Trung Quốc: Kho vũ khí nguyên tử dưới biển và chiến lược pháo đài
Hải Vy | 02/11/2015 19:34
51
Tàu ngầm Trung Quốc
Chia sẻ:
Đặt câu hỏi
ĐỌC NHIỀU NHẤT
Theo nhà phân tích Robert Farley, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược “pháo đài” mà Liên Xô sử dụng khi triển khai tàu ngầm hạt nhân trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Nhà phân tích Robert Farley có bài viết đặt vấn đề:
Mỹ có nên lo ngại kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc dưới biển?
Dưới đây là nhận định của ông Farley:
Vào cuối năm nay, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) của Trung Quốc có thể sẽ tiến hành các đợt tuần tra răn đe đầu tiên. Điều này sẽ thay đổi cán cân sức mạnh ở Thái Bình Dương như thế nào?
Các chương trình tàu ngầm hạt nhân
Trung Quốc hoàn thiện chiếc SSBN đầu tiên, tàu ngầm Type 092 lớp Xia, vào năm 1981. Nhưng mãi đến năm 1987, con tàu mới được đưa vào biên chế và theo nhiều nguồn tin, nó chưa từng thực hiện chuyến tuần tra răn đe nào.
Type 092 tiêu biểu cho thành tựu trong ngành công nghiệp chế tạo tàu ngầm còn hạn chế của Trung Quốc nhưng chưa hình thành được năng lực răn đe hiệu quả.
(Có nhiều đồn đoán rằng Trung Quốc từng chế tạo thêm một chiếc tàu ngầm khác cùng lớp này nhưng tới nay chỉ còn 1 chiếc hoạt động).
Lính hải quân Trung Quốc trên tàu ngầm hạt nhân Type 092 (lớp Xia).
Trong khi đó, tàu ngầm Type 094 – thành quả thứ 2 của Trung Quốc – tỏ ra hiệu quả hơn nhiều.
Type 094 có lượng giãn nước khoảng 11.000 tấn khi lặn và mang theo 12 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) JL-2, với khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn xa 7.500km.
Có nhiều thông tin về khả năng mang đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV) của JL-2, song, với những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực này thì nhiều khả năng trong tương lai, các tàu ngầm hiện tại và sau này của Trung Quốc sẽ đều trang bị đầu đạn MIRV.
Cho tới nay, Trung Quốc đã đóng khoảng 4 tàu ngầm Type 094, đây là lực lượng tối thiểu cần thiết để tiến hành các đợt tuần tra răn đe liên tục.
Thế hệ tàu ngầm tiếp theo là Type 096 lớp Tang. Có nhiều thông tin khác nhau về thông số thiết kế và thời điểm triển khai dự kiến của lớp tàu ngầm này.
Tuy nhiên, chắc chắn nó sẽ có kích cỡ lớn hơn, hoạt động êm ái hơn và có thể mang nhiều tên lửa hơn (các tên lửa này sẽ có khả năng mang nhiều đầu đạn hơn).
Type 096 dự kiến sẽ trang bị tới 24 tên lửa SLBM JL-3, với tầm bắn 10.000km. Nếu được triển khai thích hợp, bất cứ chiếc nào trong số những tàu ngầm hiện đại hơn này cũng có thể tấn công Mỹ bằng tên lửa hạt nhân.
Type 096 có thể tấn công Mỹ từ những vị trí an toàn gần bờ biển Trung Quốc.
Hiện nay, Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc sẽ đóng tổng cộng 8 SSBN loại này, mang lại cho Hải quân Trung Quốc (PLAN) khả năng duy trì nhiều tàu ngầm để thực hiện tuần tra liên tục.
Song, điều đó đa phần vẫn phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có thay đổi lập trường từ một lực lượng răn đe tối thiểu sang theo đuổi năng lực tấn công hạt nhân thứ 2 hay không.
Chiến lược "pháo đài"
Trên thực tế, tàu ngầm Type 092 đã không còn khả năng triển khai. PLAN đang tiến hành các đợt huấn luyện tăng cường với tàu ngầm Type 094, có lẽ là nhằm chuẩn bị cho các chuyến tuần tra răn đe đầu tiên.
PLAN đã cho xây dựng cơ sở hạ tầng mở rộng để duy trì hoạt động những con tàu này.
Tuy nhiên, Type 094 vẫn chưa thể hoạt động động lập trong tình huống xung đột cường độ cao.
Lớp tàu này được cho là còn ồn ào hơn những chiếc SSBN từ những năm 1970, dưới thời Liên Xô, khiến chúng trở thành “mồi ngon” cho các tàu ngầm tấn công của Mỹ.
Vì bất lợi này, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược “pháo đài” mà Liên Xô từng sử dụng khi triển khai SSBN trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Hình ảnh được cho là 3 chiếc tàu ngầm Type 094 của Trung Quốc neo đậu tại căn cứ quân sự ở vịnh Á Long.
Liên Xô dùng chiến lược pháo đài do lo ngại khả năng sống sót của lực lượng SSBN và để phòng một cuộc tấn công phủ đầu từ Mỹ.
Các tàu ngầm Trung Quốc hiện vẫn có khả năng sống sót thấp hơn so với các tàu ngầm Liên Xô thời cuối Chiến tranh Lạnh và nước này dễ chịu tổn thất hơn so với Liên Xô trong trường hợp bị tấn công trước.
Bởi vậy, chiến lược pháo đài có thể là một lựa chọn hợp lý nhưng PLAN cần phải tăng tốc phát triển năng lực tác chiến chống ngầm để tạo ra mối đe dọa thực sự đối với các tàu ngầm tấn công của Mỹ.
Mặt khác, tiếng ồn của các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc có thể khiến chúng trở thành "con mồi" dễ xơi cho các tàu ngầm tấn công của Mỹ khi "đi săn".
Năng lực răn đe hạt nhân không vững chắc không thể đảm bảo sự ổn định trong tình huống khủng hoảng.
Như 2 nhà phân tích Brendan Thomas-Noone và Rory Medcalf từng đề cập, các SSBN ồn ào là những mục tiêu đầy hấp dẫn đối với các tàu ngầm tấn công hạt nhân.
Trong trường hợp chiến tranh, Mỹ (hoặc Nhật Bản, hoặc Ấn Độ) có thể phát huy lợi thế này bằng cách dồn lực tiêu diệt các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.
Điều này cũng chính là chiến lược mà Mỹ đã hình dung trong những năm 1970 và 1980, đó là tấn công “các pháo đài” mà các SSBN của Liên Xô đang tuần tra bên trong.
Mặc dù ý tưởng đánh chìm các SSBN có vẻ hấp dẫn nhưng chiến dịch như vậy có thể khiến giới lãnh đạo Trung Quốc gia tăng lo ngại về những ý định có tính chất gây leo thang của Mỹ và hình thành tư tưởng liều lĩnh “dùng hay mất” đối với các SSBN.
Nhìn chung, sự mỏng manh dễ vỡ của các SSBN Trung Quốc vừa mang lại cơ hội nhưng cũng gây ra rắc rối cho Mỹ.
Hiệu quả răn đe
Trên thực tế, việc Trung Quốc mở rộng năng lực răn đe hạt nhân của tàu ngầm không ảnh hưởng nhiều đến Mỹ.
Quyết định đầu tư nhiều nguồn lực vào hạm đội SSBN có lẽ xuất phát từ những lo ngại của Trung Quốc trước vị thế đứng đầu của Mỹ về sức mạnh hạt nhân, trong đó, Mỹ có thể tiêu diệt các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc trên bộ.
Tăng cường triển khai tàu ngầm chắc chắn sẽ khiến năng lực tấn công thứ 2 của Trung Quốc có phần bền vững hơn nhưng Mỹ sẽ không liều lĩnh tấn công trước trong bất cứ tình cảnh nào.
Mô hình được cho là của tàu ngầm hạt nhân Type 096 lớp Tang của Trung Quốc.
Như các lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới đã đúc rút, các SSBN có ưu điểm nhưng cũng có nhiều bất cập.
Chúng ngốn nhiều tiền của, cũng như nguồn lực trong mỗi giai đoạn thiết kế, phát triển và mang lại rất ít giá trị hoạt động.
Hải quân Mỹ đã bất đắc dĩ phải xúc tiến chương trình thay thế các tàu ngầm lớp Ohio, dù gây nhiều tranh cãi.
Tại Anh, khả năng thay thế lực lượng tàu ngầm SSBN hiện tại của nước này là vấn đề chính trị chưa thể giải quyết. Ngay cả Nga cũng đang thay thế các tàu ngầm hạt nhân từ thời Chiến tranh Lạnh một cách chậm chạp.
Hơn nữa, chiến lược “pháo đài” khá tốn kém vì chúng đòi hỏi nhiều lực lượng hỗ trợ xung quanh các tàu ngầm hạt nhân.
Nhiều vấn đề thú vị hơn đang xuất hiện khi Trung Quốc tìm cách bắt kịp với Mỹ (và Nga) về công nghệ “tĩnh lặng”.
Nếu các tàu ngầm hạt nhân của PLAN trong trương lai có đủ khả năng tàng hình để hoạt động độc lập thì chiến lược răn đe của Trung Quốc sẽ giống với Mỹ hơn là Liên Xô.
Điều này sẽ vô tình giải phóng các phương tiện tác chiến mặt nước và tác chiến chống ngầm để chúng thực hiện các nhiệm vụ khác.
Trong bất cứ trường hợp nào, việc Trung Quốc tăng cường tàu ngầm hạt nhân sẽ làm phức tạp thêm một chút các vấn đề quản lý leo thang xuất hiện trong trường hợp Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột.
Tương tự như, dù có lúc tụt sau Trung Quốc nhưng sự phát triển của lực lượng SSBN Ấn Độ có thể làm phức tạp thêm các quan điểm chính trị về hạt nhân giữa Ấn Độ - Pakistan.
Tuy nhiên, khả năng cao nhất là các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc sẽ thực hiện nhiệm vụ giống như các tàu ngầm của nước khác, đó là giấu mình dưới biển, đợi chờ một hiệu lệnh mà có thể sẽ không bao giờ được đưa ra.