Tổng thống Putin: Bảo vệ từng tấc đất Bắc Cực trong vòng vây Mỹ-NATO
Nguyễn Ngọc, Tổng hợp
Chủ Nhật, ngày 21/12/2014 - 12:15
Abc Abc
Email Print
ANTĐ - Đứng trước việc Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên đệ đơn lên Liên Hợp Quốc xác định chủ quyền ở Bắc Cực, Moscow tuyên bố, bảo vệ chủ quyền ở khu vực này chính là giữ gìn độc lập chủ quyền của Liên bang Nga.
Bài viết liên quan
Bắc Cực: “Nguồn dự trữ vàng” của nước Nga
Ngày 15-12 vừa qua, Đan Mạch cùng lãnh thổ tự trị Greenland Home của quốc gia này đã đệ đơn lên Ủy ban đáy biển Liên Hợp Quốc xin đăng ký vùng ngoại Cực cách 200 hải lý là khu kinh tế của đất nước này. Theo hồ sơ yêu cầu của Đan Mạch, cả Cực Bắc cũng rơi vào giới hạn thềm lục địa của nước này.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Martin Lidegor, dữ liệu khoa học cho thấy rằng thềm lục địa của Greenland được kết nối trực tiếp với các cấu trúc ở dưới đáy Bắc Băng Dương, điều đó cho phép nước này xác định chủ quyền tới… 900.000 km2 về phía bắc của bờ biển Greenland.
Như vậy là Đan Mạch muốn tuyên bố chủ quyền đối với vùng Bắc Cực có diện tích lớn gấp 21 lần so với diện tích của bản thân đất nước họ. Lần đầu tiên trong thực tế cuộc tranh chấp vì lãnh thổ Bắc Cực, có một trong các nước nêu yêu cầu của mình với cả vùng Cực Bắc.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố, việc dầu thô tụt giá sẽ không hề ảnh hưởng đến các dự án của Nga ở Bắc Cực, doanh nghiệp dầu mỏ nước này sẽ không chùn bước trước điều kiện kinh tế mới eo hẹp, các dự án sẽ được xúc tiến theo đúng tiến độ, dưới sự bảo lãnh của chính phủ.
Hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Bắc Cực hứa hẹn những triển vọng lớn, tiếp tục mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể. Cùng với xu hướng tan băng, "vương quốc đá băng khủng khiếp" như nhà thám hiểm vùng cực người Na Uy Fridtjof Nansen đã gọi, đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư.
Hiện nay, hàng loạt mối quan tâm hàng đầu của Nga đang tập trung ở Bắc Cực. Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, phát triển khu vực Bắc Cực là một yếu tố quan trọng, đảm bảo an ninh năng lượng và kinh tế bởi Nga sở hữu tới 40% lãnh thổ Bắc Cực, tương đương gần một phần năm diện tích Liên bang.
Tuần dương hạm năng lượng hạt nhân Piort Đại Đế và máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga đã hiện diện ở Bắc Cực
Ông Vasily Bogoyavlensky - Phó Giám đốc khoa học Viện nghiên cứu dầu khí Viện Hàn lâm khoa học LB Nga cho biết, nguồn tài nguyên ở khu vực phía Bắc đem lại cho nước Nga hơn 10% thu nhập quốc dân và chiếm gần 1/4 kim ngạch xuất khẩu.
Ông Bogoyavlensky khẳng định, trong tương lai, Bắc Cực sẽ là yếu tố đảm bảo độc lập cho nước Nga, bởi trữ lượng của thềm lục địa Nga ở phía Bắc tương đương khoảng 100 tỷ tấn dầu, trong đó có khoảng 80% là khí đốt. Đây sẽ là nguồn dự trữ năng lượng dồi dào cho Nga trong chiến lược an ninh quốc gia.
Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, hiện khu vực giàu tài nguyên hơn hết là các vùng biển Barents và biển Karsk. Nga đã bắt đầu khai thác thềm lục địa ở Bắc Cực từ năm 2003, còn trên đất liền họ cũng đã triển khai công việc cách đây gần bốn thập kỷ và hoạt động này hiện rất cần được mở rộng.
Ngay từ ngày 2-8-2007, đội khảo sát khoa học Bắc Cực Nga đã hoàn thành chuyến thám hiểm "Bắc Cực-2007". Robot lặn biển sâu của Nga đã lặn thành công xuống đáy biển Bắc Băng Dương ở độ sâu 4.300m, cắm quốc kỳ Nga chế tạo bằng hợp kim titan để khẳng định chủ quyền.
Nga vừa chứng minh trước các tổ chức quốc tế về quyền sở hữu hợp pháp thềm lục địa ngoài khơi phía Bắc, vừa tích cực tiến hành các hoạt động khai thác Bắc Cực. Trữ lượng khoáng sản khổng lồ tại đây vẫn chưa được khám phá hết, kể cả năng lượng.
Bắc Cực sở hữu hầu hết các loại hình tài nguyên nhưng phần lớn nằm ở độ sâu dưới 500 mét. Yếu tố này và điều kiện khí hậu là những trở ngại để tiến hành hoạt động thăm dò trong suốt cả năm. Tuy nhiên, nhiệt độ ấm lên trên toàn cầu đang mở cơ hội mới cho việc khai thác tài nguyên Bắc Băng Dương.
Tàu phá băng và tàu ngầm hạt nhân Mỹ hiện diện trên Bắc Băng Dương
Tranh chấp Bắc Cực hiện nay đang bắt đầu diễn ra quyết liệt mà thực chất là tranh chấp tài nguyên thiên nhiên và quyền kiểm soát tuyến đường hàng hải ở Bắc Băng Dương. Ngoài tài nguyên dầu khí, Bắc Cực cũng đã phát hiện các tài nguyên khoáng sản lớn nhất thế giới như đồng, nickel, plutonium, vàng, bạc, kim cương và nguyên tố hiếm.
Những năm gần đây, 8 nước xung quanh và cũng là thành viên của Hội đồng Bắc Cực gồm Mỹ, Canada, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Nga đều có tham vọng và lần lượt tuyên bố có chủ quyền đối với khu vực Bắc Cực và lân cận - hiện đang là khu vực vô chủ, nằm dưới sự quản lý tạm thời của Hội đồng Bắc Cực.
Do thiếu các chế tài liên quan, không có cơ chế phối hợp quốc tế chặt chẽ, các nước xung quanh Bắc Cực (có 5 nước là thành viên NATO) tích cực tăng cường cạnh tranh chủ quyền Bắc Cực theo hướng quân sự hóa, biến cuộc đua giành chủ quyền ở khu vực này trở nên nóng bỏng và mang màu sắc của “chiến tranh lạnh”.
Đối lập với Nga, ngoài phát triển lực lượng của mình ở Bắc Cực, Mỹ còn lôi kéo các nước đồng minh NATO khác hỗ trợ. Từ năm 2007 đến nay, Mỹ trước sau đã tiến hành diễn tập quân sự với Anh, Pháp, Australia ở Bắc Cực, đồng thời triển khai hợp tác quân sự Bắc Cực với Canada.
Đối với Mỹ, giành lại vị thế thống trị và ảnh hưởng thực tế của Nga ngày càng gia tăng ở Bắc Cực có thể là ngón đòn đánh mạnh vào Nga. Làm được như thế, Mỹ vừa làm giảm đi tầm ảnh hưởng của Nga về năng lượng vừa có thể bảo vệ tốt hơn lãnh thổ và khai thác tối đa tài nguyên ở khu vực này.
Nga đã đưa cả tăng-thiết giáp, rocket nhiều nòng và hệ thống phòng không Pantsir đến trấn thủ Bắc Cực
Vai trò quan trọng về địa-chính trị của Bắc Cực
Các chuyên gia lo ngại rằng giai đoạn phát triển hòa bình Bắc Cực đã kết thúc, và trong tương lai sẽ chỉ gia tăng căng thẳng bởi vùng đất lạnh này chứa khoảng 13% dầu chưa phát hiện của thế giới và 30% lượng khí đốt chưa được khám phá. Và Nga sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn chủ quyền của mình bị xâm phạm.
Ngoài vai trò kinh tế, tầm quan trọng của Bắc Cực về quân sự và địa chiến lược cũng ngày càng tăng. Tiến sĩ khoa học quân sự Konstantin Sivkov, Phó chủ tịch Học viện Địa chính trị Nga cho biết, xét theo quan điểm địa-chính trị, Bắc Cực là có vai trò chiến lược rất quan trọng, là con đường ngắn nhất nối Bắc Mỹ với lục địa Âu-Á.
Đồng thời, Bắc Cực cũng là chặng bay ngắn nhất cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và máy bay ném bom chiến lược. Những phương tiên chiến đấu này của Nga đã hiện diện ở khu vực này, ngoài ra, các tàu ngầm tên lửa của Nga mang vũ khí hạt nhân cũng thường xuyên thực hiện tuần tra vùng biển Bắc Băng Dương.
Khu vực Bắc Băng Dương cũng đã có sự hiện diện của tàu ngầm Mỹ mang tên lửa hành trình, có nhiệm vụ tiềm năng tấn công các chủ thể của Nga. Những khi “bình yên vô sự”, ít nhất có tới hai hoặc ba tàu mỗi ngày. Vào thời điểm căng thẳng, số tàu của Mỹ lên đến 10 chiếc. Vì vậy, cuộc tranh giành Bắc cực có thể sẽ rất căng thẳng.
Thời gian gần đây, Bắc Cực thu hút sự quan tâm của cả các quốc gia ở cách xa bờ Bắc Băng Dương ví dụ như Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần đưa tàu phá băng lớn nhất của nước này là Tuyết Long lên Bắc Cực cắm cờ và có ý định “chia quà” ở khu vực này.
Vì vậy, nước Nga cũng không ngừng hành động bảo vệ lợi ích của mình. Bắt đầu từ ngày 1 tháng 12, bộ tư lệnh chiến lược Bắc Cực của Nga đã triển khai hoạt động trên cơ sở Hạm đội Biển Bắc, lên kế hoạch thường xuyên cho tàu nổi và tàu ngầm di chuyển ở Bắc Băng Dương.
Tàu phá băng lớn nhất Trung Quốc là Tuyết Long cũng đã từng hiện diện ở đây
Ngày 19-12 vừa qua, Đô đốc Vladimir Korolev, Tư lệnh Hạm đội phương Bắc của Nga tuyên bố trước báo giới rằng, công tác triển khai đơn vị thuộc Hạm đội phương Bắc (Nga) trên đảo Đất Alexandra đã gần như hoàn thành, bắt đầu việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên đảo Kotelnyi, quần đảo Novosiberia.
Trên đảo Kotelny đã khôi phục và củng cố căn cứ và sân bay quân sự, sau này sẽ là nơi đồn trú cho các máy bay chiến lược và chiến thuật của Nga thường trực bảo vệ chủ quyền. Nhiệm vụ của cơ sở mới là bảo vệ nguồn tài nguyên dầu khí và bảo đảm an toàn lưu thông vận tải cho tuyến hàng hải phương Bắc.
Đến cuối năm 2014, Moscow đã triển khai lực lượng quân sự ở toàn bộ biên giới vòng cung Bắc Cực dài đến 6.200 km. Nga đã hoàn thành xây dựng 5 trạm radar ở khu vực lãnh lẽo này, triển khai bố trí hệ thống phòng không tích hợp pháo-tên lửa Pantsir ứng phó với vũ khí chính xác cao ở quần đảo Novosibirsk.
Bộ tư lệnh chiến lược Bắc Cực sẽ còn thành lập 2 đơn vị tác chiến mặt đất nhằm vào đặc điểm địa mạo của Bắc Cực. Đơn vị tác chiến mặt đất thứ nhất sẽ triển khai ở điểm cư dân Alakurtti, bang Murmansk, có kế hoạch hoàn thành triển khai vào năm 2015; đơn vị tác chiến mặt đất thứ hai dự kiến năm 2016 triển khai ở khu tự trị Yamal-Nenets.
Ngoài ra, Nga đã triển khai 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey cho Hạm đội Phương Bắc để tăng cường lực lượng tấn công, hiện đang xem xét triển khai tàu ngầm thứ ba. Dựa vào kế hoạch, Nga sẽ triển khai 7 tàu ngầm hạt nhân chiến lược và tàu ngầm hạt nhân tấn công ở đây trong vòng 10 năm tới.
Tư lệnh Korolev còn nhắc rằng, theo quyết định của Tổng thống Putin, Bộ quốc phòng Nga đang xây dựng một Bộ chỉ huy chiến lược Bắc Cực trên cơ sở Bộ chỉ huy chiến lược thống nhất của Hạm đội phương Bắc, có chức năng nhiệm vụ chính là bảo vệ lợi ích quốc gia và an ninh đất nước tại khu vực Bắc Băng Dương.
Lục quân Canada và hải quân Na Uy cũng đã tổ chức diễn tập ở Bắc Cực
Theo ông, Hạm đội phương Bắc đang nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng trên Bắc Băng Dương. Trong quá trình này, sẽ đặc biệt lưu ý đến những yếu tố về hậu cần vật chất kỹ thuật, đảm bảo hoạt động cho các căn cứ của những đơn vị sẽ hoạt động thường trực trên địa bàn Bắc Cực, bao quát toàn bộ biên giới khu vực Bắc Cực, từ thành phố cảng Murmansk đến khu vực Chukotka.
Ông cũng cho biết, Hạm đội phương Bắc đã tiến hành hàng loạt cuộc tập trận chiến thuật kèm theo các yếu tố phòng không, đối phó cụm tàu tấn công ở các mức độ cao nhất. Tất cả các bài tập quân sự đều được thực hiện thành công, đảm bảo yêu cầu hoạt động tác chiến trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất.
Ngoài ra, Tư lệnh Hạm đội cũng cho biết, các hệ thống tên lửa bờ đối hạm được điều động nhận nhiệm vụ bảo vệ bờ biển ở Bắc Cực cũng chứng tỏ khả năng hoạt động tốt ở các trình độ rất cao, thực hành bài tập ngắm bắn và tiêu diệt hoàn toàn các mục tiêu thực tế.
Còn Trung tướng Mezentsev, chủ nhiệm Trung tâm quản lý phòng thủ quốc gia Nga cũng từng tuyên bố, Moscow sẽ xây dựng mạng lưới phòng không-không quân dày đặc bao quát khu vực Bắc Cực với 13 sân bay, 10 trạm radar để tăng cường lực lượng phòng thủ không gian của quân đội Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã ủy nhiệm cho Bộ Quốc phòng Nga thành lập hệ thống chỉ huy thống nhất các căn cứ trên tàu nổi và tàu ngầm ở phần Bắc Cực của Nga. Ông Putin cón đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu “quân đội Nga phải bảo vệ từng tấc đất, tấc biển ở thềm lục địa của nước Nga”.
Trung Quốc thử tên lửa đạn đạo DF-41 lần 3, Mỹ choáng váng
Đặng Vũ, Theo Wantchinatimes
Thứ Hai, ngày 22/12/2014 - 12:18
Abc Abc
Email Print
ANTĐ - Trung Quốc vừa tiến hành thử tên lửa đạn đạo DF-41 lần thứ 3 từ phương tiện chứa nhiều đầu đạn tấn công các mục tiêu độc lập (MIRV) vào hôm 13-12, điều chứng tỏ Bắc Kinh đang đẩy nhanh quá trình tăng cường sức mạnh hạt nhân và sẽ ảnh hưởng tới sự cân bằng sức mạnh chiến lược trong khu vực, trang Washington Free Beacon của Mỹ cho hay.
Bài viết liên quan
Vụ thử tên lửa DF-41 được thực hiện từ một trung tâm thử nghiệm tên lửa và hàng không ở tỉnh Shanxi và các đầu đạn giả đã được bắn về phía tây của Trung Quốc. MIRV có thể mang theo nhiều đầu đạn và tấn công các mục tiêu khác nhau trong cùng một lúc. Số lượng đầu đạn giả được thử nghiệm hiện vẫn chưa được xác định.
Trung tá Jeff Pool, người đại diện của Lầu Năm Góc cho biết: “Chúng tôi mong muốn các đối tác Trung Quốc sẽ minh bạch hoá các hoạt động đầu tư và mục đích quốc phòng, nhằm tránh gây hiểu nhầm".
Tên lửa đạn đạo DF-41
Tên lửa DF-41 có thể sẽ được triển khai ngay vào đầu năm 2015 và tầm hoạt động của nó có thể vươn tới toàn châu Mỹ, theo tài liệu của Uỷ ban Kinh tế và An ninh Trung – Mỹ trích dẫn bởi Washington Free Beacon. Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng tên lửa này để tấn công các thành phố lớn của Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc được cho là sẽ gia tăng đáng kể do sự phát triển của các tên lửa mang được nhiều đầu đạn mới. Hiện tại, Trung Quốc đã triển khai 240 đầu đạn hạt nhân.
Mỹ nên cải thiện hệ thống phòng thủ và hiện đại hoá lực lượng hạt nhân của mình như Trung Quốc đang làm, ông Larry Wortzel, cựu nhân viên tình báo quân sự về các vấn đề Trung Quốc, cho hay. Washington sẽ tự giết chết mình nếu tiếp tục cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân, do Trung Quốc thì đang mập mờ trong kế hoạch phát triển hạt nhân của mình trong khi Nga cũng tuyên bố sẽ hiện đại hoá các chương trình vũ khí hạt nhân và sản xuất nhiều loại tên lửa mới bất chấp Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân tầm trung (INF).
Mỹ hiện đang có khoảng 1.652 đầu đạn hạt nhân chiến lược nhưng đã từ bỏ MIRV kể từ khi tên lửa Minuteman III được nâng cấp.
Teng Jianqun, một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nhận định rằng Mỹ lo sợ bài thử nghiệm phóng DF-41 từ MIRV của Trung Quốc do Washington nghĩ rằng Trung Quốc có thể sẽ thay đổi chính sách hạt nhân và dùng loại tên lửa này tấn công Mỹ nếu xảy ra tranh chấp. Mỹ và Trung Quốc đã kí bản ghi nhớ về sự thấu hiểu và trao đổi thông tin giữa các hoạt động quân sự quy mô lớn.