khi tái xuất giang hồ, bà dỡ hẳn căn nhà ngói cũ với bức tường hoa, rồi xây lên một căn nhà nguy nga với hàng rào bê tông cực cao. Căn nhà ốp bằng đá rửa, hai hay ba tầng gì đó em không nhớ nữa, xây theo kiểu Pháp nên mỗi tầng đều có bao lơn bên ngoài tất cả các phòng. Mẹ em (y sĩ) từng một lần vào căn nhà đó để chích thuốc bệnh cho họ, mẹ bảo phòng ốc trong đó như cung điện.
Tuy buôn hàng trắng nhưng con cái trong nhà lại không có dấu hiệu nghiện ngập. Tất cả đều không học hành hay làm nghề gì, ai cũng ngầm hiểu họ theo truyền thống gia đình, kể cả dâu rể sau này cũng vậy.
Khi đường dây đổ bể, gia đình bà tan tác. Theo giới thạo tin xóm em, bà bị biệt giam ở một hòn đảo ngoài Vũng Tàu, hai con gái vào tù, anh con trai thứ hai bị tử hình. Riêng anh con trai cả trốn thoát, và người con trai út được thả ra vì không cứ chứng cứ dính líu rồi sau biệt tăm tích luôn.
Chỉ còn chồng bà ở lại trong cái cơ ngơi lồng lộng đó. Có lẽ khuôn mặt cả đời ngơ ngác đủ để bên điều tra không thèm hỏi đến ông.
Có một chuyện về anh con trai bị tử hình. Ngày thi hành án, ngoài anh còn có một đồng chí khác không biết phạm tội gì. Súng nổ xong thì chỉ còn hai nấm đất vùi nông trên pháp trường. Gia đình tan nát cả nên mãi hàng tháng sau khi sóng êm bể lặng, người nhà mới thuê người vô đó làm lễ táng tại chỗ và xây mộ cho anh. Nhưng phải đến cả mấy năm sau, nhà anh mới biết rằng mình xây nhầm mộ.
Số là gia đình đồng chí ra đi cùng ngày với anh nghèo kiết nên mới nghĩ ra mưu mẹo. Lúc vào nhận mộ sớm, họ tráo bài vị chỉ danh hai mộ đi, để con mình được nhà anh xây cho mồ yên mả đẹp. Còn anh nằm đó mấy năm trời không ai biết. Cho đến khi em gái anh mãn hạn tù sớm, ra mộ anh trai thắp nhang thì tối về mơ thấy anh kêu lạnh kêu đói.
Em gái anh đi gọi hồn mới hay mọi chuyện, tìm đến gia đình kia thì cũng tan tác heo may từ bao giờ rồi, không còn chứng cớ gì để làm tỏ tường chân tướng nữa. Chị ấy đành thuê người xây mộ cho anh, chị bảo khi đào lên chỉ còn lại cốt, nhưng chị vẫn nhận ra anh bởi hai cái răng vàng, hồi đó không mấy ai có tiền đi làm răng như thế.
Riêng người con trai cả trốn thoát, sau này trở thành trùm sò trong thế giới ngầm Đông Dương, đích thân Interpol phát lệnh truy nã. Trong trí nhớ của em, người này rất bặt thiệp, khéo léo và hào hoa phong nhã. Hồi đó mỗi khi ghé quán tạp hoá nhà em mua gì, anh đều nói nhỏ nhẹ, cầm tiền vuốt phẳng phiu rồi mới đưa trả. Không bao giờ quên chào người già, cười đùa với trẻ con, ăn mặc lịch sự dù đông hay hè.
Khi em học đại học thì báo đưa tin anh này bị bắt trên đường từ Lào về Việt Nam với một thân phận mới. Một tháng sau lại thấy đưa tin anh đã chết trong trại tạm giam do ngộ độc thực phẩm. Mọi người đồn cô em gái được mãn hạn tù sớm chỉ là miếng mồi nhử cho anh lộ diện. Còn anh cũng chỉ là miếng mồi cho một thế lực nào đó cao hơn, mà khi họ không cần anh nữa thì dù là trùm Đông Dương cũng có thể chết một cách vô cùng lãng nhách nhưng không kém phần thuyết phục.
Vậy là như mọi bộ phim truyền hình Việt Nam khác, cảnh sát luôn chiến thắng mọi thể loại tội phạm và đem lại bình yên cho dân tộc (haizz). Em chỉ muốn kể nốt về thành viên còn lại trong gia đình đó.
Ông sống một mình như cái bóng, mỗi ngày cuối buổi chiều thì có một cô giúp việc đến dọn dẹp cơm nước. Bố em khá thân với ông, vì cả hai đều là thành viên hội mê mũ bê-rê, một ngày một bi thuốc lào hai ly rượu trắng.
Ông không buồn chẳng vui, lúc nào cũng chậm rãi. Trước nhà có cây xoài và nhãn rất to nên ông hay hái trái cho bọn con nít, riêng em không hiểu sao không bao giờ dám ăn xoài nhãn của cây đó, vì có một lần ăn vào, đêm đó em bị một cơn mộng mị khủng khiếp. Em thấy trong bóng đêm, những con chim trên cây đó giãy lên rồi đâm đầu xuống đất chết, rơi lả tả kín mặt đường. Còn hai cái cây thì rung bần bật như sắp bay lên khỏi mặt đất, làm nghiêng đổ căn nhà. Rồi từng con chim đứng dậy, to dần lên thành những hình thù kì dị đi thẳng xuống cái hố đem ngòm vừa nứt ra dưới chân nhà đó.
Buổi chiều một ngày sau giấc mơ, em đi tập xe đạp cùng mấy đứa bạn. Loại xe đạp nữ yên cao thời xưa, mông con nít không chạm tới yên nên cứ đạp lập bập hai cái pê-đan chứ không đạp đều thành từng vòng được. Đến trước nhà ông là đường cụt nên em đánh tay lái. Mới ti toe mà đòi điệu nghệ nên em bị ghi-đông xe thúc một phát thẳng vào bụng, ngất ngay tại chỗ.
Mọi người kể ông đứng trên lầu nhìn xuống thấy nên bế về nhà em. Xoa dầu xoa gió mãi em vẫn xanh ngắt nên chuẩn bị đưa vào viện thì ông bảo không sao đâu, tí nó tỉnh, rồi ông đi về. Chốc sau em tỉnh thật, như không hề có chuyện gì xảy ra. Nhưng không hiểu sao từ lúc đó em không bao giờ dám đứng trước nhà ông nữa, cứ luôn có cảm giác trên đầu có gì đó không an toàn.
Cô giúp việc cũng đến thưa thớt hơn, rút xuống chỉ còn một tuần một lần. Ai cũng thắc mắc vì ông càng lúc càng già yếu, lẽ ra càng cần người trông nom chăm sóc.
Sau này cô ấy kể, lúc mới nhận việc chiều nào cô cũng ghé dọn dẹp căn nhà, nấu đồ ăn đủ cho ông ăn nguyên tối hôm đó và ngày hôm sau. Cô còn có thói quen quét lá cây sạch bóng, thói quen này bắt nguồn từ thời cô còn đi quét sân cho nhà chùa. Sư cụ nói với cô mỗi ngọn lá đều có thể có linh hồn nương náu. Những linh hồn đó không nhận ra lẽ vô thường rằng lá rồi cũng rụng, cây rồi cũng chết, bám chấp vào chút tươi xanh của trần gian cũng không thay đổi được thực tế rằng họ không thuộc về nơi này nữa. Nên cứ thấy lá rụng là cô lại nghĩ có một linh hồn nào đó mới thoát ra, thấy sợ sợ.
Tuy nhiên cứ đến hôm sau cô quay lại thì nhà cửa đã đầy vết đất cát, có cả trên bậc thang và tầng cao. Lá lại rụng đầy sân như trút dù hôm qua thấy cây vẫn tươi xanh. Riêng thức ăn thì ông đem đổ gần hết, nhìn chỗ thức ăn trong thùng rác có thể thấy hầu như ông không ăn gì mấy. Chị ấy than thở thì ông không nói gì, chỉ tăng thêm tiền công lau dọn.
Dịp đó chị ấy xin nghỉ mấy ngày về quê. Lúc lên có chút quà nên chị ghé nhà ông buổi sáng, lúc đó tầm 7h, để biếu cho tươi mới. Vào phòng thì thấy ông ngồi ngả đầu bên cửa sổ, đã ra đi từ bao giờ, bên cạnh là bát mỳ tôm trương phềnh nguội ngắt. Chị bảo nhìn người chết chị không sợ, vì ông cũng được coi như người thân của chị, nhưng nhìn căn nhà thì chị sợ. Mới có mấy ngày mà nó như một căn nhà hoang bẩn thỉu, không khí lạnh băng.
Ông chết khi tất cả con cái còn ở trong tù hoặc trốn đi biệt xứ. Chị giúp việc bảo ông đã trả đủ tiền cho chị để coi sóc căn nhà cho đến khi con gái ông được thả về.
Thời gian trôi qua, em không còn sợ căn nhà đó nữa. Xóm em rộ lên trò cầu lông. Em đi học xa về cũng tham gia chơi với mấy đứa nhỏ. Không địa điểm nào tuyệt vời hơn mặt đường trước nhà ông và cơ quan thuỷ nông, vừa rộng rãi ít người qua lại, vừa kín gió vì nhà cao che khuất.
Một buổi chạng vạng gần 6h, sau khi đánh đấm tưng bừng, cả bọn kéo nhau về. Một đứa trong bọn thách nhau trèo vào căn nhà đó ăn trộm xoài. Em thì đến tuổi biết tôn trọng pháp luật rồi nên không tham gia. Tuy nhiên chỉ em đủ cao để làm tòng phạm cõng bọn nó trèo qua tường nên em cũng mắt nhắm mắt mở ra tay nghĩa hiệp.
Đúng lúc cao trào hì hục đỡ đỡ trèo trèo thì bộp bộp. Bốn năm quả xoài chín trên cây rụng xuống ngay đầu em với thằng nhóc đó làm cả bọn hoảng quá chạy bán xới. Còn mình em đứng lại vì phải cúi nhặt bộ vợt mới mua. Thực sự lúc đó em không sợ lắm, vì dù sao cũng lớn rồi. Nhân tiện em nhặt mấy quả xoài rụng ném lại qua bờ tường vì nếu để đó xe đi qua cán phải rất dơ. Đúng lúc ngẩng lên em thấy một người đang đứng trên bao lơn căn nhà đó nhìn xuống.
Người đó đứng bất động. Thứ duy nhất khiến em phân biệt được hình dáng đó với bóng chiều nhập nhoạng là vật ở đỉnh đầu: cái mũ bê rê quen thuộc. Em lầm rầm xin ông đừng quở trách bọn em bầy hầy, rồi cắm mặt đi về nhà, không dám quay đầu lại.
Tối đó em thấy trong người vô cùng khó chịu, bứt rứt không yên. Lại cái cảm giác như ngày còn bé, tai lùng bùng những tiếng xì xào không rõ lời. Thậm chí em không dám chợp mắt vì biết thế nào cũng mơ thấy ác mộng. Nếu mấy quả xoài đó không rụng, chắc đã không có đoạn em ngước nhìn lên. Mà em thì luôn cố né tránh những điều không muốn thấy.
Sáng hôm sau em mới biết, ngày hôm qua chính là ngày giỗ của ông. Ngày giỗ ấy, nguyên cả xóm chỉ mình bố em còn nhớ.