Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
Giữa mùa mưa năm 1982, chúng tôi có một đợt bổ sung quân lớn. Đợt bổ sung quân này lấy lính từ miền Tây, quân khu 9. Đất miền Tây dễ sống nên lính miền Tây hay trốn... Lính miền Tây trốn rất dữ, qua Campuchia 10 em, cuối cùng chắc chỉ còn lại 7 em, còn 3 em chém vè về nước đủ cách: trốn trên đường chuyển quân, trên đường hành quân ra mặt trận, thậm chí vào tới tuyến đầu rồi... vẫn trốn.

Tiểu đoàn tôi phân công người đi đón tân binh tới cấp trung đội, tức là mỗi trung đội có một anh tham gia đi nhận quân. Chúng tôi đi Sisophon đón quân cẩn thận như vậy, đưa vào tới tận Tà-cuông Krao an toàn rồi, cho các em ngũ đêm tại đó, vậy mà sáng hôm sau lại có thêm một số em tự động rời bỏ chúng tôi... không một lời từ giả.

Tôi có một chuyện ở Tà-cuông xin nói luôn ra đây cho đủ bộ: Chúng tôi đi nhận quân, cấp trên trực tiếp của chúng tôi thì có anh Nông Tiến Dũng (trung đội trưởng lúc tôi mới vào đơn vị, nay anh quyền đại đội trưởng). Đêm đó tại Tà-cuông, anh rủ tôi nằm võng nói chuyện, tôi căng võng nằm bên cạnh anh... anh không dông dài gì cả, anh kêu tôi ở lại để chi bộ kết nạp Đảng cho tôi. Tôi thành thật trả lời anh là tôi cám ơn anh, nhưng thôi, tôi muốn ra quân, tôi muốn trở về Việt Nam.

Là người dân tộc chân chất, anh không nói gì thêm và tôi cũng vậy! Về Việt Nam là niềm mong muốn tột cùng cháy bỏng trong tâm khảm mỗi người lính chúng tôi, thực lòng anh cũng như tôi, ai cũng muốn về Việt Nam cả! Anh thông cảm với tôi và không muốn lôi kéo tôi chi thêm vướng bận ở cái đất nước... không phải của mình này.

Tôi lúc đó thực sự muốn trở về Việt Nam, luật 3 năm nghĩa vụ quân sự đã có, tôi đã dư thời gian phục vụ trong quân đội, còn chần chừ gì nửa mà không về? Tôi thực sự thương yêu và tự hào với màu áo lính, tôi thích làm sĩ quan quân đội vì bản chất con người tôi luôn luôn muốn ngoi lên phía trước, không bao giờ muốn dừng chân tại chổ. Nhưng tôi không thể đánh đổi tất cả những cái đó bằng mạng sống của mình, nhất là tôi đang nhớ nhà, kinh khủng... vì các đồng đội nhập ngũ 77, 78 đã và đang lần lượt phục viên trở về địa phương.

Tôi đã ba lần bị địch bắn vào người mà không chết, lần thứ nhất bị trúng một trái cối, lần thứ hai trên đường đi lấy nước gần Phnom Melai bị Pôn Pốt bắn cho một loạt đạn, lần thứ ba bị một viên đạn bắn tỉa tại Công-xi-lốp. Bất quá tam, đối diện tử thần ba lần như vậy là đủ rồi, xin giã từ vũ khí...

Thực ra nguyên nhân sâu xa khiến tôi giã từ vũ khí không phải vì ba lần chết hụt đó! Mà thú thật, cái tôi sợ nhất là mìn! Nếu đánh trận tay đôi, thời điểm đó đám tàn quân Pôn Pốt không làm chúng tôi sợ, nhưng còn mìn thì miễn bàn, nó giết người từ tốn, nhưng tốn hoài, chịu sao cho thấu? Nhớ tới cái trận tôi chỉ huy trung đội đi đầu hàng quân, tận mắt chứng kiến cảnh trung đội trinh sát ba lần tiến lên, ba lần đạp mìn, hy sinh đến anh trinh sát cuối cùng thì quá đáng lắm rồi! Tôi không muốn hy sinh như vậy!

Sau này ra quân, đi làm kiếm tiền vất vả, tôi vẫn thường nhớ tới thời kỳ đi lính tuy gian khổ nhưng oai hùng của mình, tung hoành ngang dọc khắp chiến trường, đánh đuổi Pôn Pốt chạy cùng trời cuối đất, được chỉ huy và đồng đội tin cậy, được nhân dân nước bạn thương yêu và đùm bọc...

Nếu địa điểm tôi và anh Dũng nằm võng tâm sự trong cái đêm nhận quân đó xãy ra tại Việt Nam thì chắc chắn tôi sẽ ở lại để vào Đảng và tất nhiên sẽ được thăng chức, thăng quân hàm sĩ quan phục vụ lâu dài trong quân đội theo như đề bạt của đồng chí chỉ huy trực tiếp của mình, người anh em - đồng chí - đồng đội của tôi từ lúc tôi chân ướt, chân ráo bước chân vào đơn vị.


Lính miền Tây về bổ sung cho đơn vị tuy hao hụt, dù dọt dọc đường vậy chứ vẫn còn đông. Trung đội tôi nhận được tới 6, 7 em. Nâng quân số trung đội lên trên 15 người. Người đông thế mạnh, chúng tôi đóng thêm bàn ghế ngồi ăn uống đàng hoàng, hàng ngày phân công anh em vào rừng đốn măng mang về cải thiện. Lính miền Tây sành việc ruộng đồng, đi rừng đốn măng mỗi ngày mấy ba lô, luộc ăn không hết, chúng tôi ngâm chua để dành...

Những người lính mới bổ sung đợt này do đã được tự động sàng lọc, anh nào không chấp nhận gian nan nguy hiểm thì đã trốn chạy, anh nào xác định tốt tư tưởng ở lại quân đội thì nhiệt tình công tác, hòa đồng mau, ý thức tự giác tốt. Làm chỉ huy cũng... khỏe, không phải hầm hừ kiểm điểm lẩn nhau.

Cuối tháng 9/1982 tôi được phát lý lịch kê khai để làm thủ tục ra quân, sau đó tôi được ở lại Tà-cuông Krao chờ ngày về. Anh em tiểu đoàn 3 ở Năm-sắp lại được điều động lên phía trước tham gia với công binh đi ngăn suối đắp đập chứa nước dự trữ mùa khô.

Anh em hành quân lên phía trên, mùa khô thiếu nước, tôi để cả cái bi đông nước nhiều kỷ niệm lại cho anh em, không còn lại gì ngoài chăn màn trong ba lô và hai bộ đồ dính da, võng cũng đã bỏ vì mục rách.

Tôi tay không qua Campuchia và cũng tay không trở về Việt Nam, đó là hình ảnh chung nhất của những người lính tình nguyện Việt Nam trở về sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.
 
Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
Hồi thứ 23: VỀ TỔ QUỐC
Ngày 10/10/1982 cầm quyết định phục viên trong tay, chúng tôi những người lính trung đoàn 4 ra quân cùng đợt hăm hở tiến ra ngã ba Cốp-tút chờ xe của trung đoàn đưa trở về Sisophon.

Chúng tôi ngủ một đêm ở Sisophon nghe lính tráng tụ tập nhậu nhẹt ca hát ì xèo suốt đêm, đến sáng sớm được xe tải đưa về hồ Ba-rai ở Xiêm Riệp giáp biển hồ. Chổ này gần chợ Xiêm Riệp, sáng hôm sau tôi đi chợ Xiêm Riệp chơi, mua một xấp vải quần tây và vài cục xà bông tắm. Ra khỏi chợ thì thấy anh em ngồi xe lôi kéo nhau đi thăm đền Ăng-co, tôi chạy theo nhưng anh em xua tay: Đông quá rồi, xe chạy không nổi!

Quả thật là đông, không còn chổ nhét. Tôi cũng không cố nhảy lên xe vì trong tay bận cầm xấp vải và mấy cục xà bông.

Về đến nhà tôi vẫn còn thấy tiếc bởi hụt chuyến đi vừa rồi, luẩn quẩn ở trạm giao liên chờ đón mấy người bạn đi chơi trở về. Tới xế chiều anh em về kể chuyện đi chơi Ăng-co, tôi đã tiếc lại càng thấy tiếc!

Vậy là 4 năm ở Campuchia tôi chưa từng được đi thăm đền Ăng-co lần nào!

Đợi ở hồ Ba-rai ít ngày để chờ tàu, tôi nóng ruột về Việt Nam nên chẳng thiết tha đi dạo chơi thăm thú cảnh vật quanh vùng, chỉ biết chắc rằng nơi đây thuộc phạm vi Ăng-co rồi. Bấy giờ đang là thời chiến, lính Pốt vẫn còn ẩn náo đâu đây chờ dịp ra tay đánh lén, do đó chúng tôi được khuyến cáo là không được đi đâu xa. Đường bộ từ Xiêm Riệp về Việt Nam thỉnh thoảng lại bị phục kích nên chúng tôi được đưa về bằng đường sông cho an toàn.

Rồi cũng đến ngày xuống tàu về Việt Nam, chúng tôi đi trên tàu Hải quân có trang bị pháo cao xạ ở nóc ca bin tàu, tàu tăng tốc ra khơi, chúng tôi đang đi giữa biển hồ. Cuối mùa mưa mặt nước hồ rộng như biển, bởi vậy dân mình mới gọi nó là biển hồ, chúng tôi ngoài khơi, nhìn thấy bờ bến mịt mùng, mông lung. Mãi đến quá trưa tàu mới vào sông Tôn-lê-sap, đến chiều mới đến trạm giao liên nằm bên bờ sông Tôn-lê-sáp gần thành phố Phnôm Pênh.

Sáng hôm sau, từ Phnôm Pênh chúng tôi được xe ca quân đội đưa về tới ngã tư Bảy Hiền thì trời đã tối, anh em tự động rã ra, ai về nhà nấy. Tôi đi xe lam về tới chợ Bà Chiểu, xuống xe lội bộ về nhà.

Về đến nhà cô em gái út nhận không ra kêu: Má ơi có chú bộ đội vào nhà, khi tôi đi bộ đội em mới 4 tuổi, nay lên 8 hoàn toàn không nhớ mặt tôi.
 
Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
Hồi thứ 24: LỜI KẾT
Những năm đó, lính Việt Nam đi đánh trận Campuchia trở về rất hụt hẩng, cảm thấy tự ti mặc cảm hơn là danh dự tự hào, cảm nhận rõ ràng là mình bị tụt hậu, bị những thanh niên cùng trang lứa qua mặt vì... mình ít học, không có chuyên môn nghiệp vụ.

Cuộc sống thường dân sau những ngày mặc áo lính không đơn giản, thời gian đầu chúng tôi thường xuyên qua lại thăm viếng lẩn nhau, thông cảm với những khó khăn đời thường của nhau: anh làm bảo vệ, anh lao động chân tay, có anh ngồi vĩa hè bán... trà đá.

Tôi học hành dang dở, nay lại phấn đấu ngoi lên bằng con đường học vấn. Vừa làm vừa học, lấy bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 xong, tôi ghi danh học trường đại học kinh tế lớp đêm, rồi lấy bằng cử nhân kinh tế. Rồi đi lên bằng con đường sản xuất kinh doanh, làm ăn tuy kiếm được nhiều tiền nhưng tôi luôn luôn bức bối, cảm thấy mình bị làm khó dễ từ những quan chức nho nhỏ, công lao chẳng là gì so với những người lính đổ xương đổ máu trên chiến trường!

Những ký ức về khoảng thời gian nằm trên thảm hoa ngắm trời xanh, mây trắng ở chốn rừng xanh heo hút gần cái phum Prê-ao vắng lặng luôn luôn là kỹ niệm đẹp... Luôn luôn thôi thúc tôi trở về với thiên nhiên, nơi cội nguồn gốc rể con người, nó làm tôi quyết định về vườn khi tuổi còn trẻ, nhưng tâm hồn thì hình như đang già cổi đi không sao cải thiện được!

Một thời gian khá lâu sau khi ra quân, các người lính chúng tôi từ từ tụ hội lại, gặp nhau một năm hai lần thông qua ban liên lạc cựu chiến binh trung đoàn 4. Cuối tháng tư hàng năm, chúng tôi vẫn thường xuyên vào nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh viếng thăm đồng đội, thắp hương tưởng niệm các anh em đã hy sinh vì nghĩa lớn. Nhìn hàng hàng lớp lớp nấm mồ qui tụ lại thành từng nhóm 6 cái , chúng tôi vẫn thường gọi vui là 6 em một mâm, như mâm cơm ngày nào trong trường huấn luyện.

Nghĩa trang liệt sĩ thành phố không phân biệt già trẻ, chỉ phân chia theo quê quán của người lính. Do đó các thế hệ liệt sĩ chống Pháp, chống Mỹ, chiến trường Tây Nam nằm xen kẻ nhau một cách tự nhiên và hợp lý, bởi nếu không có thế hệ đi trước nhiều kinh nghiệm kềm cặp thế hệ đi sau trẻ khỏe thì chúng ta dựa vào đâu để đánh thắng kẻ thù?

Kẻ thù của chúng ta còn đó, ngoài biển... Đang rất hung hăng và ngạo mạn!

Tại sao ta không cài thế để chống đở lại kẻ thù ngoài biển, chúng ta có hiệp hội các nước Đông Nam Á, có các kẻ thù của kẻ thù sẳn sàng tiếp sức ta đương đầu kẻ địch.

Cái anh ba Đại Hán hung hăng đòi mở rộng lãnh thổ ra Nam Hải đang làm anh hai chướng mắt, anh cao bồi vùng Viễn Tây cũng bực bội vì bị cản trở đường lui tới biển Đông của anh.

Trên bàn cờ biển Đông, cái cách hùng hục đưa tốt qua sông như anh ba đang làm, chỉ tổ khiến người ta ghét thôi!

Chuyện binh đao không phải của riêng mình... các vua Trần đã hoàn toàn có lý khi triệu tập hội nghị Diên Hồng hỏi các bô lão và ba quân tướng sĩ: Giặc đến nhà nên hoà hay chiến?

Để bày tỏ lòng yêu nước và ý chí hào hùng của cả dân tộc, ông cha ta kể lại câu chuyện cậu bé Trần Quốc Toản 16 tuổi bóp nát trái cam trong tay thề: Phá cường địch báo hoàng ân.

Trong 3 lần đối đầu đó, quân ta đều thắng và câu chuyện: Người lính già đầu bạc, nhắc mãi chuyện Nguyên phong... Luôn luôn làm chúng ta cảm thấy tự hào. Theo tôi, nếu cần thiết thì chúng ta cũng nên dựng tượng tôn thờ hình tượng người lính già đầu bạc để nâng cao lòng yêu nước, ý chí tự hào dân tộc. Nếu cứ ép người quá đáng như thế này thì chúng ta phải làm một cái gì đó để phản kháng chứ?

Mục đích tôi viết lên những mẫu chuyện này nhằm ôn lại một thời ngang dọc của quân tình nguyện Việt Nam trên khắp đất nước Campuchia, từ Nam lên Bắc, từ Đông sang Tây để đuổi tận, giết tuyệt một chế độ diệt chủng kinh hoàng đã biến cả nước Campuchia thành một địa ngục trần gian giai đoạn 1975-1979. Khi tôi viết chuyện, hình ảnh những anh em, đồng chí, đồng đội đã hy sinh lần lượt trôi qua trước mắt tôi, như tiếp sức, như nhắn nhủ một điều gì? Xin tặng những trang viết này cho các anh thay lời tưởng niệm.

Tôi còn chứng kiến, còn tiếp xúc, còn mang vác nhiều thân xác liệt sĩ nửa, nhiều lắm, không kịp biết tên vì chỉ tình cờ gặp nhau trên chiến trận... Cho tôi giành một phút để nhớ đến anh, một anh lính trinh sát trung đoàn đã giãy chết trong cáng thương trên vai tôi (và anh Thạch) trên con đường mòn Cao Mê Lai hiểm ác những năm 1980.

Tôi viết tập hồi ký này tuy chân thật và cảm động nhưng chắc là không hay, vì tôi không phải là nhà văn, thậm chí chưa từng qua một khóa huấn luyện sơ cấp nào về cách viết... Tuy nhiên giống như trong một buổi tọa đàm, phải có người phát biểu trước để mở màn câu chuyện. Hy vọng sau phát pháo đầu thô kệch này sẽ nổ ra những câu chuyện hay hơn về một thời chinh chiến, một thời máu đổ từ giữa cuối những năm 1970 và kết thúc bằng hoa vào cuối những năm 1980 khi toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia rút về nước.

Đọc xong quyển hồi ký này, thế nào cũng có bạn đặt câu hỏi tại sao tôi chỉ đề cập đến những hy sinh, mất mát, sao không nói đến những thắng lợi, dễ làm mất nhuệ khí quân mình. Xin thưa, tôi không có số liệu thống kê, tôi không có thời gian đếm xác kẻ thù... Có những trận đánh trên đường biên giới, chúng tôi đánh nhanh, thắng to, rút gọn nhưng thường thì chúng tôi không được tham gia thu dọn chiến trường mà phải dàn quân chốt chặn đề phòng địch phản kích... Đó là nhiệm vụ người lính, là kỹ luật chiến trường, nếu anh nào cũng nhào vô đếm xác chết, thu đồ cổ, địch phản kích thì chắc chắn vỡ trận.

Đối với người lính, những trận đánh nhiều hy sinh, gian khổ thường làm chúng tôi nhớ sâu sắc, còn những trận thắng, nhất là những trận đánh thắng quá nhanh, nhiều khi chúng tôi không kịp đưa vào bộ nhớ và cho nó qua luôn. Lính mà, hình như không biết kể công mà thường là kể khổ.

Cuộc chiến đã đi qua ít nhất là 20 năm đối với những cựu chiến binh thời kỳ ấy, đây cũng là thời gian tích lũy cần thiết để một anh thanh niên trở thành một người tri thiên mệnh. Cùng với thời gian, những tích lũy về văn hóa, về kinh nghiệm sống và nhất là với những trăn trở chín muồi về một cuộc chiến đã đi qua, tôi tin rằng rồi đây sẽ có nhiều tác phẩm hay viết về đề tài này.
Giữa mùa mưa 2009
Thượng sĩ Hùng
 
Hạng D
26/5/12
4.117
123
48
enh_uong nói:
Cũng ngã ba con voi hình như phần 3 có chuyện của bác Đức Thảo bên Công an vũ trang đọc mới khốc liệt.
để em chạy kiếm coi
 
4x6 confirmed
Hạng D
2/9/08
2.185
1.703
113
Chào bác chủ!
Mình lính Qk9, qua K. 1 đêm 12.1978, dzìa nước 10.1982, lính bộ binh rặt, xin được chào đồng đội...